Ung thư
Ung thư

Ung thư vòm họng - Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Bệnh ung thư vòm họng thường có các triệu chứng mờ nhạt và không đặc hiệu, thậm chí nhiều trường hợp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có thể dẫn đến chậm trễ trong điều trị, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-11-24
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư vòm họng là gì?Các giai đoạn ung thư vòm họngBiểu hiện, triệu chứng thường gặp của ung thư vòm họngNguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vòm họngCác kỹ thuật được dùng trong chẩn đoán ung thư vòm họngPhương pháp điều trị ung thư vòm họngLàm thế nào để phòng ngừa ung thư vòm họng?7 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là gì?

Vậy bệnh ung thư vòm họng là gì và có biểu hiện như thế nào? Mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Ung thư vòm họng là gì?

Vòm họng là phần cao nhất của hầu họng, có vai trò kết nối khu vực phía sau mũi với khoang miệng. Bệnh ung thư vòm họng xảy ra khi các tế bào trong vòm họng bắt đầu phân chia và phát triển không kiểm soát, tạo thành khối u ác tính. Theo thời gian, tế bào ung thư có thể xâm lấn các cấu trúc lân cận hoặc di căn đến những bộ phận xa trong cơ thể.

Ung thư vòm họng hiếm gặp ở các quốc gia như Mỹ, Anh nhưng lại xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam với 6.040 ca mắc mới và 3.706 trường hợp tử vong chỉ tính riêng trong năm 2020 (theo Globocan).

Các giai đoạn ung thư vòm họng

Các giai đoạn ung thư vòm họng được xác định bởi nhiều yếu tố như kích thước, vị trí, mức độ lan rộng của khối u… Theo đó, bệnh thường được chia thành các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 0: Tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc trong cùng của vòm họng.
  • Giai đoạn I: Tế bào ung thư đã bắt đầu phát triển đến các cấu trúc lân cận như khoang mũi hoặc vùng hầu họng. Giai đoạn 0 và I thường được ví như thời gian ủ bệnh của ung thư vòm họng do khối u có thể phát triển âm thầm trong nhiều tháng, nhiều năm trước khi biểu hiện triệu chứng.
  • Giai đoạn II: Tế bào ung thư có thể phát triển ở khoang mũi, hầu họng và lan đến các hạch bạch huyết ở một bên cổ. 
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư lan đến các hạch bạch huyết ở cả 2 bên cổ.
  • Giai đoạn IV: Khối u lan đến hộp sọ, mắt, dây thần kinh sọ, tuyến nước bọt hoặc phần dưới của cổ họng. Chúng cũng có thể di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể như gan, phổi, não và xương.

Biểu hiện, triệu chứng thường gặp của ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng thường khó nhận biết do phần lớn các triệu chứng có thể tương tự với nhiều tình trạng sức khỏe khác ít nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng ung thư vòm họng thường bao gồm:

  • Khối u xuất hiện ở cổ và không biến mất sau 3 tuần
  • Giảm thính lực hoặc ù tai, nhưng thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai
  • Nhiễm trùng tai dai dẳng
  • Nghẹt mũi, chảy máu mũi 
  • Khó thở, khó mở miệng, khó nói hoặc khó nuốt
  • Thay đổi giọng nói, khàn giọng
  • Ho có đờm
  • Nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực
  • Nhức đầu dai dẳng
  • Đau hoặc tê mặt
  • Suy nhược, mệt mỏi, giảm cân ngoài ý muốn
  • Chảy máu từ khối u dẫn đến khạc ra máu 
Dấu hiệu ung thư vòm họng
Các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng có thể tương tự tình trạng cảm cúm.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vòm họng

Cho đến nay, câu hỏi về nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh ung thư vòm họng là gì vẫn chưa có lời giải đáp nhưng bệnh thường có liên quan đến những thay đổi gen (đột biến gen) trong ADN của tế bào ở vòm họng. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận được các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: 

  • Tuổi tác: Ung thư vòm họng chủ yếu được chẩn đoán ở người trong độ tuổi từ 30 đến 50.
  • Giới tính: Nam giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 3 lần phụ nữ.
  • Chủng tộc: Bệnh ung thư vòm họng phổ biến hơn ở người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, Singapore, Philippines và Việt Nam.
  • Chế độ ăn uống: Người có chế độ ăn nhiều thịt cá ướp muối, thực phẩm muối chua thường có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao. 
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV): EBV có thể khiến các tế bào ở vòm họng bị biến đổi. 
  • Nhiễm virus u nhú ở người (HPV): Một số loại virus HPV có khả năng dẫn đến bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư miệng và vòm họng.
  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người bị ung thư vòm họng cũng là yếu tố góp phần làm tăng rủi ro mắc bệnh của bạn.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Việc thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ cứng hoặc formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
  • Lối sống không lành mạnh: Việc sử dụng nhiều rượu bia và hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Các kỹ thuật được dùng trong chẩn đoán ung thư vòm họng

Nếu bệnh nhân đến bệnh viện với các triệu chứng giống như ung thư vòm họng, bác sĩ thường sẽ hỏi về tiền sử gia đình, triệu chứng gặp phải và tiến hành thăm khám lâm sàng. Toàn bộ vùng đầu cổ và mũi họng đều được kiểm tra bằng cách quan sát lâm sàng kết hợp với một số kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu, bao gồm: 

  • Nội soi tai mũi họng: Ống nội soi được đưa vào mũi hoặc tai hoặc miệng và đi dần xuống vùng họng để giúp bác sĩ quan sát và tìm kiếm các dấu hiệu bất thường. 
  • Chọc hút: Các hạch ở vùng cổ (nếu có) cũng sẽ được chọc hút để kiểm tra bản chất lành hay ác tính.
  • Sinh thiết: Một phần mô nhỏ ở vòm họng được loại bỏ và đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem chúng có chứa bất kỳ tế bào ung thư nào không. 
  • Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương có thể được chỉ định để dò tìm khối u và xác định giai đoạn bệnh.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ, chức năng gan, thận 
  • Xét nghiệm đo nồng độ ADN của virus Epstein-Barr trong máu

Đối với trường hợp ung thư vòm họng đã được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển, kỹ thuật chụp X-quang ngực, CT scan ngực có thể giúp ích cho việc xác định ung thư đã di căn tới phổi hay chưa.

Phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng
Phương pháp xét nghiệm hình ảnh trong chẩn đoán ung thư vòm họng.

Phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Dựa vào giai đoạn ung thư và mức độ tiến triển của bệnh mà phác đồ điều trị ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, các lựa chọn trong điều trị ung thư vòm họng thường bao gồm:

  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng các chùm tia năng lượng cao để làm chậm hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Ung thư vòm họng đặc biệt nhạy cảm với tia xạ nên phương pháp này thường được áp dụng phổ biến. Thường nhất hiện nay là sự phối hợp hóa xạ đồng thời. 
  • Hóa trị: Các thuốc gây độc tế bào có thể được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch để giết chết tế bào ung thư. Hóa trị thường phù hợp với mọi giai đoạn của ung thư vòm họng, kể cả khi đã lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Phẫu thuật: Một số khối u nhỏ ở vòm họng có thể được loại bỏ bằng cách phẫu thuật. Tuy nhiên, vòm họng là khu vực khó thực hiện phẫu thuật nên đây thường không phải là lựa chọn được ưu tiên. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể phẫu thuật để loại bỏ các hạch cổ có chứa tế bào ung thư.

Liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch cũng có thể mang lại lợi ích trong điều trị ung thư vòm họng nhưng mức độ sử dụng vẫn chưa thật sự rộng rãi.

Làm thế nào để phòng ngừa ung thư vòm họng?

Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự hình thành của bệnh ung thư vòm họng thường là những vấn đề mà chúng ta không thể kiểm soát được. Do đó, không tồn tại biện pháp nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư vòm họng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng một số cách dưới đây để phòng tránh các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống:  

  • Tránh xa thuốc lá và bia rượu là một trong những biện pháp giúp nâng cao sức khỏe và bảo vệ cơ thể trước nhiều bệnh lý. 
  • Tiêm phòng virus u nhú ở người (HPV) có thể giúp giảm nhẹ nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó bao gồm ung thư vòm họng.
  • Cố gắng ăn ít hoặc tốt nhất là không nên ăn thịt cá ướp nhiều muối, thực phẩm được chế biến bằng hình thức muối chua hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Giữ thói quen khám sức khỏe định kỳ 

7 câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng

Vị trí ung thư vòm họng là ở đâu?

Trong ung thư vòm họng, khối u ban đầu sẽ xuất hiện ở vòm họng. Đây là khu vực nằm ở phía sau khoang mũi, phía trên cùng của họng. Ban đầu, khối u ác tính khu trú tại vòm họng. Tuy nhiên, khi bệnh càng tiến triển, tế bào ung thư có khả năng xâm lấn các cấu trúc lân cận, di căn xa đến nhiều vị trí và cơ quan khác trong cơ thể. 

Theo đó, tế bào ung thư từ vòm họng sẽ bắt đầu lây lan đến các mô và hạch bạch huyết lân cận (thường là hạch cổ). Cuối cùng, chúng di căn đến nhiều cơ quan xa trong cơ thể như não, phổi, xương, gan…

Bệnh nhân ung thư vòm họng có sốt không?

Hầu hết bệnh nhân ung thư vòm họng đều không bị sốt. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có thể bị sốt dài không rõ nguyên nhân. Đôi khi khối u bội nhiễm cũng có thể làm cho bệnh nhân sốt.

Ung thư vòm họng có di truyền không?

Chưa có bằng chứng rõ ràng về việc ung thư vòm họng có di truyền hay không, nhưng nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn nếu như bạn có người thân trong gia đình từng được chẩn đoán ung thư vòm họng. Bên cạnh đó, cũng có nghiên cứu nhận thấy rằng, những người có một số loại mô di truyền nhất định có thể gặp nhiều rủi ro phát triển bệnh ung thư vòm họng hơn.

Bệnh ung thư vòm họng có lây không?

Bản thân bệnh ung thư vòm họng không có khả năng lây truyền qua bất kỳ con đường tiếp xúc nào. Tuy nhiên, một số loại virus như EBV, HPV góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lại có khả năng lây nhiễm dễ dàng. Chính điều này đã gây ra sự nhầm lẫn, khiến không ít người cho rằng bệnh ung thư vòm họng cũng có thể lây nhiễm. 

Ung thư vòm họng có nguy hiểm không?

Trong giai đoạn đầu, khối u ác tính hình thành và phát triển ở vòm họng nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, tế bào ung thư sẽ di căn đến nhiều vị trí khác trong cơ thể. Điều này có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm những triệu chứng về thể chất lẫn tinh thần, đôi khi còn đe dọa cả tính mạng.

Ngoài ra, quá trình điều trị ung thư vòm họng cũng mang đến không ít tác dụng phụ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến nhất của từng phương pháp điều trị: 

  • Xạ trị gây đỏ da, kích ứng da, khô miệng, lở loét miệng, sâu răng, khó nuốt, thay đổi khẩu vị, đau xương, mất thính lực…
  • Hóa trị có thể gây mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rụng tóc, táo bón/tiêu chảy, ăn kém ngon, thiếu máu, giảm thính lực.
  • Phẫu thuật dễ gây tổn thương thần kinh, sưng do tích tụ chất lỏng.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu gây tiêu chảy, tăng huyết áp, các vấn đề đông máu, da khô hoặc phát ban.
  • Liệu pháp miễn dịch có thể gây đỏ da, nhức đầu, đau cơ, tắc nghẽn xoang, khó thở, thay đổi nội tiết tố, tiêu chảy, phù nề. 
Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng là bao nhiêu?

Trên thực tế, rất khó xác định tỷ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị được sử dụng, sức khỏe và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên nhìn chung, phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao. 

Theo đó, nếu được điều trị ở giai đoạn I thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể lên đến 70%. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn II và III thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 30 – 50%. Và khi đến giai đoạn cuối, bệnh gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Người bị ung thư vòm họng sống được bao lâu?

Các nghiên cứu thu thập thông tin về tiên lượng sống của người bệnh ung thư vòm họng thường đưa ra tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán để làm giá trị tham khảo. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vòm họng so với những người bình thường được ước tính như sau: 

Giai đoạn ung thư

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm

Giai đoạn khu trú (Ung thư chưa lan ra ngoài vòm họng) 82%
Giai đoạn xâm lấn (Ung thư đã lây lan đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận) 72%
Giai đoạn di căn (Ung thư đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể) 49%
Kết hợp tất cả giai đoạn 63%

Nhưng cần lưu ý rằng, sự ước tính này có thể không hoàn toàn chính xác trong nhiều trường hợp. Bởi vì trên thực tế, tiên lượng và thời gian sống của bệnh nhân ung thư vòm họng còn bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm thể trạng người bệnh cũng như là khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị. 

Tóm lại, mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn ung thư vòm họng nhưng bệnh có khả năng điều trị thành công cao nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên hiểu rõ sức khỏe của bản thân và sớm nhận ra những thay đổi bất thường để kịp thời chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Ngoài ra, bạn có thể xem thêm thông tin về những bệnh ung thư khác được Bowtie chia sẻ đầy đủ và chi tiết nhất !

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về ung thư bàng quang Những điều cần biết về ung thư bàng quang
Ung thư

Những điều cần biết về ung thư bàng quang

11 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư dạ dày 11 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư dạ dày
Ung thư

11 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư dạ dày

Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK