Nhi khoa
Nhi khoa

Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?

Trẻ ngủ thở ra tiếng ồn hoặc âm thanh lạ có thể là do những nguyên nhân thông thường và không đáng lo ngại. Nhưng đôi khi, tình trạng này cũng có khả năng liên quan đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải can thiệp kịp thời để tránh các nguy cơ bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-31
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Các dạng thở ra tiếng khi ngủ mà bé có thể gặp phảiBố mẹ có biết vì sao khi ngủ bé lại thở ra tiếng?Trường hợp bố mẹ cần đưa con đi khám khi thấy trẻ ngủ thở ra tiếng
Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?

Vậy những nguyên nhân gì có thể khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thở ra tiếng khi ngủ? Lúc nào thì bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra? Câu trả lời sẽ có trong nội dung của bài viết dưới đây, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi nhé!

Các dạng thở ra tiếng khi ngủ mà bé có thể gặp phải

Thở ra tiếng là hiện tượng phát ra âm thanh trong lúc hít vào hoặc thở ra mà nguyên nhân thường có liên quan đến sự tắc nghẽn hoặc thu hẹp tại một vị trí nào đó của đường dẫn khí. Tình trạng thở ra tiếng khi ngủ là một vấn đề khá phổ biến và có thể gặp phải ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng thường xuyên gặp phải nhất bởi vì đường thở của trẻ tương đối mềm và hẹp hơn so với người lớn.

Thực tế, bạn có thể nghe thấy nhiều loại âm thanh khác nhau khi theo dõi các trường hợp trẻ ngủ thở ra tiếng. Tuy nhiên, chủ yếu trong đó là 3 dạng sau:

  • Thở rống: Trẻ ngủ thở ra tiếng ồn có âm vực thấp tương tự như tiếng ngáy hoặc âm thanh khi bị nghẹt mũi. Phần lớn trường hợp này là kết quả của một số vấn đề bất thường ở mũi hoặc phía sau cổ họng.
  • Thở rít: Tiếng thở có âm cao khi trẻ hít vào, thở ra hoặc cả hai. Tình trạng thở ra nghe tiếng rít thường gặp trong các trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp trên, ở ngay vị trí thanh quản.
  • Thở khò khè: Khi trẻ thở khò khè, bạn có thể nghe tiếng the thé do các đường dẫn khí nhỏ ở phổi bị co thắt hoặc thu hẹp. 

Bài viết liên quan:

Bố mẹ có biết vì sao khi ngủ bé lại thở ra tiếng?

Đối với hầu hết các trường hợp, sự lưu thông khí bên trong đường thở bị cản trở là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thở ra tiếng khi ngủ. Vấn đề này có thể liên quan đến một số bất thường trong cơ thể hoặc các bệnh lý mà trẻ đang mắc phải, chẳng hạn như:

Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp nói chung là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào hệ hô hấp của trẻ, dẫn đến các bệnh lý khác nhau với mức độ từ nhẹ cho đến nặng. Đặc điểm chung của các bệnh lý này là có khả năng gây sưng viêm, phù nề đường thở, khiến luồng không khí bên trong bị tắc nghẽn và tạo ra âm thanh bất thường khi hít thở.

So với thanh thiếu niên và người trưởng thành, nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em thường cao hơn do hệ miễn dịch còn non yếu khiến tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập dễ dàng. Vì vậy, các bệnh nhiễm trùng hô hấp được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ ngủ thở có tiếng kêu. Một số bệnh thường gặp là:

  • Cảm lạnh, cúm
  • Viêm thanh khí phế quản
  • Viêm tiểu phế quản
  • Viêm amidan
  • Viêm nắp thanh quản (bệnh có thể đe dọa tính mạng, nhưng hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhờ hiệu quả tiêm phòng vaccine) 
  • Viêm phổi
Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ngủ thở ra tiếng
Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ngủ thở ra tiếng.

Mềm sụn thanh quản

Sụn thanh quản là mô nâng đỡ các cấu trúc ở phía trên của thanh quản. Mềm sụn thanh quản là tình trạng bẩm sinh thường gặp ở trẻ mới chào đời. Trong đó, mô nâng đỡ lỏng lẻo và dễ xẹp xuống khiến các cấu trúc của thanh quản bị sa vào đường dẫn khí, gây ra hiện tượng tắc nghẽn tạm thời một phần đường thở.

Mềm sụn thanh quản là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh ngủ thở ra nghe tiếng rít. Tuy nhiên, mềm sụn thanh quản có thể không cần điều trị. Bởi vì đa số các trường hợp đều cải thiện dần theo sự phát triển của cơ thể và thường tự khỏi khi trẻ bước vào giai đoạn 18 tháng tuổi trở lên. 

Dị tật đường thở

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thở ra tiếng khi ngủ cũng có thể liên quan đến các dị tật ở đường thở do bẩm sinh hoặc mắc phải sau chấn thương, chẳng hạn như hẹp thanh môn bẩm sinh hoặc lệch vách ngăn mũi.

Các vấn đề dị tật có thể làm hẹp hoặc thay đổi cấu trúc tại bất kỳ đoạn nào của đường thở. Điều này tác động trực tiếp đến luồng không khí đi vào phổi, khiến trẻ hít thở khó khăn hơn, đồng thời khi ngủ thở có thể phát ra tiếng kêu.

Tắc nghẽn đường thở do sẹo hoặc khối u

Các vết sẹo, sưng tấy bất thường hoặc khối u phát triển ở đường hô hấp có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn bên trong đường thở. Một số trường hợp trẻ ngủ thở ra tiếng có khả năng xảy ra do nguyên nhân này. 

Mặc dù không quá phổ biến nhưng tình trạng tắc nghẽn đường thở liên quan đến sự hiện diện của sẹo hoặc khối u có thể là một vấn đề nghiêm trọng và cần điều trị khẩn cấp. Trong đó có thể bao gồm sẹo gây hẹp thanh môn, sưng tấy đường thở do dị vật mắc kẹt vào, u mạch máu ở khí quản hoặc thanh quản.

Co thắt đường thở

Thỉnh thoảng, việc trẻ thở có tiếng rít khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn mà bé đang gặp phải. Điển hình như bệnh hen suyễn hoặc tình trạng dị ứng với các chất kích thích từ môi trường bên ngoài đều có nguy cơ gây co thắt đường thở, dẫn đến kết quả là trẻ có biểu hiện thở ra tiếng trong lúc ngủ.

Rối loạn chức năng hoặc liệt dây thanh âm

Dây thanh âm là một cặp cấu trúc nằm trong thanh quản, với chức năng chính là sử dụng hơi ở phổi để tạo thành rung động nhằm phát ra âm thanh khi nói chuyện hoặc hát. Rối loạn chức năng hoặc liệt dây thanh âm có thể là tình trạng bẩm sinh hoặc do tổn thương gây ra, khiến một hoặc cả hai dây không thể thực hiện các rung động bình thường. 

Trẻ ngủ thở ra tiếng bất thường là một trong những vấn đề thường gặp khi dây thanh âm bị rối loạn chức năng hoặc tê liệt. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác ở đường hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để tìm được nguyên nhân chính xác nhất.

Bài viết hữu ích:

Trường hợp bố mẹ cần đưa con đi khám khi thấy trẻ ngủ thở ra tiếng

Nhìn chung, trẻ ngủ thở ra tiếng có thể là một vấn đề thông thường và bạn không cần quá lo lắng nếu như tình trạng này chỉ xuất hiện trong giai đoạn ngắn và có xu hướng cải thiện theo thời gian. Ngược lại, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám khi quan sát thấy một số dấu hiệu nghiêm trọng đi kèm tình trạng thở ra tiếng, bao gồm:

  • Trẻ cáu gắt, khó chịu và quấy khóc nhiều hơn
  • Ăn uống mất ngon, chậm tăng cân hoặc thậm chí sụt cân
  • Trẻ sơ sinh bú kém
  • Mức độ khó thở ngày càng tăng
  • Hai cánh mũi phập phồng 
  • Rút lõm lồng ngực, xương ức
Trường hợp bố mẹ cần đưa con đi khám khi thấy trẻ ngủ thở ra tiếng
Trẻ ngủ thở ra tiếng kèm theo ăn uống kém, cáu gắt có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng.

Đặc biệt, một số biểu hiện có thể đe dọa tính mạng mà bố mẹ cần hết sức lưu ý để kịp thời đưa trẻ nhập viện cấp cứu là:

  • Hơi thở rất yếu, ngừng thở
  • Môi tím tái, da mặt hoặc da tay chuyển sang màu xanh tím
  • Chảy nước dãi (tiết nhiều nước bọt bất thường)
  • Trẻ bắt đầu rơi vào trạng thái mệt mỏi hoặc thờ ơ

Sau khi khai thác thông tin về các triệu chứng thực tế kết hợp với một số xét nghiệm chuyên sâu cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán kết luận và tư vấn hướng điều trị phù hợp đối với tình trạng của trẻ. Các kiểm tra, xét nghiệm thường được chỉ định để phát hiện nguyên nhân trẻ ngủ thở ra tiếng là:

  • Chụp X-quang cổ hoặc ngực để kiểm tra tình trạng hẹp đường thở, đồng thời tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến sự tắc nghẽn như sẹo, vết sưng hoặc dị vật.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh ở mạch máu có thể gây chèn ép lên khí quản và thực quản.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) hoặc sử dụng máy đo oxy xung để ghi nhận nồng độ oxy và CO2 trong máu, qua đó có thể đánh giá chức năng hô hấp của trẻ.
  • Nội soi mũi họng, nội soi phế quản là phương pháp cung cấp hình ảnh thực tế giúp bác sĩ quan sát tình trạng bên trong đường thở.
  • Kết hợp chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm… để quan sát bên trong đường thở của trẻ và phát hiện các bất thường.
  • Một số phương pháp khác cũng có giá trị chẩn đoán tình trạng trẻ ngủ thở ra tiếng bao gồm nghiên cứu cử động nuốt, theo dõi giấc ngủ, xét nghiệm máu…

Để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng trẻ ngủ thở ra có tiếng kêu chủ yếu cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể, cũng như diễn biến và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Trong đó, một số nguyên nhân thường không đáng lo ngại và có thể cải thiện bằng cách áp dụng các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ. 

Mặt khác, sử dụng một số loại thuốc cũng có thể hữu ích trong việc điều trị và kiểm soát các vấn đề liên quan đến hiện tượng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thở ra tiếng khi ngủ. Tuy nhiên, trẻ em là những đối tượng cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Do đó, phương pháp dùng thuốc chỉ nên được tiến hành khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở để loại bỏ, khắc phục nguyên nhân khiến trẻ ngủ thở ra tiếng, chẳng hạn như khối u, dị vật, hẹp đường thở bẩm sinh… 

Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bạn một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng trẻ ngủ thở ra tiếng. Ngoài ra, việc xuất hiện âm thanh bất thường khi hít thở cũng có thể liên quan đến những nguyên nhân khác không được đề cập trong bài viết. Vì vậy, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường ở đường hô hấp, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị tốt nhất. Đặc biệt, bố mẹ cần thận trọng với các trường hợp xuất hiện triệu chứng khẩn cấp, có nguy cơ gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Có nên quấn chặt trẻ sơ sinh khi ngủ không? Mẹo quấn trẻ đúng cách Có nên quấn chặt trẻ sơ sinh khi ngủ không? Mẹo quấn trẻ đúng cách
Nhi khoa

Có nên quấn chặt trẻ sơ sinh khi ngủ không? Mẹo quấn trẻ đúng cách

Hội chứng Down và những điều cần biết Hội chứng Down và những điều cần biết
Nhi khoa

Hội chứng Down và những điều cần biết

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc
Nhi khoa

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK