Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Các triệu chứng cúm A ở người lớn: Cách nhận diện và xử trí

Những tháng giao mùa là thời điểm dịch cúm bùng phát rất mạnh mẽ, đặc biệt là dịch cúm A. Dù người lớn bị cúm A đa phần sẽ hồi phục sau 3 - 7 ngày nhưng cũng có trường hợp diễn tiến nặng, thậm chí tử vong. Do đó, việc hiểu rõ các triệu chứng cúm A ở người lớn sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện và có hướng can thiệp phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-16
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Tìm hiểu đôi nét về bệnh cúm ACác triệu chứng, dấu hiệu của bệnh cúm A ở người lớnSự khác biệt giữa triệu chứng cúm A, cảm lạnh và Covid-19 ở người lớnCần làm gì khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh cúm A ở người lớn?Triệu chứng cúm A trở nặng ở người lớn, cần đến bệnh viện ngay!
Các triệu chứng cúm A ở người lớn: Cách nhận diện và xử trí

Vậy triệu chứng cúm A ở người lớn là gì? Người lớn bị cúm A nên làm sao và khi nào cần đến bệnh viện? Tất cả những băn khoăn này của bạn sẽ được giải đáp trong bài viết bên dưới của Bowtie, bạn hãy dành vài phút theo dõi nhé!

Tìm hiểu đôi nét về bệnh cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi các chủng virus cúm A như H1N1, H5N1… Bệnh lý này có thể lây truyền từ người sang người thông qua giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, virus cúm cũng có khả năng tồn tại trong một thời gian ngắn trên bề mặt các đồ vật như tay nắm cửa, bút, điện thoại, dụng cụ ăn uống… Nếu bạn chạm vào những vật dụng có virus cúm tồn tại rồi vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì virus cúm có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm A, kể cả người trưởng thành khỏe mạnh và bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm. Tuy nhiên, sẽ có những đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn khi bị nhiễm cúm A, chẳng hạn như phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu và người đang mắc các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường, bệnh tim mạch… 

Do đó, trong những tháng giao mùa – thời điểm dịch cúm A bùng phát mạnh, bạn cần hết sức lưu ý đến các triệu chứng của cúm A ở người lớn, nhất là nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao kể trên. Việc nhận diện bệnh sớm sẽ giúp bạn có hướng chăm sóc, điều trị phù hợp, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh cúm A ở người lớn

Mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng cúm A khác nhau. Dù cúm A là bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp nhưng bệnh vẫn có thể gây ra các triệu chứng toàn thân. Dưới đây là một số triệu chứng cụ thể của bệnh cúm A ở người lớn:

Các triệu chứng của bệnh cúm A ở người lớn

Các triệu chứng của bệnh cúm A ở người lớn thường kéo dài từ 3 – 7 ngày và ít khi “tồn tại” hơn 2 tuần. Thông thường, tình trạng sốt và đau nhức cơ thể sẽ kéo dài khoảng 3 – 5 ngày nhưng người bệnh có khả năng bị ho, mệt mỏi đến 2 tuần. Một số triệu chứng cúm A ở người lớn phổ biến là:

  • Ho khan, có xu hướng ho nặng, dai dẳng
  • Cực kỳ mệt mỏi, kiệt sức, lờ đờ, vật vã
  • Đau đầu
  • Sốt cao kèm theo ớn lạnh, rét run
  • Hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau nhức cơ thể, đau cơ
  • Đau họng, rát họng, viêm họng
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy (không phổ biến bằng ở trẻ em)

Dấu hiệu cúm A ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi bị cúm A có xu hướng nguy hiểm hơn và lâu hồi phục hơn so với người trẻ. Nếu như các triệu chứng cúm A ở người trẻ chỉ kéo dài từ 3 – 7 ngày thì các triệu chứng ở người lớn tuổi có thể kéo dài đến 2 tuần hoặc thậm chí lâu hơn. 

Ngoài ra, người trên 65 tuổi cũng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Theo ước tính, khoảng 70 – 80% số ca tử vong liên quan đến cúm mùa xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên và khoảng 50 – 70% số ca nhập viện liên quan đến cúm cũng là những đối tượng trong độ tuổi này.

Các triệu chứng cúm A ở người lớn tuổi
Người cao tuổi bị cúm A có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn người trẻ.

Một số trường hợp người cao tuổi mắc cúm A sẽ không bị sốt, ho hoặc đau họng. Không những vậy, 26% người lớn tuổi nhập viện vì cúm cũng không gặp phải các triệu chứng cúm thông thường. Thay vào đó, họ có thể gặp một số triệu chứng khác so với người trẻ, bao gồm:

  • Cơ thể yếu ớt: Người lớn tuổi bị cúm thường cảm thấy cơ thể yếu ớt, không khỏe với các biểu hiện như khó giữ thăng bằng hoặc khó đi lại. Họ cũng có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng lên.
  • Ăn không ngon: Cúm A có thể khiến người cao tuổi gặp các vấn đề về tiêu hóa. Điều này gây ra một số biểu hiện như chán ăn, ăn không ngon miệng, cảm giác buồn nôn hoặc tiêu chảy.
  • Lú lẫn: Người lớn tuổi bị cúm A có thể gặp phải các vấn đề về tinh thần như khó tập trung, vấn đề về trí nhớ, vấn đề về ngôn ngữ, mất phương hướng hoặc thậm chí là ảo giác.
  • Khiến triệu chứng của các bệnh lý mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn: Cúm A có thể khiến các bệnh lý mạn tính, bệnh nền ở người cao tuổi như bệnh phổi, bệnh tim hoặc hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này làm người già có nguy cơ gặp phải các triệu chứng của những bệnh lý này như khó thở, thở khò khè, sưng chân…

Sự khác biệt giữa triệu chứng cúm A, cảm lạnh và Covid-19 ở người lớn

Cảm lạnh thông thường, cúm A và Covid-19 đều là những bệnh lý đường hô hấp do các loại virus khác nhau gây ra. Tuy nhiên, cả 3 bệnh lý này đều có chung một số triệu chứng nên đôi lúc rất khó phân biệt. Cảm lạnh thường nhẹ, trong khi cúm A và Covid-19 sẽ có các triệu chứng tương tự nhau nhưng Covid-19 lại dễ lây hơn và các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn:

Triệu chứng

Cảm lạnh Cúm A

Covid-19

Sốt và/hoặc ớn lạnh
Đau đầu
Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể
Cảm thấy mệt hoặc suy nhược
Đau họng
Sổ mũi, nghẹt mũi
Hắt hơi
Ho
Khó thở hoặc thở nhanh
Nôn mửa và tiêu chảy
Thay đổi hoặc mất mùi, vị

Cần làm gì khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh cúm A ở người lớn?

Đa phần các triệu chứng cúm A ở người trẻ thường nhẹ và không cần nhập viện hay can thiệp bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nếu đối tượng bị cúm A là người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… thì nên đến bệnh viện. Một số trường hợp khi đi khám, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus để bạn sử dụng. Nếu được chỉ định dùng thuốc thì bạn cần dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp phải biến chứng và cũng không có bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng, bạn có thể theo dõi tại nhà và thực hiện các biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng như:

  • Thường xuyên theo dõi thân nhiệt và dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường như paracetamol
  • Bổ sung nhiều nước và chất lỏng như nước lọc, nước dừa, nước hầm xương, nước súp…
  • Nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn để giúp tăng cường miễn dịch nhằm chống lại virus cúm A 
  • Ăn các thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo thịt, nước súp, các loại trái cây, rau củ giàu vitamin C, các thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua…
  • Thực hiện các biện pháp giảm triệu chứng tại nhà như vệ sinh mũi họng, súc miệng bằng nước muối, tắm nước ấm, sử dụng máy tạo độ ẩm, chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng mũi xoang, nằm kê thêm gối…
  • Thực hiện các biện pháp giúp nâng cao miễn dịch cho cơ thể như ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng, giàu dinh dưỡng…

Triệu chứng cúm A trở nặng ở người lớn, cần đến bệnh viện ngay!

Trong quá trình theo dõi, chăm sóc tại nhà, nếu thấy cơ thể có các biểu hiện sau thì bạn nên đến bệnh viện ngay:

  • Sốt cao trên 40°C, ớn lạnh
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Đau dai dẳng hoặc cảm thấy áp lực ở ngực hoặc bụng
  • Chóng mặt dai dẳng, hôn mê, ngủ sâu không thể đánh thức
  • Co giật, lú lẫn
  • Không thể đi tiểu hoặc đi tiểu rất ít
  • Đau cơ nghiêm trọng
  • Sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn
  • Môi, da hoặc móng tay có màu xanh, tím tái
  • Triệu chứng của các bệnh mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn

Trên đây là những triệu chứng cúm A ở người lớn mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Nhìn chung, dù cúm A là bệnh lý phổ biến và hầu hết các trường hợp đều hồi phục sau vài ngày nhưng căn bệnh này vẫn có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, nhất là với người lớn tuổi. Do đó, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm A như tiêm vaccine cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác và tránh đến nơi đông người. Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, tốt nhất bạn hãy đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc bệnh hiệu quả.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Người bị cúm A uống thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A Người bị cúm A uống thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A
Các bệnh lý khác

Người bị cúm A uống thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A

Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ
Các bệnh lý khác

Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết
Các bệnh lý khác

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK