Hiểu rõ ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) để phát hiện kịp thời
Về cơ bản, mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) đã tăng lên hơn so với giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng sống của bệnh nhân vẫn rất khả quan.
Vậy ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) có biểu hiện gì? Ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không và ở giai đoạn này, bệnh nhân sống được bao lâu? Để giải đáp những băn khoăn trên, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi nội dung của bài viết sau đây nhé!
Ung thư phổi giai đoạn II là gì?
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào phổi phân chia, phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây hình thành khối u ác tính. Tế bào ung thư có khả năng xâm lấn các mô lân cận. Ung thư phổi thường được chia làm 2 loại là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Theo đó, dựa vào số lượng và mức độ xâm lấn của khối u, hệ thống TNM chia quá trình phát triển của ung thư phổi làm 4 giai đoạn. So với ung thư phổi giai đoạn đầu, ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) đã tiến triển hơn với 2 giai đoạn nhỏ như sau:
Giai đoạn IIA: Phát hiện khối u trong phổi có kích thước ≤ 5cm. Lúc này, tế bào ung thư có thể xâm lấn màng phổi tạng, phế quản gốc hoặc gây viêm/xẹp phổi thùy nhưng chưa lây lan đến bất kỳ hạch bạch huyết hoặc cơ quan xa nào.
Giai đoạn IIB: Giai đoạn IIB được xác định khi xảy ra một trong ba trường hợp sau:
Khối u trong phổi có kích thước ≤ 5cm và xuất hiện tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết gần phổi nhưng chưa có di căn xa
Khối u trong phổi có kích thước từ 5 – 7cm nhưng tế bào ung thư chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết gần phổi cũng như các cơ quan xa
Tế bào ung thư đã xâm lấn thành ngực, dây thần kinh gần phổi, các màng bao phủ tim…
Nếu không được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này, các tế bào ung thư sẽ lây lan rộng hơn và bệnh tiếp tục tiến triển đến giai đoạn III ung thư phổi hoặc thậm chí là giai đoạn cuối.
Đâu là triệu chứng cảnh báo ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2)?
Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) thường biểu hiện rõ hơn giai đoạn trước, bao gồm:
Xuất hiện tình trạng đau tức ngực, nặng ngực, đặc biệt khi thở sâu, ho hoặc cười
Khàn giọng, mất tiếng
Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát nhiều lần
Chán ăn, ăn không ngon miệng
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Mệt mỏi, suy nhược
Hội chứng Pancoast: Đau vai, lưng và cánh tay
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Mặt, ngực, cổ hoặc cánh tay có thể bị sưng
Hội chứng Horner: Đồng tử nhỏ, mí mắt rũ xuống, ít hoặc không có mồ hôi ở một bên mặt
Các cách kiểm tra, xét nghiệm, chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn II
Với sự phát triển của y học ngày nay, việc chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn II đã không còn quá khó khăn. Bác sĩ sẽ thăm khám dựa trên các triệu chứng và chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán sau:
Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể xác định được nồng độ của một số chất chỉ dấu ung thư như CEA, SCC, NSE, Cyfra21-1, ProGRP…
Chụp X-quang: Dựa vào phim X-quang, bác sĩ có thể tìm ra các bất thường trong phổi.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu phương pháp chụp X-quang khó phát hiện ra các khối u có kích thước nhỏ thì chụp cắt lớp vi tính có thể cho hình ảnh rõ nét và chính xác hơn.
Nội soi phế quản: Nội soi phế quản giúp bác sĩ quan sát được bên trong đường hô hấp để phát hiện các bất thường, từ đó xác định chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh.
Sinh thiết: Nhờ các phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm như nội soi phế quản, chọc hút chẩn đoán tế bào, sinh thiết u hoặc hạch trung thất dưới hướng dẫn siêu âm qua nội soi, chọc hút kim nhỏ chẩn đoán tế bào học, sinh thiết lõi kim… bác sĩ sẽ lấy mẫu mô hoặc dịch tại vị trí nghi ngờ chứa tế bào ung thư và tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định bệnh.
Điều trị ung thư phổi giai đoạn II như thế nào là hiệu quả?
Hiện nay, tùy thuộc vào loại bệnh và sức khỏe của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư phổi giai đoạn này là:
Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II (giai đoạn 2)
Phẫu thuật: Nếu người bệnh còn đủ sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật triệt để để điều trị ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2). Việc phẫu thuật bao gồm cắt trọn thùy phổi mang khối u đạt diện cắt âm tính (không có tế bào ung thư), lấy đi 16 – 20 hạch thuộc ít nhất 3 nhóm hạch và rửa màng phổi cùng bên. Đôi khi, bác sĩ phải cắt thêm 2 thùy phổi kế cận hoặc một bên phổi.
Hóa trị: Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân hóa trị bổ trợ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát.
Xạ trị: Trong trường hợp người bệnh không đủ sức khỏe để phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các phương pháp xạ trị có thể kể đến như xạ trị ngoài, xạ phẫu định vị thân hoặc hóa – xạ trị đồng thời.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn II (giai đoạn 2)
Hóa – xạ trị: Phương pháp điều trị chính cho ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn này là thực hiện hóa trị kết hợp xạ trị. Trong trường hợp người bệnh đủ sức khỏe, bác sĩ sẽ tiến hành hóa trị và xạ trị cùng lúc. Ngược lại, nếu không đủ sức khỏe, người bệnh sẽ được hóa trị trước, sau đó xạ trị vùng ngực sau.
Xạ trị dự phòng: Ung thư phổi tế bào nhỏ có nguy cơ di căn lên não rất cao. Vì vậy, khi điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn II (giai đoạn 2), bác sĩ có thể cần thực hiện xạ trị vùng đầu dự phòng để tiêu diệt các tế bào ung thư có khả năng di căn đến não, từ đó ngăn chúng làm tổn thương cơ quan này.
Giải đáp những câu hỏi thường gặp về ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2)
Ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không?
Dù bệnh đã tiến triển hơn giai đoạn trước nhưng ung thư phổi giai đoạn II vẫn được xem là giai đoạn sớm và có khả năng chữa khỏi tương đối cao. Tuy nhiên, việc người bệnh ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) có được chữa khỏi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, phương pháp điều trị, sức khỏe của người bệnh…
Nếu được điều trị kịp thời và đáp ứng tốt thì bệnh nhân có tiên lượng sống tương đối khả quan. Ngược lại, nếu không điều trị, bệnh sẽ tiến triển sang các giai đoạn sau và làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở giai đoạn cuối.
Ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu?
“Ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra, nhất là bệnh nhân ung thư phổi. Theo thống kê của Tổ chức Từ thiện Nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư Anh, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chẩn đoán bệnh của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II sẽ có sự chênh lệch giữa 2 giới. Tỷ lệ này ở bệnh nhân nam sẽ là 32,1% và ở nữ sẽ là 36,4%.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có cái nhìn rõ nét hơn về bệnh ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) cũng như các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư phổi. Nếu nhận thấy các biểu hiện nghi ngờ, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay khi cần thiết nhé.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.