Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Tỷ lệ mỡ cơ thể: Bao nhiêu là chuẩn? Cách tính lượng mỡ cơ thể

Tỷ lệ mỡ cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn có liên quan đến nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch… Hiểu được tỷ lệ mỡ cơ thể là gì và cách tính lượng mỡ này sẽ giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân để từ đó có cách điều chỉnh lối sống phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-17
Cập nhật ngày 2023-06-17
Nội dung chính
Mỡ trong cơ thể là gì?Làm thế nào để phân biệt mỡ dưới da và mỡ nội tạng?Tỷ lệ mỡ trong cơ thể là gì?Các phương pháp đo và tính toán tỷ lệ mỡ cơ thểTỷ lệ mỡ trong cơ thể chuẩn là bao nhiêu?Tỷ lệ mỡ nội tạng bao nhiêu là bình thường?Câu hỏi về mỡ cơ thể
Tỷ lệ mỡ cơ thể: Bao nhiêu là chuẩn? Cách tính lượng mỡ cơ thể

Vậy tỷ lệ mỡ cơ thể là gì? Làm sao tính toán được lượng mỡ trong cơ thể? Để tìm hiểu thêm những thông tin này, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bowtie nhé.

Mỡ trong cơ thể là gì?

Mô mỡ là các mô liên kết giàu năng lượng, có thành phần chính là lipid và nằm phân bố rải rác khắp nơi trong cơ thể. Mô mỡ có thể được tìm thấy dưới da (mỡ dưới da), xung quanh các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng) hoặc thậm chí ở các khoang bên trong xương (mỡ trong tủy xương). 

Nhiệm vụ chính của các mô mỡ là dự trữ chất béo để cung cấp năng lượng trao đổi chất trong thời gian dài, đồng thời cũng giữ ấm cơ thể. Không những vậy, các nhà khoa học nhận thấy rằng, mô mỡ cũng tham gia vào hoạt động nội tiết của cơ thể.

Làm thế nào để phân biệt mỡ dưới da và mỡ nội tạng?

Trong cơ thể, mỡ thường phân bố ở dưới da và xung quanh các cơ quan nội tạng. Bạn có thể dễ dàng phân biệt 2 loại mỡ này bằng một bài kiểm tra đơn giản. 

Đầu tiên, bạn siết chặt cơ bụng và dùng tay bóp nhẹ phần bụng. Lúc này, những thứ bạn đang bóp được chính là mỡ dưới da. Không chỉ tồn tại ở bụng mà mỡ dưới da còn có thể nằm ở các vùng khác trong cơ thể như tay, chân, hông, mông, đùi…

Ngược lại, mỡ nội tạng thường tập trung chủ yếu trong khoang bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng như tim, gan, dạ dày, ruột… Loại mỡ này không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận từ bên ngoài được. Mỡ nội tạng thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể là gì?

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm khối lượng mỡ so với tổng cân nặng (tổng khối lượng cơ thể) của bạn. Trung bình, khoảng 1/4 trọng lượng cơ thể sẽ là mỡ.

Các phương pháp đo và tính toán tỷ lệ mỡ cơ thể

Dưới đây là một số phương pháp thường được sử dụng để đo và tính toán tỷ lệ mỡ trong cơ thể:

1. Phương pháp tính tỷ lệ mỡ cơ thể dựa trên BMI, tuổi tác và giới tính

Dưới đây là công thức tính tỷ lệ mỡ dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), tuổi tác và giới tính:

Tỷ lệ mỡ cơ thể = 1,2 x BMI + 0,23 x Tuổi – 5,4 – 10,8 x Giới tính (với nam là 1, nữ là 0)

Ví dụ, nếu bạn là nam giới, 35 tuổi, có chỉ số BMI là 18 thì tỷ lệ mỡ cơ thể của bạn sẽ là: Tỷ lệ mỡ cơ thể = 1.2 x 18 + 0.23 x 35 – 5.4 – 10.8 x 1 = 13.45%.

2. Phương pháp tính tỷ lệ mỡ cơ thể dựa trên kích thước vòng eo

Bằng cách đo vòng eo (tính bằng cm) và cân nặng (tính bằng kg), bạn có thể ước tính được tỷ lệ mỡ cơ thể của bản thân với công thức như sau:

Tỷ lệ mỡ cơ thể nam giới = (Vòng eo x 0,74 – Cân nặng x 0,082 – 44,74) / Cân nặng x 100%

Tỷ lệ mỡ cơ thể nữ giới = (Vòng eo x 0,74 – Cân nặng x 0,082 – 34,89) / Cân nặng x 100%

3. Đo tỷ lệ mỡ cơ thể bằng cân thông minh Tanita

Hiện nay, các loại cân điện tử thông minh đang được sử dụng khá phổ biến. Một số loại cân đã được công ty sản xuất tích hợp khả năng đo và tính toán tỷ lệ mỡ cơ thể. 

Theo đó, một thương hiệu cân thông minh thường được sử dụng là Tanita. Loại cân này đo tỷ lệ mỡ cơ thể theo một nguyên tắc tương đối đơn giản. Khi bạn tiến hành cân, sẽ có một dòng điện nhỏ chạy qua cơ thể bạn. Vì chất béo không dẫn điện nên người có tỷ lệ mỡ cơ thể càng cao thì dòng điện chạy càng chậm. Cân Tanita sẽ dựa vào tốc độ dòng điện này để tính toán tỷ lệ mỡ trong cơ thể của bạn.

4. Tính tỷ lệ mỡ cơ thể bằng kẹp đo mỡ

Với phương pháp này, bạn sẽ dùng một dụng cụ chuyên dụng (kẹp đo mỡ) để đo độ dày lớp mỡ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như bụng, cánh tay, cẳng tay, lưng… Sau đó, bạn có thể sử dụng công thức tính toán và bảng tham chiếu để biết được tỷ lệ mỡ cơ thể của bản thân.

Cách đo tỷ lệ mỡ cơ thể
Bạn có thể đo và tính tỷ lệ mỡ trong cơ thể bằng kẹp đo mỡ.

5. Tính tỷ lệ mỡ cơ thể bằng cách cân trọng lượng dưới nước

Do mật độ cơ và mỡ trong cơ thể khác nhau nên trọng lượng của bạn ở ngoài và trong nước cũng sẽ khác nhau. Bạn chỉ cần so sánh sự khác biệt về trọng lượng của bản thân khi ở trên bờ và trong nước là có thể tính toán được tỷ lệ mỡ cơ thể của mình.

6. Xác định tỷ lệ mỡ cơ thể bằng máy quét đo độ hấp thu tia X kép (DEXA)

DEXA là một máy X-quang đặc biệt sử dụng tia X để ước lượng mật độ mô cơ, chất khoáng trong xương và cả mật độ mô mỡ trong cơ thể. Theo đó, tia X có độ thâm nhập khác nhau đối với các mô cơ, mô xương và mô mỡ. Tận dụng sự khác nhau này, máy DEXA có thể giúp bạn tính toán được tỷ lệ phần trăm của từng loại mô trong cơ thể, bao gồm cả mô mỡ.

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể chuẩn là bao nhiêu?

Đối với người châu Á và người da trắng, tỷ lệ mỡ trong cơ thể chuẩn cho nam và nữ giới sẽ như sau:

Giới tính

Nam

Độ tuổi 18 – 39 40 – 59 60+
Dưới mức bình thường 0 – 10% 0 – 11% 0 – 13%
Mức tiêu chuẩn 11 – 21% 12 – 22% 14 – 24%
Cao hơn mức bình thường 22 – 26% 23 – 27% 25 – 29%
Thừa mỡ nhiều 27 – 45%+ 28 – 45%+ 30 – 45%+

 

Giới tính

Nữ

Tuổi 18 – 39 40 – 59 60+
Dưới mức bình thường 0 – 20% 0 – 21% 0 – 22%
Mức tiêu chuẩn 21 – 34% 22 – 35% 23 – 29%
Cao hơn mức bình thường 35 – 39% 36 – 40% 30 – 36%
Thừa mỡ nhiều 40 – 45%+ 41 – 45%+ 37 – 45%+

Tỷ lệ mỡ nội tạng bao nhiêu là bình thường?

Bên cạnh tỷ lệ mỡ cơ thể toàn phần, bạn cũng cần quan tâm đến tỷ lệ mỡ nội tạng. Bởi nếu chỉ số này quá cao, bạn có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2…

Dưới đây là bảng tỷ lệ mỡ nội tạng tiêu chuẩn áp dụng cho người châu Á:

Tỷ lệ Bình thường Cao Rất cao
Chỉ số Dưới 9% 10 – 14% Trên 15%
Đánh giá  Cần đảm bảo chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp để duy trì chỉ số này Cân nhắc điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường tập luyện để giảm tỷ lệ mỡ nội tạng xuống mức bình thường Cần tập luyện thể dục điều độ và thay đổi chế độ ăn uống hiện tại. Nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và theo dõi. 

Câu hỏi về mỡ cơ thể

1. Lượng mỡ trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp có nguy hiểm không?

Mô mỡ có vai trò giữ ấm cơ thể, bảo vệ khớp và các cơ quan bên trong. Tuy nhiên, quá nhiều mỡ sẽ gây hại cho sức khỏe về lâu dài. Tình trạng này có khả năng dẫn đến nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và một số loại ung thư. Việc giảm mỡ thừa trong cơ thể sẽ giúp bạn hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

Ngược lại, lượng mỡ trong cơ thể quá thấp cũng không tốt vì có thể gây loãng xương, rối loạn kinh nguyệt và vô sinh ở phụ nữ. Trong thời gian dài, tình trạng này có khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mất xương.

2. Làm thế nào để giảm mỡ thừa trong cơ thể?

Để giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, bạn có thể thử thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể: Theo đó, bạn nên tính toán lượng calo nạp vào sao cho ít hơn so với lượng calo cơ thể tiêu hao. Khi thiếu năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu chuyển hóa mỡ, từ đó giúp giảm mỡ và giảm cân.
  • Bổ sung nhiều protein, ít carbohydrate: Thay vì bổ sung calo từ carbohydrate, bạn hãy thay thế bằng các nguồn protein. Protein cũng giúp tăng cơ, khi kết hợp với tập thể dục sẽ mang đến cho bạn vóc dáng lý tưởng.
  • Tập thể dục: Một cách hiệu quả giúp bạn giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể là duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. 
3. Làm thế nào để tăng lượng mỡ trong cơ thể?

Với những người có tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp, hãy áp dụng những phương pháp sau đây để tăng lượng mỡ:

  • Xây dựng thói quen đi ngủ sớm và đảm bảo ngủ đủ giấc
  • Không hút thuốc lá
  • Bạn cần ăn uống đầy đủ và đảm bảo chất lượng của mỗi bữa ăn. Để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, chế độ ăn uống hàng ngày của bạn phải bao gồm 5 nhóm thực phẩm lớn là sữa, chất đạm (protein), ngũ cốc, rau và trái cây. Ngoài ra, bạn cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm dầu mỡ và chứa nhiều chất béo bão hòa. Thay vào đó, bạn hãy lựa chọn các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn và đa, chẳng hạn như dầu hạt cải, dầu ô liu, các loại hạt…
  • Ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày để tăng lượng calo tiêu thụ

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn tỷ lệ mỡ trong cơ thể là gì cũng như biết một số cách tính tỷ lệ này. Tỷ lệ mỡ cơ thể quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, bạn nên xây dựng thói quen tập thể dục và ăn uống lành mạnh để duy trì lượng mỡ trong cơ thể bình thường và ổn định nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng
Kiến thức sức khỏe

Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng

100g hàu chứa bao nhiêu calo? 6 lợi ích sức khỏe đến từ hàu 100g hàu chứa bao nhiêu calo? 6 lợi ích sức khỏe đến từ hàu
Kiến thức sức khỏe

100g hàu chứa bao nhiêu calo? 6 lợi ích sức khỏe đến từ hàu

Bệnh giời leo (zona) là bệnh gì? Những điều cần biết về giời leo Bệnh giời leo (zona) là bệnh gì? Những điều cần biết về giời leo
Kiến thức sức khỏe

Bệnh giời leo (zona) là bệnh gì? Những điều cần biết về giời leo

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK