Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Viêm màng não: Căn bệnh không được xem thường!

Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 10 - 20% người bệnh viêm màng não sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài. Ngay cả khi được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ, tỷ lệ tử vong vẫn chiếm đến 5 - 10%.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-21
Cập nhật ngày 2023-05-18
Nội dung chính
Bệnh viêm màng não là gì?Triệu chứng viêm màng nãoNguyên nhân gây viêm màng nãoYếu tố nguy cơViêm màng não có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa

Bệnh viêm màng não là gì?

Viêm màng não có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lý này không lây nhiễm từ người sang người nhưng nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus thì có thể lây truyền. Để tìm hiểu rõ hơn về viêm màng não, mời bạn theo dõi tiếp bài viết được Website Bowtie dưới đây nhé.

Bệnh viêm màng não là gì?

Não và tủy sống được bảo vệ khỏi những tác động từ bên ngoài nhờ vào một cấu trúc gọi là màng não. Màng não gồm 3 lớp, có chứa nhiều dây thần kinh, mạch máu cùng dịch não tủy.

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở các lớp màng và dịch bao quanh não, tủy sống. Tình trạng sưng viêm ở màng não thường gây ra những triệu chứng như đau đầu, sốt và cứng cổ ở người bệnh.

Triệu chứng viêm màng não

Triệu chứng viêm màng não ở trẻ em và người lớn có thể hơi khác nhau. Các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Cứng cổ
  • Sốt cao đột ngột
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Lú lẫn hoặc thay đổi trạng thái tinh thần
  • Đau đầu dữ dội
  • Nôn mửa

Dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn đầu đôi khi khá giống với bệnh cúm. Tuy nhiên, triệu chứng sẽ xuất hiện thêm sau vài giờ hoặc vài ngày. Một số triệu chứng khác có thể gặp phải khi bị viêm màng não gồm:

  • Co giật
  • Cảm thấy buồn ngủ hoặc không thể thức dậy
  • Mất cảm giác thèm ăn hoặc không thấy khát nước
  • Phát ban trên da
  • Đau nhức cơ và khớp
  • Mệt mỏi, ủ rũ

Nếu nhận thấy các biểu hiện nghi ngờ bị viêm màng não, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức. Viêm màng não do vi khuẩn rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Điều trị chậm trễ cũng làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.

Nguyên nhân gây viêm màng não

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não có thể là các yếu tố lây nhiễm (bao gồm vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) hoặc do tác nhân không lây nhiễm (như bệnh tật, một số loại thuốc, vấn đề sức khỏe khác). 

Trong đó, nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng não, sau đó là do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, viêm màng não do nhiễm khuẩn lại nguy hiểm hơn và có khả năng đe dọa đến tính mạng nên việc xác định rõ nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng.

Nguyên nhân gây viêm màng não
Viêm màng não do vi khuẩn là một tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao.

Viêm màng não do nhiễm khuẩn xảy ra có thể do vi khuẩn xâm nhập vào máu rồi di chuyển đến não, tủy sống hoặc vi khuẩn nhiễm trực tiếp vào màng não. Một số chủng vi khuẩn gây viêm màng não cấp thường gặp là Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Neisseria meningitidis (não mô cầu), Haemophilus influenzae, Listeria monocytogenes…

Trường hợp viêm màng não do virus thường ít nghiêm trọng hơn và có thể tự phục hồi. Các loại virus gây viêm màng não phổ biến là enterovirus, herpes simplex, HIV, virus quai bị… Viêm màng não do nấm hoặc ký sinh trùng hiếm gặp hơn và không lây nhiễm từ người sang người. Các ký sinh trùng gây bệnh viêm màng não thường nhiễm ở động vật, sau đó con người ăn phải thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng này sẽ phát bệnh.

Ngoài ra, viêm màng não cũng có thể do các nguyên nhân không lây nhiễm khác, chẳng hạn như một số loại thuốc, một số bệnh ung thư, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, các vết thương ở đầu, phẫu thuật não… gây ra.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm màng não bao gồm:

  • Không tiêm chủng đầy đủ: Không tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
  • Tuổi tác: Viêm màng não do virus thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi còn viêm màng não do vi khuẩn lại hay gặp ở độ tuổi dưới 20.
  • Môi trường sống: Người sống trong môi trường sinh hoạt chung như ký túc xá, trường nội trú, nhà tập thể… có nguy cơ mắc viêm màng não cao hơn do vi khuẩn gây bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp.
  • Mang thai: Mang thai làm tăng nguy cơ bị nhiễm Listeria, một loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não. Vi khuẩn này cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu và sinh non.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, nghiện rượu, đái tháo đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác… cũng dễ khiến viêm màng não xảy ra.

Viêm màng não có nguy hiểm không?

Tiên lượng của bệnh nhân viêm màng não sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và thời gian được tiếp nhận điều trị. Nếu điều trị sớm, bạn có khả năng sẽ phục hồi hoàn toàn dù cần nhiều thời gian để thực sự cảm thấy bình thường trở lại.

Viêm màng não do virus có thể tự hồi phục trong vòng 1 tuần. Trường hợp bệnh do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, các triệu chứng thường kéo dài vài ngày đến một tuần hoặc hơn sau khi được điều trị. Người bệnh mất vài tuần đến vài tháng để phục hồi hoàn toàn nhưng một số người có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe kéo dài hoặc suốt đời.

Nếu không điều trị hoặc điều trị trễ, bạn có thể gặp phải biến chứng viêm màng não, bao gồm:

  • Mất thính lực
  • Khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin
  • Mất khả năng học tập
  • Tổn thương não
  • Gặp vấn đề về di chuyển và thăng bằng
  • Co giật, động kinh
  • Suy thận
  • Viêm khớp
  • Tổn thương các cơ quan
  • Hoại tử ngón tay, ngón chân do nhiễm trùng huyết
  • Sốc
  • Tử vong
Viêm màng não có nguy hiểm không?
Viêm màng não có thể dẫn đến mất thính lực.

Phương pháp chẩn đoán

Để có thể đưa ra chẩn đoán viêm màng não, bác sĩ sẽ cần thực hiện một vài kiểm tra, xét nghiệm như:

  • Lấy dịch mũi hoặc họng để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng và tác nhân gây bệnh
  • Chọc dò thắt lưng/ cột sống để lấy mẫu dịch não tủy và tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng, tác nhân gây bệnh cũng như xem xét các bất thường ở dịch não tủy (mức glucose thấp, số lượng bạch cầu tăng, protein tăng…)
  • Xét nghiệm máu và phân.
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng viêm ở màng não.

Phương pháp điều trị

Tùy vào nguyên nhân gây viêm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị viêm màng não phù hợp. Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định cho trường hợp nhiễm vi khuẩn và thuốc kháng nấm sẽ được dùng cho trường hợp viêm màng não do nhiễm nấm. Thuốc kháng virus có thể dùng điều trị ở một số người nhiễm virus gây viêm màng não. Nếu viêm màng não xảy ra do một tác nhân không lây nhiễm thì việc điều trị sẽ tập trung giải quyết bệnh lý hoặc thương tổn gây viêm.

Mỗi trường hợp viêm màng não khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Một số loại thuốc cũng có thể được dùng để giảm nhẹ tình trạng viêm hoặc các triệu chứng của bệnh.

Cách phòng ngừa

Các tác nhân gây viêm màng não truyền nhiễm như vi khuẩn, virus có thể lây từ người sang người qua nhiều con đường như ho, hắt hơi, hôn hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng. Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm các tác nhân này, bạn nên:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc vuốt ve động vật
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, không dùng chung các dụng cụ ăn uống, ống hút, bàn chải cá nhân, son môi với người khác
  • Giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ
  • Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn thịt và hải sản chưa nấu chín, hạn chế uống sữa chưa tiệt trùng, rửa kỹ và gọt vỏ trái cây, rau củ trước khi ăn, rửa sạch các bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm…
  • Ăn uống cẩn thận khi mang thai để tránh nhiễm vi khuẩn Listeria.

Bạn cũng có thể phòng ngừa một số tác nhân gây viêm màng não bằng vaccine, bao gồm:

  • Vaccine ngừa Haemophilus influenzae type b (Hib)
  • Vaccine ngừa phế cầu khuẩn (PCV13)
  • Vaccine polysaccharide phế cầu 23 (PPSV23)
  • Vaccine ngừa viêm não mô cầu
  • Vaccine ngừa các loại virus như virus gây thủy đậu, cúm, sởi và quai bị

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm màng não. Đây là một bệnh lý về hệ thần kinh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tắm đêm dễ bị đột quỵ: Sự thật có phải như vậy? Tắm đêm dễ bị đột quỵ: Sự thật có phải như vậy?
Bệnh về hệ thần kinh

Tắm đêm dễ bị đột quỵ: Sự thật có phải như vậy?

Hé lộ những điều bạn chưa biết về bệnh Parkinson Hé lộ những điều bạn chưa biết về bệnh Parkinson
Bệnh về hệ thần kinh

Hé lộ những điều bạn chưa biết về bệnh Parkinson

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý
Bệnh về hệ thần kinh

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK