Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu nhanh về viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa cần được điều trị thích hợp tại bệnh viện để kịp thời ngăn chặn các ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-24
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Viêm ruột thừa là gì?Triệu chứng viêm ruột thừaNguyên nhân gây viêm ruột thừaViêm ruột thừa có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trị

Tìm hiểu nhanh về viêm ruột thừa

Ruột thừa là một bộ phận có hình ống với kích thước nhỏ bằng ngón tay, nằm ở vị trí đáy của manh tràng. Tình trạng viêm ở ruột thừa có thể gây ra hàng loạt vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy viêm ruột thừa là gì? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này nhé!

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ở ruột thừa. Nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm, túi ruột thừa có thể bị vỡ làm tình trạng nhiễm trùng lây lan ra khắp khoang bụng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Mặc dù viêm ruột thừa có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên theo ghi nhận cho thấy bệnh thường phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong khi đó, rủi ro bị viêm ruột thừa sẽ ít hơn ở những người trên 30 tuổi. 

Triệu chứng viêm ruột thừa

Biểu hiện đầu tiên và đặc trưng nhất của người bị viêm ruột thừa là tình trạng đau bắt đầu quanh rốn và sau đó lan sang vùng bụng dưới bên phải, đặc biệt đau nhiều khi ho, hắt hơi hoặc cử động. Cơn đau thường bắt đầu đột ngột và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Nếu triệu chứng đau có dấu hiệu thuyên giảm trong vài giờ, sau đó quay trở lại với mức độ ngày càng dữ dội thì có khả năng túi ruột thừa đã bị vỡ. Lúc này cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.  

Bên cạnh đó, tình trạng viêm ruột thừa cũng gây ra một số triệu chứng liên quan khác, bao gồm:

  • Sốt nhẹ, mặt đỏ bừng 
  • Ăn mất ngon, chán ăn
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Đầy hơi, chướng bụng

Vấn đề cần lưu ý là những triệu chứng của viêm ruột thừa rất dễ bị nhầm lẫn với một vài bệnh lý khác, ví dụ như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng tiết niệu, viêm vùng chậu, mang thai ngoài tử cung, đau bụng kinh… Do đó, khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và phần lớn thường không rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự tắc nghẽn tại lỗ mở ruột thừa là nguyên nhân chính dẫn đến sưng đau và viêm nhiễm, lâu dần có thể tăng áp lực bên trong gây vỡ ruột thừa.

Nguyên nhân phổ biến khiến túi ruột thừa bị tắc nghẽn là do dị vật rơi vào và mắc kẹt tại đây. Trong một số trường hợp đã ghi nhận được, dị vật có thể bao gồm những khối phân nhỏ, sạn, hạt trái cây hoặc thức ăn không tiêu hóa được.

Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm ruột thừa cũng có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như chấn thương vùng bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm ruột, tăng trưởng mô ở thành ruột thừa…

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Bệnh nhân viêm ruột thừa không chỉ trải qua cảm giác đau đớn khó chịu mà có khả năng còn phải đối mặt với các rủi ro nguy hiểm nếu ruột thừa bị vỡ. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Áp xe: Áp xe là hiện tượng một hoặc nhiều ổ mủ có chứa đầy dịch và vi khuẩn hình thành ở quanh khu vực ruột thừa bị vỡ. Với trường hợp này, bác sĩ cần tiến hành dẫn lưu ổ mủ ra bên ngoài để tránh nhiễm trùng lan rộng và nặng hơn. 
  • Viêm phúc mạc: Vỡ ruột thừa có thể khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng ra khắp ổ bụng và dẫn đến viêm phúc mạc. Nếu không kịp thời điều trị, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
  • Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn từ ruột thừa bị vỡ cũng có thể xâm nhập vào máu và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn vô cùng nghiêm trọng với nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong. 

Phương pháp chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa
Xét nghiệm nước tiểu là một trong các phương pháp được dùng để chẩn đoán viêm ruột thừa.

Sau quá trình khai thác tiền sử bệnh cũng như một số thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách kiểm tra sức khỏe tổng thể để xem xét và đánh giá cẩn thận các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.

Trước khi đưa ra kết luận, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng nhằm thu thập thêm thông tin cho việc chẩn đoán. Các kiểm tra, xét nghiệm thường thấy trong chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh như X-quang bụng, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Nội soi

Phương pháp điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa bị viêm là phương pháp điều trị được áp dụng cho hầu hết các trường hợp có chẩn đoán viêm ruột thừa. Để cắt bỏ ruột thừa, phẫu thuật có thể tiến hành theo 2 cách dưới đây:

Phẫu thuật nội soi

Các dụng cụ đặc biệt được đưa vào bụng thông qua một vết rạch nhỏ để loại bỏ ruột thừa bị viêm. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn nên hạn chế để lại sẹo và thời gian hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi không phù hợp với bệnh nhân bị vỡ ruột thừa. 

Phẫu thuật mở bụng

Khi túi ruột thừa bị vỡ và nhiễm trùng lan ra ngoài, bác sĩ phẫu thuật có thể rạch một đoạn dài khoảng 5 – 10 cm để mở bụng bệnh nhân, sau đó cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.

Dù cắt bỏ ruột thừa bằng phương pháp nào, bệnh nhân cũng được tiêm tĩnh mạch (IV) thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và dự phòng trong phẫu thuật. Đặc biệt nếu có biến chứng áp xe, cần phải đặt ống dẫn lưu ổ dịch ra ngoài trước khi thực hiện phẫu thuật vài tuần. Riêng một số ít trường hợp bị viêm ruột thừa nhẹ và đáp ứng tốt với liệu pháp kháng sinh có thể được xem xét không cần phẫu thuật. 

Như vậy, Bowtie đã chia sẻ cùng bạn một số thông tin liên quan đến tình trạng viêm ruột thừa. Hy vọng qua đó, bạn có thể hiểu hơn về các dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa, đồng thời có được giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không? Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cúm A an toàn, tránh lây nhiễm Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cúm A an toàn, tránh lây nhiễm
Các bệnh lý khác

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cúm A an toàn, tránh lây nhiễm

Biến chứng đái tháo đường nghiêm trọng hơn bạn nghĩ Biến chứng đái tháo đường nghiêm trọng hơn bạn nghĩ
Các bệnh lý khác

Biến chứng đái tháo đường nghiêm trọng hơn bạn nghĩ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK