Viêm phổi là một bệnh lý nhiễm trùng có thể lây từ người sang người với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này phụ thuộc vào tác nhân cụ thể gây viêm cũng như thể trạng và tuổi tác của bệnh nhân. Để hiểu hơn về bệnh lý này, mời bạn cùng Website Bowtie theo dõi các thông tin trong bài viết sau đây nhé.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, gây viêm các tổ chức ở một hoặc cả hai bên phổi (viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi). Khi phổi bị nhiễm trùng, đường thở của bệnh nhân có thể bị sưng, viêm và các phế nang trong phổi chứa đầy dịch mủ, chất nhầy.
Dấu hiệu, triệu chứng viêm phổi
Dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào tác nhân gây viêm, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Những triệu chứng nhẹ thường giống với bệnh cảm lạnh hoặc cúm nhưng kéo dài hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi có thể bao gồm:
Đau tức ngực khi thở hoặc ho
Lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức (ở người cao tuổi)
Ho, có thể kèm theo đờm (màu xanh hoặc có máu)
Mệt mỏi
Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh
Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
Khó thở
Thở gấp
Mất cảm giác ngon miệng
Môi hoặc móng tay có màu hơi xanh
Trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào. Đôi khi, trẻ bị nôn mửa, sốt, ho, có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc hoặc khó thở, khó ăn.
Nguyên nhân viêm phổi
Vi khuẩn, virus và nấm là các tác nhân có thể gây viêm phổi. Trong đó, nhiễm khuẩn là tác nhân gây viêm phổi phổ biến nhất. Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có khả năng gây viêm phổi, bao gồm:
Streptococcus pneumoniae
Legionella pneumophila (bệnh viêm phổi do vi khuẩn này thường được gọi với tên khác là bệnh Legionnaires)
Mycoplasma pneumoniae
Chlamydia pneumoniae
Haemophilus influenzae
Các virus lây nhiễm qua đường hô hấp cũng có thể gây viêm phổi, bao gồm:
Virus hợp bào hô hấp (RSV)
Một số virus gây cảm lạnh và cúm
SARS-CoV2 (virus gây ra Covid-19)
Trường hợp viêm phổi do nhiễm nấm thì thường gặp ở những người có vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Những loại nấm có thể gây viêm phổi là:
Pneumocystis pneumonia (PCP)
Coccidioidomycosis (gây sốt thung lũng)
Histoplasmosis
Cryptococcus
Người bệnh có thể bị viêm phổi do nhiễm phải một trong các tác nhân trên ở nhiều nơi khác nhau. Dựa vào nơi mắc phải, viêm phổi được phân loại như sau:
Viêm phổi mắc phải cộng đồng
Viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi hít (do hít phải các thứ như thức ăn, nước, chất nôn hoặc nước bọt vào trong phổi).
Yếu tố nguy cơ
Viêm phổi có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng hai nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 2 tuổi và người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần gây viêm phổi gồm:
Nhập viện. Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị viêm phổi hơn nếu đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện, nhất là khi phải dùng máy thở.
Hút thuốc lá vì thuốc lá sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc ức chế do HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng, hóa trị hay dùng thuốc kháng viêm steroid trong thời gian dài.
Lối sống không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Tiếp xúc với một số hóa chất, chất gây ô nhiễm hoặc khói độc hại.
Viêm phổi có nguy hiểm không?
Dù đã được điều trị nhưng bạn vẫn có thể gặp phải các biến chứng viêm phổi. Đặc biệt, những người nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ có khả năng gặp phải nhiều vấn đề hơn, bao gồm:
Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn gây viêm phổi có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng ở các cơ quan khác trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ suy tạng.
Khó thở: Nếu bị viêm phổi nặng hoặc có bệnh nền mạn tính liên quan đến phổi, bạn sẽ gặp khó khăn khi thở. Đôi khi, bạn cần phải nhập viện và nhờ đến sự hỗ trợ của máy thở trong thời gian phổi hồi phục.
Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi có thể khiến dịch tích tụ trong màng phổi.
Áp xe phổi: Khi mủ hình thành trong khoang phổi sẽ dẫn đến áp xe. Khi đó, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và có thể cần phẫu thuật hoặc dẫn lưu để loại bỏ mủ ra ngoài.
Phương pháp chẩn đoán
Đôi khi, bạn khó có thể nhận biết được bệnh viêm phổi vì các triệu chứng khá giống với cảm lạnh hoặc cúm. Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được bác sĩ khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác viêm phổi:
Khám lâm sàng, bao gồm nghe tim phổi
Chụp X-quang phổi
Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực
Xét nghiệm máu để phát hiện tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể
Cấy đờm để xác định có nhiễm trùng ở phổi hay không
Đo độ bão hòa oxy
Nội soi phế quản để đánh giá vấn đề ở phổi và lấy mẫu mô hoặc dịch làm xét nghiệm khác
Cấy dịch màng phổi
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị viêm phổi phụ thuộc vào loại viêm phổi, tác nhân gây viêm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thuốc điều trị được chỉ định tùy theo nguyên nhân xác định được, gồm:
Thuốc kháng sinh dùng để điều trị tình trạng viêm do nhiễm vi khuẩn và một số loại nấm. Thuốc kháng sinh không hiệu quả trong điều trị viêm phổi do virus.
Thuốc kháng virus trong một số trường hợp bị viêm phổi do virus gây ra. Phần lớn trường hợp nhiễm virus không cần điều trị đặc hiệu, bệnh có thể tự khỏi.
Thuốc kháng nấm dùng điều trị một số loại nấm gây viêm phổi.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần ăn uống điều độ, uống đủ nước, nghỉ ngơi và có thể uống một số thuốc giảm bớt triệu chứng như thuốc ho, hạ sốt, giảm đau trong quá trình điều trị viêm phổi.
Nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hoặc có nguy cơ gặp phải biến chứng, người bệnh cần được nhập viện để điều trị bổ sung và theo dõi. Thời gian hồi phục sau khi bị viêm phổi ở mỗi người sẽ không giống nhau, có khi chỉ cần một tuần nhưng có trường hợp cần hơn một tháng để cảm thấy khỏe lại.
Cách phòng ngừa
Phòng ngừa viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em, rất quan trọng vì bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Những điều cần làm để ngăn ngừa bệnh viêm phổi là:
Tiêm chủng để phòng một số loại viêm phổi và cúm mùa, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Thực hiện các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để tránh bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Không hút thuốc để không làm tổn hại đến khả năng bảo vệ tự nhiên của phổi và đường thở.
Giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc.
Viêm phổi thật sự nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi. Do đó, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi từ ban đầu để bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.