Ung thư
Ung thư

Bạn đã hiểu rõ về bệnh ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-11-24
Cập nhật ngày 2023-07-10
Nội dung chính
Ung thư đại tràng là gì?Các giai đoạn ung thư đại tràngDấu hiệu nhận biết ung thư đại tràngVì sao bạn lại bị ung thư đại tràng? Nguyên nhân gây bệnhĐối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng cao?Phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràngUng thư đại tràng có chữa được không?Cách phòng ngừa ung thư đại tràngCùng bác sĩ giải đáp 5 câu hỏi về ung thư đại tràng
Bạn đã hiểu rõ về bệnh ung thư đại tràng?

Vậy bạn có biết ung thư đại tràng là bệnh gì? Ung thư đại tràng có biểu hiện như thế nào? Làm sao chẩn đoán và điều trị bệnh? Để tìm hiểu rõ hơn về ung thư đại tràng, mời bạn cùng Công ty Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Ung thư đại tràng là gì?

Đại tràng nằm ở phần cuối của hệ tiêu hóa, nối giữa ruột non và trực tràng, ống hậu môn, có độ dài trung bình khoảng 1,5 mét. Khung đại tràng được chia thành các phân đoạn gồm manh tràng, đại tràng lên (hay đại tràng phải), đại tràng ngang, đại tràng xuống (đại tràng trái) và đại tràng sigma.

Ung thư đại tràng là bệnh lý xảy ra do sự hình thành và phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính trong thành của đại tràng. Theo thời gian, các tế bào ung thư này có khả năng phá hủy các lớp của thành đại tràng và xâm lấn vào các cơ quan/cấu trúc bình thường xung quanh. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể di chuyển đến các bộ phận khác ở xa trong cơ thể và gây ung thư tại nơi đó (di căn), thường gặp nhất là gan, phổi và não.

Ung thư đại tràng không được nhắc đến nhiều như ung thư gan, phổi, vú, dạ dày… nhưng đây cũng là một trong những bệnh ung thư rất hay gặp và có tỷ lệ tử vong xếp ở nhóm đầu. Theo thống kê từ tổ chức Globocan, năm 2020, Việt Nam có đến 6.448 ca mắc mới và khoảng 3.445 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh ung thư đại tràng. Đây là bệnh lý ung thư phổ biến thứ 6 (tính trên cả 2 giới) ở nước ta.

Các giai đoạn ung thư đại tràng

Các tế bào ung thư đại tràng sẽ phát triển từ trong các lớp của thành đại tràng và hướng ra ngoài. Trong đó, thành đại tràng bao gồm 5 lớp (từ trong lòng đại tràng hướng ra ngoài) là lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, lớp dưới thanh mạc, lớp thanh mạc. Theo hệ thống TNM, ung thư đại tràng được chia thành các giai đoạn với những đặc điểm như sau:

Giai đoạn 0

Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, khi các tế bào ung thư vẫn còn nằm trong lớp niêm mạc đại tràng.

Giai đoạn I

Các tế bào ung thư đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ của thành đại tràng, tuy nhiên chưa xâm lấn đến các mô và hạch bạch huyết lân cận và chưa di căn xa. 

Giai đoạn II

Ung thư đại tràng giai đoạn II được chia thành 3 giai đoạn nhỏ như sau:

  • Giai đoạn IIA: Các tế bào ung thư đã xâm lấn đến lớp dưới thanh mạc của đại tràng hoặc đến vùng mô quanh đại tràng nhưng chưa lây lan đến các mô hoặc hạch bạch huyết lân cận và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IIB: Các tế bào ung thư đã phát triển vượt qua lớp thanh mạc của thành đại tràng và đến phúc mạc tạng, chưa lan đến hạch bạch huyết và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IIC: Các tế bào ung thư đã vượt khỏi thành đại tràng và phát triển đến các cấu trúc/cơ quan lân cận, chưa lan đến hạch bạch huyết và chưa di căn xa.

Giai đoạn III

Ung thư giai đoạn III cũng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ:

  • Giai đoạn IIIA: Tế bào ung thư đã vượt ra khỏi lớp niêm mạc để vào lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ ở thành đại tràng, đồng thời lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc vùng mỡ gần với hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh chưa di căn đến các cơ quan khác.
  • Giai đoạn IIIB: Tế bào ung thư đã phát triển đến lớp ngoài cùng (thanh mạc) của đại tràng hoặc phúc mạc tạng, đồng thời lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc vùng mỡ gần với hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh chưa di căn đến các cơ quan khác. 
  • Giai đoạn IIIC: Tế bào ung thư đã phát triển vượt ra ngoài thành đại tràng và có thể xâm lấn đến các cơ quan/cấu trúc gần đó, xuất hiện ở các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến cơ quan khác.

Giai đoạn IV

Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết xa cũng như một hoặc nhiều cơ quan khác trong cơ thể.   

Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng

Triệu chứng cũng như biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng ở mỗi người có thể không giống nhau. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường ít biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt. Khi tiến triển, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà các dấu hiệu có thể bao gồm: 

  • Cảm giác khó chịu hoặc đau bụng kéo dài dai dẳng
  • Thường xuyên bị đầy hơi hoặc chướng bụng
  • Tiêu chảy, táo bón hoặc thay đổi đáng kể trong thói quen đại tiện
  • Thay đổi độ đặc của phân
  • Phân mỏng, hẹp hơn bình thường
  • Phân có lẫn máu đỏ tươi hoặc sẫm màu
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Suy nhược và mệt mỏi
  • Nôn mửa
Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng
Đau bụng thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng.

Vì sao bạn lại bị ung thư đại tràng? Nguyên nhân gây bệnh

Các nhà nghiên cứu không rõ nguyên nhân cụ thể gây bệnh ung thư đại tràng là gì. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp thường có liên quan đến sự đột biến gen trong ADN của các tế bào đại tràng. 

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng cao?

Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Các yếu tố này được chia làm 2 loại là nguy cơ không thể thay đổi và nguy cơ có thể thay đổi, bao gồm: 

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Tuổi tác: Ung thư đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ thường tăng lên khi bạn già đi và đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi.
  • Tiền sử cá nhân: Người bị polyp đại tràng, viêm loét mạn tính ở đại tràng, đặc biệt là viêm loét kèm xuất huyết, bệnh Crohn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân cấp một (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) mắc bệnh ung thư đại tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Mắc các hội chứng di truyền: Một số đột biến gen được di truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình có thể gây ra các hội chứng di truyền như hội chứng ung thư đại – trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch hay hội chứng HNPCC), bệnh đa polyp tuyến đại – trực tràng gia đình (hội chứng FAP), hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner… và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. 
  • Xạ trị: Việc phải chiếu xạ trực tiếp vào bụng để điều trị ung thư trước đó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
  • Mắc đái tháo đường: Người mắc đái tháo đường hoặc kháng insulin có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Lối sống lười vận động
  • Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn
  • Thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi
  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa benzopyrene, nitrosamin
  • Lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá

Phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràng

Nhìn chung, để chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau đây:

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác thông tin và tiền sử bệnh của bệnh nhân, sau đó kiểm tra sức khỏe lâm sàng. Trong lúc khám, bác sĩ có thể ấn vào nhiều vị trí ở vùng bụng của bệnh nhân để tìm và phát hiện các khối u. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thăm khám trực tràng bằng ngón tay để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT): Mẫu phân của bệnh nhân sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm lượng máu mà mắt thường không thể nhìn thấy. Phương pháp này thường dùng trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại – trực tràng, khi lượng máu còn quá ít trong phân chưa làm cho phân thay đổi sang màu đỏ.
  • Nội soi đại tràng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào bên trong đại tràng của bệnh nhân để quan sát và tìm polyp, các vùng bất thường khác hoặc khối u ung thư. Khi tìm thấy tổn thương bất thường, bác sĩ nội soi sẽ sử dụng phương tiện để lấy mẫu mô của tổn thương, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm cho khoa giải phẫu bệnh để phân tích bản chất lành tính hay ác tính để có hướng điều trị phù hợp tiếp theo. Đối với tổn thương là polyp, thông thường các bác sĩ sẽ cắt bỏ trọn vẹn polyp đó và phân tích mô bệnh học (đây còn được gọi là phương pháp vừa chẩn đoán – vừa điều trị. 
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ loại bỏ một ít mô (bằng kim có lõi lớn) ở khối u đại tràng để phân tích bản chất.
  • Tế bào học: Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ để chọc hút tổn thương (thường là hạch) để phân tích bản chất.
  • Xét nghiệm ADN phân: Mục đích để tìm ra những thay đổi di truyền có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng. Phương pháp này cũng tương tự như FOBT.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để tìm chất chỉ điểm khối u (kháng nguyên ung thư biểu mô phôi carcinoembryonic – CEA) hoặc giúp bác sĩ kiểm tra các chức năng khác trong cơ thể như chức năng gan, chức năng thận. CEA thường gia tăng nồng độ trong ung thư đại tràng, tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp không tăng. Do đó, CEA không mang tính đặc hiệu cho ung thư đại tràng mà chỉ có giá trị gợi ý và theo dõi.
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chụp X-quang, siêu âm… có thể được thực hiện nhằm cung cấp cho bác sĩ thêm thông tin về giai đoạn, mức độ lan rộng, xâm lấn… của khối u ở đại tràng. 
  • Phân tích gene: Đối với ung thư đại tràng giai đoạn IV (di căn) nên được xét nghiệm đột biến gen KRAS, NRAS và BRAF nhằm mục đích tiên lượng và sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích phù hợp.
  • Phân tích biểu hiện bất ổn vi vệ tinh (MMR) và biểu hiện PD-1: Hai phương pháp này cũng nên được thực hiện để tiên lượng và sử dụng liệu pháp miễn dịch phù hợp.

Ung thư đại tràng có chữa được không?

Trong nhiều trường hợp, ung thư đại tràng có cơ hội được chữa trị thành công cao nếu như phát hiện sớm và có biện pháp điều trị phù hợp. Theo đó, ung thư đại tràng có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy vào giai đoạn tiến triển của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

Phẫu thuật

Là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho tất cả giai đoạn của ung thư đại tràng. Khối u có thể được loại bỏ bằng các phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật tại chỗ: Nếu ung thư được phát hiện sớm, bác sĩ có thể dễ dàng loại bỏ khối u bằng cách đưa dụng cụ qua trực tràng vào đại tràng và tiến hành cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu áp dụng cho các tổn thương dạng polyp là chính.
  • Phẫu thuật nối thông: Ở giai đoạn muộn và khối u lớn hơn, bác sĩ áp dụng phương pháp phẫu thuật nối thông để cắt bỏ một phần đại tràng, bao gồm cả khối u ung thư. Sau đó, những phần đại tràng bình thường còn lại sẽ được nối thông với nhau để tái lập tiêu hóa. 
  • Phẫu thuật mở thông đại tràng: Trong trường hợp đã loại bỏ khối u và các mô xung quanh mà không thể nối hai đầu đại tràng lại với nhau thì bác sĩ sẽ tiến hành mở một lỗ thông từ đại tràng ra ngoài cơ thể để giúp loại thải phân (còn được gọi là hậu môn nhân tạo). Đôi khi, lỗ thông này được duy trì tạm thời để giúp đại tràng có thời gian phục hồi và có thể gắn kết lại với nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ phần đại tràng phía dưới, trực tràng và ống hậu môn thì lỗ thông có thể được mở vĩnh viễn. Hoặc trong các trường hợp khối u quá lớn, xâm lấn quá rộng, gây biến chứng mà bác sĩ không thể phẫu thuật được thì cũng sẽ mở hậu môn nhân tạo.
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư đại tràng phổ biến nhất.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất gây độc tế bào để tiêu diệt hoặc kìm hãm các tế bào ung thư. Hóa trị đôi khi được thực hiện trước phẫu thuật (tân hỗ trợ) để thu nhỏ kích thước khối u nhằm giúp cho cuộc mổ sau này được thuận lợi và triệt để hơn hoặc sau phẫu thuật (hỗ trợ) để tiêu diệt các tế bào ung thư vi thể còn sót lại và ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Ngoài ra, hóa trị cũng có khả năng cải thiện các triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở những người bị ung thư đại tràng giai đoạn muộn.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các chùm tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn không cho chúng phát triển. Tuy nhiên, trong ung thư đại tràng thường không có chỉ định xạ trị, ngoại trừ xạ trị não khi có di căn não hoặc xạ trị vào xương bị di căn để điều trị triệu chứng đau, chèn ép do khối u di căn gây ra.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Các thuốc nhắm trúng đích tập trung vào những biểu hiện cụ thể có trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, thuốc sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư mà ít gây hại cho các tế bào bình thường do cơ chế tác động chọn lọc hơn so với hóa trị. Loại thuốc nhắm trúng đích được lựa chọn phụ thuộc vào kết quả phân tích đột biến gen. Một số thuốc đã được phê duyệt cho ung thư đại tràng là bevacizumab, cetuximab, panitumumab,…

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng thuốc để giúp hệ miễn dịch của bệnh nhân tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Loại thuốc miễn dịch được lựa chọn phụ  thuộc vào kết quả phân tích MMR và PD-1. Hai thuốc đã được chấp thuận trong điều trị ung thư đại tràng là pembrolizumab và nivolumab.

Chăm sóc giảm nhẹ

Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân không còn khả năng điều trị đặc hiệu và tiên lượng thời gian sống còn ngắn, sức khỏe kém, suy kiệt. Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ cũng được mở rộng áp dụng cho những bệnh nhân giai đoạn sớm hơn nhằm hỗ trợ điều trị triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Cách phòng ngừa ung thư đại tràng

Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư đại tràng nhưng chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường vitamin, chất dinh dưỡng, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp nhuận trường, giảm thời gian tiếp xúc với các chất thải có trong phân.
  • Hạn chế rượu bia: Nếu không thể bỏ hoàn toàn, bạn cần đảm bảo lượng rượu bia tiêu thụ mỗi ngày không được nhiều hơn một đơn vị đối với phụ nữ và hai đơn vị đối với nam giới (mỗi đơn vị tương đương 330ml bia, 100ml rượu vang và 30ml rượu mạnh).
  • Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động.
  • Rèn luyện cơ thể: Bạn nên thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Theo đó, mỗi người nên cố gặp tập luyện thể dục thể thao ít nhất 150 phút mỗi tuần ở cường độ vừa hoặc 75 phút ở cường độ cao.
  • Kiểm soát cân nặng: Hãy cố gắng duy trì cân nặng hợp lý bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày. Nếu thừa cân hoặc béo phì, bạn nên đặt mục tiêu giảm cân từ từ và nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia để sớm đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài ra, các bác sĩ khuyên rằng, người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao nên cân nhắc đến việc tầm soát ung thư định kỳ. Hiện nay, các phương pháp thường được dùng để sàng lọc bệnh là xét nghiệm máu, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm ADN trong phân, nội soi đại tràng, chụp X-quang đại tràng có cản quang, siêu âm, chụp CT/MRI và sinh thiết.

Cùng bác sĩ giải đáp 5 câu hỏi về ung thư đại tràng

Bệnh ung thư đại tràng có lây không?

Tương tự như các loại ung thư khác, bệnh ung thư đại tràng không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Điều đó tức là bệnh nhân không thể lây bệnh sang cho những người xung quanh thông qua bất kỳ con đường nào, từ tiếp xúc gần, đường máu, quan hệ tình dục cho đến từ mẹ sang con. Do đó không nhất thiết phải cách ly người bệnh ung thư với những người khác.

Ung thư đại tràng có di truyền không?

Khoảng 5% trường hợp phát triển ung thư đại tràng có liên quan đến việc thừa hưởng đột biến gen gây ra các hội chứng di truyền, phổ biến gồm có: 

  • Hội chứng ung thư đại – trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch hay hội chứng HNPCC)
  • Bệnh đa polyp tuyến đại – trực tràng gia đình (hội chứng FAP)
  • Hội chứng Peutz – Jeghers
  • Hội chứng Gardner
Ung thư đại tràng thường di căn đến đâu?

Tế bào ung thư từ đại tràng có khả năng di chuyển và lây lan đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là di căn đến gan và phổi. Đôi khi, khối u cũng có thể di căn đến não, phúc mạc (màng lót khoang bụng) và các hạch bạch huyết ở xa.

Tùy thuộc vào cơ quan di căn đến mà khối u ung thư có thể gây ra nhiều triệu chứng với các mức độ khác nhau, bao gồm: 

  • Di căn gan: Mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, sưng tứ chi, buồn nôn hoặc đầy bụng (do cổ trướng). Nếu nặng có thể dẫn đến hôn mê gan.
  • Di căn phổi: Thở gấp, khó thở, đau ngực hoặc ho dai dẳng, tràn dịch màng phổi. Nếu nặng có thể gây suy hô hấp.
  • Di căn não: Đau đầu, lú lẫn, mất trí nhớ hoặc mờ mắt, nôn ói, yếu liệt.
  • Di căn hạch bạch huyết ở vùng bụng: Đầy bụng, sưng ở bụng và giảm cảm giác thèm ăn, có thể di căn hạch bạch huyết ở vùng cổ.
  • Di căn phúc mạc: Đau bụng, đầy hơi, cảm giác no liên tục, tăng/giảm cân hoặc buồn nôn, có thể dẫn đến biến chứng tắc ruột.
Ung thư đại tràng có nên mổ không?

Phẫu thuật gần như là phương pháp được chỉ định đầu tiên và bắt buộc ở mọi giai đoạn của ung thư đại tràng. Tùy phương pháp mổ mà tác dụng mang lại sẽ khác nhau. Đôi khi, phẫu thuật không thể loại bỏ được hoàn toàn khối u nhưng vẫn “xử lý” được một phần các tế bào ác tính để giúp giảm triệu chứng của bệnh, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Vì vậy, nếu bác sĩ chỉ định phẫu thuật để điều trị ung thư đại tràng, bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt để thu được hiệu quả tối đa.

Ung thư đại tràng sống được bao lâu?

Tiên lượng sống của mỗi bệnh nhân ung thư đại tràng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, rất khó để trả lời chính xác liệu bệnh nhân ung thư đại tràng sống được bao lâu. Các nghiên cứu thu thập thông tin về tiên lượng sống của người bệnh ung thư đại tràng thường đưa ra tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán để làm giá trị tham khảo. Tỷ lệ sống sót tương đối sẽ so sánh thời gian sống giữa những người mắc cùng loại và giai đoạn ung thư đại tràng với tổng thể dân số.

Theo đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER (Dữ liệu từ chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng) để thống kê về tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm đối với ung thư đại tràng như sau:

Giai đoạn ung thư

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm

Giai đoạn khu trú (Ung thư chưa lan ra ngoài đại tràng) 91%
Giai đoạn xâm lấn (Ung thư đã lây lan đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận) 72%
Giai đoạn di căn (Ung thư đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể như gan, phổi hoặc các hạch bạch huyết ở xa) 14%
Kết hợp tất cả giai đoạn 64%

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ung thư đại tràng cũng như một số dấu hiệu có thể nhận biết bệnh. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng khác thường nào, bạn cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn
Ung thư

Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời
Ung thư

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn
Ung thư

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK