Ung thư
Ung thư

Những điều cần biết về ung thư hạch (u lympho)

Ung thư bắt đầu từ hệ thống hạch bạch huyết được gọi là ung thư hạch hay các u lympho. Đây là một trong hai nhóm bệnh của ung thư hệ huyết học (nhóm còn lại là bệnh bạch cầu hay còn gọi là ung thư máu). Việc tìm hiểu, nắm bắt được dấu hiệu bệnh sẽ giúp bệnh nhân phát hiện ung thư hạch ở giai đoạn sớm, từ đó tăng khả năng điều trị thành công và cải thiện tiên lượng sống.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-12-28
Cập nhật ngày 2023-07-24
Nội dung chính
Ung thư hạch (u lympho) là gì?Các giai đoạn của bệnh ung thư hạch (u lympho)Dấu hiệu ung thư hạchNguyên nhân gây ung thư hạchYếu tố làm tăng nguy cơ phát triển u lymphoPhương pháp chẩn đoán ung thư hạchPhương pháp điều trị ung thư hạchBệnh nhân ung thư hạch sống được bao lâu? Tiên lượng sống của người bệnhCâu hỏi thường gặp về ung thư hạch (u lympho)
Những điều cần biết về ung thư hạch (u lympho)

Cũng như bất kỳ loại ung thư nào, ung thư hạch là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua những thông tin về ung thư hạch trong bài viết dưới đây để nhận biết bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời.

Ung thư hạch (u lympho) là gì?

Ung thư hạch (u lympho) là một loại ung thư gây ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết. Hệ thống này là một phần của hệ miễn dịch, có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật. Hệ thống bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết (hạch lympho), lá lách, tuyến ức, vòng Waldeyer và tủy xương.

Ung thư hạch xảy ra khi các tế bào bạch cầu lympho bị biến đổi, phát triển và nhân lên một cách bất thường, ngoài tầm kiểm soát. Ung thư hạch gồm nhiều loại khác nhau nhưng thường được chia làm hai loại chính là u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Hai nhóm này khác nhau bởi sự hiện diện của tế bào Reed-Sternberg có dạng hình “mắt cú” do bác sĩ Thomas Hodgkin tìm ra.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Globocan, trong năm 2020, Việt Nam có 3.725 ca mắc mới u lympho không Hodgkin và 651 ca mắc mới u lympho Hodgkin. Đồng thời, số ca tử vong do 2 loại ung thư hạch này lần lượt là 2.214 và 251 ca trong năm 2020. Từ những số liệu thống kê này cho thấy u lympho Hodgkin có tiên lượng tốt hơn so với u lympho không Hodgkin.

Các giai đoạn của bệnh ung thư hạch (u lympho)

Không giống với các loại ung thư khác, sự phát triển của ung thư hạch (u lympho) thường được phân thành 4 giai đoạn dựa theo hệ thống Ann Arbor, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn I: Tế bào ung thư phát triển ở một hạch/cơ quan bạch huyết đơn lẻ hoặc một cơ quan/vị trí đơn lẻ nằm ngoài hệ thống bạch huyết.
  • Giai đoạn II: Tế bào ác tính phát triển ở một hoặc nhiều hạch/cơ quan bạch huyết ở cùng bên so với cơ hoành. Giai đoạn này cũng có thể bao gồm trường hợp tế bào ung thư xâm lấn cục bộ các cơ quan/vị trí nằm ngoài một hoặc nhiều hạch/cơ quan bạch huyết cùng bên so với cơ hoành.  
  • Giai đoạn III: Ung thư hạch giai đoạn III gồm các trường hợp:
    • Tế bào ung thư xâm lấn đến nhiều hạch/cơ quan bạch huyết nằm ở 2 bên cơ hoành cũng như các cơ quan/vị trí nằm ngoài hệ thống bạch huyết.
    • Tế bào ung thư xâm lấn đến nhiều hạch/cơ quan bạch huyết nằm ở 2 bên cơ hoành, đồng thời tế bào ác tính cũng có thể đã lan đến lá lách.
    • Tế bào ung thư xâm lấn đến nhiều hạch/cơ quan bạch huyết nằm ở 2 bên cơ hoành, các cơ quan/vị trí nằm ngoài hệ thống bạch huyết và cả lá lách.
  • Giai đoạn IV: Tế bào ác tính đã lan đến một hoặc nhiều cơ quan/mô bên ngoài hệ thống bạch huyết, có hoặc không kèm phì đại hạch bạch huyết.
Các giai đoạn của bệnh ung thư hạch (u lympho)
Hình ảnh minh họa các giai đoạn của ung thư hạch (u lympho).

Dấu hiệu ung thư hạch

Theo các chuyên gia, nhiều triệu chứng ung thư hạch sẽ tương tự và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, người bệnh cần quan sát và nhờ đến sự tư vấn từ bác sĩ. Một số dấu hiệu ung thư hạch mà bệnh nhân có thể nhận thấy là:

  • Hạch phì đại: Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể nhận thấy các hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn… sưng lên nhưng không có cảm giác đau. Cảm giác đau thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Các hạch bạch huyết phát triển lớn dần, có độ cứng trung bình, thường không bám dính vào da và có thể di động. Ở giai đoạn cuối, các hạch phát triển to, kết hợp thành một khối dính chùm và gây chèn ép đường thở, mạch máu. Nếu khối hạch có kích thước to hơn 7,5cm thường được gọi là bệnh Bulky.
  • Thiếu máu 
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm 
  • Sốt không rõ nguyên nhân
  • Xuất hiện các mảng đỏ trên da, ngứa lan rộng, dễ bầm tím hoặc chảy máu
  • Đau tức ở vùng ngực hoặc dạ dày
  • Ho dai dẳng không rõ nguyên nhân, khó thở
  • Đau đầu hoặc thay đổi thị lực
  • Triệu chứng về thần kinh nếu u lympho xâm lấn hệ thần kinh trung ương

Đặc biệt, các triệu chứng sốt, sụt cân > 10% trọng lượng của cơ thể trong vòng 6 tháng và đổ mồ hôi trộm được xếp vào nhóm có triệu chứng B. Những bệnh nhân có các triệu chứng này sẽ có tiên lượng xấu hơn so với những người không có.

Nguyên nhân gây ung thư hạch

Hiện nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ung thư hạch. Tuy nhiên, chuyên gia đã xác định được rằng, bệnh bắt đầu xuất hiện khi các tế bào lympho bị đột biến. Đột biến khiến tế bào nhân lên nhanh chóng, tạo ra càng nhiều tế bào lympho bị bệnh. Các tế bào này hoạt động không hiệu quả trong hạch bạch huyết, khiến các hạch bạch huyết, lá lách và gan sưng lên. Đồng thời, chúng cũng vượt quá mức kiểm soát phân chia bình thường của cơ thể, qua mặt hệ thống miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển u lympho

Một số tình trạng, yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn:

  • Tuổi tác: Một số loại ung thư hạch phổ biến hơn ở người trẻ tuổi, trong khi một số khác lại thường được chẩn đoán ở người trên 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có khả năng phát triển u lympho cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư hạch, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 
  • Bị nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch như nhiễm HIV, virus Epstein-Barr, virus viêm gan C, vi khuẩn Helicobacter pylori, Chlamydia psittaci, Campylobacter jejuni…
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh ung thư hạch thường phổ biến ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang phải dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Mắc bệnh tự miễn: Một số rối loạn tự miễn có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch như hội chứng Sjogren, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Celiac, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh chàm…
  • Một số hội chứng di truyền, khuyết tật bẩm sinh: Các yếu tố này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Các yếu tố khác: Một số yếu tố khác như đã điều trị ung thư trước đây, thừa cân, béo phì, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia phóng xạ cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạch.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạch
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị ung thư hạch cao hơn người bình thường.

Phương pháp chẩn đoán ung thư hạch

Các kiểm tra, xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư hạch là:

  • Hỏi tiền sử về một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xem các hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn… có bị sưng không, đồng thời cũng kiểm tra cả lá lách và gan. Nếu hạch ổ bụng to cũng có thể sờ chạm thông qua khám lâm sàng.
  • Đánh giá tổng trạng, xem có triệu chứng B hay không.
  • Đánh giá xem có biến chứng nào của bệnh gây ra hay không
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định được số lượng tế bào máu cũng như nồng độ một số chất trong máu của người bệnh để từ đó phát hiện những bất thường cảnh báo ung thư hạch, thường là định lượng nồng độ của chất lactate dehydrogenase (LDH) trong máu. Bên cạnh đó, đánh giá acid uric, điện giải, chức năng thận cũng rất quan trọng trong bệnh cảnh lymphoma.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), X-quang, siêu âm sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm kiếm các dấu hiệu ung thư hạch ở những vùng khác trên cơ thể. 
  • Sinh thiết hạch bạch huyết: Bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ một phần hoặc toàn bộ hạch bạch huyết để quan sát hình thái tế bào dưới kính hiển vi, đồng thời làm các xét nghiệm nhuộm hóa mô miễn dịch để định hướng loại u lympho nào để có thể tiên lượng chính xác và lựa chọn phác đồ phù hợp nhất.
  • Chọc dò tủy xương: Người bệnh có thể được chỉ định chọc dò tủy xương để tiến hành tủy đồ hoặc sinh thiết tủy xương nhằm tìm kiếm xem các tế bào ung thư có xâm nhập vào tủy hay không. 

Phương pháp điều trị ung thư hạch

Tùy theo loại ung thư hạch, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị ung thư phù hợp. Nhìn chung, các phương pháp được sử dụng chủ yếu trong điều trị ung thư hạch là: 

  • Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng một số loại thuốc để tiêu diệt hoặc kìm hãm các tế bào có tốc độ phát triển nhanh, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị chủ yếu trong bệnh lymphoma.
  • Xạ trị: Trong phương pháp xạ trị, bác sĩ sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Xạ trị thông thường được áp dụng sau liệu trình hóa trị mà tổn thương chưa tan hết, đặc biệt là các trường hợp Bulky trước khi điều trị.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Đây là phương pháp sử dụng thuốc hoặc các chất khác để tấn công trực tiếp vào những tế bào ung thư mà không làm tổn thương đến các tế bào bình thường. Rituximab là thuốc sinh học nhắm trúng đích được sử dụng chủ lực kết hợp với hóa trị trong bệnh lymphoma.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp này sẽ kích thích hệ miễn dịch của người bệnh chống lại các tế bào ung thư. 
  • Cấy ghép tế bào gốc: Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị để ức chế tủy xương của bệnh nhân. Sau đó, các tế bào gốc được lấy từ cơ thể của người bệnh hoặc của người hiến tặng sẽ được cấy ghép vào cơ thể của bệnh nhân.  
  • Liệu pháp tế bào CAR-T: Phương pháp này hướng tới việc sử dụng các tế bào bạch cầu của chính người bệnh, huấn luyện chúng để gia tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Bệnh nhân ung thư hạch sống được bao lâu? Tiên lượng sống của người bệnh

Tiên lượng và việc bệnh nhân ung thư hạch sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là loại ung thư hạch và giai đoạn bệnh. Để dự đoán tiên lượng sống của bệnh nhân, các chuyên gia y tế thường dùng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm để làm số liệu tham khảo. Theo đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư hạch được xác định dựa trên 3 giai đoạn chính là:

  • Giai đoạn khu trú: Tế bào ung thư chỉ nằm giới hạn trong một hạch bạch huyết, một cơ quan bạch huyết hoặc một cơ quan bên ngoài hệ thống bạch huyết.
  • Giai đoạn xâm lấn: Tế bào ung thư từ một hạch bạch huyết xâm lấn đến một cơ quan lân cận, được tìm thấy ở hai hoặc nhiều hạch bạch huyết nằm cùng một phía với cơ hoành.
  • Giai đoạn di căn xa: Tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể như phổi, gan, tủy xương hoặc các vùng hạch bạch huyết ở trên và dưới cơ hoành.

Giai đoạn bệnh

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm
U lympho Hodgkin U lympho không Hodgkin
U lympho tế bào B lớn lan tỏa

U lympho nang

Giai đoạn khu trú 92% 74% 97%
Giai đoạn xâm lấn 94% 73% 91%
Giai đoạn di căn xa 82% 57% 86%

Câu hỏi thường gặp về ung thư hạch (u lympho)

Ung thư hạch có lây không?

Ung thư hạch không lây nhiễm. Người mắc bệnh ung thư hạch không thể truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên, việc lây nhiễm một số loại virus và vi khuẩn như HIV, virus viêm gan C, Helicobacter pylori sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạch. Và các tác nhân này có thể lây truyền từ người này sang người khác.

Ung thư hạch có di truyền không?

Một số thay đổi di truyền nhỏ có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư hạch. Theo đó, người có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) được chẩn đoán mắc u lympho có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn người khác. Bên cạnh đó, một số hội chứng di truyền hay khuyết tật bẩm sinh khác trong gia đình cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hạch bị ung thư có đau không?

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân đa số không có cảm giác đau ở các hạch bị phì đại. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển thì cảm giác đau có thể xuất hiện. Trong một số trường hợp, các hạch bạch huyết mềm do nhiễm trùng có khả năng khiến người bệnh cảm thấy đau nhức. Trường hợp hạch bulky chèn ép các cơ quan, cấu trúc lân cận cũng gây đau.

Ung thư hạch có nguy hiểm không?

Như bất kỳ loại ung thư nào, ung thư hạch là một bệnh lý rất nguy hiểm vì có khả năng dẫn đến tử vong nếu phát hiện ở giai đoạn quá trễ. Ngoài ra, bệnh lý này còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trước khi cướp đi sinh mạng của người bệnh, bao gồm:

  • Làm suy yếu hệ miễn dịch: Hệ thống bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch. Vì vậy, bệnh lý ung thư xảy ra ở hệ thống này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn và làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng.
  • Tăng nguy cơ mắc thêm một loại ung thư khác: Người bệnh ung thư hạch có nhiều khả năng phát triển thêm một dạng ung thư khác. Nguy cơ này đặc biệt tăng lên sau khi điều trị với hóa trị, xạ trị.
  • Tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý khác: Người bị ung thư hạch cũng có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, bệnh phổi… cao hơn người bình thường.
  • Hội chứng ly giải khối u: Sau khi hóa trị, do khối u đáp ứng nhanh với thuốc sẽ làm phóng thích một số độc chất vào trong máu, đặc biệt là acid uric có thể dẫn tới suy thận.
  • Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Thường gặp đối với các khối hạch to trong lồng ngực, trung thất.
  • Bệnh khi cho xâm nhập não, phổi, gan hay hệ thần kinh trung ương cũng có thể dẫn tới các biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị bệnh như hóa trị, xạ trị… cũng có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân. Đặc biệt, hai phương pháp hóa trị và xạ trị có thể khiến bệnh nhân bị vô sinh.

Ung thư hạch có chữa khỏi được không?

Ung thư hạch được xếp vào nhóm bệnh có khả năng chữa khỏi cao. Hơn 80% bệnh nhân được chẩn đoán mắc u lympho Hodgkin có thể được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị hiện tại. Tỷ lệ chữa khỏi sẽ còn cao hơn (khoảng 90%) ở người trẻ tuổi hoặc người mắc bệnh ở giai đoạn đầu. Ngay cả khi bệnh tái phát, nhiều bệnh nhân có thể được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị thêm. 

Trong khi đó, u lympho không Hodgkin cũng có khả năng được điều trị thành công, ngay cả u lympho tế bào B lớn lan tỏa. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh ung thư hạch, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị ngay để tăng cơ hội chữa khỏi nhé.

Hy vọng bài viết này Website Bowtie đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh ung thư hạch (u lympho). Dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào trong cơ thể nghi ngờ ung thư hạch, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh cụ thể nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Giải đáp những thắc mắc điển hình về ung thư gan giai đoạn III (giai đoạn 3) Giải đáp những thắc mắc điển hình về ung thư gan giai đoạn III (giai đoạn 3)
Ung thư

Giải đáp những thắc mắc điển hình về ung thư gan giai đoạn III (giai đoạn 3)

Ung thư vú ở trẻ em: Nhận biết sớm để điều trị dứt điểm ngay Ung thư vú ở trẻ em: Nhận biết sớm để điều trị dứt điểm ngay
Ung thư

Ung thư vú ở trẻ em: Nhận biết sớm để điều trị dứt điểm ngay

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK