Viêm cơ tim thường có rất ít biểu hiện hoặc không có dấu hiệu nào cụ thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cấp tính, tính từ lúc phát bệnh cho đến khi trở nặng, chỉ sau vài ngày, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong.
Trong bài viết dưới đây, Bowtie sẽ chia sẻ một số điều bạn cần biết về căn bệnh nguy hiểm và vô cùng phức tạp này.
Bệnh viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là bệnh lý tim mạch xảy ra khi tình trạng viêm phát triển ở cơ tim hoặc lớp cơ giữa của thành tim. Bệnh có thể làm suy yếu cơ tim và khiến tim khó bơm máu đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể.
Thực tế, các trường hợp viêm cơ tim nhẹ có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, viêm cơ tim có khả năng dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc tử vong.
Dựa vào thời gian bệnh, viêm cơ tim được chia thành 3 nhóm chính là:
Viêm cơ tim cấp
Viêm cơ tim bán cấp
Viêm cơ tim mạn
Đọc thêm
Warning: Illegal string offset 'url' in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99
Notice: Uninitialized string offset: 0 in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99
Một số bệnh nhân viêm cơ tim không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trong khi đó, một số khác lại gặp phải các triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm:
Khó thở, khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi
Mệt mỏi, người cảm giác lâng lâng không khỏe
Sốt
Đau tức ngực
Nhịp tim bất thường hoặc tim đập nhanh
Xuất hiện tình trạng đau bụng
Có thể bị ngất xỉu
Cảm giác chán ăn
Sưng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
Không thể hoạt động mạnh
Các triệu chứng giống cúm như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, đau họng…
Nguyên nhân viêm cơ tim
Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây viêm cơ tim không được xác định rõ. Ngược lại, một số trường hợp khác có thể do các nguyên nhân sau đây gây ra:
Virus: Nhiễm virus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim. Các loại virus có thể gây bệnh bao gồm virus cúm, adenovirus, virus herpes, virus coxsackie, virus SARS-CoV-2…
Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và bệnh Lyme… có thể gây viêm nhiễm ở cơ tim.
Ký sinh trùng: Trypanosoma cruzi và Toxoplasma là những ký sinh trùng có khả năng gây bệnh.
Nấm: Nhiễm nấm có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Một số loại nấm thường gặp có khả năng gây bệnh là Candida, Aspergillus, Histoplasma, nấm mốc…
Các bệnh tự miễn: Các bệnh tự miễn như lupus, sarcoidosis… đôi khi chính là nguyên nhân gây viêm cơ tim vì hệ thống miễn dịch lúc này có thể tấn công vào bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, bao gồm cả trái tim và từ đó gây viêm.
Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị động kinh, kháng sinh, thuốc lợi tiểu… cũng có thể gây viêm cơ tim.
Chất độc hại: Việc tiếp xúc nhiều với carbon monoxide, các loại bức xạ hoặc kim loại nặng cũng có thể dẫn đến bệnh.
Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm cơ tim
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim:
Ở độ tuổi thanh thiếu niên
Là nam giới
Uống nhiều hoặc lạm dụng rượu bia
Bệnh nhân phải thực hiện các phương pháp y tế để điều trị bệnh như lọc máu, xạ trị, các phương pháp điều trị bệnh tim mạch…
Mắc một số bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường, HIV/AIDS, tổn thương hoặc nhiễm trùng da, ung thư, rối loạn ăn uống, bệnh thận giai đoạn cuối…
Bệnh viêm cơ tim có nguy hiểm không?
Thông thường, bệnh nhân viêm cơ tim có thể điều trị khỏi mà không gặp phải bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:
Rối loạn nhịp tim
Các vấn đề về phổi
Suy tim
Nhồi máu cơ tim
Đột quỵ
Đột tử do tim
Phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim
Chẩn đoán sớm viêm cơ tim là việc làm rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương tim lâu dài. Thông thường, các bác sĩ sẽ bắt đầu từ việc thăm hỏi bệnh sử, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khám lâm sàng cũng như sử dụng ống nghe để kiểm tra nhịp tim cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kiểm tra, xét nghiệm để tìm kiếm và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán viêm cơ tim bao gồm:
Xét nghiệm máu
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
Chụp X-quang ngực
Chụp cộng hưởng từ tim
Siêu âm tim
Thông tim và sinh thiết cơ tim
Phương pháp điều trị viêm cơ tim
Các trường hợp viêm cơ tim nhẹ có thể tự cải thiện và phục hồi. Trong khi đó, một số trường hợp viêm cơ tim nặng cần phải điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa hơn như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Việc điều trị viêm cơ tim thường tập trung vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng cụ thể.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng, loại viêm cơ tim và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các loại thuốc có thể được sử dụng là:
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)/ thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): Tác dụng hạ huyết áp và giúp phục hồi cơ tim sau viêm cơ tim
Thuốc chẹn beta: Cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim và giúp tái tạo cơ tim
Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm tình trạng tích tụ chất lỏng trong cơ thể xảy ra khi cơ tim yếu đi
Corticosteroid: Giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể
Thuốc truyền tĩnh mạch: Một số loại thuốc truyền qua đường tĩnh mạch có thể được sử dụng để cải thiện khả năng bơm máu của tim
Thủ thuật, phẫu thuật
Nếu bệnh nhân bị viêm cơ tim nặng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị tích cực hơn, bao gồm:
Cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất: Thiết bị này giúp hỗ trợ tim bơm máu từ tâm thất đến các phần còn lại của cơ thể.
Đặt bóng đối xung động mạch chủ: Thiết bị này giúp tăng lưu lượng máu và giảm căng thẳng cho tim.
Phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO): Máy ECMO hoạt động tương tự phổi, giúp loại bỏ carbon dioxide và bổ sung oxy cho máu. Phương pháp này được sử dụng để giúp tim phục hồi hoặc duy trì trong khi chờ các phương pháp điều trị khác.
Cấy ghép tim: Người bị viêm cơ tim nghiêm trọng có thể cần cấy ghép tim.
Cách phòng ngừa viêm cơ tim
Việc phòng ngừa viêm cơ tim là vô cùng quan trọng. Theo đó, mọi người nên chú ý:
Tránh tiếp xúc với các bệnh nhân đang bị nhiễm trùng
Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước
Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine được khuyến nghị như vaccine cúm, Covid-19, rubella…
Hạn chế uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích
Điều trị hiệu quả các bệnh lý hiện có như đái tháo đường, rối loạn ăn uống…
Nâng cao sức khỏe bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng…
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm cơ tim
Viêm cơ tim có lây không?
Theo các chuyên gia, viêm cơ tim không phải là bệnh lây truyền nhưng một số tác nhân gây viêm cơ tim như vi khuẩn, virus thì có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua nhiều con đường.
Viêm cơ tim có tự khỏi không?
Hầu hết các trường hợp viêm cơ tim nhẹ có thể cải thiện và tự khỏi. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ cần chỉ định các phương pháp điều trị tích cực hơn như dùng thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều trị bệnh.
Tiên lượng sống của bệnh nhân viêm cơ tim như thế nào?
Tiên lượng sống của bệnh nhân viêm cơ tim phụ thuộc nhiều vào mức độ bệnh và biểu hiện của các triệu chứng. Nhiều bệnh nhân có thể sống rất lâu mà không gặp bất kỳ vấn đề gì sau khi điều trị. Trong khi một số bệnh nhân khác phải duy trì dùng thuốc lâu dài hoặc gặp phải tình trạng viêm cơ tim tái phát. Với một số trường hợp nặng, bệnh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
Theo thống kê, tỷ lệ sống sót đối với bệnh nhân viêm cơ tim là 80% sau một năm mắc bệnh và 50% sau 5 năm mắc bệnh.
Viêm cơ tim nên ăn gì?
Chế độ ăn uống của người mắc bệnh viêm cơ tim nên ưu tiên các loại thực phẩm giúp bảo vệ trái tim như:
Trái cây và rau xanh
Các loại hạt
Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như hạt óc chó, cá hồi, dầu hạt cải và dầu đậu nành
Đồng thời, bệnh nhân nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol hoặc natri (muối), thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, rượu bia.
Trên đây là “tất tần tật” những điều bạn cần biết về viêm cơ tim. Đây là một bệnh lý không phổ biến nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp nhé.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.