Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc
Bên cạnh dinh dưỡng, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ cũng là điều mà bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Bởi việc ngủ đủ, ngủ ngon không chỉ giúp bé tăng trưởng tốt mà còn có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ?
Nếu bạn cũng đang có băn khoăn kể trên, vậy hãy dành vài phút cùng Bowtie theo dõi những chia sẻ bên dưới. Trong bài viết này, Website Bowtie sẽ giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ em cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ?” cũng như cung cấp cho bạn những bí kíp giúp bé ngủ ngon hơn.
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ em
Giấc ngủ có vai trò quan trọng giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cụ thể, giấc ngủ sẽ giúp trẻ:
Tăng trưởng nhanh: Ngủ là lúc hormone tăng trưởng được sản xuất nhiều nhất. Do đó, trẻ ngủ đủ, ngủ ngon sẽ có thể nhận được đầy đủ hormone tăng trưởng cần cho sự phát triển khỏe mạnh của cả xương, mô và các hệ cơ quan chứ không riêng chiều cao, cân nặng.
Cải thiện sức khỏe thể chất, ít bị bệnh vặt: Giấc ngủ ngon sẽ cải thiện sức mạnh của hệ miễn dịch và giúp trẻ ít bị các mầm bệnh như virus, vi khuẩn tấn công hơn. Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng làm giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tim mạch.
Nâng cao khả năng nhận thức: Giấc ngủ có thể giúp tăng cường sức mạnh của não bộ và là yếu tố quyết định rất lớn đến khả năng nhận thức của bé. Ngoài ra, việc có một giấc ngủ ngon còn giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ và giúp bé có chỉ số IQ cao hơn.
Trẻ em cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ?
Thực tế, sẽ không có câu trả lời cố định cho câu hỏi “Trẻ em ngủ bao nhiêu tiếng là đủ?” hay “Trẻ em cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?”. Bởi vì thời gian ngủ cần thiết cho trẻ em ở mỗi độ tuổi sẽ có đôi chút khác biệt. Ngoài ra, tùy sức khỏe và thể trạng mà thời gian ngủ của từng bé cũng sẽ có sự dao động.
Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu tiếng trong 1 ngày?
Nếu bạn băn khoăn “Trẻ em mới sinh ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày?” thì thông thường, các bé dưới 1 tháng tuổi sẽ cần ngủ 16 tiếng mỗi ngày với 8 tiếng vào ban đêm và 8 tiếng vào ban ngày. Ở giai đoạn này, bé sẽ ngủ rất nhiều nhưng thời lượng mỗi giấc ngủ thường ngắn, chỉ khoảng 1 – 2 tiếng cho mỗi giấc. Khi lớn dần, dù thời gian ngủ hằng ngày ít lại nhưng bé sẽ ngủ nhiều hơn trong mỗi giấc.
Trẻ hơn 1 tháng đến dưới 3 tuổi cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?
Trong quá trình chăm sóc, nhiều mẹ cũng sẽ thắc mắc không biết trẻ 1 – 2 tháng, trẻ 3 – 5 tháng, trẻ 9 – 11 tháng hay trẻ 2 – 3 tuổi cần ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày là đủ. Nếu bạn cũng đau đầu đi tìm đáp án cho những câu hỏi này, vậy hãy tham khảo thời gian ngủ được khuyến nghị theo tháng tuổi cho các bé nhỏ trong bảng thông tin dưới đây:
Độ tuổi
Tổng thời lượng ngủ
Tổng số giờ ngủ ban đêm
Tổng số giờ ngủ ban ngày
1 – 2 tháng
15,5 tiếng
8 – 9 tiếng
7 tiếng
3 – 5 tháng
15 tiếng
9 – 10 tiếng
4 – 5 tiếng
6 – 8 tháng
14 tiếng
10 tiếng
4 tiếng
9 – 11 tháng
14 tiếng
11 tiếng
3 tiếng
12 – 17 tháng
14 tiếng
11 tiếng
3 tiếng
18 – 23 tháng
13,5 tiếng
11 tiếng
2,5 tiếng
24 tháng đến dưới 3 tuổi
13 tiếng
11 tiếng
2 tiếng
Bé trên 3 tuổi cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Đối với các bé lớn, tổng thời gian ngủ mỗi ngày được khuyến nghị theo độ tuổi như sau:
Bố mẹ phải làm sao để giúp trẻ ngủ đủ và ngon giấc?
Có thể thấy, một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt. Theo đó, bố mẹ có thể thử áp dụng một số mẹo để giúp con ngủ đủ và ngon giấc hơn.
Mẹo hay giúp bố mẹ dỗ bé nhỏ ngủ ngon
Với nhiều bố mẹ, việc cho các bé nhỏ đi ngủ có thể rất khó khăn bởi các bé cứ quấy khóc hoặc mãi mà không chịu ngủ. Nếu bạn và các thành viên trong gia đình cũng đang không biết làm sao để dỗ bé ngủ ngon, ngủ sâu, vậy hãy thử một vài bí quyết dưới đây của Bowtie nhé:
Tạo cho bé một môi trường ngủ, phòng ngủ thoải mái với nhiệt độ phù hợp, ánh sáng nhẹ và yên tĩnh
Trước giờ đi ngủ, bạn cần tránh chơi hoặc giỡn với bé, thay vào đó bố mẹ hãy hát ru nhẹ nhàng hoặc có thể vỗ về để bé thiếp đi từ từ
Khi bé có dấu hiệu buồn ngủ như dụi mắt, bạn hãy đặt bé lên giường. Điều này sẽ giúp bé hình thành sự liên kết giữa giường ngủ và việc chuẩn bị đi ngủ. Về sau, bé sẽ có thói quen cứ được đặt lên giường là sẽ tự đi ngủ.
Khi cho bé ngủ, bạn nên đặt bé nằm ngửa, đồng thời hạn chế đặt nhiều gối, chăn, thú bông trong nôi, cũi hoặc giường ngủ của bé
Nếu bé quấy khóc trong vài phút trước khi ngủ, hãy an ủi, vỗ về để làm dịu bé. Sau đó, bạn nhẹ nhàng đặt bé vào giường và để bé ngủ thiếp đi.
Một số trẻ ngủ ngon hơn khi được quấn trong chăn. Thế nhưng, bạn hãy lưu ý tránh quấn quá chặt. Ngoài ra, việc này cũng nên dừng lại khi bé bắt đầu biết lăn, thường là vào khoảng tháng thứ 4.
Có thể cân nhắc cho bé dùng núm vú giả nếu bạn gặp khó khăn khi dỗ bé
Mách bố mẹ tuyệt chiêu chăm sóc giấc ngủ cho bé lớn
Đối với các bé lớn và trẻ ở độ tuổi vị thành niên, bạn có thể xây dựng cho bé một thời gian biểu đi ngủ phù hợp. Đồng thời, hãy cố gắng tạo cho bé một môi trường ngủ thoải mái để bé ngủ ngon hơn. Dưới đây là các tuyệt chiêu bạn có thể thử:
Thiết lập và duy trì cho bé một lịch trình đi ngủ cũng như thức dậy đều đặn, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Khuyến khích bé thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách, tắm hoặc tập thở.
Đa số trẻ em ít ngủ trưa từ 3 – 5 tuổi. Với các bé trên 5 tuổi vẫn còn ngủ trưa, giấc ngủ không nên dài quá 20 phút và không ngủ sau 1h chiều. Điều này sẽ giúp bé tránh bị khó ngủ vào ban đêm.
Nếu trẻ sợ khi ngủ trong bóng tối, bạn có thể động viên, khen ngợi và khuyến khích bé. Ngoài ra, bạn nên tránh cho trẻ xem các chương trình truyền hình, phim ảnh và trò chơi máy tính có hình ảnh đáng sợ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trang bị cho bé một chiếc đèn ngủ nhỏ, có màu ấm để bé thấy thoải mái hơn.
Tránh để phòng ngủ của bé quá sáng hoặc ồn ào.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với TV, màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể gây khó ngủ.
Nếu bé hay xem giờ, hãy di chuyển đồng hồ đến một nơi mà bé không thể nhìn thấy
Cho bé ăn uống đầy đủ, đúng giờ vào bữa tối để tránh cảm thấy quá no hay quá đói. Ngoài ra, bạn cần hạn chế cho bé dùng các thức uống có caffeine như nước tăng lực, cà phê, trà, sô-cô-la và coca vào buổi chiều.
Khuyến khích trẻ vận động, hoạt động ngoài trời để nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng.
Tóm lại, chăm sóc giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Do đó, đây là điều mà bố mẹ cần hết sức lưu tâm. Hy vọng bài viết này của Bowtie đã giúp bạn biết được trẻ cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày để chăm sóc giấc ngủ cho con tốt hơn. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, nếu bạn thấy bé có các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ bé gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.