Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh

Vô sinh là gì? Vô sinh có thể gặp phải ở cả nam và nữ giới, gây ra ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý và chất lượng cuộc sống của nhiều cặp đôi. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học ngày nay, việc nhận biết và điều trị sớm những bệnh lý gây vô sinh sẽ góp phần mang lại cơ hội mới cho những cặp vợ chồng đang mong con.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Nguyễn Quốc Thuận
Ngày đăng 2023-03-23
Cập nhật ngày 2023-07-09
Nội dung chính
Vô sinh là gì?Phân loại các dạng vô sinhLàm thế nào để nhận biết tình trạng vô sinh?Nguyên nhân nào gây ra vô sinh?Các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng vô sinhNhững kỹ thuật y khoa được dùng để đánh giá tình trạng vô sinhCác phương pháp điều trị vô sinh hiện nayLàm thế nào để phòng ngừa những nguy cơ gây nên tình trạng vô sinh?Giải đáp 9 thắc mắc thường gặp về vô sinh
Vô sinh là gì?

Vậy định nghĩa vô sinh là gì? Làm sao để biết mình có bị vô sinh không? Vô sinh có chữa được không? Để giải đáp những thắc mắc này, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi bài viết bên dưới nhé!

Vô sinh là gì?

Vô sinh là tình trạng suy giảm hoặc mất chức năng sinh sản do nhiều nguyên nhân, từ đó khiến quá trình thụ thai tự nhiên không thể thực hiện được. Tình trạng này được xác định khi các cặp đôi không thể thụ thai mặc dù vẫn duy trì quan hệ tình dục đều đặn trong vòng 6 tháng cho đến 1 năm mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

Theo thống kê, trong tổng số các ca vô sinh, khoảng 40% trường hợp là do nam giới, 40% là do nữ giới, 10% là do cả hai và 10% còn lại không rõ nguyên nhân.

Phân loại các dạng vô sinh

Để chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp, tình trạng vô sinh được chia làm 2 dạng khác nhau là:

  • Vô sinh nguyên phát: Với trường hợp này, các cặp đôi chưa từng thụ thai thành công lần nào từ trước đến nay.
  • Vô sinh thứ phát: Vô sinh thứ phát được xác định khi các cặp đôi đã từng thụ thai, sinh con một hoặc nhiều lần trước đó nhưng hiện tại không thể thụ thai một cách tự nhiên được nữa.

Làm thế nào để nhận biết tình trạng vô sinh?

Tình trạng vô sinh có thể được tìm thấy ở cả hai giới nam và nữ. Dấu hiệu chính để nhận biết tình trạng này là các cặp đôi không thể thụ thai tự nhiên sau 6 – 12 tháng dù vẫn quan hệ tình dục đều đặn mà không sử dụng biện pháp tránh thai. Trong một số trường hợp, tình trạng này không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào rõ rệt. 

Đối với nữ giới đang trong giai đoạn mong con, những dấu hiệu sau gợi ý một tình trạng sức khỏe bất thường có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và làm mẹ:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, rất ít hoặc thậm chí là vô kinh
  • Máu kinh bất thường như có màu đen, vón cục…
  • Đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Tuyến vú kém phát triển, tiết dịch bất thường
  • Đau bụng dưới, vùng chậu, vùng kín hoặc lưng
  • Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết như rậm lông, rụng tóc, nổi mụn, tăng cân nhanh…

Mặt khác, nguyên nhân của việc thụ thai không thành công cũng có thể đến từ nam giới. Do đó, phái mạnh hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Gặp phải các vấn đề về rối loạn cương dương và rối loạn xuất tinh như xuất tinh sớm, xuất tinh nhưng không có tinh dịch, đau khi xuất tinh…
  • Bất thường ở cơ quan sinh dục như đau cơ quan sinh dục, tinh hoàn nhỏ, bìu tấy đỏ, quy đầu mọc mụn…
  • Các vấn đề về tiểu tiện như tiểu són, tiểu buốt, tiểu ra mủ, tiểu ra máu…
  • Tinh dịch bất thường như có màu lạ (xanh, nâu, vàng…), quá loãng hoặc quá đặc, vón cục…
  • Tuyến vú tăng trưởng bất thường
  • Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết như rậm lông, giảm ham muốn tình dục, tăng cân nhanh, mệt mỏi…

Nguyên nhân nào gây ra vô sinh?

Tình trạng vô sinh có thể xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau và đôi khi không thể xác định chính xác nguyên nhân gây vô sinh là gì. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp vô sinh thường có liên quan đến những nguyên nhân dưới đây:

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
  • Quá trình sản xuất tinh trùng bị suy giảm
  • Tinh trùng có chất lượng kém hoặc hình dạng bất thường
  • Giãn đám rối tĩnh mạch thừng tinh 
  • Tinh hoàn ẩn
  • Rối loạn nội tiết tố nam
  • Dị tật bẩm sinh và chấn thương ở các cơ quan sinh sản
  • Khiếm khuyết nhiễm sắc thể 
  • Các vấn đề ở hệ miễn dịch
  • Khối u (cả lành tính và ác tính) ở cơ quan sinh sản
  • Một số loại thuốc và phương pháp điều trị y tế
  • Tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố gây hại như bức xạ, kim loại nặng, hóa chất độc hại
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, thuốc lá…
  • Rối loạn quá trình sinh trứng hoặc rụng trứng
  • Vấn đề ở tử cung hoặc cổ tử cung như khối u xơ, polyp
  • Suy buồng trứng nguyên phát
  • Tổn thương hoặc tắc ống dẫn trứng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương ở các cơ quan sinh sản
  • Tình trạng nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng 
  • Các vấn đề liên quan đến miễn dịch
  • Bệnh ung thư và các phương pháp điều trị bệnh

Các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng vô sinh

Bên cạnh việc hiểu rõ nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh là gì, bạn cũng nên biết một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị vô sinh ở cả hai giới, ví dụ như:

  • Lớn tuổi
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá và/hoặc các chất kích thích
  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại như bức xạ, hóa chất
  • Hoạt động thể chất quá sức
  • Căng thẳng kéo dài
  • Thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân, rối loạn dinh dưỡng
  • Thực hiện một số phương pháp điều trị ung thư
  • Mắc đái tháo đường hoặc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Song song đó là sự tồn tại của các yếu tố nguy cơ đặc trưng riêng đối với nam và nữ, bao gồm:

Yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh nam Yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh nữ
  • Tinh hoàn thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao (thói quen ngâm mình trong bồn nước nóng)
  • Tổn thương ở các cơ quan sinh dục như bìu, tinh hoàn
  • Mức testosterone trong cơ thể thấp 
  • Lạm dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được sử dụng để nâng cao hoạt động thể chất và thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp (steroid đồng hóa)
  • Gặp các vấn đề về rối loạn xuất tinh như xuất tinh sớm hoặc xuất tinh ngược dòng (xuất tinh nhưng không có tinh dịch)
  • Ung thư tinh hoàn và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị
  • Tinh hoàn ẩn
  • Rối loạn di truyền
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường 
  • Tắc ống dẫn lưu trứng
  • Có tiền sử mang thai ngoài tử cung
  • Mắc hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), suy giảm chức năng buồng trứng, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ cơ hoặc polyp ở tử cung…
  • Mắc một số bệnh lý khác như bệnh Celiac, viêm vùng chậu, bệnh thận, rối loạn tuyến thượng thận (như hội chứng Cushing), thiếu máu, bệnh tuyến giáp…

Những kỹ thuật y khoa được dùng để đánh giá tình trạng vô sinh

Sau khi thăm khám lâm sàng và khai thác các thông tin về bệnh sử, đời sống tình dục, biểu hiện vô sinh mà các cặp đôi gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu với mục đích tìm nguyên nhân, đáng giá tình trạng hiện tại để có thể đưa ra các hướng điều trị phù hợp. 

Các kỹ thuật và phương pháp thăm dò tình trạng vô sinh ở nam giới có thể được chỉ định là:

  • Tinh dịch đồ
  • Kiểm tra nồng độ testosterone và các hormone (nội tiết tố) khác trong cơ thể
  • Xét nghiệm di truyền
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp ống dẫn tinh, siêu âm 
  • Sinh thiết tinh hoàn
  • Tìm kiếm các ADN bất thường trong tinh dịch 

Trong khi đó, tình trạng vô sinh ở nữ giới có thể được thăm dò thông qua các kiểm tra, xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone (nội tiết tố)
  • Xét nghiệm kiểm tra khả năng dự trữ buồng trứng (AMH)
  • Chụp X-quang buồng tử cung và vòi trứng (HSG)
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SIS)
  • Soi buồng tử cung
  • Siêu âm vùng chậu
  • Nội soi ổ bụng
  • Xét nghiệm di truyền

Bài viết liên quan:

Các phương pháp điều trị vô sinh hiện nay

Hiện nay, các phương pháp điều trị vô sinh ở cả nam và nữ đều rất đa dạng. Việc lựa chọn điều trị sẽ dựa trên kết quả thăm dò, các nguyên nhân đã được chẩn đoán cũng như nhu cầu cụ thể ở mỗi cặp vợ chồng. Sau khi thăm khám và trao đổi, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị khả thi và phù hợp với nhu cầu của từng trường hợp, trong đó bao gồm các phương pháp như sau:

Phương pháp điều trị các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới

  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng điều chỉnh nồng độ nội tiết tố trong cơ thể để kiểm soát và kích thích quá trình sinh trứng và rụng trứng.
  • Phẫu thuật: Mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi có thể giúp phục hồi chức năng sinh sản. Tùy theo nguyên nhân gây vô sinh là gì mà các chỉ định có thể bao gồm: phẫu thuật thông ống dẫn trứng bị tắc, cắt u xơ, loại bỏ mô sẹo hoặc polyp ở tử cung, điều trị dính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung…
  • Các phương pháp khác bao gồm: Cải thiện chất lượng cuộc sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, điều trị các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, giảm thiểu các hành vi nguy cơ trong đời sống tình dục…

Phương pháp điều trị các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới

  • Dùng thuốc: Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị vô sinh ở nam giới là thuốc làm tăng nồng độ testosterone, thuốc kiểm soát rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, thuốc cải thiện chức năng tinh hoàn để đảm bảo số lượng và chất lượng tinh trùng…
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn trong ống dẫn tinh, phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh…
  • Các phương pháp khác: Tương tự như ở nữ giới, nam giới cũng cần thay đổi lối sống, giảm thiểu đáng kể các hành vi nguy cơ làm suy yếu khả năng tình dục cũng như chất lượng và số lượng tinh trùng, hạn chế các chất kích thích (rượu, bia…) và có chế độ dinh dưỡng phù hợp…

Ngoài ra, các cặp vợ chồng có thể kết hợp thêm các phương pháp hỗ trợ sinh sản để nhanh chóng đạt được kết quả như mong muốn. Một số kỹ thuật khá phổ biến hiện nay gồm có:

  • Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) 
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
  • Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) 
  • Sử dụng trứng hoặc tinh trùng được hiến tặng
  • Mang thai hộ

Một điểm nhỏ cần lưu ý là, dù thực hiện phương pháp điều trị nào thì cả hai vợ chồng cũng nên tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, thay đổi lối sống lành mạnh. Điều này sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi giúp rút ngắn và nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị.

Cách điều trị vô sinh là gì?
Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).

Làm thế nào để phòng ngừa những nguy cơ gây nên tình trạng vô sinh?

Mặc dù không phải tất cả các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng vô sinh đều có thể phòng ngừa được nhưng việc thay đổi một số hành vi nguy cơ sẽ giúp bạn duy trì được chức năng sinh sản cũng như cải thiện đời sống tình dục. Theo đó, để giảm thiểu nguy cơ gây nên tình trạng vô sinh, bạn nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng
  • Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích, gây nghiện
  • Không lạm dụng bia rượu
  • Giảm tiêu thụ caffeine, đặc biệt là phụ nữ
  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại có trong công nghiệp hoặc từ môi trường 
  • Duy trì hoạt động thể chất với cường độ phù hợp
  • Kiểm soát cân nặng ở mức lý tưởng, không để thừa hoặc thiếu cân
  • Điều trị các bệnh lý nội khoa, các bệnh lý liên quan đến đường sinh dục 
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nào mà mình nghi ngờ có thể tác động đến chức năng sinh sản
  • Nam giới không nên ngâm mình quá lâu trong bồn nước nóng để tránh các rủi ro liên quan tới việc sản xuất tinh trùng

Giải đáp 9 thắc mắc thường gặp về vô sinh

Vô sinh thường gặp ở độ tuổi nào?

Ngoại trừ các trường hợp vô sinh do các nguyên nhân bẩm sinh (rối loạn nhiễm sắc thể, thiểu sản hoặc bất sản các cơ quan ở đường sinh dục) thì hầu hết khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới đều giảm dần theo sự lão hóa của cơ thể, đặc biệt là giai đoạn sau 30 tuổi. Cụ thể, theo các thống kê cho thấy, tình trạng vô sinh dễ gặp phải ở nữ giới trên 35 tuổi và nam giới từ 40 tuổi trở lên.

Vô sinh có di truyền không?

Một số rối loạn di truyền (là nguyên nhân bẩm sinh) có liên quan đến tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ. Cần lưu ý rằng, có thể cha mẹ bình thường nhưng khi sinh ra em bé mang những rối loạn về di truyền hoặc những bất thường bẩm sinh. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé khi lớn lên.

Chẳng hạn như, đối với nữ, thường gặp nhất là hội chứng Turner. Đây là bất thường xảy ra trong quá trình tạo trứng hoặc tinh trùng dẫn đến bé gái bị thiếu mất một hoặc một phần nhiễm sắc thể X. Bé gái này khi trưởng thành rất khó để có thể mang thai tự nhiên do tình trạng suy buồng trứng sớm. 

Tương tự ở bé trai, hội chứng Klinefelter cũng là một bất thường liên quan đến yếu tố di truyền. Bé trai bị hội chứng Klinefelter (có 2 hay nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ gen) khi trưởng thành cũng gặp phải một số vấn đề dẫn đến tình trạng vô sinh như suy sinh dục sớm, suy giảm chức năng tình dục, rối loạn sinh tinh…

Làm sao để biết mình có bị vô sinh không?

Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bất thường (có hay không có liên quan đến bệnh lý) là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe nói chung, trong đó có sức khỏe sinh sản. Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một trong những lựa chọn mà các cặp đôi nên cân nhắc để đánh giá sức khỏe của mình. Các cặp vợ chồng đang trong giai đoạn mong con, nếu sinh hoạt vợ chồng đều đặn, không dùng bất kỳ phương pháp ngừa thai nào mà không thể có thai tự nhiên trong vòng 6 tháng thì nên cân nhắc đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phù hợp. 

Cần lưu ý, tuổi tác cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó, đối với những cặp vợ chồng lớn tuổi, thời gian chờ có thai tự nhiên cũng nên cân nhắc để rút ngắn lại.

Người yếu sinh lý có bị vô sinh không?

Thuật ngữ “yếu sinh lý” để chỉ tình trạng rối loạn chức năng tình dục có thể gặp phải ở cả nam giới lẫn nữ giới. Suy giảm ham muốn tình dục sẽ kéo theo giảm tần suất quan hệ vợ chồng, điều này khiến cho cơ hội có thai tự nhiên ngày càng thấp.

Bên cạnh đó, đối với nam giới, rối loạn chức năng tình dục cũng cần phải kể đến đó chính là rối loạn cương dương, xuất tinh sớm. Nếu tình trạng này ở mức độ nhẹ, số lượng và chất lượng tinh trùng tốt thì có thể không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được can thiệp phù hợp thì có thể dẫn đến tình trạng vô sinh.

"Tự sướng" có gây vô sinh không?

Trên thực tế, hoạt động thủ dâm (hay còn gọi là “tự sướng”) thường không dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, việc này có thể gây ra một số vấn đề làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như khả năng có con sau này. Chẳng hạn như tổn thương, viêm nhiễm phụ khoa ở nữ giới hoặc gây xuất tinh sớm ở nam giới.

Người bị vô sinh có quan hệ được không?

Quan hệ tình dục nhằm mục đích tạo khoái cảm tình dục, duy trì nòi giống hoặc cả hai. Đối với mục đích tạo khoái cảm tình dục thì tình trạng vô sinh hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên đối với mục đích sinh sản, sinh hoạt tình dục đều đặn, phù hợp sẽ làm tăng cơ hội có thai tự nhiên. Hơn nữa, chính việc quan hệ bình thường, đều đặn và không sử dụng các biện pháp ngừa thai cũng sẽ là một tín hiệu cho biết rằng bạn có bị vô sinh hay không.

Tình trạng vô sinh, hiếm muộn có chữa được không?

Tình trạng vô sinh có điều trị được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây vô sinh là gì. Trong một số ít trường hợp, vô sinh do những nguyên nhân bẩm sinh thì không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhìn chung, với nền y học đã và đang phát triển như hiện nay thì những cặp vợ chồng mong con sẽ có cơ hội được điều trị thành công cao.

Người bị vô sinh có thụ tinh nhân tạo được không?

Người bị vô sinh có thụ tinh nhân tạo được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng hiện tại cũng như khả năng sản xuất trứng/tinh trùng. Nếu hai vợ chồng vẫn có thể sản xuất trứng và tinh trùng bình thường thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp bơm tinh trùng để đưa tinh trùng vào tử cung của phụ nữ trong giai đoạn rụng trứng. Trong trường hợp phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng, rối loạn phóng noãn hoặc chất lượng tinh trùng của nam giới không đảm bảo (ít hoặc yếu) thì bác sĩ thường không áp dụng phương pháp này. Thay vào đó, các phương pháp khác như thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng sẽ được cân nhắc.

Người bị vô sinh có thể có con được không?

Chỉ cần người vợ còn trứng và người chồng còn tinh trùng thì cơ hội để có con vẫn còn hiện hữu. Người bị vô sinh có thể có con được hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng thực sự của bạn để đưa ra những phương án điều trị tối ưu nhất. Với sự phát triển của y học hiện nay, xác định đúng nguyên nhân và lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp đã và sẽ mang lại nhiều tia hy vọng mới cho các cặp vợ chồng mong con.

Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết, bạn đã phần nào hiểu rõ tình trạng vô sinh là gì cũng như biết được một số cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Từ đó có thể giúp bạn xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe và vun vén hạnh phúc gia đình tốt hơn!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới
Sản phụ khoa

Vô sinh nam: Nỗi lo của nhiều nam giới

Những điều cần biết về viêm âm đạo Những điều cần biết về viêm âm đạo
Sản phụ khoa

Những điều cần biết về viêm âm đạo

Bà bầu bị cúm A phải làm sao để nhanh khỏe, không ảnh hưởng em bé? Bà bầu bị cúm A phải làm sao để nhanh khỏe, không ảnh hưởng em bé?
Sản phụ khoa

Bà bầu bị cúm A phải làm sao để nhanh khỏe, không ảnh hưởng em bé?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK