Ung thư phổi - Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Ở Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Theo thống kê của Globocan, trong năm 2020, nước ta có khoảng 26.262 ca mắc mới ung thư phổi và 23.797 ca tử vong do căn bệnh này.
Ung thư phổi là gì? Có các loại ung thư phổi nào? Nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết ra sao? Cùng Bowtie tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh ung thư phổi trong bài viết dưới đây!
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào ở một hoặc cả hai bên phổi (thường là các tế bào thuộc lớp niêm mạc đường thở) phát triển bất thường, ngoài tầm kiểm soát và gây hình thành khối u ác tính trong phổi. Các khối u này có khả năng xâm lấn mô và cơ quan xung quanh cũng như di căn đến nhiều cơ quan xa trong cơ thể.
Các loại ung thư phổi thường gặp
Người ta chia ung thư phổi thành 2 loại chính:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Nhóm ung thư phổi này chiếm khoảng 85% tổng số ca bệnh, gồm ung thư biểu mô tế bào vảy (hay ung thư biểu mô tế bào gai), ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn. Ung thư phổi không tế bào nhỏ có xu hướng phát triển, lây lan chậm.
Ung thư phổi tế bào nhỏ: Loại này ít gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số ca ung thư phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường phát triển nhanh chóng, có nhiều khả năng tiến triển nặng và di căn xa sớm vào thời điểm chẩn đoán.
Làm thế nào nhận biết bệnh ung thư phổi?
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thường mơ hồ ở giai đoạn đầu. Chúng chỉ trở nên rõ ràng hơn khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi mà bệnh nhân có thể gặp phải là:
Ho dai dẳng, lâu ngày không khỏi
Ho có đờm, đặc biệt ho nhiều vào lúc gần sáng, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phổi còn ho ra máu
Khó thở, thở khò khè
Đau tức ngực, thường trở nên tồi tệ hơn khi ho hoặc cười
Khàn tiếng, đau họng
Khó nuốt, đau khi nuốt
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Mệt mỏi, đau nhức cơ thể, mất sức
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên khiến nhiều bệnh nhân ung thư phổi bị phù mặt, cổ, cánh tay hoặc ngực
Hội chứng Horner gây co đồng tử, sụp mí, không đổ mồ hôi ở nửa mặt
Hội chứng Pancoast gây đau vai, đau tay
Thay đổi ở ngón tay, chẳng hạn như ngón tay dùi trống
Nguyên nhân gây ung thư phổi là gì?
Hút thuốc lá, thuốc lào và tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên cho đến nay vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, dù không hút thuốc thì bạn vẫn có nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Nguyên nhân gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc thường có liên quan đến việc tiếp xúc với khí radon, ô nhiễm môi trường, amiăng, khí thải diesel, kim loại nặng, bụi mịn trong không khí bị ô nhiễm…
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm thay đổi ADN trong tế bào phổi, dẫn đến việc các tế bào này phát triển bất thường và gây nên ung thư.
Yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư phổi
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, bao gồm:
Hút thuốc lá, thuốc lào. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo số lượng thuốc lá, thuốc lào hút mỗi ngày và số năm bạn đã hút. Bỏ thuốc lá sẽ giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Tiếp xúc với khói thuốc. Nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên (hút thuốc lá thụ động) thì nguy cơ mắc ung thư phổi cũng rất cao.
Đã từng xạ trị trước đây. Nếu đã từng bị ung thư và phải tiến hành xạ trị vùng ngực trước đây thì nguy cơ mắc ung thư phổi của bạn sẽ tăng lên.
Tiếp xúc với khí radon. Radon hình thành do sự phân hủy tự nhiên của đất, đá, nước và có thể lẫn trong không khí. Việc tiếp xúc với khí radon trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tiếp xúc với các chất gây ung thư khác: Việc tiếp xúc với amiăng và các chất có khả năng gây ung thư khác như asen, crom và niken (gọi chung là các kim loại nặng) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đặc biệt ở người hút thuốc.
Người có tiền sử mắc bệnh phổi: Các bệnh về phổi như lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi có thể gây tổn thương phổi và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư phổi: Nếu có người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.
Tuổi tác: Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc ung thư phổi càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn có khả năng mắc ung thư phổi do lối sống và các yếu tố khác.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư phổi
Dựa theo số lượng, vị trí và mức độ xâm lấn của khối u mà quá trình phát triển của bệnh ung thư phổi được chia thành các giai đoạn:
Ung thư phổi Giai đoạn 0: Tế bào ung thư xuất hiện ở lớp niêm mạc trên cùng của phổi hoặc phế quản nhưng chưa lan đến các phần khác của phổi cũng như bên ngoài phổi.
Ung thư phổi Giai đoạn II: Khối u đã phát triển lớn hơn giai đoạn I và tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết bên trong phổi hoặc có nhiều khối u nằm trong cùng một thùy phổi.
Ung thư phổi Giai đoạn III: Khối u đã phát triển lớn hơn giai đoạn II và tế bào ung thư đã lan đến các cấu trúc, hạch bạch huyết lân cận hoặc có nhiều hơn một khối u ở một thùy khác của cùng một phổi.
Ung thư phổi Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã lan đến phổi còn lại, dịch màng phổi, dịch màng tim hoặc các cơ quan xa trong cơ thể.
Biến chứng nguy hiểm của ung thư phổi
Tại Việt Nam, ung thư phổi đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Đây là căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ gây tử vong cao thứ hai trong số các bệnh ung thư phổ biến, chỉ sau ung thư gan. Ung thư phổi là căn bệnh rất nguy hiểm vì 3 lý do sau:
Người bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng và khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Vì vậy, bệnh thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã trở nên trầm trọng và khó điều trị
Tiên lượng bệnh thấp, khả năng sống sót và điều trị không cao
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi ngày càng gia tăng như ô nhiễm không khí, phơi nhiễm amiăng, thói quen hút thuốc lá và lối sống không lành mạnh,…
Không những vậy, trong quá trình tiến triển, ung thư phổi còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh như khó thở, ho ra máu, đau nhức cơ thể, tràn dịch màng phổi hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan khác do di căn xa.
Những cách giúp kiểm tra, chẩn đoán ung thư phổi
Bên cạnh việc theo dõi các triệu chứng, bạn có thể kiểm tra ung thư phổi tại nhà bằng cách quan sát ngón tay của bản thân. Bệnh thường làm giảm lượng oxy trong máu và dẫn đến tình trạng ngón tay dùi trống. Bạn có thể kiểm tra tình trạng này bằng cách:
Cách 1: Bạn áp hai đầu ngón trỏ lại với nhau và quan sát phần hở giữa hai móng. Nếu thấy một khoảng trống hình thoi giữa hai đầu móng thì bạn không bị ngón tay dùi trống.
Cách 2: Bạn hãy đo, so sánh chiều cao của gian đốt ngón giữa xa (IPD) và đốt xa ngón tay (DPD). Nếu IPD < DPD thì là ngón tay dùi trống.
Trên thực tế, cách kiểm tra bằng ngón tay tại nhà trên có thể giúp phát hiện dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi nhưng không giúp xác định chính xác bệnh vì nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây triệu chứng ngón tay dùi trống. Để chẩn đoán xác định ung thư phổi, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và thực hiện thêm các kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu như:
Khai thác tiền sử bệnh và khám lâm sàng thông qua quan sát, nghe phổi
Xét nghiệm máu toàn phần và xét nghiệm máu để tìm các chất chỉ điểm khối u
Chụp X-quang ngực: Phương pháp này có thể giúp bác sĩ phát hiện bất thường hoặc khối u phổi kích thước lớn, tuy nhiên rất khó phát hiện những khối u có kích thước quá nhỏ.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (chụp CT): Phương pháp này có thể phát hiện ra những tổn thương có kích thước nhỏ mà phương pháp chụp X-quang không phát hiện ra được.
Xét nghiệm đờm: Các bác sĩ sẽ lấy mẫu đờm của người bệnh và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào ung thư.
Nội soi phế quản: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được phía bên trong đường hô hấp của bệnh nhân và phát hiện sớm các tổn thương trên niêm mạc phế quản.
Sinh thiết: Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để loại bỏ một mẫu mô bất thường ở phổi và quan sát trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư.
Xét nghiệm gen để phát hiện đột biến gen.
5 phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cao, đặc biệt nếu phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư phổi có thể được điều trị và kiểm soát. Một số phương pháp điều trị ung thư phổi được biết đến như:
Phẫu thuật:Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ thùy phổi chứa khối u ác tính hoặc cắt hình chêm chứa khối u cũng như một phần mô khỏe mạnh xung quanh. Phương pháp này thường được lựa chọn trong trường hợp khối u chỉ giới hạn ở phổi. Nếu khối u lớn hơn, bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị hoặc xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u. Xạ trị hoặc hóa trị cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại hoặc dự phòng tái phát.
Xạ trị: Xạ trị sử dụng các chùm tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton…) để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của khối u phổi.
Hóa trị: Hóa trị sử dụng thuốc đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp nhắm trúng đích:Phương pháp này nhắm mục tiêu vào những bất thường cụ thể hiện diện trong tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích giúp cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch:Phương pháp này giúp kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư.
Làm thế nào để hạn chế nguy cơ mắc ung thư phổi?
Không có cách phòng ngừa ung thư phổi đặc hiệu nhưng bạn có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
Không hút thuốc lá, thuốc lào hoặc cai thuốc nếu đang sử dụng
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc
Hạn chế tiếp xúc với radon bằng việc giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng,…
Hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư tại nơi làm việc, sinh sống hoặc có đồ bảo hộ lao động khi làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất có nguy cơ gây ung thư phổi
Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, bổ sung nhiều trái cây và rau xanh
Tập thể dục thường xuyên
Câu hỏi thường gặp về ung thư phổi
Bệnh ung thư phổi có lây không?
Bệnh ung thư phổi không phải là một bệnh lây truyền. Bệnh nhân không thể lây nhiễm bệnh cho người khác qua bất kỳ con đường nào, dù là tiếp xúc gần, đường hô hấp hay quan hệ tình dục.
Bệnh ung thư phổi có chữa được không?
Bệnh ung thư phổi có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có hướng điều trị hiệu quả. Càng trì hoãn việc thăm khám và điều trị thì bệnh càng tiến triển và cơ hội điều trị khỏi càng giảm. Đặc biệt, nếu mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, khi các tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bệnh hầu như không còn khả năng điều trị nữa.
Bệnh nhân ung thư phổi sống được bao lâu?
Việc bệnh nhân ung thư phổi sống được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chẩn đoán bệnh của bệnh nhân ung thư phổi sẽ như sau:
Giai đoạn bệnh
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ
Giai đoạn khu trú (tế bào ung thư còn nằm trong phổi)
30%
65%
Giai đoạn khu vực (tế bào ung thư lây lan ra các cấu trúc và hạch bạch huyết lân cận)
18%
37%
Giai đoạn di căn (tế bào ung thư di căn đến các cơ quan xa)
3%
9%
Tổng hợp các giai đoạn
7%
28%
Hy vọng bài viết này của Bowtie đã giúp bạn hiểu hơn về ung thư phổi là gì cũng như các thông tin liên quan đến bệnh. Ung thư phổi là một bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện được những bất thường trong cơ thể và điều trị sớm. Ngoài ra, việc thay đổi thói quen sống, đặc biệt là bỏ hút thuốc, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn ngừa ung thư phổi.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.