Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu về xơ gan để ngăn bệnh tiến triển suy gan, ung thư gan

Khi gan bắt đầu xơ hóa, những tổn thương ở gan sẽ tồn tại vĩnh viễn, không thể hồi phục. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị xơ gan kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-04
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Xơ gan là bệnh gì?Dấu hiệu, triệu chứng xơ ganNguyên nhân, yếu tố nguy cơBiến chứng xơ ganPhương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách ngăn ngừa xơ gan

Xơ gan là gì?

Xơ gan có thể là hệ quả của nhiều bệnh lý ở gan như lạm dụng rượu, bia, gan nhiễm mỡ, viêm gan… Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh vẫn có thể làm chậm tiến triển xơ gan, giảm thiểu tổn thương và biến chứng nếu được chẩn đoán, điều trị sớm.

Xơ gan là bệnh gì?

Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh gan, xảy ra khi các mô gan khỏe mạnh bị thay thế bởi mô sẹo, dẫn đến tổn thương gan vĩnh viễn. Mô sẹo ngăn chặn dòng máu đi qua gan và làm giảm khả năng xử lý các chất của gan (bao gồm chất dinh dưỡng, nội tiết tố, thuốc và độc tố/ chất thải trong cơ thể). Ở giai đoạn cuối, xơ gan có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi chức năng gan bị suy giảm hoàn toàn.

Xơ gan thường được chia thành:

  • Xơ gan còn bù: Ở giai đoạn này, gan đã bị tổn thương nhưng vẫn còn duy trì được nhiều chức năng quan trọng vì các tế bào gan khỏe mạnh vẫn đủ khả năng hoạt động để bù trừ cho những phần gan đã bị xơ hóa. 
  • Xơ gan mất bù: Xơ gan chuyển sang giai đoạn cuối thì được gọi là xơ gan mất bù. Lúc này, gan hầu như đã bị xơ hóa hoàn toàn, các tế bào gan khỏe mạnh không còn đủ khả năng bù trừ chức năng cho các phần bị tổn thương.

Dấu hiệu, triệu chứng xơ gan

Người bệnh xơ gan có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi các tổn thương ở gan lan rộng. Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Dễ bị chảy máu hoặc bầm tím
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Buồn nôn
  • Sưng phù ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Sụt cân
  • Ngứa da
  • Vàng da và mắt
  • Cổ trướng (ứ dịch ở khoang bụng)
  • Nhìn thấy mạch máu nổi lên như mạng nhện trên da
  • Chấm đỏ trong lòng bàn tay
  • Mất kinh không phải do mãn kinh ở phụ nữ
  • Giảm ham muốn tình dục, phì đại tuyến vú hoặc teo tinh hoàn ở nam giới
  • Bệnh não gan gây ra tình trạng lú lẫn, uể oải, buồn ngủ và nói lắp

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều bệnh lý, vấn đề có thể gây tổn thương gan và dẫn đến xơ gan. Các nguyên nhân phổ biến nhất là:

  • Lạm dụng rượu, bia
  • Tình trạng viêm mạn tính do virus ở gan (viêm gan B, viêm gan C)
  • Gan nhiễm mỡ liên quan đến béo phì, đái tháo đường, không do rượu, bia

Những nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến xơ gan là:

  • Bệnh di truyền liên quan đến gan như thiếu hụt enzym alpha-1 antitrypsin, thừa sắt, bệnh Wilson, xơ nang, rối loạn dự trữ glycogen, hội chứng Alagille…
  • Viêm gan tự miễn
  • Bệnh lý gây tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật ở gan
  • Suy tim
  • Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis)

Tế bào gan khi bị tổn thương sẽ bắt đầu chết đi. Theo thời gian, mô sẹo được tạo thành và thay thế cho các tế bào gan đã mất đi này, từ đó khiến gan không còn hoạt động được như bình thường.

Nguyên nhân xơ gan
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân có thể gây xơ gan.

Biến chứng xơ gan

Xơ gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch cung cấp máu cho gan
  • Sưng ở chân và bụng (phù nề và cổ trướng)
  • Phì đại lá lách (lách to)
  • Xuất huyết ở các tĩnh mạch đường tiêu hóa
  • Dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Suy dinh dưỡng
  • Dẫn đến bệnh não gan vì gan không thể tự đào thải chất độc, khiến chúng tích tụ trong não và gây ra tình trạng rối loạn thần kinh, khó tập trung 
  • Yếu xương, gãy xương
  • Suy gan
  • Tăng nguy cơ bị ung thư gan

Phương pháp chẩn đoán

Nếu nghi ngờ bạn bị xơ gan, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử và thăm khám sức khỏe lâm sàng để tìm các dấu hiệu của bệnh gan. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm có thể được thực hiện để giúp bác sĩ xác định chẩn đoán, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Sinh thiết gan

Phương pháp điều trị

Tổn thương xuất hiện ở gan sẽ tồn tại vĩnh viễn và không có cách nào chữa khỏi xơ gan. Do đó, mục tiêu của điều trị xơ gan là:

  • Không để gan tổn thương thêm nữa
  • Phòng ngừa và điều trị các triệu chứng
  • Phòng ngừa và điều trị biến chứng xơ gan

Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan và mức độ tổn thương của gan. Khi đã bị xơ gan, bạn cần tránh các yếu tố làm tổn thương thêm đến gan như không uống rượu, bia, cắt giảm lượng muối ăn, thay đổi chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ, tăng lượng protein nạc. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số thuốc để điều trị nguyên nhân xơ gan cũng như các biến chứng do bệnh gây ra. Nếu xơ gan tiến triển đến mức gây suy gan thì cấy ghép gan có thể là lựa chọn điều trị duy nhất. 

Cách ngăn ngừa xơ gan

Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị xơ gan bằng cách chú ý chăm sóc sức khỏe cho gan:

  • Không uống rượu, bia, nhất là khi có các bệnh lý về gan
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Giảm nguy cơ bị viêm gan bằng cách tiêm vaccine phòng ngừa đầy đủ, tránh quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bị xơ gan, hãy tìm gặp bác sĩ để trao đổi và biết cách phòng ngừa bệnh tốt hơn. 

Việc thay đổi các thói quen sống sẽ giúp bạn ngăn ngừa cũng như làm chậm sự tiến triển của xơ gan nếu đã mắc bệnh. Vì vậy, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh ngay hôm nay. Đồng thời, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B
Các bệnh lý khác

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? So sánh cúm A và cúm B

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường
Các bệnh lý khác

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường

Nguyên nhân bị hen suyễn: Yếu tố nào khởi phát cơn hen? Nguyên nhân bị hen suyễn: Yếu tố nào khởi phát cơn hen?
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân bị hen suyễn: Yếu tố nào khởi phát cơn hen?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK