Ung thư
Ung thư

Tìm hiểu về vắc-xin ngừa HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc-xin ngừa HPV là cách phòng tránh ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý liên quan đến virus HPV rất an toàn và hiệu quả. Tìm hiểu các thông tin về việc tiêm vắc-xin ngừa HPV sẽ giúp bạn biết được thời gian, độ tuổi chủng ngừa phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-23
Cập nhật ngày 2023-08-23
Nội dung chính
Vắc-xin ngừa HPV là gì?Có nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung không?Ai nên tiêm vắc-xin ngừa HPV?Những đối tượng không nên chích vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cungCác loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung hiện nayNhững điều cần lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cungTác dụng phụ khi chích vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cungGiá vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung là bao nhiêu tiền?Bạn nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung ở đâu?Giải đáp 6 câu hỏi thường gặp về việc tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tìm hiểu về vắc-xin ngừa HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung

Theo số liệu từ Bộ Y tế thì ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.400 người tử vong vì bệnh. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện là do virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV) gây ra. Ngoài ra, virus HPV còn liên quan đến mụn cóc sinh dục và một số loại ung thư khác nên việc tiêm vắc-xin ngừa HPV là vô cùng cần thiết giúp phòng tránh các bệnh do virus này gây ra, nhất là ung thư cổ tử cung.

Vắc-xin ngừa HPV là gì?

Vắc-xin ngừa HPV là chế phẩm giúp phòng ngừa một số chủng virus gây u nhú ở người (HPV). Loại virus này là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, mụn cóc sinh dục và những loại ung thư khác như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư đầu cổ…

Thực tế, HPV có hơn 100 chủng được phát hiện ở người, trong đó khoảng 40 chủng lây nhiễm vào vùng sinh dục, miệng, họng trong quá trình quan hệ tình dục. Một số chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư là:

  • HPV chủng 6 và 11 thường gây ra phần lớn trường hợp mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ giới. Tình trạng này không quá nguy hiểm, ít có nguy cơ dẫn đến ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng dễ tái nhiễm sau khi điều trị.
  • Hai chủng HPV 16 và 18 có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung cùng một số loại ung thư khác (ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, đầu cổ).

Do đó, các loại vắc-xin ngừa HPV hiện nay đều bảo vệ cơ thể chống lại HPV chủng 16 và 18. Ngoài ra, một số vắc-xin có thể phòng chống nhiều chủng virus hơn, chẳng hạn như Gardasil 9 giúp phòng đến 9 chủng virus HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Nhờ thế, việc tiêm phòng vắc-xin ngừa HPV có khả năng ngăn ngừa hơn 90% trường hợp ung thư liên quan đến virus này. Các thống kê cho thấy:

  • Từ khi việc tiêm vắc-xin HPV lần đầu tiên được khuyến nghị vào năm 2006, tỷ lệ nhiễm HPV gây ra các loại ung thư và mụn cóc sinh dục đã giảm 88% ở các bé gái tuổi thanh thiếu niên và 81% ở phụ nữ trẻ trưởng thành.
  • Tiêm vắc-xin ngừa HPV cũng làm giảm số ca tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ.

Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cũng kéo dài rất nhiều năm, có thể lên đến 30 năm. Những người đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa HPV được theo dõi trong ít nhất 12 năm cho thấy khả năng phòng ngừa, chống lại virus vẫn ở mức độ cao mà không có dấu hiệu giảm theo thời gian.

Có nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung không?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những người từ 9 – 26 tuổi đều nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý khác có liên quan đến virus này. Hiện nay, thuốc đặc trị cho virus HPV gây ung thư cổ tử cung vẫn chưa có nên việc tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

Trong hơn 15 năm theo dõi thì tới nay, vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả cao. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục theo dõi để đảm bảo cách thức này vẫn phát huy được tác dụng tốt nhất trong việc phòng ngừa HPV. Vì vậy, nếu là trẻ em gái và phụ nữ, bạn nên tiến hành tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt.

Có nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung không?
Mọi người đều nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan đến virus này.

Ai nên tiêm vắc-xin ngừa HPV?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên tiêm vắc-xin ngừa HPV cho trẻ em trong độ tuổi từ 11 – 12 và người lớn dưới 26 tuổi, có thể tiêm sớm nhất lúc 9 tuổi. Thời điểm lý tưởng nhất để tiêm vắc-xin là trước khi có quan hệ tình dục và có nguy cơ tiếp xúc với virus HPV.

Vắc-xin có thể giảm bớt hiệu quả khi được sử dụng ở người đã bị nhiễm HPV. Ngoài ra, đáp ứng của cơ thể với vắc-xin cũng tốt hơn khi còn nhỏ tuổi. Do đó, trẻ em dưới 15 tuổi chỉ cần tiêm vắc-xin ngừa HPV theo phác đồ 2 mũi, cách nhau ít nhất 6 tháng. Ở độ tuổi thanh niên từ 15 – 26 thì nên tiêm vắc-xin ngừa HPV theo phác đồ 3 mũi.

CDC còn khuyến nghị tiêm bổ sung cho những người chưa được tiêm phòng HPV đầy đủ từ 26 tuổi trở lên. Những người từ 27 – 45 tuổi nếu chưa từng tiêm vắc-xin ngừa HPV và muốn tiêm thì nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ và lợi ích vì nhiều người trong độ tuổi này đã phơi nhiễm với HPV nên việc tiêm phòng sẽ mang lại ít hiệu quả hơn.

Những đối tượng không nên chích vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung

Vắc-xin ngừa HPV không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ mang thai hoặc những người đang mắc bệnh ở mức độ vừa đến nặng. Nếu bạn từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin ở liều tiêm trước hoặc dị ứng với nấm men thì nên báo với bác sĩ trước khi tiêm phòng để được đánh giá, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, kể cả vắc-xin ngừa HPV.

Bài viết hữu ích:

Các loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung hiện nay

Hiện nay, có 3 loại vắc-xin ngừa HPV đã được FDA cấp phép là Gardasil (chống lại 4 chủng HPV 6, 11, 16, 18), Gardasil 9 (phòng 9 chủng HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58) và Cervarix (phòng ngừa 2 chủng virus HPV 16, 18). Một số thông tin chi tiết về 3 loại vắc-xin HPV này bạn cần biết:

Gardasil (xuất xứ Mỹ)

Gardasil được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, ung thư hậu môn và mụn cóc sinh dục. Phác đồ tiêm gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 2 tháng
  • Mũi 3: Cách mũi thứ hai 4 tháng

Gardasil 9 (xuất xứ Mỹ)

Gardasil 9 còn có tên gọi khác là vắc-xin ung thư cổ tử cung 9 chủng, được chỉ định tiêm cho cả nam và nữ từ 9 – 26 tuổi. Gần đây, FDA đã phê duyệt sử dụng vắc-xin này cho độ tuổi từ 9 – 45 nhưng ở Việt Nam, Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng ở độ tuổi từ 9 – 26. Nếu bạn muốn tiêm phòng sau khi qua 27 tuổi thì hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Loại vắc-xin này có tác dụng phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục, một số bệnh ung thư đầu và cổ.

Phác đồ tiêm sẽ khác nhau tùy theo từng độ tuổi:

  • Người tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên có thể tiêm phác đồ 2 mũi
      • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi trên
      • Mũi 2: Tiêm cách mũi đầu tiên từ 6 – 12 tháng
      • Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 dưới 5 tháng thì cần tiêm thêm mũi 3 sau mũi 2 ít nhất 3 tháng.
  • Người tròn 15 tuổi đến dưới 27 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên sẽ được tiêm theo phác đồ 3 mũi tiêm
    • Phác đồ 3 mũi (0-2-6)
      • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi trên
      • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên ít nhất 2 tháng
      • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng
    • Phác đồ tiêm nhanh
      • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi trên
      • Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
      • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 3 tháng

Cervarix (xuất xứ Bỉ)

Cervarix được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 10 – 25 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Phác đồ tiêm chủng cơ bản gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 1 tháng
  • Mũi 3: Cách mũi đầu tiên 6 tháng
  • Nếu phải thay đổi lịch trình tiêm, mũi 2 có thể tiêm sau 1 – 2,5 tháng từ mũi 1 và mũi 3 tiêm cách mũi 1 từ 5 – 12 tháng.
Các loại vắc-xin ngừa HPV ung thư cổ tử cung
Có 3 loại vắc-xin ngừa HPV giúp phòng tránh ung thư cổ tử cung đang được sử dụng hiện nay là Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix.

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Trước khi tiêm vắc-xin ngừa HPV phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan, bạn không nên sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc tiêm phòng vắc-xin khác. Nếu đã phát sinh quan hệ tình dục trước khi tiêm, bạn nên thăm khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để đánh giá lợi ích của việc tiêm phòng. Trong trường hợp đang bị bệnh từ mức độ vừa đến nặng thì bạn nên chờ đến khi hết bệnh rồi mới tiêm phòng.

Khi đã tiêm vắc-xin ngừa HPV, hãy đảm bảo tiêm đủ phác đồ theo khuyến cáo. Trường hợp có vấn đề không tiêm đúng lịch được thì phải tiêm bổ sung mũi tiếp theo ngay khi có thể. Tương tự như khi tiêm bất kỳ loại thuốc nào, sau khi tiêm phòng bạn cần theo dõi xem cơ thể có biểu hiện, phản ứng bất thường nào không để kịp thời đến bệnh viện xử trí.

Dù đã tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa HPV, mọi người vẫn cần thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh:

  • Giữ vệ sinh vùng kín, tránh để ẩm ướt tạo điều kiện cho các tác nhân viêm nhiễm như vi khuẩn, nấm phát triển.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh, có biện pháp an toàn
  • Giữ đời sống tinh thần vui vẻ, tránh tình trạng căng thẳng, không hút thuốc và lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có) và điều trị hiệu quả.

Tác dụng phụ khi chích vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung

Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc-xin ngừa HPV phần lớn là nhẹ, bao gồm:

  • Đau, đỏ hoặc sưng ở cánh tay nơi tiêm
  • Sốt
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Nhức đầu, cảm thấy mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau nhức cơ, khớp

Để đề phòng trường hợp bị ngất hoặc chấn thương do ngất xỉu, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ngồi/ nằm nghỉ sau khi tiêm khoảng 15 phút. Rất hiếm có trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) sau khi tiêm phòng HPV. Những người bị dị ứng như vậy với bất kỳ thành phần nào thì cũng không nên tiêm tiếp loại vắc-xin đó.

Giá vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung là bao nhiêu tiền?

Tùy theo loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung cũng như cơ sở bạn lựa chọn tiêm phòng mà chi phí có thể khác nhau. Mức giá tham khảo của 3 loại vắc-xin ngừa HPV là:

  • Gardasil: 1.790.000 đồng
  • Gardasil 9: 2.950.000 đồng
  • Cervarix: 900.000 đồng

Giá thành có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm do tình trạng khan hiếm vắc-xin xảy ra vì nhiều nguyên nhân. Để chắc chắn, bạn hãy liên hệ trực tiếp đến địa chỉ tiêm phòng dự định đến để được tư vấn chi tiết về các loại vắc-xin đang có và chi phí tương ứng.

Bạn nên tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung ở đâu?

Hiện nay, rất nhiều cơ sở y tế, bệnh viện có dịch vụ tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung mà bạn có thể lựa chọn đến tiêm. Một số địa chỉ tiêm phòng uy tín tại Hà Nội và TP.HCM cho bạn tham khảo là:

Hà Nội:

  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Cơ sở 1: 1 Tôn Thất Tùng, Quận Đống Đa; Cơ sở 2: 35 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân.
  • Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa.
  • Trung tâm Dịch vụ và Y tế dự phòng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương – 131 Phố Lò Đúc, Quận Hai Bà Trưng.
  • Trung tâm tiêm chủng VNVC với rất nhiều chi nhánh ở các quận Hà Nội.

TP.HCM:

  • Viện Pasteur TP.HCM – 252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
  • Phòng tiêm ngừa thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5.
  • Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – 366A Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8.
  • Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 – 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10 (Nhi đồng 1) và 14 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1 (Nhi đồng 2).
  • Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với nhiều chi nhánh trải dài ở nhiều quận khác nhau.

Giải đáp 6 câu hỏi thường gặp về việc tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung

1. Tiêm vắc-xin phòng HPV có cần xét nghiệm trước không?

Trước khi tiêm vắc-xin phòng HPV thường không cần làm xét nghiệm trước, chỉ cần đảm bảo phụ nữ đang không mang thai, không mắc bệnh cấp tính và không dị ứng với thành phần nào của thuốc. Trong trường hợp đã từng quan hệ tình dục, bạn nên thăm khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước khi tiêm để đánh giá lợi ích của việc tiêm phòng.

Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình, hãy thăm khám trước khi tiêm để đảm bảo an toàn, bao gồm:

  • Đo thân nhiệt
  • Đánh giá tri giác
  • Nghe tim phổi
  • Quan sát các biểu hiện bất thường khác
2. Đã nhiễm HPV rồi có tiêm phòng được không?

Thực tế, vắc-xin HPV vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng nhiễm virus HPV bởi virus này rất dễ tái nhiễm dù đã điều trị hết. Hệ miễn dịch tự nhiên có thể không đủ mạnh để ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm HPV và vắc-xin sẽ hỗ trợ cơ thể làm việc đó.

Ngoài ra, virus HPV gây bệnh có nhiều chủng khác nhau nên việc tiêm phòng vẫn giúp bảo vệ bạn khỏi lây nhiễm những chủng HPV khác chưa mắc phải. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để đánh giá về lợi ích của việc tiêm phòng xem có thực sự cần thiết hay không.

3. Đã quan hệ tình dục hoặc có con thì có tiêm vắc-xin ngừa HPV được không?

Tương tự như trường hợp đã nhiễm HPV, người đã quan hệ tình dục hoặc có con vẫn có thể tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung dù hiệu quả đôi khi không cao. Bởi trong nhiều trường hợp, những đối tượng này chưa phơi nhiễm với virus hoặc nhiễm các chủng virus khác. Do đó, nếu có nhu cầu, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được đánh giá về lợi ích khi tiêm phòng. Trước khi tiêm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm HPV để xem bạn đã từng phơi nhiễm với virus hay chưa.

4. Tiêm vắc-xin ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung bao lâu thì được mang thai?

Nếu có dự định mang thai, phụ nữ cần chủ động tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung đầy đủ sớm. Theo các chuyên gia, để vắc-xin đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tối đa những ảnh hưởng lên thai nhi, bạn nên hoàn thành mũi 3 của phác đồ tiêm ngừa HPV trước khi mang thai ít nhất 3 tháng, tốt nhất là 6 – 12 tháng.

Vì vắc-xin HPV không được chỉ định cho phụ nữ mang thai nên nếu lỡ phát hiện mang thai trong quá trình đang tiêm phòng thì bạn cần tạm dừng phác đồ để tiếp tục thai kỳ. Sau khi sinh con, bạn có thể tiêm bổ sung các mũi tiêm vắc-xin HPV còn thiếu.

5. Người đã tiêm vắc-xin ngừa HPV có cần tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP không?

Vắc-xin ngừa HPV không phòng ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và cũng không có tác dụng thay thế cho việc tầm soát bệnh bằng xét nghiệm PAP. Do đó, mọi phụ nữ từ 21 tuổi trở lên vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ thông qua xét nghiệm PAP để kịp thời phát hiện các biến đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung.

6. Nếu không thể tiêm vắc-xin ngừa HPV thì bạn có thể làm gì để hạn chế nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?

Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục (bao gồm đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn) nên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus, bạn nên sử dụng bao cao su hoặc tấm chắn miệng khi quan hệ. Đồng thời, hãy hạn chế quan hệ với quá nhiều bạn tình. Ngoài ra, bạn cũng nên giảm các yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần gây ung thư cổ tử cung như không hút thuốc lá.

Để kịp thời phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn sớm, bạn nên tiến hành tầm soát thường xuyên từ khi 21 tuổi. Nếu nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ của ung thư cổ tử cung như chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, chảy máu ngoài các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh, đau vùng chậu thì hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.

Hy vọng bài viết trên của Bowtie Việt Nam đã cung cấp đầy đủ thông tin về vắc-xin ngừa HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung cho bạn. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, bạn hãy chủ động tiêm phòng từ sớm nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn
Ung thư

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn

Ung thư cổ tử cung: Căn bệnh nguy hiểm của phụ nữ Ung thư cổ tử cung: Căn bệnh nguy hiểm của phụ nữ
Ung thư

Ung thư cổ tử cung: Căn bệnh nguy hiểm của phụ nữ

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua
Ung thư

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK