Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Vô sinh ở nữ: Nguyên nhân khiến chị em mất đi thiên chức làm mẹ

Vô sinh nữ thường được chẩn đoán khi phụ nữ không có thai tự nhiên dù quan hệ tình dục thường xuyên, đều đặn, không dùng biện pháp tránh thai trong 6 - 12 tháng. Hiểu được nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh nữ sẽ giúp chị em sớm có những định hướng phù hợp để lấy lại thiên chức làm mẹ thiêng liêng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Nguyễn Quốc Thuận
Ngày đăng 2023-03-23
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Tình trạng vô sinh ở nữ giới là như thế nào?Các dạng vô sinh ở nữ giớiCác dấu hiệu nhận biết tình trạng vô sinh ở nữ giớiTại sao phụ nữ bị vô sinh?Yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữKỹ thuật y tế được dùng để chẩn đoán vô sinh nữTình trạng vô sinh ở nữ giới được điều trị thế nào?Chị em phải làm gì để phòng ngừa tình trạng vô sinh?Hỏi đáp về tình trạng vô sinh ở nữ giới
Vô sinh ở nữ: Nguyên nhân khiến chị em mất đi thiên chức làm mẹ

Vậy phụ nữ vô sinh là như thế nào? Tại sao phụ nữ bị vô sinh? Dấu hiệu vô sinh nữ là gì? Phụ nữ vô sinh có chữa được không? Để hiểu hơn về tình trạng vô sinh ở nữ giới, cách nhận biết vô sinh ở phụ nữ, cách điều trị cũng như những thắc mắc liên quan, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam dành vài phút xem hết chia sẻ trong bài viết bên dưới nhé!

Tình trạng vô sinh ở nữ giới là như thế nào?

Vô sinh ở nữ giới là tình trạng người phụ nữ không thể thụ thai tự nhiên sau 12 tháng (hoặc 6 tháng nếu phụ nữ trên 35 tuổi) dù quan hệ tình dục thường xuyên, đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Theo thống kê, vô sinh ở nữ chiếm khoảng 30 – 40% các trường hợp vô sinh nói chung.

Các dạng vô sinh ở nữ giới

Vô sinh ở nữ thường có 2 dạng là:

  • Vô sinh nguyên phát: Đây là trường hợp người phụ nữ chưa từng có thai lần nào trước đây mặc dù quan hệ tình dục thường xuyên, đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong ít nhất 1 năm nhưng vẫn không thể có thai tự nhiên.
  • Vô sinh thứ phát: Đây là trường hợp người phụ nữ đã có thai ít nhất 1 lần trước đó nhưng hiện tại không thể có thai tự nhiên dù quan hệ tình dục thường xuyên và không dùng biện pháp tránh thai nào.

Các dấu hiệu nhận biết tình trạng vô sinh ở nữ giới

Các dấu hiệu bất thường gợi ý tình trạng vô sinh mà các chị em nên lưu ý:

  • Chu kỳ kinh quá dài (trên 35 ngày) hoặc quá ngắn (dưới 21 ngày), kinh nguyệt không đều 
  • Không có kinh (vô kinh) 
  • Đau bụng dữ dội khi hành kinh (thống kinh)
  • Lượng máu kinh nguyệt nhiều bất thường
  • Xuất hiện khí hư âm đạo (dịch âm đạo/huyết trắng) bất thường
  • Tuyến vú kém phát triển
  • Tiết dịch bất thường ở vú

Nhìn chung, các dấu hiệu kể trên là những biểu hiện bất thường cho thấy phụ nữ đang gặp một số vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến tình trạng vô sinh. Tuy nhiên, có những trường hợp vô sinh ở nữ không rõ nguyên nhân và gần như không có bất kỳ biểu hiện nào rõ ràng để nhận biết. Do đó, nếu đã có ý định “thả” để mang thai nhưng lại không thể có thai tự nhiên trong vòng 12 tháng (trường hợp dưới 35 tuổi) hoặc 6 tháng (trường hợp trên 35 tuổi) thì bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để nhận được những tư vấn phù hợp. 

Tại sao phụ nữ bị vô sinh?

Nhiều người tự hỏi “Tại sao tôi bị vô sinh?”. Trên thực tế, nguyên nhân gây vô sinh ở nữ rất đa dạng. Theo đó, nữ giới có thể bị vô sinh do:

Rối loạn rụng trứng

Tình trạng rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp vô sinh nữ. Tình trạng này có thể xảy ra do các vấn đề về điều hòa nội tiết sinh sản ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc do các vấn đề ở buồng trứng, chẳng hạn như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Rối loạn chức năng vùng dưới đồi
  • Suy buồng trứng nguyên phát (suy buồng trứng sớm)
  • Cơ thể sản xuất quá nhiều prolactin

Tổn thương ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc tắc nghẽn có thể ngăn không cho tinh trùng gặp trứng hoặc cản trở quá trình di chuyển của trứng đã thụ tinh vào tử cung, từ đó gây vô sinh ở nữ. Nguyên nhân khiến ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc tắc có thể do:

  • Tình trạng viêm vùng chậu, nhiễm trùng tử cung và ống dẫn trứng do vi khuẩn Chlamydia, lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác gây ra
  • Đã từng phẫu thuật ở vùng bụng hoặc vùng chậu trước đó như phẫu thuật điều trị mang thai ngoài tử cung

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở những nơi khác bên ngoài buồng tử cung. Tình trạng này có thể gây tổn thương ống dẫn trứng và buồng trứng, đồng thời cản trở sự di chuyển của trứng và tinh trùng. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung cũng gây ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, phát triển phôi và làm tổ.

Vấn đề ở tử cung hoặc cổ tử cung

Các vấn đề ở tử cung hoặc cổ tử cung sau đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng vô sinh ở nữ giới:

  • Polyp hoặc khối u trong tử cung có thể chèn ép làm tắc nghẽn ống dẫn trứng hoặc cản trở quá trình thụ tinh và làm tổ, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
  • Bất thường bẩm sinh ở tử cung hoặc cổ tử cung
  • Khối u ở cổ tử cung hoặc tổn thương cổ tử cung trước đó

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, vô sinh ở nữ giới cũng có thể do các vấn đề về số lượng và chất lượng trứng gây ra. Khi tuổi tác tăng lên, số lượng nang trứng dự trữ sẽ càng ngày càng giảm. Điều này khiến số lượng trứng ngày càng ít đi và chất lượng cũng ngày càng kém hơn. 

Ngoài ra, một số trường hợp vô sinh ở nữ giới không thể xác định rõ nguyên nhân dù đã thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm.

Nguyên nhân gây vô sinh nữ
Bất kể những bất thường nào ở cơ quan sinh sản đều có thể dẫn đến tình trạng vô sinh ở nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ

Nhiều yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới. Các yếu tố liên quan đến sức khỏe, tuổi tác, các đặc điểm di truyền và lối sống đều có thể góp phần khiến phụ nữ bị vô sinh:

  • Tuổi tác cao
  • Các vấn đề về nội tiết tố gây cản trở quá trình trưởng thành và rụng trứng
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
  • Thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân, suy dinh dưỡng
  • Các bất thường ở ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, tử cung như các khối u xơ cơ, u nang, viêm nhiễm…
  • Các bệnh rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh Hashimoto, bệnh tuyến giáp…
  • Đã từng mang thai ngoài tử cung
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) như lậu, giang mai, sùi mào gà…
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Suy buồng trứng nguyên phát (POI)
  • Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá quá mức
  • Từng sử dụng diethylstilbestrol (DES)

Kỹ thuật y tế được dùng để chẩn đoán vô sinh nữ

Khi đến khám vô sinh, bác sĩ thường bắt đầu quá trình thăm khám từ việc hỏi một số vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử mang thai/sẩy thai và các triệu chứng đang gặp phải như đau vùng chậu, chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường…. Phụ nữ cũng có thể được hỏi về tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng vùng chậu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). 

Song song với đó, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe và khả năng sinh sản như:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Xét nghiệm PAP (Phết tế bào cổ tử cung)
  • Khám vùng chậu
  • Kiểm tra vú để phát hiện các bất thường
  • Xét nghiệm máu, bao gồm các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan, thận, xét nghiệm nồng độ các nội tiết tố
  • Chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng có cản quang (HSG) để xác định các vấn đề bất thường ở tử cung và kiểm tra xem ống dẫn trứng có bị tắc nghẽn hay không
  • Xét nghiệm dự trữ buồng trứng giúp xác định chất lượng và số lượng trứng  
  • Xét nghiệm những nội tiết tố có liên quan tới các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như hormone tuyến yên, hormone tuyến giáp… 
  • Một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm vùng chậu, siêu âm tử cung hoặc soi buồng tử cung có thể được chỉ định để quan sát các chi tiết bên trong tử cung mà siêu âm thông thường không thể nhìn thấy.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp khác ít phổ biến hơn như:

  • Nội soi ổ bụng được dùng để kiểm tra ống dẫn trứng, buồng trứng và tử cung, từ đó có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng cũng như các bất thường ở ống dẫn trứng, buồng trứng và tử cung
  • Xét nghiệm di truyền giúp xác định liệu gen có phải là yếu tố góp phần gây nên tình trạng vô sinh hay không

Tình trạng vô sinh ở nữ giới được điều trị thế nào?

Các phương pháp điều trị vô sinh cho nữ giới sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân, tuổi tác, thời gian mong con và điều kiện cụ thể của từng người. Trong đó, các phương pháp thường được sử dụng là: 

Dùng thuốc

Với những phụ nữ bị vô sinh do rối loạn rụng trứng, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc để điều chỉnh hoặc kích thích quá trình rụng trứng nhằm phục hồi khả năng sinh sản cho bệnh nhân. Các thuốc này thường có cơ chế hoạt động gần giống với nội tiết tố tự nhiên trong cơ thể (hormone kích thích nang trứng và hormone tạo hoàng thể). 

Một số thuốc giúp kích thích quá trình rụng trứng nhằm phục hồi khả năng sinh sản thường được sử dụng là clomiphene citrate, gonadotropin, letrozole, bromocriptine… Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng các loại thuốc này có thể dẫn đến một số rủi ro như mang đa thai, hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS)…, do đó cần phải được chỉ định và có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ điều trị.

Phẫu thuật nhằm phục hồi khả năng sinh sản

Một số phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng để cải thiện khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay, những phương pháp này thường ít được sử dụng do các lựa chọn không xâm lấn khác cho hiệu quả điều trị ngày càng tốt hơn. 

Một số phẫu thuật có thể được dùng để phục hồi khả năng sinh sản cho nữ giới là:

  • Phẫu thuật nội soi tử cung: Phẫu thuật này giúp sửa chữa các vấn đề về cấu tạo giải phẫu của tử cung, loại bỏ polyp nội mạc tử cung và một số loại u xơ làm biến dạng buồng tử cung, điều trị dính buồng tử cung…
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Phẫu thuật này được sử dụng để kiểm tra tình trạng của các cơ quan sinh sản như tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Thông qua nội soi ổ bụng, tùy vào tình trạng của từng cơ quan sẽ đòi hỏi những kỹ thuật điều trị khác nhau như cắt những khối u buồng trứng, cắt u xơ tử cung, thông ống dẫn trứng bị tắc…

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thường được sử dụng phổ biến hiện nay là:

  • Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng khỏe mạnh vào tử cung của phụ nữ trong khoảng thời gian rụng trứng
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Trong kỹ thuật này, trứng sẽ được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi, sau đó phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.
Phương pháp điều trị vô sinh nữ
Tình trạng vô sinh nữ có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc, phẫu thuật hoặc áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Chị em phải làm gì để phòng ngừa tình trạng vô sinh?

Tương tự như vô sinh nam, hầu hết các trường hợp vô sinh ở nữ giới không thể dự đoán trước hoặc ngăn ngừa được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ nữ có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra tình trạng vô sinh bằng cách:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh bằng việc hạn chế uống rượu bia, sử dụng thuốc lá và các chất gây nghiện khác…
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao đều đặn và phù hợp với tình trạng sức khỏe
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì và cố gắng tăng cân nếu bị thiếu cân, suy dinh dưỡng
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế các hoạt động gây căng thẳng, lo âu kéo dài

Điều quan trọng là chị em cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi có các biểu hiện bất thường về kinh nguyệt, dịch âm đạo, đau bụng, đau vùng chậu…

Hỏi đáp về tình trạng vô sinh ở nữ giới

Nếu kinh nguyệt đều thì có thể bị vô sinh không?

Câu trả lời là có. Kinh nguyệt đều là một dấu hiệu bình thường nhưng bạn vẫn có khả năng bị vô sinh do các vấn đề khác như: chất lượng trứng, quá trình thụ tinh hoặc quá trình làm tổ ở tử cung… Nếu đang có kinh nguyệt đều đặn, quan hệ vợ chồng thường xuyên mà không dùng biện pháp tránh thai nhưng vẫn không thụ thai thành công, tốt nhất bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có cách điều trị phù hợp.

Phụ nữ quan hệ nhiều có bị vô sinh không?

Quan hệ nhiều không trực tiếp gây vô sinh ở nữ. Tuy nhiên, việc này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe sinh sản bởi khi quan hệ tình dục quá nhiều, “cô bé” có nguy cơ bị tổn thương hoặc viêm nhiễm nếu như không được vệ sinh đúng cách. Ngược lại, duy trì sinh hoạt tình dục phù hợp sẽ góp phần nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, điều này cũng giúp cải thiện sức khỏe sinh sản. 

Quan hệ ngày đèn đỏ có bị vô sinh không?

Quan hệ ngày đèn đỏ tuy không trực tiếp gây ra tình trạng vô sinh ở nữ giới nhưng có thể làm tăng các nguy cơ gây vô sinh. Quan hệ ngày đèn đỏ dễ gây viêm nhiễm, tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể gây nên viêm nhiễm ngược dòng ở nội mạc tử cung, ống dẫn trứng và nặng nề hơn là viêm nhiễm vùng chậu. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ vô sinh là rất cao.

Phụ nữ uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không?

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh uống thuốc giảm đau bụng kinh gây vô sinh. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, tổn thương gan, viêm loét dạ dày, suy thận… Do đó, nếu có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.

Nữ giới uống thuốc tránh thai nhiều có bị vô sinh không?

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh thuốc tránh thai hàng ngày có thể gây vô sinh. Kết quả của một báo cáo công bố năm 2018 được tổng hợp từ 22 nghiên cứu với 14.884 phụ nữ cho thấy thuốc ngừa thai hàng ngày không ảnh hưởng đến khả năng có thai trong tương lai và không làm trì hoãn thời gian mang thai lại ở nữ. 

Còn đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, dù chưa có nghiên cứu chứng minh loại thuốc này có thể gây vô sinh nhưng bạn chỉ nên sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết, tránh lạm dụng. Bởi thuốc tránh thai khẩn cấp có liên quan đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt và mang thai ngoài tử cung.

Miếng dán tránh thai có gây vô sinh không?

Miếng dán tránh thai là dạng thuốc hấp thụ qua da, được dán trực tiếp lên da giúp ngăn chặn quá trình rụng trứng và thụ tinh. Nhìn chung, cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy phương pháp tránh thai này có thể gây vô sinh. Tuy nhiên, nếu vẫn còn băn khoăn, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Phá thai có gây vô sinh không, phá thai mấy lần thì bị vô sinh?

Rất khó để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi phá thai mấy lần thì bị vô sinh. Dù trong nhiều trường hợp, phá thai không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới nhưng đôi khi, việc này có thể dẫn đến các biến chứng làm tăng nguy cơ vô sinh, thậm chí dù bạn chỉ phá thai một lần. 

Theo thống kê, khoảng 20% những trường hợp điều trị vô sinh có tiền sử phá thai. Nguyên nhân chính gây vô sinh ở nhóm này đến từ những trường hợp phá thai không an toàn. Cụ thể, nhiều trường hợp vô sinh do tự ý phá thai bằng thuốc hoặc phá thai tại các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh, vô khuẩn, các cơ sở y tế “chui”, không được cấp phép. Việc này có thể dẫn đến các biến chứng như chảy máu, viêm nhiễm, sót nhau, tổn thương tử cung… từ đó để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Làm sao để biết mình bị vô sinh?

Nhiều người tự hỏi “Làm sao để một phụ nữ nhận biết mình bị vô sinh?”. Để xác định được mình có bị vô sinh hay không, nữ giới cần được thăm khám và thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm tại cơ sở y tế mới cho kết quả chính xác. 

Vì vậy, phụ nữ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám sớm nếu không thể thụ thai tự nhiên trong 6 tháng đến 1 năm dù quan hệ tình dục thường xuyên, đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào hoặc nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thống kinh, vô kinh, tuyến vú kém phát triển…

Tình trạng vô sinh ở nữ giới có chữa được không?

Vô sinh nữ có chữa được không còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Nhìn chung, sau khi chẩn đoán, dựa vào nguyên nhân gây vô sinh mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, phẫu thuật hay can thiệp bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, với sự phát triển của y học, đã có rất nhiều trường hợp vô sinh ở nữ được điều trị thành công. Do đó, nếu chẳng may rơi vào tình huống này, bạn cũng đừng quá lo lắng, hãy kiên trì thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ nhé!

Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng vô sinh ở nữ mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Bị chẩn đoán vô sinh không đồng nghĩa với việc bạn đã mất đi thiên chức làm mẹ. Bởi với sự tiến bộ của y học ngày nay, rất nhiều phụ nữ được chẩn đoán vô sinh vẫn có thể có con. Hãy tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để sớm có “thiên thần nhỏ” của riêng mình, bạn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý 12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý
Sản phụ khoa

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới
Sản phụ khoa

Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới

Ngày quan hệ dễ có thai: Xác định chính xác để tăng cơ hội thụ thai Ngày quan hệ dễ có thai: Xác định chính xác để tăng cơ hội thụ thai
Sản phụ khoa

Ngày quan hệ dễ có thai: Xác định chính xác để tăng cơ hội thụ thai

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK