Ung thư
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) là giai đoạn mà bệnh đã tiến triển nhiều, tế bào ác tính đã lan tới phần dưới âm đạo cũng như có thể lan đến thành khung chậu, niệu quản và hạch bạch huyết lân cận. Ở giai đoạn này, khả năng chữa khỏi đã thấp hơn các giai đoạn trước nhưng vẫn có thể điều trị để cải thiện bệnh và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-08-17
Cập nhật ngày 2023-08-17
Nội dung chính
Mức độ phát triển của ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) Nhận biết triệu chứng, dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIUng thư cổ tử cung giai đoạn III có chữa được không?Cách chữa ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IIICách giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III cải thiện hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?

Vậy ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) là gì? Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) ra sao? Phương pháp điều trị cũng như cách giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) kiểm soát bệnh và kéo dài tuổi thọ như thế nào? Cùng Bowtie tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Mức độ phát triển của ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) là giai đoạn mà khối u đã lan đến các vị trí khác trong vùng chậu, bên ngoài cổ tử cung. Những vị trí này bao gồm phần dưới của âm đạo, thành khung chậu, niệu quản hoặc các hạch bạch huyết gần đó. Tuy nhiên, khối u chưa lan đến các bộ phận xa hơn của cơ thể như gan, não, xương hoặc phổi. 

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn là giai đoạn IIIA, IIIB và IIIC như sau:

  • Giai đoạn IIIA: Với ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIA (giai đoạn 3A), khối u đã lan xuống phần dưới của âm đạo nhưng chưa lan vào thành khung chậu, các hạch bạch huyết gần đó hoặc các cơ quan xa trong cơ thể.
  • Giai đoạn IIIB: Khối u trong ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIB (giai đoạn 3B) đã xâm lấn vào thành khung chậu và/hoặc đang chặn một hoặc cả hai niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang, từ đó gây ra vấn đề ở thận (thận ứ nước hoặc mất chức năng). Tuy nhiên, chúng chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó và chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IIIC: Ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIC (giai đoạn 3C) được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là IIIC1 và IIIC2 (3C1 và 3C2):
    • Giai đoạn IIIC1: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận trong khung chậu nhưng chưa di căn xa.
    • Giai đoạn IIIC2: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở vùng bụng gần với động mạch chủ nhưng chưa di căn xa. 

Bài viết hữu ích:

Nhận biết triệu chứng, dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)

Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn III, các dấu hiệu và triệu chứng đã rõ ràng hơn rất nhiều. Lúc này, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) gồm: 

  • Chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh
  • Chảy máu âm đạo khi quan hệ tình dục
  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường
  • Âm đạo ra nhiều dịch, dịch có mùi hôi hoặc màu bất thường
  • Cảm giác đau vùng chậu
  • Khó đi tiểu, tiểu buốt, xuất hiện máu trong nước tiểu
  • Mệt mỏi, đau bụng hoặc đau lưng
  • Chân phù
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Suy thận
  • Rò phân hoặc nước tiểu qua đường âm đạo
Nhận biết triệu chứng, dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)
Đau vùng chậu, đau bụng hoặc đau lưng là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung nói chung và ung thư cổ tử cung giai đoạn III nói riêng.

Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn III

Giống như những giai đoạn khác, ở giai đoạn III, các phương pháp soi tử cung, sinh thiết, chẩn đoán hình ảnh… cũng được áp dụng để chẩn đoán và xác định giai đoạn ung thư cổ tử cung, bao gồm:

  • Khám phụ khoa bằng tay và mỏ vịt: Khám phụ khoa bằng tay và mỏ vịt là một trong những phương pháp được thực hiện đầu tiên để giúp bác sĩ quan sát và kiểm tra phía bên trong cổ tử cung của bệnh nhân. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể dùng tăm bông hay bàn chải y khoa để lấy mẫu tế bào tử cung nhằm thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
  • Khám trực tràng: Việc thăm khám trực tràng sẽ giúp bác sĩ đánh giá xem khối u ung thư cổ tử cung đã xâm lấn đến trực tràng và các khu vực xung quanh hay chưa. Đây là một trong những phương pháp bắt buộc được bác sĩ chỉ định nếu nghi ngờ bệnh nhân đã tiến triển đến giai đoạn III.
  • Soi cổ tử cung: Bác sĩ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo và thoa các dung dịch vào cổ tử cung nhằm giúp các khu vực bất thường hiện rõ hơn. Sau đó, họ sẽ đưa một máy soi vào gần âm đạo và quan sát các tế bào cổ tử cung thông qua đèn và một thấu kính phóng đại, từ đó tìm kiếm các vị trí bất thường nếu có. 
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ trích lấy một mẫu mô từ cổ tử cung và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư. Các loại sinh thiết thường được áp dụng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung là sinh thiết bấm, nạo kênh cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, sinh thiết hình chóp (khoét chóp) bằng dao
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng của thận, gan, tủy xương…
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp phát xạ positron, xạ hình xương, xạ hình thận… có thể được thực hiện để giúp bác sĩ xác định mức độ lan rộng của khối u.
  • Nội soi: Các phương pháp nội soi như nội soi bàng quang, nội soi đại trực tràng cũng có thể được bác sĩ chỉ định để quan sát và phát hiện những bất thường ở các cơ quan như bàng quang, niệu đạo, đại tràng… Từ đó, bác sĩ có thể biết được mức độ lan rộng của khối u cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III có chữa được không?

Với người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn III, cơ hội chữa khỏi bệnh đã thấp hơn các giai đoạn trước (bao gồm giai đoạn I và giai đoạn II). Bởi lúc này, tế bào ung thư đã lan rộng đến âm đạo, thành xương chậu, niệu quản và các hạch bạch huyết lân cận nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của y học kỹ thuật ngày nay, nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III vẫn có thể chữa khỏi bệnh và sống được rất nhiều năm. Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân cần phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. 

Cách chữa ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) là giai đoạn khó điều trị khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ có những chiến lược và phác đồ điều trị phù hợp để từ đó làm chậm sự phát triển của bệnh, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng trong giai đoạn này là: 

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Hiện tại, hai phương pháp xạ trị được áp dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3) là: 

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Bác sĩ sẽ sử dụng một máy chiếu xạ với nguồn xạ được đặt bên ngoài cơ thể để chiếu các chùm tia vào khối u. Theo đó, mỗi lần xạ trị chùm tia bên ngoài chỉ kéo dài vài phút nhưng cần được thực hiện 5 ngày/tuần trong khoảng 5 tuần. 
  • Xạ trị áp sát (xạ trị trong): Bác sĩ sẽ đưa một nguồn bức xạ vào gần các tế bào ung thư (thông qua đường âm đạo). Liệu pháp này thường được sử dụng kết hợp với xạ trị chùm tia bên ngoài để điều trị ung thư cổ tử cung, hiếm khi được sử dụng riêng lẻ. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị áp sát suất liều thấp hoặc xạ trị áp sát suất liều cao.

Đối với những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, chất phóng xạ có thể được đặt vào trong một ống kim loại nhỏ, sau đó đưa vào bên trong âm đạo. Còn đối với phụ nữ vẫn còn tử cung, chất phóng xạ sẽ được đặt trong ống kim loại nhỏ hoặc một dụng cụ hình trứng, sau đó đưa vào gần cổ tử cung. 

Cách chữa ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3)
Xạ trị ngoài là một lựa chọn điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3).

Hóa trị

Hóa trị chính là phương pháp sử dụng thuốc độc tế bào để kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư hoặc “giết chết” chúng. Đối với ung thư cổ tử cung, hóa trị thường được sử dụng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch. Thuốc sẽ đi vào máu và tiếp cận được nhiều vùng trong cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.

Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ và giữa các chu kỳ, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi để có thời gian hồi phục. Mỗi chu kỳ thường kéo dài 1 – 3 tuần tùy thuộc vào các loại thuốc được sử dụng.

Hóa xạ trị đồng thời

Thay vì hóa trị hoặc xạ trị riêng lẻ, đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3), bác sĩ thường ưu tiên áp dụng đồng thời cả hai phương pháp này (hóa xạ trị đồng thời). Việc kết hợp sẽ giúp xạ trị phát huy tác dụng tốt hơn. Theo đó, bác sĩ có thể sử dụng thuốc hóa trị cisplatin hoặc carboplatin tiêm truyền tĩnh mạch trước mỗi lần xạ trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Từ giai đoạn III trở đi, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhắm trúng đích kết hợp với hóa trị để gia tăng hiệu quả điều trị. Bevacizumab là loại thuốc nhắm trúng đích đã được phê duyệt trong điều trị ung thư cổ tử cung. 

Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III

Về cơ bản thì tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III sẽ thấp hơn so với các giai đoạn trước. Theo đó, số người sống được trên 5 năm kể từ khi chẩn đoán bệnh ở giai đoạn này chỉ chiếm khoảng 40%. 

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn III cũng thấp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sức khỏe, tinh thần, tuổi tác, loại bệnh, thời điểm điều trị… Tuy nhiên, nếu được kiểm soát, điều trị hiệu quả thì bệnh nhân có thể tăng cơ hội chữa khỏi cũng như kéo dài được tuổi thọ thêm nhiều năm.

Cách giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III cải thiện hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ

Dù cơ hội điều trị khỏi của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III đã giảm đi nhưng bạn có thể thực hiện một số cách để cải thiện hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống:

Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Bệnh nhân ung thư nên tin tưởng và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Bạn cần ghi chú lại lịch xạ trị, hóa trị và đến bệnh viện thực hiện theo đúng lịch trình. Ngoài ra, người bệnh nên hợp tác và chia sẻ tình trạng của mình với bác sĩ để giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. 

Giữ vững tinh thần

Với những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III thì việc duy trì tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực là một điều rất quan trọng để chống chọi với bệnh tật. Người bệnh không nên suy nghĩ quá nhiều hoặc suy nghĩ tiêu cực sẽ càng làm cho tinh thần đi xuống và bệnh tình trở nên xấu đi nhanh hơn. 

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chứa các nhóm thực phẩm tốt

Sau khi hóa trị và xạ trị, chắc chắn người bệnh sẽ cảm thấy mất sức và cần được bổ sung nhiều dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình hồi phục của cơ thể. Người bệnh nên ưu tiên ăn các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe như thịt, cá, các loại hạt, sữa, rau xanh, trái cây tươi… Đồng thời, bệnh nhân cũng nên hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc những thức ăn không tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe. 

Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 3
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn III nên vận động thường xuyên, tập thể dục nhẹ nhàng để các cơ được hoạt động và giúp lưu thông máu. Không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất, việc vận động thường xuyên cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. 

Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh lao lực

Với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư cổ tử cung thì việc quan trọng là cần hạn chế stress và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Theo đó, người bệnh nên thư giãn, ngủ đủ giấc mỗi ngày, không nên cố gắng làm việc quá sức hoặc lao lực.

Bỏ các thói quen xấu

Với những bệnh nhân nghiện thuốc lá, bia rượu, cà phê… thì nên bỏ hoàn toàn để giữ gìn sức khỏe và tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Bạn nên uống nhiều nước lọc và nước ép trái cây để cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng như tăng sức đề kháng. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3), cùng với đó là các cách điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả. Trong mọi tình huống, bệnh nhân nên cố gắng giữ vững tinh thần lạc quan và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ để nâng cao cơ hội chiến thắng bệnh tật nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vòm họng giai đoạn II (giai đoạn 2): Vẫn còn cơ hội điều trị Ung thư vòm họng giai đoạn II (giai đoạn 2): Vẫn còn cơ hội điều trị
Ung thư

Ung thư vòm họng giai đoạn II (giai đoạn 2): Vẫn còn cơ hội điều trị

Phát hiện ung thư gan giai đoạn đầu để tăng cơ hội điều trị Phát hiện ung thư gan giai đoạn đầu để tăng cơ hội điều trị
Ung thư

Phát hiện ung thư gan giai đoạn đầu để tăng cơ hội điều trị

Bạn đã hiểu rõ về bệnh ung thư đại tràng? Bạn đã hiểu rõ về bệnh ung thư đại tràng?
Ung thư

Bạn đã hiểu rõ về bệnh ung thư đại tràng?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK