Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Xơ vữa động mạch: "Sát thủ" dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Hiểu rõ về xơ vữa động mạch sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do tình trạng này gây ra.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-10
Cập nhật ngày 2023-05-16
Nội dung chính
Xơ vữa động mạch là gì?Dấu hiệu, triệu chứngNguyên nhân hình thànhYếu tố nguy cơHậu quả của xơ vữa động mạchPhương pháp phát hiện, chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa

Xơ vữa động mạch là gì?

Vậy xơ vữa động mạch là gì? Ai có nguy cơ gặp phải tình trạng này? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị xơ vữa động mạch? Mời bạn cùng Bowtie giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé.

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là tình trạng xảy ra khi chất béo, canxi, fibrin và các chất thải khác có trong máu tích tụ, tạo thành mảng bám ở thành động mạch. Các mảng bám khiến thành động mạch dày lên và lòng mạch bị thu hẹp, gây cản trở dòng chảy của máu. Đôi khi, các mảng bám này cũng vỡ ra và gây hình thành cục máu đông. Xơ vữa động mạch có thể xuất hiện ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể.

Triệu chứng xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch thường không gây ra triệu chứng rõ rệt cho đến khi lòng mạch bị thu hẹp quá nhiều, làm tắc nghẽn nghiêm trọng dòng máu và khiến các mô, cơ quan không nhận đủ máu. Các triệu chứng xơ vữa động mạch sẽ thay đổi tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng. Một số dấu hiệu cảnh báo động mạch đang bị xơ vữa là:

  • Xơ vữa động mạch cung cấp máu cho tim: Bệnh nhân có thể bị đau thắt ngực, tim đập nhanh, đau tức ngực dữ dội khi vận động, làm việc gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, buồn nôn, nôn, ho khan, khó thở…
  • Xơ vữa động mạch cung cấp máu cho não: Tình trạng này có thể gây tê, yếu đột ngột ở tay hoặc chân, khó nói, nói lắp, mất thị lực tạm thời ở một bên mắt, cơ mặt xệ xuống, đau đầu, suy giảm ý thức… 
  • Xơ vữa động mạch ở tay và chân: Bệnh nhân có thể bị đau tay chân khi cử động, tê ở chân và tay, nghiêm trọng hơn là gặp phải tình trạng chết mô và hoại tử.
  • Xơ vữa động mạch cung cấp máu cho thận: Việc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng thận có thể làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều bệnh thận mạn tính với các triệu chứng như ăn không ngon, khó tập trung, sưng bàn tay và bàn chân…
Triệu chứng xơ vữa động mạch
Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch cung cấp máu cho tim có thể bị đau tức ngực.

Nguyên nhân hình thành mảng xơ vữa

Cho đến nay, nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng này có thể bắt đầu từ những tổn thương ở lớp lót bên trong động mạch do huyết áp cao, cholesterol cao, triglyceride cao, hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, tình trạng kháng insulin, béo phì, viêm…

Một khi động mạch bị tổn thương, tế bào máu và các chất có thể tập trung và tích tụ tại vị trí bị thương tổn. Theo thời gian, chất béo, canxi và các chất thải khác trong máu cũng tích tụ dần, làm thu hẹp lòng mạch và cản trở dòng chảy của máu, từ đó gây xơ vữa động mạch. Các mảng bám này có thể vỡ ra theo thời gian, khi vỡ tạo thành các cục máu đông.

Yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch

Lão hóa là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch. Ngoài ra, một số yếu tố khác dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch của một người:

  • Huyết áp cao
  • Bị rối loạn lipid máu, cholesterol cao
  • Thừa cân, béo phì, không kiểm soát tốt cân nặng
  • Mắc đái tháo đường
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ
  • Có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều đường, đồ ăn dầu mỡ, nước ngọt có ga…
  • Có mức protein phản ứng (CRP) cao
  • Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thường xuyên
  • Ít vận động, không tập thể dục thể thao thường xuyên

Hậu quả của xơ vữa động mạch

Một số biến chứng mà người bị xơ vữa động mạch có thể phải đối mặt là:

  • Đau thắt ngực, suy tim, nhồi máu cơ tim
  • Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua và đột quỵ 
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Phình động mạch
  • Bệnh thận mạn tính

Phương pháp phát hiện, chẩn đoán

Để chẩn đoán, phát hiện xơ vữa động mạch, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp sau:

  • Thăm khám, khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ đường, cholesterol, triglyceride… có trong máu
  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG) có thể giúp bác sĩ xác định xem có tình trạng giảm lưu lượng máu đến tim không
  • Nghiệm pháp gắng sức
  • Siêu âm tim 
  • Siêu âm doppler
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI)
  • Thông tim và chụp mạch máu
  • Chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ mạch máu, chụp cắt lớp phát xạ positron…
Phương pháp phát hiện, chẩn đoán xơ vữa động mạch
Điện tâm đồ giúp chẩn đoán, phát hiện xơ vữa động mạch.

Phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị xơ vữa động mạch phổ biến hiện nay là:

  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị xơ vữa động mạch là thuốc hạ cholesterol, thuốc kiểm soát tăng huyết áp, thuốc chống kết tập tiểu cầu… 
  • Phẫu thuật và các thủ thuật khác: Trong một số trường hợp xơ vữa động mạch có triệu chứng nguy hiểm hoặc tắc nghẽn mạch máu nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành các phương pháp điều trị tích cực hơn cho bệnh nhân, chẳng hạn như nong mạch và đặt stent, cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh, liệu pháp tiêu sợi huyết hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Cách phòng ngừa xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch rất khó để ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ hình thành mảng xơ vữa bằng cách thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên rán, nước ngọt, đồ ăn nhanh…
  • Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì
  • Kiểm soát các bệnh lý hiện có, đặc biệt là đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao 
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào và không dùng các chất kích thích thần kinh như ma túy tổng hợp
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Xơ vữa động mạch có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Vì vậy, bạn không được chủ quan với tình trạng này. Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện ra những bất thường có thể dẫn đến xơ vữa động mạch và điều trị kịp thời nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp khoa học, hiệu quả Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp khoa học, hiệu quả
Bệnh tim mạch

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp khoa học, hiệu quả

Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ
Bệnh tim mạch

Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ

Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa
Bệnh tim mạch

Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK