Ung thư
Ung thư

Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả

Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đe dọa đến tính mạng hàng triệu người nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-13
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư gan nguyên phát là gì?Nhận biết dấu hiệu và các triệu chứng lâm sàng của ung thư gan nguyên phátNguyên nhân và yếu tố nguy cơHiểu rõ ung thư gan nguyên phát theo từng giai đoạnQuy trình chẩn đoán ung thư gan nguyên phátĐiều trị ung thư gan nguyên phát với 8 phương pháp phổ biếnPhòng ngừa bệnh ung thư gan nguyên phát như thế nào?
Ung thư gan nguyên phát: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả

Ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Theo thống kê của Globocan, trong năm 2020, Việt Nam có 26.418 ca mắc mới và 25.272 ca tử vong do bệnh lý này. Trong đó, có khoảng 80% trường hợp là ung thư gan nguyên phát. Dù số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng nhưng hiện nay, vẫn còn ít người hiểu về bệnh lý này để có cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

Vậy ung thư gan nguyên phát là gì? Dấu hiệu và đặc điểm của ung thư gan nguyên phát ra sao? Làm thế nào chẩn đoán và điều trị bệnh? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé!

Ung thư gan nguyên phát là gì?

Ung thư gan có 2 loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Trong đó, ung thư gan nguyên phát là ung thư hình thành từ chính các tế bào trong gan. Lúc này, các tế bào gan sẽ phân chia và phát triển ngoài tầm kiểm soát, gây hình thành khối u ác tính. Khối u ở gan có thể xâm lấn các mạch máu, khu vực lân cận, hạch vùng hoặc di căn đến nhiều cơ quan ở xa trong cơ thể. 

Hiện nay, ung thư gan nguyên phát được chia thành 4 loại như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan: Ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát là loại ung thư gan thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư tại Việt Nam. Dạng bệnh này phổ biến ở người bị viêm gan B mạn tính, viêm gan C mạn tính hoặc sử dụng nhiều rượu bia.
  • Ung thư đường mật (ung thư ống mật): Các tế bào ung thư có thể hình thành ở lớp niêm mạc đường mật và gây nên ung thư đường mật. Loại ung thư này chiếm từ 10 – 20% các trường hợp ung thư gan nguyên phát. 
  • Ung thư mạch máu (Angiosarcoma): Ung thư mạch máu gan là dạng ung thư hiếm gặp, bắt nguồn từ các tế bào ở mạch máu trong gan. Loại ung thư này có xu hướng tiến triển rất nhanh nên thường được chẩn đoán khi đã bước sang giai đoạn muộn.
  • Ung thư nguyên bào gan: Đây là loại ung thư cực kỳ hiếm gặp (chỉ chiếm 0,5 – 1%) và thường xuất hiện ở trẻ em dưới 4 tuổi. 

Nhận biết dấu hiệu và các triệu chứng lâm sàng của ung thư gan nguyên phát

Hầu hết người bị ung thư gan giai đoạn đầu đều ít biểu hiện triệu chứng. Phải đến các giai đoạn sau thì dấu hiệu bệnh mới trở nên rõ ràng hơn. Người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng lâm sàng của ung thư gan nguyên phát như:

  • Sờ thấy một cục cứng ở vùng hạ sườn phải hoặc đôi khi ở vùng thượng vị
  • Đau tức phần hạ sườn phải (vị trí của gan phải), có thể đau lan lên bả vai hoặc sau lưng, đôi khi có thể đau thượng vị (vị trí của gan trái)
  • Cổ trướng
  • Vàng da, vàng củng mạc mắt 
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Giảm cân không kiểm soát và không rõ nguyên nhân
  • Ăn uống không ngon miệng hoặc nhanh no dù chỉ ăn ít
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Phân nhạt màu hoặc có màu như phấn, nước tiểu sẫm màu
  • Sốt
  • Dấu sao mạch
  • Lòng bàn tay son
Triệu chứng ung thư gan nguyên phát
Vàng củng mạc mắt, vàng da là những triệu chứng lâm sàng phổ biến của bệnh ung thư gan nguyên phát.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ung thư gan nguyên phát xảy ra khi các tế bào gan có sự thay đổi trong ADN – vật liệu di truyền đảm nhận vai trò hướng dẫn cho mọi hoạt động của tế bào. Đột biến ADN khiến cho các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành nên khối u (tập hợp các tế bào ung thư).

Trong một số trường hợp, ung thư gan nguyên phát có liên quan đến các bệnh lý như viêm gan mạn tính, xơ gan. Ngược lại, một số người phát triển bệnh mà không có bệnh lý tiềm ẩn nào hoặc bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

Theo các nhà nghiên cứu, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan nguyên phát là:

  • Lớn hơn 60 tuổi, đặc biệt là những người trên 85 tuổi
  • Nam giới
  • Mắc viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính
  • Bị xơ gan tiến triển và không thể phục hồi khiến mô sẹo hình thành trong gan
  • Mắc bệnh gan nhiễm mỡ hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa hiếm gặp (thiếu hụt α-1 antitrypsin, bệnh tyrosin máu, rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh huyết sắc tố…)
  • Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em đã được chẩn đoán mắc ung thư gan nguyên phát
  • Mắc một số tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở đường ruột
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, độc tố, chẳng hạn như aflatoxin 
  • Thừa cân, béo phì
  • Uống quá nhiều rượu bia 

Hiểu rõ ung thư gan nguyên phát theo từng giai đoạn

Hiện nay, nhiều hệ thống khác nhau được sử dụng để phân chia giai đoạn của ung thư gan như hệ thống TNM, hệ thống phân độ của Hiệp hội Barcelona, hệ thống phân độ của Hiệp hội Ung thư Mỹ… Với mỗi hệ thống, các giai đoạn ung thư gan nguyên phát sẽ có chút khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung, việc xác định giai đoạn của bệnh sẽ giúp bác sĩ lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 

Theo hệ thống TNM, ung thư gan nguyên phát được chia thành 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn I: Phát hiện khối u duy nhất trong gan, tế bào ung thư chưa xâm lấn đến mạch máu của gan, hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa trong cơ thể.
  • Giai đoạn II: Trong gan có một khối u duy nhất với kích thước lớn hơn 2cm đã xâm lấn các mạch máu hoặc có nhiều khối u với kích thước dưới 5cm. Tế bào ung thư chưa lây lan đến hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.
  • Giai đoạn III: Giai đoạn này được xác định khi có nhiều khối u trong gan với ít nhất một khối u lớn hơn 5cm hoặc có ít nhất một khối u đã xâm lấn vào một nhánh chính của tĩnh mạch gan. Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa lan đến hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn cuối của bệnh, được xác định khi tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể như phổi, xương, não…

Dựa theo hệ thống phân độ của Hiệp hội Barcelona năm 2018 thì các giai đoạn của ung thư gan nguyên phát được phân chia như sau:

  • Giai đoạn 0 (Giai đoạn rất sớm): Khối u trong gan có kích thước nhỏ hơn 2cm, tổng trạng bệnh nhân tốt, chức năng gan còn tốt và chưa có di căn.
  • Giai đoạn A (Giai đoạn sớm): Lúc này, gan có một khối u duy nhất với kích thước bất kỳ hoặc có 2 – 3 khối u với kích thước nhỏ hơn 3cm. Tổng trạng bệnh nhân tốt, chức năng gan còn tốt và chưa có di căn.
  • Giai đoạn B (Giai đoạn trung gian): Gan có nhiều khối u, bệnh nhân thường được đánh giá là không thể phẫu thuật. Tổng trạng bệnh nhân tốt, chức năng gan còn tốt và chưa có di căn. 
  • Giai đoạn C (Giai đoạn tiến triển): Khối u đã lây lan đến tĩnh mạch cửa, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong cơ thể. Tổng trạng bệnh nhân từ khá đến trung bình, chức năng gan vẫn còn tốt.
  • Giai đoạn D (Giai đoạn cuối): Gan của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng, tổng trạng kém.

Trong khi các hệ thống khác phân chia ung thư gan thành nhiều giai đoạn thì Hiệp hội Ung thư Mỹ chỉ phân bệnh thành 3 giai đoạn chính là:

  • Giai đoạn khu trú: Các tế bào ung thư chưa lan ra ngoài gan
  • Giai đoạn khu vực: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cấu trúc lân cận
  • Giai đoạn di căn: Tế bào ung thư di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể như phổi, xương, não… 

Quy trình chẩn đoán ung thư gan nguyên phát

Để chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, bác sĩ thường bắt đầu từ việc tìm hiểu tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình, triệu chứng mà người bệnh gặp phải cũng như tiến hành khám lâm sàng. Tiếp đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh:

  • Xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, xét nghiệm đường huyết
  • Các xét nghiệm chức năng gan thận như xác định nồng độ ALT, AST, bilirubin, albumin, creatinin, ure… trong máu
  • Định lượng nồng độ của các chất chỉ điểm khối u như AFP, AFP-L3, PIVKA-II… trong máu
  • Các xét nghiệm miễn dịch về virus viêm gan B, C 
  • Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang phổi thẳng, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
  • Sinh thiết u gan

Sau khi chẩn đoán ung thư gan, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, MRI, xạ hình xương… để xác định giai đoạn, mức độ di căn của bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân. 

Chẩn đoán ung thư gan nguyên phát
Xét nghiệm máu được thực hiện để theo dõi chức năng gan, xác định nồng độ của các chất chỉ điểm khối u… trong máu của bệnh nhân.

Điều trị ung thư gan nguyên phát với 8 phương pháp phổ biến

Hiện nay, nhiều phương pháp khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư gan. Theo đó, bác sĩ sẽ dựa vào một số yếu tố như số lượng, kích thước và vị trí các khối u trong gan, chức năng gan, tình trạng di căn… để xây dựng phác đồ điều trị ung thư gan nguyên phát phù hợp cho từng bệnh nhân. 

Quá trình điều trị thường đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau (điều trị đa mô thức) nhưng nhìn chung, các phương pháp phổ biến thường được áp dụng là:

  • Phẫu thuật cắt gan: Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ phần gan có khối u. Phương pháp này thường được lựa chọn cho bệnh nhân có khối u chỉ giới hạn trong một thùy hoặc hạ phân thùy gan, có thể phẫu thuật cắt bỏ và đảm bảo chức năng gan vẫn còn tốt.
  • Phẫu thuật ghép gan: Ghép gan thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có ít khối u và kích thước u không quá 3cm. Đây là phương pháp duy nhất có thể giúp bệnh nhân vừa điều trị ung thư gan, vừa điều trị các bệnh lý gan nền khác. Theo đó, bác sĩ sẽ thay thế gan của người bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.  
  • Phá hủy khối u tại chỗ: Bác sĩ có thể phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần, bằng vi sóng, bằng cách tiêm cồn vào khối u hoặc đốt lạnh. 
  • Nút mạch hóa chất: Phương pháp này sẽ cắt nguồn máu nuôi khối u và tiêu diệt tế bào ung thư bằng hóa chất. Hai phương pháp thường được sử dụng là nút mạch hóa chất thường quy (cTACE) và nút mạch sử dụng hạt nhúng hóa chất (DEB-TACE).
  • Xạ trị trong chọn lọc: Đây là phương pháp bơm trực tiếp các hạt vi cầu phóng xạ Ytrium-90 vào động mạch nuôi khối u gan. Những hạt vi cầu phóng xạ này gây tắc các mạch máu nhỏ trong khối u và phát tia bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Các thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư gan nguyên phát sẽ nhắm mục tiêu vào những bất thường trên bề mặt tế bào ung thư, từ đó giúp tiêu diệt chúng.
  • Liệu pháp miễn dịch: Bằng cách tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch, phương pháp này giúp các tế bào miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. 
  • Hóa trị toàn thân: Trong một số trường hợp, hóa trị toàn thân có thể được sử dụng trong điều trị ung thư gan, dù rất hạn chế.

Ngoài ra, với bệnh nhân mắc ung thư gan tiến triển, các phương pháp điều trị giảm nhẹ hoặc điều trị hỗ trợ cũng có thể được chỉ định để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, cải thiện chức năng gan và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phòng ngừa bệnh ung thư gan nguyên phát như thế nào?

Hiện nay, chưa có phương pháp ngăn ngừa hoàn toàn ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản sau để giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh lý nguy hiểm này:

  • Tiêm vaccine ngừa viêm gan B theo đúng khuyến cáo, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh
  • Thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa viêm gan C như xây dựng lối sống tình dục an toàn, thận trọng khi đi xăm hình, xỏ khuyên tai…
  • Điều trị viêm gan B, viêm gan C hoặc các bệnh lý ở gan khác một cách hiệu quả nếu mắc bệnh
  • Hạn chế sử dụng rượu bia
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư gan nếu có nhiều nguy cơ

Trên đây là những thông tin chi tiết về ung thư gan nguyên phát. Hiểu rõ về bệnh lý này sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa hiệu quả cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư gan nguyên phát nếu chẳng may mắc bệnh để từ đó điều trị kịp thời. Nhằm nâng cao sức khỏe, bạn nên cố gắng xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh ngay từ hôm nay và đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ nhé!  

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì? Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Ung thư

Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời
Ung thư

Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời

Tiền ung thư cổ tử cung: Các tổn thương ban đầu của ung thư Tiền ung thư cổ tử cung: Các tổn thương ban đầu của ung thư
Ung thư

Tiền ung thư cổ tử cung: Các tổn thương ban đầu của ung thư

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK