Ung thư phổi giai đoạn cuối - mối nguy hiểm không thể xem nhẹ
Ung thư phổi giai đoạn cuối hay ung thư phổi giai đoạn IV không chỉ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà còn khiến người bệnh rơi vào tâm lý vô cùng lo lắng và sợ hãi. Bởi đây là giai đoạn tiến triển cuối cùng của bệnh ung thư phổi, nếu việc điều trị không được thuận lợi thì bệnh nhân có thể mất đi sự sống bất cứ lúc nào.
Vì ung thư phổi giai đoạn IV rất nguy hiểm nên bệnh nhân cũng như người thân không nên lơ là, chủ quan trong quá trình điều trị bệnh. Và để thực hiện điều này, trước hết bạn hãy cùng Website Bowtie tìm hiểu sâu hơn về các đặc điểm của bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối trong bài viết dưới đây nhé!
Ung thư phổi giai đoạn cuối là gì?
Bệnh ung thư phổi được chia thành 4 giai đoạn chính theo hệ thống phân loại ung thư TNM, bao gồm ung thư phổi giai đoạn I, ung thư phổi giai đoạn II, ung thư phổi giai đoạn III và ung thư phổi giai đoạn IV. Trong đó, ung thư phổi giai đoạn cuối (hay giai đoạn IV, giai đoạn 4) là khi tế bào ung thư ở phổi đã xâm lấn và lan rộng ra bên ngoài. Căn cứ vào đặc điểm của sự di căn, bệnh ung thư phổi giai đoạn IV lại được phân thành 2 giai đoạn nhỏ hơn, đó là:
Giai đoạn IVA: Giai đoạn IVA được xác định khi tình trạng bệnh thuộc một trong các trường hợp sau:
Khối u hiện diện ở cả 2 phổi
Tìm thấy tế bào ung thư ở màng phổi hoặc màng tim
Dịch ở xung quanh phổi hoặc tim có chứa tế bào ung thư
Tế bào ung thư di căn đến một vị trí ngoài lồng ngực, ví dụ như một hạch bạch huyết hoặc một cơ quan (gan, xương…)
Giai đoạn IVB: Xuất hiện ổ tế bào ung thư tại một hoặc nhiều khu vực và cơ quan bên ngoài lồng ngực
Ung thư phổi giai đoạn cuối gây ra triệu chứng gì?
Không giống với trường hợp ung thư phổi giai đoạn sớm (giai đoạn I và giai đoạn II), phần lớn các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối có xu hướng rõ ràng hoặc thậm chí là khá nghiêm trọng nếu như tế bào ung thư đã di căn nhiều. Chính vì vậy, người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy một số biểu hiện liên quan như:
Ho khan/ho có đờm kéo dài và trở nên nặng hơn theo thời gian
Xuất hiện máu khi ho hoặc khạc đờm
Đau nặng ngực, cảm giác đau đặc biệt tăng lên khi hít thở sâu, ho hoặc cười
Vướng ở cổ họng, khó nuốt
Nhiễm trùng hô hấp tái phát thường xuyên
Khàn giọng, khò khè
Chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân
Thở kém, hơi thở yếu ớt
Ngoài các biểu hiện ở phổi, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV còn có khả năng gặp phải triệu chứng ở những vị trí khác do sự di căn của tế bào ung thư. Tùy vào từng cơ quan di căn cụ thể mà người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
Di căn xương: Đau nhức xương ở lưng hoặc hông, hạn chế vận động, gãy xương…
Di căn não: Các vấn đề ở hệ thần kinh như đau đầu, yếu hoặc tê tay chân, chóng mặt, mất thăng bằng, co giật…
Di căn hạch: Sưng hạch bạch huyết ở quanh cổ hoặc phía trên xương đòn
Di căn gan: Vàng da, vàng củng mạc mắt, đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, cổ trướng
Bác sĩ xác định ung thư phổi giai đoạn IV bằng cách nào?
Nhìn chung, quy trình chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn IV) sẽ tương tự như khi chẩn đoán bệnh ở các giai đoạn sớm hơn và thường bao gồm các bước như sau:
Bác sĩ thực hiện thăm khám lâm sàng kết hợp với việc khai thác các vấn đề liên quan đến triệu chứng, tiền sử bệnh và một số thói quen sinh hoạt để đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng của bệnh nhân trước khi chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu.
Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra khả năng hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể.
Tìm kiếm các dấu ấn ung thư (chất chỉ điểm khối u) trong máu, chẳng hạn như Cyfra21-1, ProGRP, NSE, SCC, CEA…
Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chụp X-quang, siêu âm, xạ hình xương… để phát hiện chính xác vị trí và kích thước của khối u
Sinh thiết mô, nội soi phế quản, nuôi cấy đờm và một số xét nghiệm khác cũng có thể được đề nghị nếu bác sĩ cần thêm thông tin để chẩn đoán phân biệt hoặc đánh giá mức độ lây lan của bệnh.
Xét nghiệm đột biến gen
Phương pháp dùng trong điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối
Khác với các giai đoạn sớm hoặc thậm chí là giai đoạn III, mục tiêu chính khi điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn IV) là tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến bệnh để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, từ đó có thể giúp họ kéo dài tuổi thọ. Để thực hiện mục tiêu này, các phương pháp điều trị ung thư phổi được lựa chọn chủ yếu là những liệu pháp có tác dụng toàn thân, chẳng hạn như:
Liệu pháp hóa trị: Là phương pháp sử dụng các thuốc chữa ung thư phổi giai đoạn cuối với cơ chế gây độc tế bào để tiêu diệt khối u ở khắp cơ thể.
Liệu pháp nhắm trúng đích: Các thuốc nhắm trúng đích được nghiên cứu để tác động trực tiếp vào yếu điểm của tế bào ung thư và phá hủy chúng.
Liệu pháp miễn dịch: Bằng cách cung cấp một số loại thuốc có tác dụng tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch, liệu pháp này giúp hệ miễn dịch tìm kiếm và đánh bại các tế bào ung thư đang hiện diện ở bất kỳ vị trí nào.
Tuy nhiên, lựa chọn liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch phải còn tùy thuộc vào tình trạng đột biến gen của bệnh nhân. Hơn thế nữa, chi phí cần bỏ ra để thực hiện hai phương pháp này là rất đắt đỏ.
Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật loại bỏ khối u hay xạ trị ung thư phổi đôi khi cũng được cân nhắc kết hợp trong quá trình chữa trị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tại nhà
Hầu hết các trường hợp ung thư phổi giai đoạn IV sẽ được điều trị và chăm sóc tại nhà thay vì cơ sở y tế. Chính lúc này, việc biết cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân được sống vui khỏe và lâu hơn.
Theo đó, khi xây dựng kế hoạch chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, người thân nên tập trung vào các vấn đề sau đây:
Khuyến khích bệnh nhân ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, ưu tiên lựa chọn các món ăn tốt cho sức khỏe và phù hợp với sở thích của người bệnh. Có thể chia các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ nếu cần thiết.
Theo sát phác đồ điều trị đã được chỉ định, nhắc nhở bệnh nhân sử dụng thuốc đầy đủ và đúng thời gian.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ/chuyên gia về một số phương pháp điều trị hoặc chăm sóc giảm nhẹ để cải thiện các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân, đặc biệt là triệu chứng đau do ung thư cũng như các tác dụng phụ gây ra bởi những phương pháp điều trị.
Dành thời gian lắng nghe và trò chuyện cùng người bệnh để đánh tan những cảm xúc lo lắng, buồn bã và sợ hãi. Đồng thời khích lệ tinh thần để tiếp thêm sức mạnh và giúp họ suy nghĩ lạc quan hơn.
Thay đổi tư thế nằm cho bệnh nhân thường xuyên, tốt nhất là đầu nên kê gối cao để hạn chế tình trạng khó thở hoặc bị sặc.
Quan tâm giúp đỡ người bệnh hoàn thành các công việc sinh hoạt hằng ngày nếu họ không có khả năng tự thực hiện.
Mặt khác, người chăm sóc cần lưu ý một số dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân, tránh để xảy ra các rủi ro đáng tiếc. Bạn hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ và yêu cầu sự trợ giúp y tế nếu nhận thấy người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối có các biểu hiện như khó thở nghiêm trọng, không thể duy trì hơi thở, đau đớn dữ dội và kéo dài, rối loạn hô hấp, ho không ngừng…
Câu hỏi thường gặp về ung thư phổi giai đoạn cuối
Ung thư phổi giai đoạn IV (giai đoạn 4) sống được bao lâu?
Ung thư phổi giai đoạn IV (giai đoạn 4) sống được bao lâu còn phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng như khả năng đáp ứng của người bệnh với các phương pháp đó. Vì vậy, không thể biết đáp án chính xác cho vấn đề này. Thay vào đó, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra các dữ liệu ước tính về tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn di căn xa) như sau:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: 9%
Ung thư phổi tế bào nhỏ: 3%
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối nên ăn gì?
Kế hoạch ăn uống phù hợp với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe là một trong những “vũ khí” giúp bệnh nhân gia tăng cơ hội chiến thắng ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn IV). Cụ thể, một số loại thực phẩm mà các chuyên gia khuyến nghị người bệnh ung thư phổi nên bổ sung thường xuyên là:
Trái cây tươi
Rau xanh
Các loại ngũ cốc, yến mạch
Các loại đậu, hạt
Cá béo (như cá hồi, cá tuyết..)
Thịt nạc
Sữa ít béo
Các loại dầu từ thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu
Tóm lại, ung thư phổi giai đoạn cuối là một tình trạng phức tạp có ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Do đó, để kéo dài khả năng sống sót thì ngoài việc tuân thủ các phương pháp điều trị và cải thiện triệu chứng, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh với tinh thần vui vẻ, tích cực để quá trình hồi phục sức khỏe có nhiều cơ hội thành công hơn.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.