Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu và hay ẩm ướt do ra nhiều khí hư có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo, một căn bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới. Hiểu rõ về bệnh lý này sẽ giúp chị em phụ nữ có cách phòng ngừa bệnh từ sớm cũng như nhanh chóng phát hiện khi bệnh xảy ra để điều trị kịp thời.
Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa mà nhiều nữ giới mắc phải. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi 15 – 35. Tuy nhiên, vì là một bệnh lý khá tế nhị nên nhiều người cảm thấy ngại và không thăm khám bệnh từ sớm, đợi đến khi bệnh tiến triển nặng mới tìm gặp bác sĩ, từ đó khiến việc điều trị khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Trong bài viết dưới đây, Website Bowtie sẽ giới thiệu một số thông tin về viêm âm đạo để giúp bạn hiểu rõ hơn bệnh lý này, mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như tầm quan trọng của việc thăm khám, điều trị sớm. Cùng tìm hiểu thêm với Bowtie nhé.
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở âm đạo. Tình trạng này có thể khiến âm đạo tiết ra nhiều dịch, ngứa ngáy và khó chịu.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh phụ khoa và số ca bệnh mỗi năm tăng khoảng 15 – 27%. Trong đó, viêm âm đạo là bệnh lý thường gặp nhất. Điều đáng nói là không chỉ phụ nữ đã lập gia đình mà các chị em chưa từng quan hệ tình dục cũng có khả năng bị viêm âm đạo.
Dựa theo tác nhân gây viêm nhiễm mà viêm âm đạo được chia thành các loại chính sau:
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo do nhiễm nấm
Viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas
Viêm âm đạo do virus
Viêm âm đạo không do nhiễm trùng
Viêm teo âm đạo
Dấu hiệu của viêm âm đạo
Các dấu hiệu, triệu chứng viêm âm đạo chủ yếu xảy ra ngay ở vùng kín, gây cảm giác khó chịu, không thoải mái trong sinh hoạt thường ngày. Các triệu chứng này có thể bao gồm:
Ngứa ngáy, nóng rát và đau ở âm đạo, cảm giác nóng rát và đau tăng lên khi tiểu tiện hoặc trong lúc quan hệ tình dục. Trường hợp bệnh tiến triển, xung quanh bộ phận sinh dục có thể xuất hiện các nốt mụn rộp.
Dịch tiết âm đạo (khí hư) ra nhiều hơn, có mùi hôi và màu sắc bất thường như vàng, trắng đục, xanh, nâu đỏ… Khí hư cũng có khi đặc hoặc loãng hơn bình thường.
Chảy máu âm đạo nhẹ
Vùng da xung quanh âm đạo bị sưng lên hoặc nứt nẻ gây cảm giác đau nhức
Trên thực tế, tùy theo tác nhân gây viêm nhiễm mà người bệnh sẽ có những biểu hiện cụ thể khác nhau. Viêm âm đạo do vi khuẩn thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Một số bệnh nhân nhận thấy dịch tiết âm đạo loãng, có màu trắng đục và có mùi tanh khó chịu.
Bệnh nhân bị viêm âm đạo do nấm có thể gặp phải các triệu chứng như khí hư bất thường, âm đạo hoặc âm hộ ngứa ngáy, đỏ, sưng, xuất hiện các vết nứt nhỏ trên âm hộ kèm theo cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Khí hư lúc này thường đặc, có màu trắng hoặc đôi khi có thể lỏng hơn bình thường và không có mùi.
Nhiễm ký sinh trùng như Trichomonas có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc gây ngứa, rát, đau ở âm đạo và âm hộ. Khí hư tiết ra có bọt, màu vàng xám, có thể có mùi hôi. Trong khi đó, viêm âm đạo do nhiễm HSV thường gây đau ở vùng sinh dục do lở loét. Nhiễm HPV có thể làm xuất hiện mụn cóc không đau trên âm đạo, trực tràng, âm hộ.
Nguyên nhân viêm âm đạo
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm âm đạo như nhiễm vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng hoặc dị ứng với các hóa chất có trong sản phẩm vệ sinh cá nhân, thậm chí còn do quần áo. Ngoài ra, những yếu tố làm ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo cũng khiến tình trạng viêm nhiễm dễ xảy ra, bao gồm sức khỏe tổng thể, vệ sinh cá nhân, thuốc, nội tiết tố (nhất là estrogen) và cả sức khỏe của bạn tình.
Các nhóm nguyên nhân gây viêm âm đạo phổ biến nhất là:
Vi khuẩn: Sự mất cân bằng giữa các vi khuẩn “tốt” và “xấu” tự nhiên trong âm đạo có thể khiến các vi khuẩn gây hại như Gardnerella vaginalis phát triển quá mức, dẫn đến viêm. Viêm âm đạo do vi khuẩn có liên quan đến hoạt động quan hệ tình dục nhưng không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ chưa quan hệ tình dục vẫn có thể bị viêm âm đạo do vi khuẩn.
Nấm Candida albicans: Bình thường, nấm Candida vẫn hiện diện ở âm đạo nhưng với số lượng ít. Nếu có yếu tố làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ vi sinh bình thường như sử dụng thuốc kháng sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nấm phát triển. Khi đó, nấm Candida có thể gây viêm nhiễm âm đạo.
Nhiễm Trichomonas. Trichomonas là một loại ký sinh trùng có thể gây viêm nhiễm âm đạo, thường lây qua đường tình dục. Khi tấn công vào âm đạo, chúng sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa, khí hư có mùi hôi.
Virus: Loại virus gây viêm âm đạo hoặc viêm bộ phận sinh dục phổ biến nhất là virus herpes simplex (HSV), tiếp đến là virus gây u nhú ở người (HPV).
Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Trong một số trường hợp, viêm âm đạo không liên quan đến nhiễm trùng mà do phản ứng kích ứng hoặc dị ứng của âm đạo với các hóa chất có trong dung dịch vệ sinh, thuốc diệt tinh trùng, bột giặt, nước xả vải…
Viêm teo âm đạo: Một số trường hợp viêm âm đạo khác lại liên quan đến sự thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở nữ giới (viêm teo âm đạo), thường xảy ra sau khi mãn kinh hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, xạ trị.
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm âm đạo ở phụ nữ
Các yếu tố làm tăng khả năng bị viêm âm đạo ở phụ nữ là:
Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như trường hợp mang thai, dùng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh
Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn
Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như kháng sinh hoặc steroid
Dùng các sản phẩm vệ sinh cá nhân như viên sủi bồn tắm, chất khử mùi âm đạo…
Mặc quần áo quá bó hoặc mặc đồ bị ẩm
Sử dụng một số phương pháp tránh thai như đặt vòng, dùng thuốc diệt tinh trùng
Không có thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cẩn thận
Viêm âm đạo có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị thì các triệu chứng viêm âm đạo có thể tiến triển nặng hơn. Một số trường hợp viêm âm đạo làm tăng nguy cơ mắc những vấn đề sức khỏe khác ở phụ nữ:
Viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ làm tăng khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bao gồm cả HIV. Bệnh cũng có liên quan đến viêm vùng chậu – một căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của phụ nữ và gây vô sinh. Viêm nhiễm do vi khuẩn cũng làm tăng nguy cơ sinh non hoặc tăng khả năng bị nhiễm trùng sau khi phẫu thuật phá thai, cắt bỏ tử cung.
Viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV và gây sinh non ở phụ nữ mang thai.
Phương pháp chẩn đoán viêm âm đạo
Để chẩn đoán viêm âm đạo, bác sĩ sẽ cần thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trước hết, bệnh nhân thường được hỏi về tình trạng bệnh, tiền sử bệnh, các thói quen vệ sinh cá nhân và hoạt động tình dục của bản thân.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ cần khám phụ khoa khu vực vùng kín để quan sát rõ hơn bên trong âm đạo và theo dõi các tình trạng bất thường. Cuối cùng, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch tiết ở âm đạo để làm các xét nghiệm cần thiết. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra độ pH của âm đạo hoặc dịch âm đạo để củng cố chẩn đoán.
Phương pháp điều trị viêm âm đạo
Việc quan trọng nhất để điều trị viêm âm đạo hiệu quả là xác định đúng nguyên nhân gây viêm. Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân, chẳng hạn như:
Viêm âm đạo do vi khuẩn: Nếu viêm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân, có thể là thuốc dùng đường uống hoặc kem bôi tại chỗ ở âm đạo. Các loại thuốc thường được sử dụng là metronidazole, clindamycin, tinidazole, secnidazole… Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân phải dùng bao cao su nếu muốn quan hệ tình dục hoặc tạm ngưng quan hệ.
Viêm âm đạo do nhiễm nấm: Viêm do nhiễm nấm thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm dạng kem bôi hoặc thuốc đặt trong âm đạo, đôi khi có thể dùng dạng đường uống.
Viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas: Với dạng này, bệnh nhân thường được chỉ định dùng kháng sinh đơn liều. Lưu ý, cả bệnh nhân và bạn tình cần được điều trị chung để ngăn ngừa tái nhiễm trở lại.
Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Để điều trị hiệu quả dạng viêm âm đạo này, bác sĩ và bệnh nhân cần xác định được tác nhân gây kích ứng âm đạo và hạn chế tiếp xúc.
Viêm teo âm đạo: Người bị viêm âm đạo do thay đổi nội tiết tố sẽ được sử dụng các thuốc bổ sung nội tiết tố để cải thiện triệu chứng viêm.
Cách phòng ngừa viêm âm đạo
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể thực hiện để phòng ngừa viêm âm đạo:
Tránh tắm bồn
Hạn chế sử dụng các sản phẩm dễ gây kích ứng vùng kín
Lau khô vùng kín từ trước ra sau khi đi vệ sinh
Tránh tự thụt rửa âm đạo vì có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật ở đó
Có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ với nhiều bạn tình
Mặc đồ lót thoải mái, khô thoáng, không quá chật, không để ẩm ướt
Thay băng vệ sinh thường xuyên trong lúc đang có kinh nguyệt
Xây dựng lối sống khoa học, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể
Sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ
Câu hỏi thường gặp về viêm âm đạo
Viêm âm đạo có tự khỏi không?
Bạn không nên đợi viêm âm đạo tự khỏi trừ khi đã xác định được nguyên nhân gây ra viêm. Một số người bị viêm do nhiễm nấm Candida có thể tự hết nhưng không phải tất cả trường hợp đều được như vậy.
Nếu không điều trị nhanh, tình trạng viêm nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng nên tiến hành thăm khám và điều trị viêm âm đạo theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi bị viêm âm đạo có nên quan hệ không?
Khi đang bị viêm âm đạo thì bạn không nên quan hệ tình dục vì việc này sẽ làm cho các triệu chứng nặng hơn. Nếu viêm xảy ra do các tác nhân lây truyền qua đường tình dục thì việc quan hệ có thể làm lây bệnh cho bạn tình và tăng khả năng bị tái nhiễm sau này.
Viêm âm đạo thường gây ra nhiều cảm giác khó chịu, lo lắng cho người bệnh nhưng không phải là một căn bệnh khó điều trị. Bạn chỉ cần đến bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân gây viêm và tập trung điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ là có thể sớm quay lại trạng thái khỏe mạnh bình thường.
Ngoài ra bạn nên tham khảo các dấu hiệu của bệnh sản phụ khoakhác để hạn chế các tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.