Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 tại Việt Nam và có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu là cách giúp bệnh nhân có thể được thăm khám, điều trị kịp thời nhằm kéo dài tuổi thọ.
Vậy ung thư phổi giai đoạn đầu là gì? Ở giai đoạn này, bệnh nhân có triệu chứng gì? Ung thư phổi giai đoạn đầu có chữa được không và người bệnh sẽ sống được bao lâu? Trong bài viết dưới đây, Bảo hiểm trực tuyến Bowtie sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về giai đoạn bệnh này.
Ung thư phổi giai đoạn đầu là gì?
Ung thư phổilà tình trạng các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát ở một hoặc cả hai lá phổi. Chúng phát triển mạnh mẽ, gây hình thành các khối u trong phổi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của phổi.
Ung thư phổi thường được chia làm 2 loại là ung thư phổi không tế bào nhỏ (thường gặp hơn) và ung thư phổi tế bào nhỏ.Cả hai loại ung thư đều rất nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Bệnh ung thư phổi phát triển qua 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu (giai đoạn I) là thời điểm bệnh còn sơ khai, khối u ở phổi còn nhỏ và chưa lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xa trong cơ thể. Giai đoạn I thường được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là:
Giai đoạn IA: Phát hiện khối u trong phổi có kích thước ≤ 3cm. Tế bào ung thư chưa lây lan đến hạch bạch huyết lân cận cũng như chưa di căn tới các cơ quan xa trong cơ thể.
Giai đoạn IB: Khối u trong phổi có kích thước ≤ 4cm và có thể đã xâm lấn đến thành của phế quản gốc, màng phổi tạng hoặc đã gây xẹp/viêm phổi thùy. Tuy nhiên, tương tự như giai đoạn IA, tế bào ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan xa trong cơ thể.
Trên thực tế, người mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu thường không có nhiều triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể được nhận biết qua các biểu hiện bất thường sau:
Xuất hiện tình trạng ho dai dẳng, kéo dài từ 2 – 3 tuần mà không dứt
Ho ra máu hoặc khạc ra đờm có lẫn máu
Khó thở, thở nặng nhọc, thở dốc, hụt hơi
Đau tức ngực, khó chịu ở ngực
Viêm phổi tái phát nhiều lần
Khàn tiếng, khó nuốt
Đau vai, đau tay (Hội chứng Pancoast)
Xuất hiện các cơn đau đầu không rõ nguyên nhân
Cân nặng bị sụt giảm bất thường, không kiểm soát
Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
Sưng mặt, cổ, cánh tay hoặc ngực (Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên)
Sụp mí, co đồng tử, không ra mồ hôi ở nửa mặt (Hội chứng Horner)
Các phương pháp dùng trong chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn I (giai đoạn 1)
Ngay khi phát hiện các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám sớm. Theo đó, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi bệnh sử, tiền sử, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như tiến hành thăm khám lâm sàng. Bệnh nhân còn được chỉ định thực hiện thêm các kiểm tra, xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh:
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp xác định nồng độ các chất chỉ điểm bướu như SCC, CEA, Cyfra21-1, proGRP, NSE…
Chụp X-quang ngực: Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang ngực để quan sát và phát hiện ra các khối u bất thường ở phổi.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (CT): Chụp cắt lớp vi tính sẽ giúp phát hiện ra các khối u có kích thước nhỏ mà phương pháp chụp X-quang không thể tìm thấy được.
Nội soi phế quản: Phương pháp này đưa một ống soi có gắn đèn và máy quay vào đường thở của bệnh nhân để tìm kiếm và phát hiện khối u.
Sinh thiết: Đây là một trong những phương pháp xác định ung thư phổi chuẩn xác nhất. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ ở phổi để tiến hành quan sát dưới kính hiển vi. Đôi khi, bác sĩ cũng có thể thực hiện chọc hút dịch màng phổi để tiến hành kiểm tra.
Phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu
Bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu nếu phát hiện sớm có thể được điều trị hiệu quả và mang đến tiên lượng tương đối khả quan. Ngược lại, càng tiến triển về các giai đoạn sau, đặc biệt là giai đoạn cuối thì cơ hội điều trị sẽ càng thấp đi. Tùy vào loại ung thư mà các phương pháp điều trị được sử dụng cụ thể như sau:
Phương pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I (giai đoạn 1)
Phẫu thuật: Nếu đủ sức khỏe, người bệnh thường được phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi chứa khối u. Các loại phẫu thuật thường được sử dụng là phẫu thuật cắt bỏ trọn thùy phổi và phẫu thuật cắt hình chêm. Bên cạnh đó, bác sĩ còn kết hợp thêm nạo hạch trung thất.
Hóa trị: Phương pháp hóa trị bổ trợ hiện được chỉ định sau phẫu thuật cho các trường hợp có giai đoạn từ IB trở lên. Theo đó, thuốc hóa trị sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư phổi còn sót lại và giảm thiểu nguy cơ ung thư tái phát trở lại.
Xạ trị: Trong trường hợp người bệnh không đủ sức khỏe để phẫu thuật, các bác sĩ sẽ đề nghị xạ trị triệt căn. Xạ trị triệt căn là một lựa chọn thay thế để điều trị các tổn thương còn khu trú và có thể tiến hành theo kỹ thuật xạ trị quy ước hoặc xạ trị định vị thân (SBRT).
Đốt sóng cao tần (RFA): Nếu không thể phẫu thuật thì bên cạnh xạ trị, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp hủy bướu tại chỗ bằng đốt sóng cao tần để điều trị cho bệnh nhân.
Phương pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn đầu
Hóa xạ trị: Nếu bệnh nhân có đủ sức khỏe, bác sĩ sẽ tiến hành hóa xạ trị, tức là thực hiện hóa trị cùng lúc với xạ trị để chữa ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn đầu. Trong trường hợp người bệnh không còn đủ sức khỏe để thực hiện hóa xạ trị, bác sĩ sẽ tiến hành hóa trị trước, sau đó đến xạ trị vào ngực.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi: Dù hiếm được sử dụng trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ nhưng với một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ một phần phổi chứa khối u.
Xạ trị dự phòng: Bác sĩ có thể thực hiện xạ trị dự phòng vùng đầuđể ngăn ngừa các tế bào ung thư di căn lên não.
Hỏi đáp về ung thư phổi giai đoạn đầu
Ung thư phổi giai đoạn đầu có chữa được không?
Ung thư phổi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có khả năng điều trị thành công cao, lên đến 80%. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc chữa khỏi bệnh hoàn toàn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là các yếu tố khởi phát bệnh ban đầu.
Ung thư phổi giai đoạn đầu sống được bao lâu?
Việc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, các chuyên gia y tế thường sử dụng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chẩn đoán bệnh làm giá trị tham khảo khi ước tính tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu là 65%. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 30% ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn I (giai đoạn 1).
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bệnhung thư phổi giai đoạn đầu kèm theo đó là các dấu hiệu nhận biết ung thư phổi cũng như phương pháp điều trị bệnh. Để luôn khỏe mạnh, bạn nên tiến hành tầm soát ung thư phổi định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề bất thường và điều trị kịp thời, đặc biệt khi có nhiều nguy cơ.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.