Ung thư
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn cuối: Làm gì để kéo dài tuổi thọ, bớt đau đớn?

Ung thư vú giai đoạn cuối là thời kỳ nghiêm trọng nhất trong quá trình tiến triển của bệnh. Khi đó, sự lây lan của các tế bào ác tính có thể trực tiếp gây ra nhiều tác động nặng nề lên sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không có biện pháp chữa trị và chăm sóc thích hợp, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các triệu chứng đau đớn và khó chịu về cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí thời gian sống cũng bị rút ngắn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-17
Nội dung chính
Ung thư vú giai đoạn cuối là gì?Ung thư vú giai đoạn cuối có biểu hiện gì?Bác sĩ làm thế nào chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối?Ung thư vú giai đoạn cuối di căn gan, phổi, não, xương... có chữa được không? Cách chữa ung thư vú giai đoạn cuốiUng thư vú giai đoạn cuối di căn gan, phổi, não, xương... sống được bao lâu?Người thân nên làm gì để giúp bệnh nhân sống vui khỏe hơn?
Ung thư vú giai đoạn cuối: Làm gì để kéo dài tuổi thọ, bớt đau đớn?

Vậy ung thư vú giai đoạn cuối có chữa được không và nên lưu ý những vấn đề gì để giúp việc điều trị được thuận lợi hơn. Mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tìm hiểu câu trả lời trong nội dung của bài viết dưới đây nhé!

Ung thư vú giai đoạn cuối là gì?

Ung thư vú giai đoạn IV (giai đoạn 4) còn được gọi với tên ung thư vú giai đoạn cuối hoặc ung thư vú di căn. Bởi vì theo mô tả, đây là giai đoạn mà các tế bào ung thư đã di chuyển theo đường tuần hoàn hoặc hệ hạch huyết để đi đến xâm lấn các cơ quan xa trong cơ thể (thường gặp nhất là gan, phổi, não, xương).

Hầu hết các trường hợp ung thư vú giai đoạn cuối sẽ không đề cập đến kích thước khối u cũng như sự lây lan của chúng đến các hạch bạch huyết lân cận. Thay vào đó, đặc điểm chính của giai đoạn này là tế bào ác tính đã di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể. Vị trí và số lượng ung thư di căn cũng như các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh, giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.

Một số cơ quan mà ung thư vú giai đoạn cuối thường di căn đến gồm có xương, phổi, gan và não. Đặc biệt, xương là nơi di căn đầu tiên của hơn một nửa các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối; trong đó phổ biến là xương sườn, xương cột sống, xương chậu, xương cánh tay hoặc chân.

Bài viết liên quan:

Ung thư vú giai đoạn cuối có biểu hiện gì?

Ở giai đoạn muộn và di căn, người bệnh ung thư vú thường đối mặt với các triệu chứng có phần nghiêm trọng hơn so với khi tế bào ác tính còn khu trú tại vú hoặc khu vực gần vú. Theo ghi nhận cho thấy, một số dấu hiệu ung thư vú giai đoạn cuối mà bệnh nhân có thể gặp phải đó là:

  • Cảm giác đau, căng tức và khó chịu ở vú hoặc những vị trí khối u xâm lấn
  • Vú tiết dịch có mùi hôi hoặc xuất huyết, đặc biệt là khi khối u vỡ loét ra da, bội nhiễm. Sẽ nặng nề hơn nếu bệnh nhân đắp thuốc hoặc cây cỏ một cách bừa bãi.
  • Mệt mỏi, chán ăn và sụt cân đáng kể

Ngoài ra, dựa theo cơ quan bị ảnh hưởng mà triệu chứng của ung thư vú giai đoạn cuối còn bao gồm các biểu hiện đặc trưng như sau: 

  • Dấu hiệu ung thư vú di căn vào xương: Xương giòn, hạn chế vận động, dễ gãy, đau âm ỉ trong xương, có thể dữ dội hơn vào ban đêm hoặc khi vận động…
  • Dấu hiệu ung thư vú di căn lên não: Thường xuyên đau đầu kéo dài có thể kèm theo suy giảm thị lực, mờ mắt, động kinh, co giật, nôn hoặc buồn nôn, chóng mặt, yếu liệt chi, thay đổi hành vi, lời nói hoặc các vấn đề liên quan đến nhận thức…
  • Dấu hiệu ung thư vú di căn xuống gan: Đau bụng tại vị trí của gan (vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải), phát ban, ngứa da, vàng da hoặc vàng mắt rõ rệt, đầy hơi, bụng báng do tích tụ chất lỏng (tràn dịch ổ bụng)…
  • Dấu hiệu ung thư vú di căn đến phổi: Ho khan dai dẳng, khó thở, có cảm giác nặng nề hoặc đau tức ngực, tràn dịch màng phổi…
Biểu hiện ung thư vú giai đoạn cuối
Đau đầu dai dẳng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú đã di căn lên não.

Bác sĩ làm thế nào chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối?

Việc chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối ở mỗi người thường đòi hỏi các phương pháp chuyên sâu khác nhau tùy thuộc vào những triệu chứng đã gặp phải, cũng như tình trạng sức khỏe cụ thể. Để có chỉ định xét nghiệm phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác một số thông tin liên quan đến tiền sử bệnh, yếu tố nguy cơ hoặc bất kỳ vấn đề nào cần thiết cho quá trình chẩn đoán.

Căn cứ theo kết quả lâm sàng và các dấu hiệu đã được nhận thấy, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một loạt các xét nghiệm, kiểm tra nếu như nghi ngờ ung thư vú di căn. Thông thường, các phương pháp được chỉ định có thể là:

  • Xét nghiệm thường quy về công thức máu, chức năng gan, chức năng thận…
  • Xét nghiệm tìm kiếm các dấu ấn ung thư vú (CA15-3)
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn bằng các kỹ thuật phổ biến như: Xạ hình xương, chụp X-quang, chụp MRI (cộng hưởng từ), chụp CT (vi tính cắt lớp), chụp PET (phát xạ positron), siêu âm…
  • Sinh thiết và/hoặc chọc hút mô tế bào để xác định một số đặc điểm của khối u

Ung thư vú giai đoạn cuối di căn gan, phổi, não, xương... có chữa được không?

Thật đáng tiếc khi phải nói rằng, ung thư vú giai đoạn cuối sẽ không được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều may mắn là một số phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay có khả năng giúp bệnh nhân giải quyết phần lớn các triệu chứng của bệnh, đồng thời cải thiện sức khỏe và khôi phục lại chất lượng cuộc sống vốn có để kéo dài tuổi thọ dài nhất có thể. 

Chính vì vậy, ngay cả khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú di căn thì người bệnh cũng không nên quá lo lắng và tuyệt vọng, tránh dẫn đến việc từ bỏ cơ hội đấu tranh chống lại bệnh tật. Ngược lại, hãy cố gắng duy trì sức khỏe tinh thần ở trạng thái tốt nhất và tích cực thực hiện đầy đủ các hoạt động chữa trị nằm trong phác đồ mà bác sĩ đã chỉ định để góp phần vượt qua bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.

Cách chữa ung thư vú giai đoạn cuối

Bởi vì không thể chữa khỏi ung thư vú giai đoạn cuối nên mục tiêu chủ yếu của việc điều trị là để kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư và tập trung cải thiện tối đa các triệu chứng cho bệnh nhân. Do đó, áp dụng các phương pháp có tác dụng toàn thân thường là lựa chọn đầu tiên khi bắt đầu quá trình điều trị ung thư vú di căn.

Chi tiết về phác đồ điều trị ung thư vú sẽ được chỉ định theo tình hình diễn biến thực tế của từng trường hợp. Trong đó, hiệu quả thu nhỏ khối u và giảm nhẹ triệu chứng có thể đạt được do sự kết hợp của những liệu pháp toàn thân như:

  • Hóa trị liệu
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu
  • Liệu pháp hormone (nội tiết)
  • Liệu pháp miễn dịch

Bên cạnh đó, có thể cân nhắc tiến hành thêm một số phương pháp can thiệp tại vị trí di căn để giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng và củng cố chất lượng cuộc sống. Các biện pháp phổ biến gồm có:

  • Sử dụng thuốc chống tiêu xương, ví dụ như các bisphosphonate hoặc kháng thể đơn dòng 
  • Cố định xương và xạ trị tại chỗ nếu người bệnh có nguy cơ bị gãy xương cao
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u gây chèn ép tủy sống, nếu không được thì có thể xạ trị hoặc tạo hình đốt sống
  • Xạ trị để giảm triệu chứng u vú vỡ, đau do u, hạch chèn ép
  • Xạ phẫu dao gramma hoặc xạ trị ngoài đối với ung thư vú di căn não
  • Chọc dò để dẫn lưu dịch trong trường hợp có tràn dịch màng phổi, màng tim hoặc màng bụng
  • Phẫu thuật loại bỏ u nguyên phát được chỉ định chọn lọc cho một số bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân chỉ di căn xương, có thể lấy trọn u
Điều trị ung thư vú giai đoạn cuối
Phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư vú giai đoạn cuối.

Ung thư vú giai đoạn cuối di căn gan, phổi, não, xương... sống được bao lâu?

Nhìn chung, chưa có nghiên cứu nào có thể khẳng định bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối di căn xương, phổi, não, gan… sống được bao lâu. Bởi vì đáp án chính xác còn bị ảnh hưởng bởi các đặc tính lây lan của khối u, cơ quan di căn hay rõ ràng nhất là khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân. 

Vì thế, người ta chỉ có thể dự đoán tuổi thọ của các trường hợp ung thư vú giai đoạn cuối thông qua việc thống kê tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Cụ thể, theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh đã công bố, có khoảng 25% số ca bệnh ung thư vú di căn có thể sống ít nhất là 5 năm.

Người thân nên làm gì để giúp bệnh nhân sống vui khỏe hơn?

Ung thư vú tiến triển đến giai đoạn cuối là một cú sốc tâm lý rất lớn, có thể khiến người bệnh suy sụp cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vấn đề này đôi khi sẽ trở thành một trong những trở ngại, dẫn đến quá trình điều trị không đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy gia đình và người thân xung quanh cần thực hiện điều gì để giúp bệnh nhân thoát khỏi những ám ảnh tiêu cực và có thể sống vui khỏe hơn mỗi ngày?

Theo một số hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn, những hoạt động có thể giúp nâng cao sức khỏe và góp phần cải thiện cảm xúc của bệnh nhân mà người thân nên áp dụng đó là:

  • Nắm rõ việc sử dụng các thuốc điều trị để giúp bệnh nhân uống thuốc đầy đủ và đúng giờ
  • Đưa bệnh nhân đi tái khám, thực hiện điều trị theo đúng lịch
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị ung thư và một số biện pháp giảm nhẹ phù hợp
  • Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày của người bệnh, chẳng hạn như giúp họ chuẩn bị bữa ăn theo khẩu vị cá nhân
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của người bệnh, cần đảm bảo người bệnh được bổ sung đầy đủ dưỡng chất để có sức khỏe chống lại bệnh tật
  • Kiên nhẫn lắng nghe và trò chuyện, động viên tinh thần một cách khéo léo, tránh để bệnh nhân có cảm giác thương hại 
  • Dành thời gian cùng nhau thư giãn và thực hiện những sở thích của người bệnh để giúp họ duy trì niềm vui trong cuộc sống
  • Theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì cần liên hệ với bác sĩ ngay
  • Giúp người bệnh thực hiện các công việc và ý nguyện

Mặt khác, bản thân người chăm sóc cũng cần quan tâm đến trạng thái sức khỏe của mình để đảm bảo có đủ tinh thần và thể lực chăm lo cho người bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Tốt nhất, hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tránh để cơ thể trở nên kiệt sức.

Trên đây là những chia sẻ của bài viết về bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, trong đó có đề cập đến các triệu chứng thường gặp cũng như một số thông tin về cơ hội điều trị cho người mắc bệnh. Hy vọng chúng có thể giúp bạn nhìn nhận sâu sắc hơn về giai đoạn di căn của bệnh ung thư vú. Từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
Ung thư

Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả

Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện bệnh sớm Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện bệnh sớm
Ung thư

Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của
Ung thư

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của "phái mạnh"

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK