Nếu bạn đang rơi vào tình huống này và băn khoăn không biết mình có thai hay không, vậy hãy cùng Bowtie Việt Nam xem tiếp những chia sẻ bên dưới để phần nào có lời giải đáp nhé!
Đáp án là có thể có hoặc không. Nếu bạn có quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp ngừa thai, nhất là khi quan hệ vào thời gian rụng trứng (những ngày dễ có thai) thì khả năng bạn mang thai khá cao. Lý do của việc không có các dấu hiệu khác như ốm nghén, mệt mỏi, đau căng vú…. có thể là do thai kỳ vẫn còn ở giai đoạn sớm nên chưa có các triệu chứng rõ ràng hoặc bản thân cơ địa của mẹ bầu tốt, cơ thể đáp ứng tốt với những thay đổi của nội tiết nên không xuất hiện các vấn đề nào khác ngoài trễ kinh.
Thời gian nhận thấy biểu hiện có thai sẽ khác nhau ở mỗi phụ nữ. Một số có thể nhận biết mình có thai chỉ sau 1 – 2 tuần thụ thai. Trong khi đó, một số khác mất 5 – 6 tuần mới nhận thấy triệu chứng. Do đó, nếu bạn trễ kinh và đã quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai nào thì hoàn toàn có khả năng là đã mang thai.
Tuy nhiên, điều này sẽ không chính xác 100% bởi thực tế, nguyên nhân gây trễ kinh rất đa dạng. Ngoài mang thai thì còn có rất nhiều lý do khác có thể gây trễ kinh, từ lối sống cho đến các vấn đề về sức khỏe.
Nhiều nguyên nhân có thể khiến phụ nữ bị “chậm kinh”. Vì vậy, nếu bị trễ kinh mà không có các dấu hiệu mang thai khác, bạn cũng cần nghĩ đến trường hợp mình đang gặp phải một số vấn đề hoặc tình trạng sức khỏe. Theo đó, dưới đây là các nguyên nhân gây trễ kinh không phải mang thai thường gặp:
Nguyên nhân khiến bạn bị trễ kinh có thể đến từ các biện pháp tránh thai mà bạn đã sử dụng. Chẳng hạn, một vài phụ nữ có thể bị trễ kinh sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Vì vậy, nếu bạn đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục mà nhận thấy bị trễ kinh thì cũng đừng vội nghĩ mình có thai, bởi đó có thể là tác dụng phụ của thuốc.
Một “thủ phạm” khác có thể khiến bạn lo lắng khi bị trễ kinh đó là hội chứng buồng trứng đa nang. Những người mắc hội chứng này hay bị trễ kinh do quá trình rụng trứng bất thường. Ngoài trễ kinh, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác nghi ngờ mắc hội chứng này như tăng cân, lông mọc rậm rạp…
“Chậm kinh” nhưng không có dấu hiệu mang thai còn có thể là biểu hiện của tình trạng suy buồng trứng sớm, nhất là nếu tình trạng này diễn ra hơn 1 năm hoặc sau khi bạn mang thai/ngừng dùng thuốc ngừa thai. Suy buồng trứng sớm xảy ra nếu buồng trứng hoạt động kém hiệu quả trước 40 tuổi. Khi đó, buồng trứng sẽ không sản xuất đủ “hormone sinh dục” hoặc “giảm rụng trứng”. Với tình trạng này, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Nếu bạn bị “chậm kinh” nhưng không có dấu hiệu có thai, “thủ phạm” rất có thể là do căng thẳng, lo âu. Khi bạn bị tình trạng này thường xuyên, chu kỳ kinh nguyệt cũng có khả năng bị ảnh hưởng, trở nên ngắn hoặc dài hơn bình thường. Thậm chí, tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài còn có thể khiến bạn rối loạn chu kỳ kinh nguyệt trầm trọng (chu kỳ kinh kéo dài) hoặc cảm thấy mệt mỏi, đau bụng nhiều hơn trong quá trình hành kinh.
Bài viết liên quan:
Giảm cân hoặc tăng cân đột ngột cũng có thể là lý do khiến bạn trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai. Tình trạng sụt cân và chứng chán ăn khiến vùng dưới đồi ngừng sản xuất nội tiết tố điều hòa hoạt động của buồng trứng. Trong khi đó, tăng cân thường liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Tất cả những vấn đề này đều có thể khiến kinh nguyệt của bạn đến chậm hơn bình thường.
Nếu bạn lớn tuổi thì có thể nghĩ đến lý do tiền mãn kinh khi gặp phải tình trạng trễ kinh nhưng không có dấu hiệu có thai. Nữ giới thường có xu hướng mãn kinh ở tuổi trên 45. Tuy nhiên, trước thời kỳ này, bạn sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đây là giai đoạn mà bạn rất hay bị trễ kinh. Trong giai đoạn này, thay vì chu kỳ kinh là 28 ngày thì chúng có thể cách nhau đến 36 hoặc 48 ngày.
Các khối u tuyến yên có thể kích thích sản xuất prolactin, một loại nội tiết tố báo hiệu quá trình tiết sữa mẹ và là một trong những nguyên nhân gây trễ kinh ở phụ nữ. Nếu nguyên nhân là do tình trạng này, bạn có thể gặp phải thêm một số dấu hiệu như đau đầu, mờ mắt và tiết dịch ở vú dù không cho con bú. Tuy nhiên, tình trạng này thường khá hiếm gặp.
Đái tháo đường và bệnh tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng trễ kinh. Mặc dù vẫn đang được nghiên cứu, nhưng những thay đổi về lượng đường trong máu được cho là có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Trong khi đó, hormone tuyến giáp có vai trò kiểm soát và điều hòa chu kỳ kinh. Các bệnh lý tuyến giáp gây mất cân bằng hormone tuyến giáp cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều.
Sự căng thẳng do hoạt động thể chất cường độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone giúp điều hòa kinh nguyệt. Ngoài ra, việc giảm quá nhiều mỡ do luyện tập cũng có thể gây rối loạn quá trình rụng trứng. Lúc này, các chuyên gia y tế thường khuyên bạn nên giảm mức độ tập thể dục lại.
Bên cạnh các thuốc tránh thai, một số loại thuốc khác cũng có khả năng gây rối loạn kinh nguyệt và khiến phụ nữ bị trễ kinh. Các thuốc này có thể kể đến như aspirin và các thuốc làm loãng máu, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), liệu pháp hormone, thuốc điều trị các bệnh tuyến giáp, thuốc dùng trong hóa trị ung thư…
Nếu bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai và đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để xem liệu thuốc có phải nguyên nhân gây nên tình trạng trễ kinh của bạn hay không nhé.
Như chúng ta đều biết, rượu bia và thuốc lá có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, việc uống rượu bia hoặc hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động) gián tiếp gây ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ, từ đó tác động đến chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, trong đó có trễ kinh.
Như bạn đã thấy, trễ kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Một số nguyên nhân trong số đó không quá nguy hiểm và thường có tác động tạm thời, chẳng hạn như sử dụng thuốc tránh thai, luyện tập thể dục quá mức, thay đổi cân nặng đột ngột hoặc đang cho con bú… Ngược lại, trong một số trường hợp khác, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn và cần được điều trị y tế, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang, khối u tuyến yên, đái tháo đường hoặc bệnh tuyến giáp.
Chính vì vậy, bạn không nên lơ là với tình trạng trễ kinh, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài nhiều tháng hoặc đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác như ra dịch hoặc ra máu âm đạo bất thường, đau bụng, đau vùng chậu, đau đầu, mờ mắt và tiết dịch ở vú dù không cho con bú…
Nếu bạn bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu, triệu chứng mang thai, và đã có quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp ngừa thai nào thì có thể sử dụng que thử thai để giúp xác định mình có mang thai không. Nếu kết quả 2 vạch, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám để xác định chắc chắn việc mang thai, đồng thời để kiểm tra xem thai kỳ của bạn có gặp vấn đề gì hay không.
Còn nếu kết quả 1 vạch dù bạn đã thử nhiều lần thì rất có thể bạn bị trễ kinh do những nguyên nhân khác chứ không phải do mang thai. Lúc này, bạn cần theo dõi thêm để xem mình có kinh nguyệt trở lại hay không. Nếu có các dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng chậm kinh vẫn tiếp tục trong thời gian dài, tốt nhất bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân.
Tóm lại, trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai thì vẫn có khả năng đã có thai, nhất là nếu bạn quan hệ tình dục mà không dùng bất cứ biện pháp ngừa thai nào trước đó. Nếu gặp phải tình huống này, bạn nên dùng que thử thai để xác định xem mình có mang thai không. Nếu không có thai, bạn có thể theo dõi thêm vài ngày hoặc đến kiểm tra tại các cơ sở y tế để xác định tình trạng sức khỏe “kinh nguyệt” của mình.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.