Ung thư
Ung thư

Những điều cần biết về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính có khả năng gây tử vong nhưng thường khó được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Việc hiểu rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu và có hướng điều trị kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-11-22
Cập nhật ngày 2023-07-20
Nội dung chính
Ung thư dạ dày là gì?Các giai đoạn của ung thư dạ dàyDấu hiệu ung thư dạ dàyNguyên nhân gây ung thư dạ dàyAi có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày?Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dàyPhương pháp điều trị ung thư dạ dàyCách phòng ngừa ung thư dạ dày6 câu hỏi thường gặp về ung thư dạ dày
Những điều cần biết về ung thư dạ dày

Vậy ung thư dạ dày là gì? Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời? Mời bạn cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính xảy ra khi các tế bào ở dạ dày phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát và gây hình thành khối u. Các khối u ung thư có khả năng lây lan sang các khu vực lân cận và di căn xa đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. 

Theo thống kê của Globocan, năm 2020, Việt Nam có 17.906 trường hợp mắc mới ung thư dạ dày và 14.615 trường hợp tử vong do bệnh lý này. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ 4 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất nước ta (tính trên cả 2 giới), chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Quá trình phát triển của ung thư dạ dày trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, được xác định dựa trên mức độ xâm lấn và phát triển của các tế bào ác tính. Theo đó, thành dạ dày gồm 5 lớp (từ trong ra ngoài) là lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, lớp dưới thanh mạc, lớp thanh mạc. Các giai đoạn của ung thư dạ dày sẽ được phân chia như sau:

Giai đoạn 0

Xuất hiện tình trạng loạn sản cấp độ cao trong niêm mạc dạ dày. Tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư tại chỗ.

Giai đoạn I

Giai đoạn I được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là IA và IB với các đặc điểm cụ thể như sau:

  • Giai đoạn IA: Khối u chính đã từ lớp niêm mạc xâm lấn vào các lớp khác như lớp đệm, lớp cơ niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc. Tuy nhiên, chúng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IB: Giai đoạn IB được xác định nếu tình trạng của bệnh nhân thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:
    • Khối u chính đã phát triển từ lớp niêm mạc vào các lớp khác như lớp đệm, lớp cơ niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc. Đồng thời, tế bào ác tính đã xâm lấn tới 1 hoặc 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan xa.
    • Khối u chính đang phát triển đến lớp cơ nhưng chưa lan tới các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.

Giai đoạn II

Giai đoạn II cũng gồm 2 giai đoạn nhỏ hơn như sau:

  • Giai đoạn IIA: Đặc điểm của giai đoạn IIA được xác định là 1 trong 3 trường hợp sau:
    • Khối u chính đã phát triển từ lớp niêm mạc vào các lớp khác. Đồng thời, tế bào ung thư đã lan đến 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn tới các cơ quan xa.
    • Khối u chính phát triển đến lớp cơ và lan tới 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc nhưng chưa xâm lấn thanh mạc và các cấu trúc xung quanh, chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận cũng như các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IIB: Bệnh nhân được xác định thuộc giai đoạn IIB nếu nằm trong các trường hợp sau:
    • Khối u chính đã phát triển từ lớp niêm mạc vào các lớp khác. Đồng thời, tế bào ung thư đã lan đến 7 – 15 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn tới các cơ quan xa.
    • Khối u chính phát triển đến lớp cơ và lan tới 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc, chưa xâm lấn qua thanh mạc và các cấu trúc xung quanh, tuy nhiên đã lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận, chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển đến lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn bất kỳ cấu trúc nào gần đó cũng như các cơ quan xa khác và chưa có di căn hạch vùng.

Giai đoạn III

Giai đoạn III sẽ được chia thành 3 giai đoạn nhỏ với các đặc điểm như sau:

  • Giai đoạn IIIA: Các trường hợp sau sẽ được xác định thuộc giai đoạn IIIA:
    • Khối u chính phát triển đến lớp cơ và lan tới 7 – 15 hạch bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc, chưa lan qua lớp thanh mạc vào các cấu trúc xung quanh tuy nhiên đã lan đến 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận, chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển đến lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn các cấu trúc xung quanh, đồng thời xâm lấn 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên, tế bào ác tính chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển đến lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn các cấu trúc xung quanh, đồng thời xâm lấn 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên, tế bào ác tính chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển xuyên qua thành dạ dày và vào các cấu trúc xung quanh. Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn tới các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IIIB: Giai đoạn IIIB gồm các trường hợp:
    • Khối u chính đã phát triển từ lớp niêm mạc vào các lớp khác. Đồng thời, tế bào ung thư đã lan đến trên 16 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan xa.
    • Khối u chính phát triển đến lớp cơ và lan tới trên 16 hạch bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc nhưng chưa vượt qua lớp thanh mạc đến các cấu trúc xung quanh, tuy nhiên đã lan đến 7 – 15 hạch bạch huyết lân cận, và chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển đến lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh, đồng thời xâm lấn 7 – 15 hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên, tế bào ác tính chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển xuyên qua thành dạ dày và xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh, đồng thời lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển xuyên qua thành dạ dày và xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh, đồng thời lan đến 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IIIC: Giai đoạn IIIC gồm các trường hợp:
    • Khối u chính đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc nhưng chưa vượt khỏi thanh mạc vào các cấu trúc lân cận, tuy nhiên đã lan đến trên 16 hạch bạch huyết lân cận, chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển đến lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn các cấu trúc xung quanh, đồng thời xâm lấn trên 16 hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên, tế bào ác tính chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển xuyên qua thành dạ dày và xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh, đồng thời lan đến 7 – 15 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa.
    • Khối u chính đã phát triển xuyên qua thành dạ dày và xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh, đồng thời lan đến trên 16 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa.

Giai đoạn IV

Các tế bào ung thư đã lan đến một hoạc nhiều cơ quan ở xa như gan, phổi, não hoặc phúc mạc.

Dấu hiệu ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày thường ít biểu hiện thành triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể gặp phải một số dấu hiệu và triệu chứng ung thư dạ dày, bao gồm:

  • Ăn không ngon, chán ăn
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn
  • Cảm giác mệt mỏi thường xuyên, xanh xao
  • Giảm cân nhanh, không rõ nguyên nhân  
  • Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng
  • Đi tiêu phân đen hoặc nôn ra máu
  • Đau bụng, thường ở khu vực trên rốn
  • Cảm thấy dễ no ngay cả khi chia nhỏ bữa ăn hoặc chỉ ăn nhẹ

Ở giai đoạn muộn, khi lây lan sang khu vực hoặc bộ phận khác, ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng ở vị trí mà chúng di căn đến. Chẳng hạn như, ung thư dạ dày khi lây lan đến hạch bạch huyết có thể biểu hiện thành các khối u sờ thấy được qua da. Ung thư di căn đến gan sẽ gây vàng da và vàng củng mạc mắt. Nếu lan rộng trong ổ bụng, ung thư dạ dày có thể gây tràn dịch vào ổ bụng, khiến bụng căng to.

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày hình thành do có đột biến gen trong ADN của tế bào dạ dày. Khi gen bị đột biến, các tế bào không chết đi theo đúng chu kỳ mà tiếp tục phát triển nhanh chóng, tạo thành khối u. Các tế bào ung thư bắt đầu “lấn át” tế bào khỏe mạnh, đồng thời có thể lan rộng sang các khu vực khác của cơ thể.

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày?

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây đột biến gen nhưng phát hiện ra một số yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư dạ dày. Những đối tượng sở hữu các yếu tố nguy cơ sau đây có khả năng mắc bệnh cao hơn: 

  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày
  • Tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền như hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Li-Fraumeni, bệnh đa polyp tuyến gia đình….
  • Nhiễm vi khuẩn H.pylori hoặc virus Epstein – Barr
  • Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản mạn tính
  • Người bệnh có tiền sử bị loét dạ dày hoặc polyp dạ dày
  • Chế độ ăn không khoa học, ăn mặn, ăn nhiều chất béo, đồ hun khói hoặc thực phẩm ngâm chua, ăn ít trái cây và rau quả 
  • Thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc hại như than đá, kim loại, cao su…
  • Hút thuốc lá, vaping
  • Uống nhiều rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn
  • Mắc bệnh viêm teo dạ dày tự miễn 
Nguyên nhân ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày hình thành do có đột biến gen trong ADN của tế bào dạ dày.

Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày

Khi chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ bắt đầu từ việc tìm hiểu bệnh sử, tiền sử của bệnh nhân và gia đình, hỏi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như tiến hành kiểm tra sức khỏe lâm sàng. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm sau đây để chẩn đoán cũng như xác định giai đoạn ung thư dạ dày khi cần: 

  • Nội soi đường tiêu hóa trên (nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng)
  • Siêu âm nội soi, siêu âm ổ bụng 
  • X-quang
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)…
  • Xét nghiệm máu
  • Sinh thiết, chọc hút

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên giai đoạn bệnh, mức độ lan rộng của khối u, sức khỏe cũng như mong muốn của bệnh nhân. Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư dạ dày phổ biến là: 

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường được sử dụng để loại bỏ các tế bào ung thư trong dạ dày. Với các khối u nhỏ, phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên được sử dụng. Với các khối u lớn hơn, đã phát triển sâu vào thành dạ dày hoặc đã lan đến hạch bạch huyết, các phương pháp khác có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Đôi khi, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cũng được thực hiện để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Phẫu thuật cắt dạ dày thường được phối hợp đồng thời với nạo vét hạch. 
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoặc kìm hãm tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u ung thư trước khi phẫu thuật (tân hỗ trợ) hoặc để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật (hỗ trợ). 
  • Xạ trị: Đây là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ có năng lượng cao như tia X, proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Tương tự như hóa trị, xạ trị cũng có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị còn giúp làm giảm triệu chứng của ung thư dạ dày ở những bệnh nhân giai đoạn muộn hoặc bệnh nhân không thể phẫu thuật. 
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Phương pháp điều trị này nhắm mục tiêu vào những bất thường cụ thể trong tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Liệu pháp nhắm mục tiêu chủ yếu được sử dụng cùng hóa trị trong trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn cuối hoặc tái phát. Trastuzumab và ramucirumab là hai loại thuốc được chấp thuận trong điều trị ung thư dạ dày.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của người bệnh tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối hoặc tái phát. Pembrolizumab là thuốc miễn dịch đã được phê duyệt trong điều trị ung thư dạ dày.
  • Phương pháp chăm sóc giảm nhẹ: Đây là phương pháp điều trị y tế chuyên biệt giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trên những bệnh nhân giai đoạn muộn, không còn phù hợp để điều trị đặc hiệu. 

Cách phòng ngừa ung thư dạ dày

Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bạn cần cố gắng xây dựng thói quen sống lành mạnh, bằng cách: 

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các loại thực phẩm hun khói, ngâm chua, thịt muối, cá muối, thịt đỏ…
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức đề kháng
  • Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn H.pylori, các vấn đề về dạ dày hiệu quả
  • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe khi gia đình có tiền sử ung thư dạ dày 
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày
Kiểm tra, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

6 câu hỏi thường gặp về ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày thường gặp ở độ tuổi nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh ung thư dạ dày chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân khi được chẩn đoán là 68. Trong đó, khoảng 6 trên 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày mỗi năm thuộc nhóm đối tượng từ 65 tuổi trở lên.  

Ung thư dạ dày có lây không và lây qua đường nào?

Theo các nghiên cứu y khoa, bệnh ung thư dạ dày không lây nhiễm. Tuy nhiên, một trong những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày là vi khuẩn H.pylori lại có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua đường nước bọt, dịch tiết đường tiêu hóa khi dùng chung bát đũa, bàn chải đánh răng, hôn…  

Ung thư dạ dày có di truyền không?

Một số người có thể thừa hưởng đột biến gen từ bố mẹ, dẫn đến các hội chứng di truyền có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày như hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Li-Fraumeni, bệnh đa polyp tuyến gia đình… Nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bệnh ung thư dạ dày có chữa khỏi được không?

Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi khối u mới hình thành, bệnh ung thư dạ dày có khả năng chữa khỏi hoàn toàn lên đến 90%. Tuy nhiên, khi bệnh càng tiến triển thì tỷ lệ này sẽ càng giảm xuống. Ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư di căn đến nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể khiến việc điều trị khó khăn và bệnh nhân gần như mất đi cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.

Bệnh nhân ung thư dạ dày có nên mổ không?

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị cơ bản và thường được chỉ định đầu tiên cho các trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Ở những giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật vẫn có thể được chỉ định nhằm loại bỏ một phần, toàn bộ dạ dày hoặc để giảm triệu chứng của bệnh. 

Dù với mục đích gì thì phẫu thuật đều mang lại lợi ích điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, khi đủ điều kiện và được bác sĩ chỉ định mổ, bạn nên thực hiện phương pháp này càng sớm càng tốt, tránh trì hoãn vì có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Người bị ung thư dạ dày sống được bao lâu, mấy năm?

Việc bệnh nhân ung thư dạ dày sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân… Trên thực tế, khó có một con số chính xác để trả lời cho câu hỏi này.

Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tiên lượng sống của bệnh nhân khá tốt. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn và khó có khả năng chữa khỏi. Theo đó, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chẩn đoán của các bệnh nhân ung thư dạ dày như sau:

Giai đoạn bệnh

Ước tính tỷ lệ sống sót sau 5 năm

Ung thư còn khu trú ở dạ dày 72%
Ung thư dạ dày đã lây lan sang các mô và hạch bạch huyết lân cận 33%
Ung thư dạ dày di căn xa 6%

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh ung thư dạ dày. Đây là một căn bệnh ung thư nguy hiểm, vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, hãy thay đổi lối sống ngay từ hôm nay để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm? Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm?
Ung thư

Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm?

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ
Ung thư

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ

Ung thư vú ở nam giới - Hiếm gặp nhưng không thể coi thường Ung thư vú ở nam giới - Hiếm gặp nhưng không thể coi thường
Ung thư

Ung thư vú ở nam giới - Hiếm gặp nhưng không thể coi thường

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK