Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? 5 cách chẩn đoán cúm A

Khi có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A, bạn sẽ cần thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cúm A để xác định mình có thật sự mắc bệnh hay không nhằm tìm ra hướng xử lý phù hợp. Thế nhưng, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? Liệu có thể tự thực hiện kiểm tra, xét nghiệm cúm A tại nhà?
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-01
Cập nhật ngày 2023-08-01
Nội dung chính
Khi nào cần kiểm tra, xét nghiệm cúm A?Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào?Người bệnh sau khi được chẩn đoán cúm A nên làm gì?
Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? 5 cách chẩn đoán cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và có thể lây lan rất nhanh. Nhiều người cho rằng, cúm A cũng giống như cảm lạnh, đều chỉ là những bệnh lý thông thường, hay gặp theo mùa nên ít khi quan tâm. Tuy nhiên, thực tế, sẽ có những trường hợp mắc cúm A tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Do đó, khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân nhiễm cúm A, bạn tuyệt đối đừng lơ là, chủ quan mà hãy thực hiện các xét nghiệm cúm A để xem có thực sự mắc bệnh hay không. Nếu kết quả cho thấy nhiễm cúm A, bạn cần thực hiện các biện pháp điều trị, cách ly phù hợp, đồng thời chú ý theo dõi các triệu chứng để sớm phát hiện bất thường và có hướng can thiệp kịp thời. 

Vậy có thể xét nghiệm cúm A bằng cách nào? Test cúm A thực hiện ở nhà có được không? Bài viết dưới đây của Bowtie sẽ giúp bạn giải đáp những băn khoăn này, cùng tìm hiểu nhé.

Khi nào cần kiểm tra, xét nghiệm cúm A?

Bạn nên thực hiện kiểm tra, xét nghiệm cúm A trong các trường hợp sau:

  • Nghi ngờ bản thân hoặc người thân mắc cúm A, nhất là trong thời điểm dịch cúm A bùng phát mạnh 
  • Đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm cúm A hoặc nghi ngờ bị nhiễm cúm A
  • Vừa đi từ vùng có dịch cúm A về

Việc xét nghiệm, kiểm tra cúm A trong những trường hợp này sẽ giúp bạn xác định chính xác bản thân hoặc người thân có mắc cúm A hay không. Từ đó, bạn sẽ có biện pháp điều trị, cách ly phù hợp nhằm hạn chế lây lan cho các thành viên khác trong gia đình cũng như cộng đồng. Không những vậy, trường hợp gia đình bạn có trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người đang mắc các bệnh mạn tính… thì việc xét nghiệm, kiểm tra cúm A lại càng quan trọng. Bởi đây đều là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải biến chứng khi nhiễm cúm.

Các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A bạn cần cảnh giác, nhất là trong mùa dịch là:

  • Đột ngột sốt cao, ớn lạnh
  • Ho khan
  • Sổ mũi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Hắt hơi
  • Đau họng
  • Đau đầu, đau cơ, nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng, buồn nôn và nôn (có thể gặp ở trẻ nhỏ)

Triệu chứng của cúm A thường khởi phát đột ngột, thông thường là sau 2 – 3 ngày tiếp xúc với virus cúm. Trẻ nhỏ thường sốt cao hơn người lớn, trong khi người lớn tuổi lại ít khi bị sốt. Thực tế, sẽ rất khó để xác định bạn có thực sự bị cúm A hay không nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng bởi các triệu chứng này cũng phổ biến ở nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác. Do đó, cách tốt nhất là bạn cần thực hiện xét nghiệm cúm A để xác định bệnh nhằm có hướng xử lý, dự phòng phù hợp cho bản thân và những người xung quanh.

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? Khi nào cần kiểm tra
Các triệu chứng của cúm A giống với nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nên rất khó để xác định bạn có bị cúm A hay không nếu chỉ xem xét triệu chứng.

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào?

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A có thể được thực hiện tại nhà bằng cách sử dụng que test cúm hoặc thực hiện tại các cơ sở y tế. Dưới đây là một số phương pháp xét nghiệm cúm A phổ biến:

1. Sử dụng que test cúm A (Test nhanh kháng nguyên – RIDTs)

Que test cúm A hay test nhanh kháng nguyên – RIDTs là loại xét nghiệm cúm phổ biến nhất. Xét nghiệm này có thể xác định sự hiện diện của bệnh cúm bằng cách phát hiện các kháng nguyên kích hoạt phản ứng miễn dịch của virus cúm trong mẫu bệnh phẩm – thường là dịch tiết ở mũi. Hiện tại, có nhiều dạng que test cúm trên thị trường nhưng thường gặp là loại que test phát hiện cả cúm A và cúm B. 

Quy trình sử dụng que test cúm A/B tại nhà

Nhìn chung, quy trình sử dụng que test cúm A/B tại nhà tương đối giống với quy trình dùng bộ kit test Covid-19. Để xét nghiệm cúm A tại nhà bằng que test cúm, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thu mẫu bệnh phẩm

  • Dùng tăm bông trong bộ kit và nhẹ nhàng đưa sâu vào lỗ mũi
  • Đẩy và xoay nhẹ đầu tăm bông cho đến vị trí tiết ra nhiều dịch nhất
  • Xoay nhẹ vài lần ở vị trí sát vách mũi rồi rút tăm bông ra ngoài

Bước 2: Chuẩn bị mẫu bệnh phẩm

  • Nhỏ dung dịch đệm (buffer) vào ống có sẵn trong bộ test
  • Đặt đầu tăm bông đã có dịch tiết mũi vào ống, khuấy đều trong 1 – 2 phút với thuốc thử có sẵn
  • Ép và xoay đầu tăm vào thành ống để lấy nhiều mẫu bệnh phẩm nhất, sau đó đậy nắp và lắc đều hỗn hợp chất lỏng có trong ống

Bước 3: Xét nghiệm cúm A

  • Đặt que test cúm trên một mặt phẳng sạch sẽ
  • Nhỏ 4 giọt mẫu bệnh phẩm vào ô Sample Well (S) trên que test. Bạn nên nhỏ từng giọt và chờ đến khi khay thử hấp thu hết mới nhỏ tiếp
  • Quan sát kết quả bằng cách nhìn vào vạch ngang xuất hiện ở ô cửa sổ kết quả nằm ngay giữa que test 

Cách đọc kết quả test cúm A/B

Kết quả xét nghiệm bằng que test cúm sẽ có trong khoảng 10 – 15 phút. Nếu bạn sử dụng test cúm phát hiện cả cúm A và cúm B thì cách đọc kết quả test sẽ như sau:

  • Kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/B: Xuất hiện 1 vạch ngang tại vị trí có ký hiệu là “C”. Điều này có nghĩa là không phát hiện kháng nguyên virus cúm.
  • Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/B: Xuất hiện 1 vạch ngang tại vị trí có ký hiệu là “C” và:
    • 2 vạch ở cả ô INF-A và INF-B: Dương tính với cả cúm A và B
    • 1 vạch ở ô INF-A: Chỉ dương tính với cúm A
    • 1 vạch ở ô INF-B: Chỉ dương tính với cúm B
  • Kết quả không có giá trị: Không có vạch ngang xuất hiện trên que test hoặc không có vạch ở vị trí có ký hiệu là “C”.  

Mức độ chính xác của que test cúm A

Nhìn chung, nếu so với các xét nghiệm cúm A khác được thực hiện tại cơ sở y tế thì kết quả xét nghiệm cúm A bằng que test cúm sẽ có mức độ chính xác thấp hơn do độ nhạy thấp, chỉ khoảng 50 – 70%. Nếu có dấu hiệu bệnh nhưng kết quả xét nghiệm bằng que test là âm tính, bạn vẫn nên thực hiện lại các xét nghiệm khác để có kết quả chắc chắn. 

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? Sử dụng que test cúm A
Khi nhỏ mẫu bệnh phẩm vào que test thì bạn nên nhỏ từng giọt một.

2. Xét nghiệm Real time RT-PCR

Ngoài xét nghiệm cúm A tại nhà bằng que test cúm, bạn cũng có thể đến các cơ sở y tế để xét nghiệm cúm A bằng phương pháp xét nghiệm Real time RT-PCR. Đây là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện sự hiện diện của vật chất di truyền (RNA hoặc axit nucleic) của virus cúm trong các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên để từ đó xác định xem bạn có bị nhiễm virus cúm hay không.  

Cụ thể, khi đến cơ sở y tế đăng ký xét nghiệm cúm bằng phương pháp xét nghiệm Real time RT-PCR, bạn sẽ được nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm như dịch ngoáy hầu họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản… Các mẫu bệnh phẩm cần được lấy càng sớm càng tốt (lý tưởng nhất là 4 ngày sau khi khởi phát triệu chứng bởi đây là thời điểm có lượng virus cúm cao nhất). Sau đó, nhân viên y tế sẽ gửi mẫu bệnh phẩm này đến phòng thí nghiệm.

Thông thường, kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR sẽ có trong khoảng vài giờ (thường là 4 – 6 tiếng). Nhìn chung, do có độ đặc hiệu cao (lên đến 95%) và độ nhạy cao (lên đến 99%) nên kết quả của xét nghiệm Real time RT-PCR rất chính xác và khả năng cho kết quả âm tính/dương tính giả thường vô cùng thấp. Do đó, xét nghiệm này được xem là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán cúm A. Tuy nhiên, chi phí thực hiện xét nghiệm Real time RT-PCR thường đắt và sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc dùng que test cúm tại nhà. 

3. Nuôi cấy và phân lập virus

Nuôi cấy và phân lập virus không phải là một xét nghiệm sàng lọc. Phương pháp này thường được thực hiện trong thời gian xuất hiện nhiều trường hợp có các biểu hiện về hô hấp và nghi ngờ nhiễm virus cúm A với mục tiêu xác định nguyên nhân và chủng virus cúm A đang gây bệnh. Đồng thời, nuôi cấy và phân lập virus cũng góp phần xác định các chủng virus cúm A mới cần được đưa vào vaccine ngừa cúm trong năm sau.

Phương pháp này sẽ cần được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm hô hấp thu thập từ những người nghi ngờ bị cúm trong vòng 5 ngày sau khi phát bệnh, đặc biệt là những người có yếu tố dịch tễ với dịch cúm. Nhìn chung, phương pháp nuôi cấy và phân lập virus có độ đặc hiệu tương đối cao (trên 95%) và có khả năng mô tả đặc điểm của các loại virus cúm mới. 

4. Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang

Nếu bạn đang thắc mắc “Xét nghiệm cúm A bằng cách nào?” thì một xét nghiệm cúm A khác cũng hay được sử dụng tại các cơ sở y tế là xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang. Xét nghiệm này sẽ sử dụng kính hiển vi huỳnh quang để phát hiện kháng nguyên của virus cúm A. 

Nếu so sánh với xét nghiệm Real time RT-PCR hay xét nghiệm nuôi cấy và phân lập virus, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang sẽ có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn. Tuy nhiên, thời gian cho kết quả sẽ ngắn hơn, chỉ trong khoảng vài giờ sau khi nhận mẫu. Hiệu suất của xét nghiệm này sẽ thay đổi tùy thuộc vào chuyên môn của kỹ thuật viên cũng như chất lượng của mẫu bệnh phẩm thu được. 

5. Xét nghiệm huyết thanh

Xét nghiệm huyết thanh thường không được khuyến cáo sử dụng để phát hiện cúm A ở người bệnh. Thay vào đó, phương pháp này chỉ được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu và chẩn đoán hồi cứu.

Đọc thêm:

Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế

Nguyên nhân bị cúm A: Ai có nhiều nguy cơ, làm sao phòng ngừa?

9 cách phòng chống bệnh cúm A cho bản thân, gia đình

Người bệnh sau khi được chẩn đoán cúm A nên làm gì?

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? Cách nhanh khỏi cúm A
Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn khi bị cúm A.

Trường hợp bạn có các triệu chứng cúm A nhưng kết quả test cúm A tại nhà bằng que test cho kết quả âm tính, hãy đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm xác định chẩn đoán. Trường hợp bạn dùng que test cúm A tại nhà và có kết quả dương tính, nếu không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng của cúm A thì bạn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Một số biện pháp sẽ giúp bạn giảm triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như:

  • Bổ sung chất lỏng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước lọc, nước trái cây, nước súp…
  • Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, vận động nhiều. Dành thời gian ngủ nhiều hơn để giúp hệ miễn dịch có đủ sức chống lại virus.
  • Cân nhắc sử dụng thuốc ho, thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như paracetamol, ibuprofen. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ, dược sĩ để chọn được loại thuốc phù hợp.
  • Thực hiện các biện pháp giúp giảm triệu chứng cúm A như uống trà gừng, trà mật ong chanh để giảm đau họng, tránh mất nước; ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, ớt chuông, rau lá xanh… để tăng sức đề kháng; súc miệng bằng nước ấm; rửa mũi thường xuyên, tắm nước ấm, sử dụng máy tạo độ ẩm…

Ngược lại, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp phải biến chứng kể trên, tốt nhất bạn nên đi khám ngay. Khi đi khám, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm cúm A một lần nữa để xác định chắc chắn bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh, yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần nhập viện điều trị và có nên dùng thuốc kháng virus hay không. Trường hợp được chỉ định dùng thuốc, bạn cần uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm và tránh tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Qua những chia sẻ trên đây, Bowtie hy vọng rằng bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi xét nghiệm cúm A bằng cách nào. Cúm A là bệnh có thể đưa đến nhiều biến chứng và lây lan nhanh. Do đó, nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị nhiễm cúm A, hãy thực hiện xét nghiệm cúm A tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế để xác định đúng nguyên nhân và có hướng cách ly, điều trị phù hợp nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều bạn chưa biết về bệnh giãn phế quản Những điều bạn chưa biết về bệnh giãn phế quản
Các bệnh lý khác

Những điều bạn chưa biết về bệnh giãn phế quản

Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào? Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào?

Bệnh giang mai ở bà bầu tiềm ẩn nguy hiểm cho thai kỳ và em bé Bệnh giang mai ở bà bầu tiềm ẩn nguy hiểm cho thai kỳ và em bé
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai ở bà bầu tiềm ẩn nguy hiểm cho thai kỳ và em bé

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK