Vậy triệu chứng của bệnh cúm A ở trẻ nhỏ là gì? Làm thế nào để phân biệt giữa những biểu hiện của cúm A ở trẻ em và cảm lạnh? Mời bạn dành vài phút cùng Bowtie theo dõi những chia sẻ bên dưới để có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé!
Cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm A gây ra như virus A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9… Các chủng virus này lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch.
Virus cúm A là một trong những nguyên nhân gây ra dịch cúm hàng năm. Bệnh lý này rất hay xuất hiện vào thời điểm giao mùa và có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu như cảm lạnh thường chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ thì triệu chứng của cúm A lại khá nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Trẻ nhỏ, nhất là các bé sơ sinh, là một trong những đối tượng dễ bị virus tấn công nhất do hệ miễn dịch vẫn còn non nớt. Không những vậy, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc nhiễm cúm A có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn người lớn, thậm chí tử vong. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ biến chứng cao hơn so với trẻ lớn, trong đó trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ bị biến chứng cao nhất.
Nhiễm trùng xoang và viêm tai giữa là những biến chứng ở mức độ trung bình thường gặp do cúm A gây ra. Ngoài 2 biến chứng này, một biến chứng nguy hiểm khác mà trẻ có khả năng phải đối mặt là viêm phổi, thậm chí thiếu oxy và dẫn đến tử vong. Một số trường hợp, trẻ còn có nguy cơ gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan… Ngoài ra, cúm A cũng có thể làm cho các bệnh lý khác trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nếu trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc tim bẩm sinh thì cúm A có khả năng khiến các bệnh lý này trở nên nặng hơn.
Chính vì vậy, bố mẹ cần cảnh giác và hiểu rõ về các triệu chứng cúm A ở trẻ em để kịp thời nhận biết và đưa trẻ đi khám nhằm giúp con được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Nếu bố mẹ đang tìm hiểu về dấu hiệu, biểu hiện nhận biết trẻ bị cúm A thì hãy xem ngay phần tiếp theo của bài viết nhé.
Các triệu chứng cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có chút khác biệt so với triệu chứng của trẻ lớn bởi lúc này, trẻ chưa nói được hoặc thể hiện được cho bố mẹ biết. Dưới đây là 8 dấu hiệu của bệnh cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bố mẹ cần cảnh giác:
Như đã đề cập, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nói với bạn rằng bé đang cảm thấy mệt mỏi hay đau nhức. Thay vào đó, bé sẽ có các biểu hiện cho thấy điều này như bú ít hơn, gặp khó khăn khi bú… Vì vậy, bố mẹ sẽ cần chú ý theo dõi các thay đổi về việc bé bú mẹ hoặc bú bình bởi đây có thể là “manh mối” cho thấy bé không được khỏe.
Các triệu chứng do cúm A gây ra có thể khiến bé mệt mỏi và cảm thấy khó chịu trong người. Lúc này, bé sẽ thể hiện cho bố mẹ biết bằng cách quấy khóc nhiều hơn bình thường. Do đó, khi chăm sóc bé, bố mẹ cũng cần lưu ý biểu hiện này nhé!
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng bị nôn ói hoặc tiêu chảy khi mắc cúm A. Điều này khiến bé có nguy cơ mất nước rất cao. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng mất nước có thể diễn ra nhanh chóng và dẫn đến nhiều ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nếu bạn thấy trẻ tiểu ướt tã ít hơn bình thường, thóp mềm, khô miệng, mắt trũng sâu, tay chân lạnh hoặc đổi màu, da nhăn… thì hãy đưa trẻ đi khám sớm.
Sốt cao là một triệu chứng cúm A phổ biến ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Trẻ có thể bị sốt cao đột ngột trên 38°C. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ không sốt nhưng vẫn bị cúm A.
Giống như người lớn, trẻ nhỏ mắc cúm A cũng có thể bị ho khan. Tình trạng ho thường nặng hơn vào ban đêm. Do đó, khi thấy bé có biểu hiện này thì bố mẹ cũng cần lưu ý và nên nghĩ đến nguyên nhân là do cúm A.
Bố mẹ cũng có thể nghi ngờ bé bị nhiễm cúm A nếu thấy con có các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Đây cũng là những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý này do virus cúm A thường gây ảnh hưởng đến đường hô hấp trên.
Nếu bố mẹ tự hỏi “Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị cúm A có triệu chứng gì?” thì ngoài các dấu hiệu kể trên, trẻ nhỏ bị nhiễm cúm A còn có biểu hiện ớn lạnh, run người (rét run), thường đi kèm với sốt. Khi chăm sóc bé, nếu thấy con có tình trạng này thì bố mẹ cần chú ý theo dõi nhé!
Cúm A không chỉ làm bé bú kém, bỏ bú, quấy khóc… mà các triệu chứng khó chịu của bệnh còn khiến trẻ mệt mỏi, ngủ nhiều, ít hoạt động. Bạn có thể thấy bé lừ đừ, mệt mỏi, khó chịu hơn so với bình thường. Lúc này, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn vì như vậy sẽ giúp cơ thể có thời gian “chữa lành”, hỗ trợ quá trình chống chọi với bệnh và phục hồi sức khỏe.
Ở trẻ lớn, bé đã có thể trò chuyện và cho bạn biết mình đang không khỏe ở đâu. Vì vậy, triệu chứng cúm A được ghi nhận ở trẻ lớn cũng có thể đa dạng hơn trẻ nhỏ, bao gồm:
Cảm lạnh và cúm A đều là những bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Cả 2 bệnh lý này có những biểu hiện khá giống nhau nên đôi lúc bố mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết bé đang mắc bệnh lý nào. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa triệu chứng của cúm A và cảm lạnh ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý:
Triệu chứng | Cảm lạnh |
Cúm |
Mức độ khởi phát triệu chứng | Từ từ | Đột ngột |
Sốt | Hiếm gặp | Phổ biến, kéo dài 3 – 4 ngày |
Đau nhức cơ thể | Nhẹ | Phổ biến và thường nghiêm trọng |
Ớn lạnh | Không phổ biến | Khá phổ biến |
Mệt mỏi | Thỉnh thoảng | Luôn luôn |
Hắt hơi | Thường gặp | Thỉnh thoảng |
Khó chịu ở ngực, ho | Nhẹ đến trung bình, thường là ho khan | Phổ biến và thường nghiêm trọng |
Chảy mũi | Thường gặp | Thỉnh thoảng |
Đau họng | Thường gặp | Thỉnh thoảng |
Đau đầu | Hiếm gặp | Phổ biến |
Như đã đề cập ở trên, trẻ nhỏ bị cúm A có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Do đó, trong quá trình chăm sóc, bố mẹ cần chú ý theo dõi sát sao các triệu chứng của con. Khi thấy bé có các biểu hiện nghiêm trọng sau thì cần đưa con đến bệnh viện ngay:
Trên đây là một số triệu chứng cúm A ở trẻ em phổ biến mà bố mẹ cần lưu ý. Khi con có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A, bố mẹ cần hạ sốt cho bé, đồng thời chú ý thực hiện các biện pháp giúp giảm triệu chứng ho, sổ mũi… Nếu bé bị nôn ói, tiêu chảy, cần chú ý bổ sung nước. Trường hợp các triệu chứng cúm A ở bé ngày một nghiêm trọng, không thuyên giảm hoặc bé còn quá nhỏ thì tốt nhất bạn nên đưa con đi khám.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.