Bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra khi các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Mỗi dây thần kinh ngoại biên sẽ đảm nhận một chức năng khác nhau, thường được chia thành dây thần kinh vận động, dây thần kinh cảm giác và dây thần kinh tự trị. Tùy vào loại dây thần kinh bị ảnh hưởng mà triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên sẽ khác nhau.
Triệu chứng vận động sẽ xuất hiện khi các dây thần kinh vận động bị tổn thương. Đây là các dây thần kinh tham gia vào quá trình kiểm soát cơ bắp và chuyển động trong cơ thể. Khi các dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề như yếu và liệt cơ, teo cơ, cử động cơ không kiểm soát…
Tình trạng suy thoái thần kinh do bệnh lý thần kinh ngoại biên sẽ làm suy yếu các cơ liên kết. Điều này có thể gây liệt cơ và khiến các ngón chân cử động khó khăn, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng gập lưng bàn chân. Đối với cánh tay và cử động của các ngón tay cũng vậy. Tình trạng yếu và liệt cơ còn ảnh hưởng đến các cơ ở đùi và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Tình trạng mất kết nối thần kinh có thể làm các cơ co lại (teo cơ), đồng thời khiến chúng yếu đi hoặc mất hẳn khả năng vận động. Tình trạng teo cơ thường xảy ra ở bàn chân, cẳng chân và bàn tay của người bệnh. Đôi khi, tình trạng này còn khiến bàn chân, bàn tay bị biến dạng vì mất cơ, không còn cơ vận động.
Một số dây thần kinh có thể hoạt động “thái quá” khi mất kết nối với não do bệnh lý thần kinh ngoại biên. Điều này khiến một số cơ bắp chuyển động không kiểm soát, co giật, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng cảm giác thường xuất hiện khi các dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu về xúc giác, nhiệt độ, cảm giác đau và nhiều cảm giác khác bị tổn thương. Theo đó, bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể làm gián đoạn quá trình tiếp nhận thông tin của các cơ quan cũng như quá trình dẫn truyền các thông tin đó đến não bộ. Cụ thể, các triệu chứng cảm giác của bệnh lý thần kinh ngoại biên bao gồm:
Khi các dây thần kinh mang tín hiệu đến não bộ gặp vấn đề hoặc bị tổn thương, bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa ran ở vùng đó. Cảm giác ngứa ran thường gặp ở bàn chân hoặc bàn tay, sau đó lan lên cẳng chân và cánh tay.
Việc các dây thần kinh không thể gửi hoặc chuyển tiếp tín hiệu cảm giác sẽ gây ra tình trạng mất cảm giác. Bệnh nhân có thể cầm một lon nước lạnh nhưng không cảm nhận được độ trơn hoặc độ lạnh của lon nước. Hoặc khi đi trên sàn nhà, người bệnh không cảm nhận được nhiệt độ cũng như độ cứng của sàn.
Dây thần kinh cảm giác cũng truyền tải tín hiệu về cảm giác ở các chi để giúp não bộ xác định vị trí của tay và chân. Những tổn thương ở dây thần kinh cảm giác có thể ảnh hưởng đến quá trình này, khiến não bộ không biết chính xác vị trí của tay chân, từ đó làm giảm khả năng phối hợp các chi hoặc gây mất thăng bằng, dễ té ngã.
Tổn thương do bệnh lý thần kinh ngoại biên gây ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm mà các dây thần kinh gửi tín hiệu đau về não bộ. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội hoặc đau thường xuyên ở các vị trí bị ảnh hưởng.
Các dây thần kinh tự trị tham gia vào quá trình kiểm soát một số chức năng và hoạt động trong cơ thể mà bạn không ý thức được, chẳng hạn như đổ mồ hôi, điều hòa hơi thở và nhịp tim… Bệnh thần kinh ngoại biên do tổn thương ở các dây thần kinh tự trị có thể gây ra những triệu chứng như:
Tổn thương ở một số dây thần kinh tự trị nhất định có thể làm gián đoạn quá trình tự kiểm soát huyết áp của cơ thể. Bệnh nhân dễ bị tụt huyết áp đột ngột , tăng nhịp tim, chóng mặt hoặc choáng váng, đặc biệt lúc đứng dậy sau khi ngồi lâu.
Cơ thể con người kiểm soát và điều hòa thân nhiệt bằng cơ chế bài tiết mồ hôi. Bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể gây tổn thương các dây thần kinh chi phối quá trình này, khiến người bệnh đổ mồ hôi quá nhiều hoặc ngược lại, không đổ mồ hôi. Tình trạng đổ mồ hôi bất thường lâu dần có thể gây khô da, thậm chí đóng vảy ở bàn chân. Một số người còn đổ mồ hôi quá nhiều sau khi ăn.
Ruột và bàng quang sẽ hoạt động theo tín hiệu từ các dây thần kinh tự trị. Vì vậy, những tổn thương ở các dây thần kinh này có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột (gây táo bón hoặc tiêu chảy) và khả năng kiểm soát bàng quang (gây tiểu không tự chủ).
Hệ thống thần kinh tự trị cũng kiểm soát sự hưng phấn trong tình dục. Do đó, các vấn đề xảy ra với hệ thống này có thể gây rối loạn chức năng tình dục, khiến bệnh nhân không còn cảm thấy hứng thú khi quan hệ.
Các triệu chứng tự trị khác của bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể kể đến như đổi màu da, đau mắt, thay đổi đồng tử mắt, nhìn mờ, nhìn đôi… Ở một số người bệnh, những biểu hiện này thường không rõ hoặc ít gặp.
Trên đây là các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp. Để chắc chắn bản thân có mắc bệnh hay không, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra kết luận chính xác nhất.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.