Ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3): Thời kỳ báo động của bệnh
Ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) là thời kỳ bệnh bắt đầu có những dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng với mức độ nguy hiểm cao. Lúc này, tế bào ung thư đã lây lan đến các khu vực lân cận. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối và khiến bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị.
Ung thư vòm họng là một loại ung thư gây ảnh hưởng đến phần vòm họng. Quá trình phát triển của bệnh được chia thành nhiều giai đoạn, từ 0 đến IV và một số giai đoạn có thể phân nhóm nhỏ hơn. Trong đó, ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) thường có biểu hiện rõ rệt hơn các giai đoạn trước nên đa số trường hợp sẽ phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
Vậy ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) là gì? Dấu hiệu, triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) ra sao? Hãy cùng Bowtie Việt Nam khám phá thêm trong bài viết dưới đây.
Ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) là gì?
Ở giai đoạn III, bệnh được xem là đã tiến triển. Theo đó, ung thư vòm họng là một dạng ung thư đầu – cổ, bắt nguồn từ những bất thường trong ADN của tế bào vòm họng (phần trên của họng, nằm phía sau mũi).
Theo hệ thống TNM của Ủy ban Liên hợp về ung thư Mỹ (AJCC), ung thư vòm họng sẽ được phân chia thành các giai đoạn dựa trên 3 yếu tố:
Phạm vi của khối u chính (T): Khối u đã phát triển rộng đến các vùng lân cận chưa?
Sự xâm lấn đến các hạch bạch huyết (N): Có hạch bạch huyết nào ở cổ chứa tế bào ung thư chưa? Kích thước hạch là bao nhiêu? Khối u ở cùng bên với nơi ung thư bắt đầu hay ở cả hai bên cổ?
Sự di căn đến các vị trí xa (M): Tế bào ung thư đã lan đến các bộ phận ở xa trong cơ thể chưa?
Ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) tương ứng với các nhóm phân loại trong hệ thống TNM như sau:
T1 (hoặc T0), N2, M0: Khối u nằm trong vòm họng, có thể phát triển đến phần họng miệng và/ hoặc khoang mũi nhưng chưa xa hơn (T1). Một trường hợp khác là không có khối u ở vòm họng nhưng có tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết ở cổ và người bệnh dương tính với ADN của virus Epstein-Barr (T0). Cộng thêm đó, tế bào ác tính đã xâm lấn các hạch bạch huyết ở cả 2 bên cổ nhưng không có hạch nào lớn hơn 6cm (N2). Tế bào ác tính cũng chưa lan đến các cơ quan ở xa (M0).
T2, N2, M0: U xâm lấn đến khoang cạnh hầu và/hoặc phần mềm xung quanh cơ chân bướm, cơ trước cột sống nhưng chưa xa hơn (T2). Đồng thời, tế bào ung thư đã lan đến các hạch ở hai bên cổ nhưng không có hạch nào lớn hơn 6cm (N2). Tế bào ung thư cũng chưa di căn đến các vị trí ở xa của cơ thể (M0).
T3, N0 đến N2, M0: Khối u đã phát triển đến cấu trúc xương nền sọ, cột sống cổ, các xoang cạnh mũi, xương chân bướm, đốt sống cổ (T3). Khi đó, tế bào ác tính có thể đã hoặc chưa xâm lấn đến các hạch ở cổ hoặc sau cổ họng, nếu có thì không có hạch nào lớn hơn 6cm (N0, N1, N2). Ung thư chưa di căn xa (M0).
Ung thư vòm họng giai đoạn III có biểu hiện gì?
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) thường rõ rệt hơn so với giai đoạn I và II. Lúc này, người bệnh có thể trải qua những triệu chứng như:
Đau nửa đầu, đôi khi đau rất dữ dội
Cảm thấy đau bên trong hốc mắt
Đau ở cổ họng, khó nuốt
Đau rát ở vùng họng, thay đổi giọng nói
Ho, khạc ra máu, hay bị chảy máu cam
Suy giảm thính lực, mất thính lực (thường xảy ra ở 1 bên tai)
Nhận thấy có khối u ở cổ
Xuất hiện hạch ở dưới hàm
Mệt mỏi, sụt cân
Người bệnh có thể không gặp hết các triệu chứng kể trên hoặc biểu hiện thêm các dấu hiệu khác, tùy vào thể trạng mỗi người. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường nghi ngờ liên quan đến ung thư vòm họng thì hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay nhé.
Các kiểm tra và xét nghiệm được dùng để đưa ra chẩn đoán ung thư vòm họng nói chung và ung thư vòm họng giai đoạn III nói riêng bao gồm:
Khám lâm sàng: Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, tiền sử, các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như quan sát, khám họng miệng và vùng cổ để kiểm tra xem có sưng, u hay hạch không.
Nội soi mũi họng để quan sát bên trong vòm họng: Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ, có thể điều khiển được với phần đầu có gắn máy quay để truyền hình ảnh bên trong vòm họng về màn hình. Nhờ đó, bác sĩ sẽ quan sát được các cấu trúc ở vòm họng và phát hiện ra những vị trí nghi ngờ ung thư.
Chọc hút: Bác sĩ có thể dùng kim nhỏ chọc các hạch nghi ngờ ở vùng cổ để khảo sát xem có phải là hạch di căn hay không.
Sinh thiết: Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ trong vòm họng thông qua nội soi hoặc các phương thức khác để kiểm tra trong phòng thí nghiệm và tìm kiếm tế bào ung thư.
Sau khi đưa ra chẩn đoán ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ tiếp tục xác định giai đoạn của bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm hình ảnh khác giúp nhận định ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) gồm:
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
Chụp X-quang
Phác đồ điều trị giai đoạn III (giai đoạn 3) của ung thư vòm họng
Việc điều trị ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) thường kết hợp giữa xạ trị và hóa trị (liệu pháp hóa xạ trị đồng thời) để ngăn chặn sự phát triển của khối u ác tính. Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, giúp ngăn ngừa sự phát triển, phân chia và tạo thành nhiều tế bào ung thư mới. Bên cạnh đó, hóa trị cũng giúp tăng mức độ nhạy cảm của tế bào ác tính với xạ trị. Trong khi đó, xạ trị sẽ phá hủy tế bào ác tính bằng bức xạ năng lượng cao . Người bệnh cũng có thể cần phải phẫu thuật để nạo vét các hạch bạch huyết có khối u.
Bên cạnh mục tiêu chính là tiêu diệt tế bào ung thư, bác sĩ cũng đảm bảo duy trì chức năng của các cơ quan và mô xung quanh. Do đó, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị toàn diện để người bệnh có được kết quả tốt nhất.
Các phác đồ thường được áp dụng trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) là:
Hóa trị dẫn đầu (hóa trị cảm ứng) rồi sau đó thực hiện hóa xạ trị đến vùng vòm họng và các hạch bạch huyết ở cổ
Hóa xạ trị nhắm vào vùng vòm họng và các hạch bạch huyết ở cổ vài lần, sau đó có thể thực hiện thêm hóa trị bổ sung
Hóa xạ trị ở vùng vòm họng và các hạch bạch huyết ở cổ
Xạ trị đơn thuần
Xạ trị, sau đó phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư ở cổ
Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) sống được bao lâu?
Các trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) có tiên lượng sống không tốt bằng các giai đoạn đầu nhưng vẫn có khả năng chữa trị được. Tham khảo cơ sở dữ liệu SEER về tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm ở những người mắc bệnh ung thư vòm họng tại Mỹ từ năm 2012 – 2018, những trường hợp ung thư bắt đầu lan ra ngoài vòm họng đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận có khả năng sống sót sau 5 năm là 72%.
Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất tham khảo vì còn nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tiên lượng sống của bệnh nhân. Thêm vào đó, các phương pháp điều trị ngày càng được cải thiện và có hiệu quả tốt hơn so với thời điểm mà số liệu được thu thập. Vì vậy, để biết chính xác bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) sống được bao lâu, người bệnh nên trao đổi cụ thể với bác sĩ điều trị.
Nhìn chung, ung thư vòm họng giai đoạn III (giai đoạn 3) vẫn có khả năng điều trị nhưng sẽ khó khăn hơn ung thư vòm họng giai đoạn đầu. Do đó, bạn hãy chú ý đến các triệu chứng khác thường của cơ thể và đến gặp bác sĩ ngay khi thấy không khỏe để được chẩn đoán, điều trị từ sớm.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.