Ung thư
Ung thư

Ung thư vú tái phát sau điều trị: Nguy cơ chớ nên xem nhẹ

Ung thư vú tái phát sau điều trị là một tình trạng nguy hiểm mà bệnh nhân cần cảnh giác. Bởi trong lần quay trở lại này, mức độ bệnh có thể nặng hơn, tiên lượng xấu hơn và khó điều trị hơn, kèm theo đó là nhiều nguy cơ không nên xem nhẹ.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-04-15
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư vú tái phát là gì?Dấu hiệu cho thấy ung thư vú đang "quay lại"Vì sao ung thư vú lại tái phát?Yếu tố thúc đẩy ung thư vú tái phátKiểm tra, xét nghiệm dùng trong chẩn đoán ung thư vú tái phátPhương pháp điều trị ung thư vú tái phátCách phòng ngừa ung thư vú quay trở lại sau điều trịBăn khoăn thường gặp về ung thư vú tái phát
Ung thư vú tái phát sau điều trị: Nguy cơ chớ nên xem nhẹ

Vậy ung thư vú tái phát là gì? Vì sao bệnh quay trở lại? Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị ung thư vú tái phát ra sao? Mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết này nhé.

Ung thư vú tái phát là gì?

Thuật ngữ này mô tả tình trạng ung thư vú quay trở lại sau khi điều trị, thông thường là trên 6 tháng kể từ khi kết thúc điều trị. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân ung thư vú có tỷ lệ tái phát từ 3 – 15% sau khoảng 10 năm khi được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thay đổi theo nhiều yếu tố khác.

Hiện nay, dựa vào vị trí tế bào ung thư quay lại, ung thư vú tái phát được chia thành 3 loại chính như sau:

  • Tái phát tại chỗ: Tế bào ung thư xuất hiện ở cùng một bên vú hoặc vùng ngực với khối u ban đầu. 
  • Tái phát khu vực: Tế bào ác tính xuất hiện ở khu vực gần khối u ban đầu, trong các hạch bạch huyết ở nách hoặc vùng trên xương đòn.
  • Tái phát di căn: Tế bào ung thư vú đã di căn đến các vị trí xa trong cơ thể như phổi, xương, não, gan… Lúc này, bệnh tương ứng với ung thư vú giai đoạn IV.

Dấu hiệu cho thấy ung thư vú đang "quay lại"

Bạn có thể gặp các dấu hiệu ung thư vú tái phát khác nhau tùy thuộc vào vị trí tế bào ung thư phát triển. Theo đó, các triệu chứng ung thư vú tái phát tại chỗ sau điều trị thường bao gồm: 

  • Xuất hiện khối u ở vú, tình trạng sưng quanh vú hay xuất hiện khối u ở thành ngực
  • Thay đổi ở núm vú, chẳng hạn như tụt núm vú hoặc tiết dịch bất thường từ núm vú (trường hợp phẫu thuật bảo tồn vú hoặc tái tạo tuyến vú)
  • Da vùng vú thay đổi, nhăn nheo, dày lên hoặc xuất hiện vết lõm, mẩn đỏ

Trường hợp ung thư vú tái phát khu vực có thể gây:

  • Đau ngực kéo dài
  • Khó nuốt 
  • Đau, sưng hoặc tê ở một cánh tay hoặc vai
  • Sưng hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc trên xương đòn

Đối với trường hợp tái phát di căn, tùy cơ quan mà tế bào ung thư xâm lấn đến, bệnh nhân sẽ gặp phải các dấu hiệu khác nhau. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có các biểu hiện toàn thân. Một số dấu hiệu ung thư vú tái phát di căn có thể kể đến như:

  • Di căn xương: Đau xương, tê hoặc yếu tay chân, vận động hạn chế, gãy xương (bệnh lý)… 
  • Di căn não: Đau đầu, chóng mặt, co giật, mất thăng bằng, nhìn mờ, nôn ói… 
  • Di căn phổi: Đau tức ngực, ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, thở khò khè, tràn dịch màng phổi… 
  • Di căn gan: Đau ở hạ sườn phải, đau thượng vị, da và củng mạc mắt chuyển vàng, bụng báng…
  • Triệu chứng toàn thân: Cực kỳ mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và sụt cân…

Vì sao ung thư vú lại tái phát?

Bệnh nhân ung thư vú được xem là điều trị thành công khi không còn tế bào ung thư nào được phát hiện trong cơ thể thông qua các xét nghiệm, kiểm tra. Tuy nhiên, dù các phương pháp điều trị có thể tiêu diệt hầu hết tế bào ác tính nhưng thực tế, vẫn tồn tại một số tế bào có khả năng “trốn tránh” và sống sót. 

Các tế bào này đôi khi nhỏ nên không bị phát hiện thông qua các kiểm tra, xét nghiệm. Theo thời gian, chúng sẽ tiếp tục phân chia, nhân lên và gây hình thành khối u mới. Tái phát là một trong những đặc điểm của tế bào ung thư.

Bài viết liên quan:

Yếu tố thúc đẩy ung thư vú tái phát

Bất kỳ bệnh nhân ung thư vú nào cũng có thể bị tái phát bệnh sau điều trị. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát thường tăng lên do một số yếu tố: 

  • Tuổi tác: Phụ nữ mắc ung thư vú lần đầu trước 35 tuổi có nguy cơ tái phát cao hơn so với những người mắc bệnh ở độ tuổi sau 35. 
  • Giai đoạn ung thư: Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán ban đầu có tương quan với nguy cơ tái phát sau này. Bệnh càng tiến triển thì nguy cơ tái phát càng cao.
  • Loại ung thư: Các loại ung thư vú ác tính như ung thư vú kiểu viêm hay ung thư vú bộ ba âm tính thường khó điều trị hơn cũng như có nhiều khả năng quay trở lại hơn sau điều trị.
  • Béo phì: Bệnh nhân có chỉ số BMI cao có nguy cơ tái phát bệnh nhiều hơn.
  • Không thực hiện thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ: Nếu bệnh nhân không áp dụng thêm các phương pháp điều trị ung thư vú hỗ trợ như hóa trị, xạ trị cũng như nội tiết sau phương pháp chính, bệnh cũng có nguy cơ quay trở lại cao hơn. 
Yếu tố nguy cơ ung thư vú tái phát
Người phát hiện ung thư vú trước 35 tuổi có nguy cơ tái phát cao hơn những người mắc bệnh sau 35 tuổi.

Kiểm tra, xét nghiệm dùng trong chẩn đoán ung thư vú tái phát

Ngay khi phát hiện thấy các triệu chứng ung thư vú tái phát, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám. Theo đó, các kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán trường hợp tái phát sẽ tương tự như khi chẩn đoán lần đầu. Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kiểm tra bổ sung như xạ hình xương, chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm dấu chỉ điểm ung thư (CA 15-3) để kiểm tra mức độ tái phát của bệnh.

Các kiểm tra, xét nghiệm được dùng để chẩn đoán ung thư vú tái phát là:

  • Xét nghiệm máu để tìm chất chỉ điểm khối u ác tính (CA 15-3)
  • Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú)
  • Các phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương…
  • Sinh thiết mô hay chọc hút hạch tại vị trí nghi ngờ tái phát

Phương pháp điều trị ung thư vú tái phát

Bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị dựa trên việc tình trạng ung thư vú tái phát của bệnh nhân là tái phát tại chỗ, khu vực hay di căn. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được bác sĩ cân nhắc khi lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú tái phát là phương pháp điều trị ban đầu, sức khỏe tổng thể, mong muốn của người bệnh…                         

Điều trị ung thư vú tái phát tại chỗ

Việc điều trị ung thư vú tái phát tại chỗ thường bắt đầu từ phẫu thuật, có thể kết hợp xạ trị nếu chưa từng xạ trị trước đây. Hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch đôi khi cũng được chỉ định. 

  • Phẫu thuật: Nếu bệnh nhân đã từng được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc bảo tồn vú thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú bị ảnh hưởng. Nếu bệnh nhân đã từng điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ vú và tế bào ung thư xuất hiện ở thành ngực, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u mới cùng một phần mô khỏe mạnh xung quanh. Một số hoặc tất cả hạch bạch huyết lân cận cũng có thể được nạo vét nếu chưa được loại bỏ.
  • Xạ trị: Nếu trong lần điều trị trước, bệnh nhân chưa được xạ trị, bác sĩ sẽ đề nghị xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị: Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được hóa trị nhằm giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài khả năng sống.
  • Liệu pháp hormone: Bác sĩ có thể cân nhắc đến liệu pháp này nếu bệnh nhân mắc các dạng ung thư vú dương tính với thụ thể hormone.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được dùng trong trường hợp ung thư vú dương tính với thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì người số 2 (HER2).
  • Liệu pháp miễn dịch: Cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp này.

Điều trị ung thư vú tái phát khu vực

Các phương pháp điều trị ung thư vú tái phát khu vực thường bao gồm:

  • Phẫu thuật: Nếu có thể, phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp thường được lựa chọn đầu tiên cho trường hợp này. Bác sĩ cũng nạo vét các hạch bạch huyết dưới cánh tay nếu các hạch bạch huyết này vẫn còn sau đợt điều trị trước.
  • Xạ trị: Đôi khi, xạ trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật để phá hủy các tế bào ác tính còn sót lại. Nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật, xạ trị thường được sử dụng như phương pháp điều trị chính.
  • Các phương pháp khác: Hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp hormone cũng có thể được sử dụng như phương pháp điều trị chính hoặc kết hợp với phẫu thuật, xạ trị.

Điều trị ung thư vú tái phát di căn

Ung thư vú tái phát di căn gần như đã không còn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của việc điều trị lúc này là cải thiện triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, khỏe mạnh và sống lâu hơn. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Hóa trị
  • Liệu pháp hormone
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu
  • Liệu pháp miễn dịch

Nếu tế bào ung thư đã di căn đến xương, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc chống tiêu xương để giảm nguy cơ gãy xương hoặc giảm tình trạng đau xương. Ngoài ra, trong một số trường hợp, xạ trị hoặc phẫu thuật cũng được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh như đau nhức hoặc chèn ép tủy. 

Điều trị ung thư vú tái phát
Bệnh nhân ung thư vú tái phát di căn được điều trị bằng hóa trị.

Cách phòng ngừa ung thư vú quay trở lại sau điều trị

Nếu bạn từng bị ung thư vú, đừng chủ quan dù đã được điều trị thành công. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm các phương pháp chuyên khoa như phẫu thuật cắt bỏ bên vú còn lại, liệu pháp hormone, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… để dự phòng nguy cơ ung thư vú tái phát trong tương lai. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giảm thiểu nguy cơ ung thư trở lại:

  • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh: Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú. Do đó, bệnh nhân nên cố gắng kiểm soát cân nặng của mình. 
  • Hoạt động thể chất: Tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày cũng giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Theo đó, bạn nên ưu tiên các bài tập hoặc hoạt động nhẹ nhàng. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Những người đã từng mắc ung thư vú được khuyến nghị nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà và cá…, đồng thời hạn chế thịt đỏ, các loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Bệnh nhân ung thư vú được khuyến khích hạn chế hoặc không sử dụng thuốc lá, rượu bia, thức uống có cồn… sau khi điều trị ung thư.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi điều trị và sớm phát hiện nếu bệnh tái phát. 

Băn khoăn thường gặp về ung thư vú tái phát

Ung thư vú tái phát có chữa được không?

Tương tự như lần đầu, việc ung thư vú tái phát có chữa được không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là loại tái phát và thời gian phát hiện bệnh. Nếu ung thư vú tái phát tại chỗ và được phát hiện sớm, bệnh có khả năng điều trị khỏi cao. Ngược lại, với trường hợp tái phát di căn hoặc bệnh nhân phát hiện trễ, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và không còn cơ hội chữa khỏi. 

Bệnh nhân ung thư vú tái phát sống được bao lâu?

Tùy theo loại ung thư vú tái phát mà tiên lượng sống của bệnh nhân có thể thay đổi. Theo đó, các nhà khoa học thường dùng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm để dự đoán tiên lượng cho người bệnh. Nhìn chung, tương tự như lần đầu, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm được chẩn đoán tái phát của bệnh nhân sẽ như sau:

Loại tái phát

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm 

Tái phát tại chỗ 99%
Tái phát khu vực 86%
Tái phát di căn 30%

Hy vọng bài viết này của Bowtie Việt Nam đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng ung thư vú tái phát. Có thể thấy, dù đã điều trị thành công nhưng bệnh vẫn có nguy cơ quay trở lại. Do đó, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên tái khám để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
Ung thư

Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả

Xạ trị ung thư cổ tử cung: Phương pháp, thời gian, chi phí Xạ trị ung thư cổ tử cung: Phương pháp, thời gian, chi phí
Ung thư

Xạ trị ung thư cổ tử cung: Phương pháp, thời gian, chi phí

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK