Ung thư
Ung thư

Ung thư tinh hoàn có chữa được không?

Ung thư tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bệnh không chỉ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe mà còn tác động đến tâm sinh lý bình thường ở nam giới. Lúc này, nhiều bệnh nhân tự hỏi liệu ung thư tinh hoàn có chữa được không và điều trị thế nào.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-01-07
Cập nhật ngày 2023-07-24
Nội dung chính
Ung thư tinh hoàn có chữa được không?Các phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoànLựa chọn phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn theo từng giai đoạnĐiều trị ung thư tinh hoàn có tốn kém không?
Ung thư tinh hoàn có chữa được không?

Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào tinh hoàn bắt đầu phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát, gây hình thành khối u ác tính có khả năng xâm lấn các mô lân cận hoặc di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chỉ có 291 ca mắc mới và 70 ca tử vong ở Việt Nam vào năm 2020 (theo Globocan). 

So với các loại ung thư khác, ung thư tinh hoàn thường có tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên, liệu ung thư tinh hoàn có chữa được không và người bệnh có thể được điều trị bằng những phương pháp nào? Để trả lời cho các câu hỏi này, mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!

Ung thư tinh hoàn có chữa được không?

Giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, ung thư tinh hoàn cũng là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều may mắn là quá trình điều trị ung thư tinh hoàn thường diễn ra thuận lợi với tỷ lệ thành công cao, tiên lượng tốt hơn các dạng ung thư khác. Do đó, người bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi, ngay cả khi ung thư tinh hoàn đã di căn. 

Nếu ước tính chung cho tất cả các giai đoạn thì có khả năng chữa khỏi cho 90% bệnh nhân. Ngay cả khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn lan tràn thì cũng có tới 80% các trường hợp có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, trung bình tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân ung thư tinh hoàn có thể lên đến 95%, bao gồm tất cả giai đoạn bệnh. Khi xem xét ở từng giai đoạn, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm có thể thay đổi nhưng không đáng kể. Cụ thể là:

  • Giai đoạn khu trú (Tế bào ung thư chưa lan ra khỏi tinh hoàn): 99%
  • Giai đoạn xâm lấn (Tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc một số cấu trúc lân cận): 96%
  • Giai đoạn di căn (Tế bào ung thư được tìm thấy ở những bộ phận xa trong cơ thể): 73%

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư tinh hoàn bao gồm 2 nhóm lớn là khối u tế bào mầm (chiếm 95% trường hợp) và khối u không phải tế bào mầm (chiếm 5%). Trong số các u dòng mầm, người ta chia ra làm 2 loại nhỏ là u dòng tinh (seminoma) và u không phải dòng tinh (non-seminoma). Nhóm u không phải dòng tinh thường có tiên lượng xấu hơn so với u dòng tinh. Vậy điều trị ung thư tinh hoàn như thế nào? Một số phương pháp có thể mang lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư tinh hoàn là: 

Phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp ung thư tinh hoàn thường bắt đầu điều trị bằng cách phẫu thuật để loại bỏ khối u. Tùy theo diễn biến của bệnh mà chỉ định phẫu thuật có thể bao gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

Đây là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các trường hợp ung thư tinh hoàn. Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nhằm cắt bỏ bên tinh hoàn bị bệnh. Để loại bỏ tinh hoàn cùng với tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ở vùng bẹn của bệnh nhân và kéo toàn bộ tinh hoàn ra ngoài thông qua lỗ mở từ vết rạch. Vị trí tinh hoàn mất đi có thể được thay thế bằng một khối gel, gọi là tinh hoàn nhân tạo. 

Phẫu thuật này cũng giúp “đóng” các mạch máu và mô bạch huyết xung quanh để ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư từ tinh hoàn sang các phần còn lại của cơ thể. 

Phẫu thuật vét hạch bạch huyết sau phúc mạc

Trường hợp nghi ngờ tế bào ung thư tinh hoàn đã lan đến các hạch bạch huyết nằm xung quanh mạch máu lớn ở phía sau bụng, bác sĩ thường đề nghị phẫu thuật mở bụng để loại bỏ các hạch này. Vét hạch bạch huyết có thể diễn ra ngay trong quá trình cắt bỏ tinh hoàn hoặc được tiến hành sau đó. Đặc biệt, phương pháp này thường được sử dụng để điều trị ung thư tinh hoàn không phải tế bào dòng tinh.

Ung thư tinh hoàn có chữa được không và phương pháp điều trị phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn trong điều trị ung thư.

Hóa trị

Một cách chữa ung thư tinh hoàn khác có thể kể đến là hóa trị. Cụ thể, một số loại thuốc gây độc tế bào sẽ được đưa vào hệ tuần hoàn chung của người bệnh để tiêu diệt hoặc kìm hãm các tế bào ung thư đang hiện diện ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Nhờ tác dụng toàn thân, hóa trị được áp dụng trong nhiều trường hợp ung thư tinh hoàn, ngay cả khi tế bào ác tính đã lan ra bên ngoài vì thuốc có thể luân lưu theo dòng máu đến được tất cả các vị trí khác trên cơ thể. Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng trong điều trị ung thư tinh hoàn tái phát hoặc tiến triển.

Dựa vào kết quả chẩn đoán và tổng quan tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc truyền tĩnh mạch (IV) trong phác đồ điều trị ung thư tinh hoàn. Các thuốc thường gặp là cisplatin, etoposide, bleomycin, vinblastin,… Thông thường, mỗi đợt hóa trị sẽ kéo dài khoảng 3 – 4 tuần và có thể được tiến hành trước hoặc sau khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật điều trị bệnh ung thư tinh hoàn. 

Xạ trị

Xạ trị là một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân không thể cắt bỏ tinh hoàn. Phương pháp này sử dụng nguồn bức xạ năng lượng cao để phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Khi tiến hành xạ trị, đội ngũ y tế sẽ hướng chùm tia bức xạ vào khu vực cụ thể cần điều trị để tránh tác động đến những cơ quan lân cận. Mỗi lần chiếu xạ chỉ kéo dài vài phút. Tuy nhiên, quá trình điều trị thường yêu cầu người bệnh lặp lại hoạt động này nhiều lần để đạt được kết quả như mong muốn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị sau khi bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại, giúp ngăn chặn ung thư tinh hoàn tái phát. Ngoài ra, liệu pháp xạ trị cũng có hiệu quả đối với một số trường hợp ung thư tinh hoàn đã lây lan đến hạch bạch huyết hoặc những cơ quan ở xa (để điều trị triệu chứng như xạ trị não trong di căn não hay xạ trị khu trú vào xương bị di căn gây chèn ép tủy…).

Liệu pháp miễn dịch

Đây là cách điều trị bệnh ung thư tinh hoàn sử dụng chính hệ miễn dịch của người bệnh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thông thường, hệ miễn dịch là “tấm lá chắn” giúp chúng ta chống lại bệnh tật bằng cách tấn công mọi tác nhân lạ mặt tồn tại trong cơ thể. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại có khả năng đặc biệt khiến hệ miễn dịch không thể nhận ra và tấn công. Đôi khi, chúng còn làm suy yếu các hoạt động miễn dịch trong cơ thể.

Liệu pháp miễn dịch sử dụng một hoặc một số loại thuốc đưa vào cơ thể người bệnh với mục đích tăng cường sức mạnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi để hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong ung thư tinh hoàn, liệu pháp miễn dịch có thể áp dụng với các trường hợp ung thư tiến triển hoặc không đáp ứng tốt khi điều trị bằng các phương pháp khác.

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn theo từng giai đoạn

Phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoàn ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau tùy vào giai đoạn bệnh, loại khối u, tình trạng sức khỏe cũng như mong muốn của người bệnh. Dưới đây là phác đồ điều trị ung thư tinh hoàn theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà bạn có thể tham khảo:

Điều trị ung thư tinh hoàn giai đoạn 0

Ở giai đoạn này, khối u mới chỉ xuất hiện trong biểu mô tinh hoàn và có thể được điều trị bằng các phương pháp:

  • Xạ trị
  • Theo dõi tình trạng
  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn 
Ung thư tinh hoàn có chữa được không và phương pháp xạ trị
Điều trị ung thư tinh hoàn bằng phương pháp xạ trị.

Điều trị ung thư tinh hoàn giai đoạn I

Tùy theo loại khối u mà bệnh nhân được chẩn đoán, phác đồ điều trị ung thư tinh hoàn ở giai đoạn I có thể là:

Điều trị u dòng tinh (seminoma)

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, sau đó theo dõi
  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, sau đó hóa trị

Điều trị u không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma)

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, có thể kèm theo vét hạch bạch huyết nếu có di căn hạch 
  • Tiến hành hóa trị khi bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao
  • Theo dõi tình trạng lâu dài

Điều trị ung thư tinh hoàn giai đoạn II

Ngoài sự khác biệt về loại khối u, phác đồ điều trị ung thư tinh hoàn ở giai đoạn II còn dựa trên kích thước của các khối u được phát hiện: 

Điều trị u dòng tinh (seminoma) có kích thước ≤ 5cm

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, sau đó xạ trị các hạch bạch huyết ở bụng và vùng chậu
  • Hóa trị kết hợp
  • Phẫu thuật vét hạch bạch huyết trong ổ bụng nếu cần thiết

Điều trị u dòng tinh (seminoma) có kích thước > 5cm

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn
  • Xạ trị hoặc hóa trị các hạch bạch huyết ở bụng và vùng chậu
  • Theo dõi tình trạng lâu dài

Điều trị u không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma) 

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và nạo/vét hạch bạch huyết
  • Kết hợp hóa trị liệu và theo dõi lâu dài
  • Phẫu thuật lần thứ hai nếu tế bào ung thư vẫn còn trong cơ thể

Điều trị u không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma) đã lan rộng, có nguy cơ đe dọa tính mạng

  • Liệu pháp hóa trị
  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

Điều trị ung thư tinh hoàn giai đoạn III

Tương tự như các giai đoạn đầu, phác đồ điều trị ung thư tinh hoàn ở giai đoạn III được mô tả như sau:

Điều trị u dòng tinh (seminoma)

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn
  • Kết hợp hóa trị liệu

Điều trị u dòng tinh (seminoma) còn sót lại sau đợt điều trị trước đó

  • Khối u nhỏ hơn 3cm hoặc khối u không phát triển: Theo dõi và không cần điều trị 
  • Khối u từ 3cm trở lên: Phẫu thuật loại bỏ khối u 
  • Chẩn đoán lại sau 2 tháng để điều trị các khối u có dấu hiệu tiến triển 

Điều trị u tế bào không phải dòng tinh (nonseminoma) 

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, sau đó kết hợp hóa trị
  • Hóa trị trước, sau đó phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, nếu cần thiết thì tiếp tục hóa trị

Điều trị u tế bào không phải dòng tinh (nonseminoma) đã lan rộng, có nguy cơ đe dọa tính mạng

  • Liệu pháp hóa trị 
  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

Điều trị ung thư tinh hoàn tái phát

Với trường hợp ung thư tinh hoàn tái phát sau khi đã điều trị thành công, phác đồ được lựa chọn có thể là: 

  • Hóa trị liệu, có thể kết hợp ghép tế bào gốc
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u nếu phương pháp hóa trị không cho đáp ứng tốt hoặc khi ung thư tái phát trở lại sau khoảng thời gian dài (≥ 2 năm)

Điều trị ung thư tinh hoàn có tốn kém không?

Việc điều trị ung thư tinh hoàn có tốn kém hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tiến triển của bệnh, phương pháp điều trị cũng như cơ sở khám chữa bệnh mà bạn lựa chọn. Theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), chi phí điều trị của một bệnh nhân ung thư dao động trung bình khoảng 175 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, chi phí này có thể được giảm xuống nhiều nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng như bảo hiểm sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về chi phí điều trị ung thư tinh hoàn, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ nhé.  

Hy vọng bài viết đã giúp bạn tìm ra đáp án cho câu hỏi “Ung thư tinh hoàn có chữa được không?”. Có thể thấy, ung thư tinh hoàn không phải là tình trạng đe dọa tính mạng nếu như được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi nhận ra các dấu hiệu bất thường, thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư gan thứ phát nguy hiểm hơn bạn nghĩ Ung thư gan thứ phát nguy hiểm hơn bạn nghĩ
Ung thư

Ung thư gan thứ phát nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời
Ung thư

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời

Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả
Ung thư

Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK