Nhi khoa
Nhi khoa

Trẻ nhỏ thở khò khè và nghẹt mũi: Bố mẹ nên xử lý như thế nào?

Trong những năm tháng nuôi con, bố mẹ nào cũng ít nhất một lần đối mặt với tình trạng trẻ khò khè, nghẹt mũi. Đây là một trong những tình trạng phổ biến nhưng bố mẹ cần biết cách xử lý nhanh để giảm bớt khó chịu cho bé.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-01
Cập nhật ngày 2023-08-29
Nội dung chính
Em bé bị nghẹt mũi, thở khò khè là do đâu?Cách giúp bố mẹ xử trí nhanh tình trạng trẻ bị nghẹt mũi, thở khò khè tại nhàBố mẹ lưu ý trường hợp cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay
Trẻ nhỏ thở khò khè và nghẹt mũi: Bố mẹ nên xử lý như thế nào?

Vậy trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị nghẹt mũi, thở khò khè là do đâu? Khi bé bị khò khè, nghẹt mũi thì bố mẹ nên xử lý thế nào? Trong bài viết hôm nay, Bowtie Việt Nam sẽ gợi ý cho bạn một số nguyên nhân gây nên tình trạng này cùng vài mẹo nhỏ để bố mẹ giúp con giảm khò khè, nghẹt mũi ngay tại nhà. 

Em bé bị nghẹt mũi, thở khò khè là do đâu?

Trẻ bị khò khè, nghẹt mũi là do tắc nghẽn trong đường thở. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, chúng có thể bao gồm:

Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Các triệu chứng liên quan đến cảm lạnh thường là nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho khan, đau họng và hắt hơi. Khi bị cảm lạnh, con bạn thường mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu hoặc sốt. 

Theo các bác sĩ, triệu chứng cảm lạnh thường tự cải thiện sau khoảng 7 – 10 ngày. Tức là, trẻ em bị nghẹt mũi, thở khò khè do cảm lạnh sẽ tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần cho bé đi thăm khám bác sĩ. 

Cúm

Mặc dù có thể tác động đến các bộ phận khác nhưng cúm chủ yếu ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và phổi của trẻ. Với những bé khỏe mạnh, bệnh sẽ tương tự như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và những trẻ mắc các bệnh lý mạn tính, cúm có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan khi con mắc phải bệnh lý này.

Các triệu chứng phổ biến của cúm là trẻ sốt cao đột ngột, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, thở khò khè, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Dị ứng

Khi trẻ hít phải các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, vảy da thú cưng…, cơ thể sẽ giải phóng ra histamine và các chất khác gây dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể khiến trẻ thở khò khè, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt, da đỏ, nổi mề đay… thậm chí khó thở, sốc phản vệ (đe dọa tính mạng). 

Hít phải mùi lạ, mùi nồng

Tương tự như dị ứng, các mùi hương lạ, mùi nồng như khói thuốc, nước hoa, nước xả vải… sẽ kích thích quá trình phản ứng lại ở đường hô hấp của trẻ em. Lúc này, mũi sẽ tăng tiết chất nhầy khiến bé bị nghẹt mũi, đồng thời gây hắt hơi, thở khò khè hoặc thậm chí khó thở. 

Hít thở không khí khô thường xuyên

Việc hít phải không khí khô thường xuyên sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết ra nhiều chất nhầy để làm ẩm đường thở, từ đó có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi. Ngoài ra, các phân tử trong không khí khô sẽ gây co thắt tiểu phế quản và đôi khi cũng khiến bé thở khò khè, thở có âm thanh lớn.

Có dị vật trong mũi

Trẻ em có thể vô tình để dị vật như đồ chơi, pin nút… “chui vào” mũi và khiến mũi bị đau, chảy máu hoặc có hiện tượng chảy mũi, nghẹt mũi. Dị vật gây chặn đường thở còn dẫn đến khó thở, thở khò khè ở trẻ em. Trong trường hợp này, bố mẹ cần phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ sớm nhất. 

Lệch vách ngăn mũi

Lệch vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn mũi (phần xương và sụn chia đôi mũi) bị vẹo khiến một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc do trẻ bị chấn thương mũi. 

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị lệch vách ngăn mũi không biểu hiện nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, trường hợp vách ngăn mũi bị lệch nặng sẽ khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khó thở, tắc nghẽn mũi, chảy máu cam, nhiễm trùng xoang thường xuyên, đau đầu, đau mặt, thở khò khè và ngủ không ngon giấc. 

Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng do virus, thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh sẽ gây sưng tấy ở thanh quản và khí quản. Đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị thở khò khè, nghẹt mũi. 

Ngoài ra, trẻ em mắc viêm thanh khí phế quản còn bị sổ mũi, ho, khàn giọng, sốt… Các triệu chứng của bệnh có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm.

Trẻ khò khè, nghẹt mũi do viêm thanh khí phế quản
Triệu chứng viêm thanh khí phế quản có xu hướng xảy ra vào ban đêm và khiến trẻ khó ngủ.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh thường là virus hợp bào hô hấp (RSV). Chúng rất dễ lây lan từ người sang người thông qua việc hít phải giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Khi bị viêm tiểu phế quản, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có các triệu chứng như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, thở khò khè, thở nhanh hoặc nông, sốt nhẹ… Một số trẻ cố gắng thở đến mức lồng ngực co rút lại (da bị kéo sát vào khung xương sườn và như sắp thụt vào trong). Tình trạng bệnh thường tồi tệ nhất vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 và cơn ho có xu hướng thuyên giảm sau 3 tuần.

Viêm VA

Viêm VA là bệnh lý xảy ra do virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây viêm cấu trúc VA nằm ở nóc vòm mũi họng. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1 – 5 tuổi, dễ xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết lạnh ẩm hoặc khi môi trường bị ô nhiễm.

Biểu hiện của bệnh viêm VA là trẻ khò khè, nghẹt mũi, sốt trên 38°C, có khi sốt cao 39-40°C kèm theo co giật, quấy khóc. Một số trẻ khác bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng…

Hen suyễn

Ho, khó thở, thở khò khè là các dấu hiệu đặc trưng của hen suyễn. Trẻ có thể gặp phải các triệu chứng này khi tiếp xúc với dị nguyên, chất ô nhiễm trong không khí, khi bị lạnh, thay đổi thời tiết hoặc sau khi vận động mạnh. Thông thường, hen suyễn ít gây nghẹt mũi, tuy nhiên nếu gặp phải triệu chứng này thì bạn cần thận trọng và nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám sớm. Bởi các vấn đề ở đường thở như nghẹt mũi có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh hen suyễn đang tiến triển xấu. 

Bài viết liên quan:

Cách giúp bố mẹ xử trí nhanh tình trạng trẻ bị nghẹt mũi, thở khò khè tại nhà

Khi trẻ khò khè, nghẹt mũi, bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau đây để giúp con giảm nghẹt mũi và thở dễ hơn:

Kê cao đầu cho bé khi ngủ

Việc dùng gối hoặc khăn kê cao đầu cho bé khi ngủ sẽ giúp dịch nhầy dễ dàng chảy ra ngoài thay vì chảy ngược vào trong mũi, từ đó làm thông thoáng đường mũi và giúp bé dễ thở hơn. Tuy nhiên, bố mẹ nên chọn gối có độ cao phù hợp, không nên dùng gối quá cao nhé.

Nhỏ mũi, rửa mũi cho bé bằng nước muối

Bố mẹ có thể mua nước muối sinh lý có bán tại các hiệu thuốc với nồng độ cho phép là 0,9% để nhỏ mũi cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ rửa mũi và tiến hành rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho con. 

Việc rửa mũi sẽ giúp làm sạch mũi, loại bỏ chất nhầy trong lỗ mũi và đẩy vi khuẩn, virus ra khỏi khoang mũi. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên rửa mũi cho bé 2 lần/ngày và rửa không quá 4 ngày liên tiếp để tránh làm mỏng niêm mạc mũi cũng như gây kích ứng mũi của trẻ. 

Rửa mũi để giảm tình trạng trẻ thở khò khè, nghẹt mũi
Rửa mũi cho bé sẽ giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả.

Tắm nước ấm cho bé

Khi trẻ khò khè, nghẹt mũi, bố mẹ nên tắm nước ấm cho con. Bởi khi tắm, hơi nước sẽ giúp cung cấp độ ẩm, làm loãng dịch nhầy, làm ấm và thông mũi. Đồng thời, việc tắm nước ấm cũng tạo cho bé cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tắm cho con quá lâu để tránh làm bệnh nặng thêm nhé.

Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương trong phòng ngủ

Tình trạng nghẹt mũi, thở khò khè ở trẻ em có xu hướng trở nên trầm trọng hơn nếu không khí xung quanh thiếu độ ẩm hoặc hanh khô. Chính vì vậy, bố mẹ nên sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương để đảm bảo độ ẩm không khí. Việc hít thở không khí ẩm sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn, giảm bớt tình trạng nghẹt mũi cũng như thở khò khè.

Cho bé bú đầy đủ và bổ sung thêm nước

Nước và sữa sẽ làm loãng dịch nhầy và giúp đường thở của bé thông thoáng hơn. Chính vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ bú và uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể không bị thiếu nước hoặc mất nước. Đặc biệt, với các bé nhỏ, sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng có khả năng gây nghẹt mũi, thở khò khè. 

Vệ sinh môi trường sạch sẽ để hạn chế các tác nhân gây dị ứng

Môi trường xung quanh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân có thể khiến trẻ bị dị ứng như phấn hoa, vảy da thú cưng, nấm mốc… Đồng thời, bố mẹ cũng cần thường xuyên giặt chăn ga, gối đệm của bé. 

Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc

Khói thuốc lá rất độc hại, không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể khiến tình trạng thở khò khè, nghẹt mũi ở trẻ em trở nên trầm trọng hơn. Do đó, nếu nhà bạn có người hút thuốc lá, bạn cần tránh cho bé tiếp xúc và hít phải khói thuốc. 

Tăng cường đề kháng cho bé

Việc tăng cường đề kháng sẽ giúp trẻ có đủ sức khỏe để chống chọi lại các tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như virus và vi khuẩn. Việc này có thể làm giảm các triệu chứng như thở khò khè, nghẹt mũi và giúp bé mau khỏi bệnh hơn. Theo đó, bố mẹ hãy tăng cường miễn dịch cho con bằng cách:

  • Tắm nắng hoặc khuyến khích trẻ ra ngoài chơi đùa để nhận được nhiều vitamin D từ ánh nắng mặt trời (chỉ nên thực hiện vào sáng sớm)
  • Bổ sung men vi sinh hoặc cho bé ăn thêm một số thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, kefir…
  • Thêm vào thực đơn ăn uống của bé các loại trái cây, rau củ, các loại hạt, cá béo…
  • Đảm bảo trẻ ngủ ngon và đủ giấc
  • Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế để trẻ bị căng thẳng, cả về thể chất lẫn tinh thần
  • Tiêm vaccine đúng lịch cho trẻ
Tăng cường đề kháng giúp giảm tình trạng trẻ khò khè, nghẹt mũi
Bố mẹ có thể tăng cường miễn dịch cho bé bằng cách bổ sung thêm rau xanh, trái cây vào chế độ ăn uống.

Bố mẹ lưu ý trường hợp cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay

Trong trường hợp trẻ bị khò khè, nghẹt mũi, nếu bố mẹ nhận thấy các biểu hiện bất thường dưới đây thì cần đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán cũng như điều trị hiệu quả:

  • Trẻ bị khò khè, nghẹt mũi nhiều ngày không khỏi hoặc có xu hướng nặng dần theo thời gian
  • Trẻ nhợt nhạt, môi và da chuyển từ hồng sang tím tái
  • Trẻ không nói ra tiếng dù chỉ vài câu
  • Trẻ khó thở, thở hổn hển, thở nhanh hơn bình thường
  • Trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc, mệt mỏi
  • Bé bỏ bú mẹ, bỏ bú bình hoặc bỏ ăn
  • Bé liên tục quấy khóc và sợ hãi 
  • Trẻ bị dị ứng, phát ban, ho, sốt trên 38°C 
  • Trẻ bị nghẹn hoặc hóc dị vật, thức ăn

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân khiến trẻ khò khè, nghẹt mũi cùng với đó là cách giúp bố mẹ xử lý nhanh tình trạng này. Trường hợp bé có những biểu hiện bất thường, bố mẹ cần chủ động đưa con đi khám tại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc
Nhi khoa

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc

Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không? Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không?
Nhi khoa

Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không?

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học
Nhi khoa

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK