Trong bài viết này, Bảo hiểm Bowtie sẽ chia sẻ với bạn những “thủ phạm” hay khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi. Bạn hãy cùng dành vài phút theo dõi để phần nào có thêm thông tin và dễ dàng đoán được bé yêu đang bị bệnh gì nhằm có phương pháp can thiệp phù hợp nhé!
Nếu thấy trẻ bị ngạt mũi và ho, bạn có thể nghi ngờ bé đang mắc phải một trong các bệnh lý sau:
Cảm lạnh là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo thống kê, hầu hết trẻ em sẽ bị cảm lạnh ít nhất 6 – 8 lần mỗi năm và trẻ dưới 6 tuổi sẽ dễ bị hơn.
Nguyên nhân gây cảm lạnh thường là do virus tấn công, gây kích ứng ở niêm mạc mũi và họng. Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm virus gây cảm lạnh khi hít phải virus trong không khí do người bệnh ho, hắt hơi “phát tán” ra. Hoặc bệnh cũng có thể lây truyền do trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với giọt bắn tồn tại trên các vật dụng như tay nắm cửa, đồ chơi…
Khi bị cảm lạnh, trẻ sẽ có các biểu hiện như ngứa mũi, nghẹt mũi, ho, cổ họng ngứa ngáy và khó chịu, hắt hơi, đau họng, nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, nước mũi có thể đặc lại và chuyển sang màu xanh…
Bé bị ho và nghẹt mũi cũng có thể là biểu hiện của bệnh cúm – một bệnh lý khác cũng do virus gây ra. Giống như virus gây cảm lạnh, virus cúm cũng được lây truyền sang cho bé thông qua việc bé hít phải giọt bắn có chứa virus trong không khí hoặc tiếp xúc với giọt bắn bám trên các đồ vật xung quanh khi người bệnh ho, hắt hơi, sau đó lại vô tình đưa tay chạm vào mũi hoặc miệng. Các triệu chứng của cúm thường là trẻ bị sốt, ho, nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu, đau ở các cơ và khớp, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…
Viêm mũi dị ứng cũng là “thủ phạm” thường gặp khiến trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi. Đây là tình trạng lớp lót bên trong niêm mạc mũi bị viêm do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với dị nguyên hay các tác nhân dị ứng như khói bụi, phấn hoa, vảy da động vật, nấm mốc… có trong không khí.
Khi bị viêm mũi dị ứng, trẻ sẽ có các biểu hiện như ngứa mắt, ngứa cổ họng, chảy mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, mệt mỏi… Tuy nhiên, nếu bé bị nghẹt mũi và ho do viêm mũi dị ứng thì thường sẽ không bị sốt hay đau nhức người.
Vi khuẩn có thể xâm nhập và khiến niêm mạc đường hô hấp bị kích ứng, viêm nhiễm. Tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng…
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan và thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 3 tuổi. Bệnh lý này có thể gây sưng viêm ở thanh quản và khí quản của trẻ. Các triệu chứng của bệnh thường nhẹ, kéo dài không quá 1 tuần nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Trẻ nhỏ bị viêm thanh khí phế quản thường sẽ bắt đầu với biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi. Trong 12 – 48 giờ sau đó, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và trẻ bắt đầu ho. Ngoài ra, trẻ cũng gặp các triệu chứng khác như khàn tiếng, sốt, phát ban, đỏ mắt, sưng hạch bạch huyết… Một số trường hợp nặng, trẻ sẽ có các biểu hiện như khó thở, có cảm giác bồn chồn, hồi hộp, da vùng ngực rút vào xương sườn khi bé thở…
Ngoài các nguyên nhân kể trên, trẻ nhỏ ho, nghẹt mũi cũng có thể là do viêm xoang. Đây là tình trạng nhiễm trùng, viêm ở lớp lót niêm mạc trong các xoang cạnh mũi. Bệnh lý này thường xuất hiện sau cảm lạnh, cúm và sẽ tự khỏi trong vòng 2 – 3 tuần. Khi bị viêm xoang, trẻ có các biểu hiện như:
Một “thủ phạm” thường gặp khác cũng khiến trẻ nhỏ bị ho, nghẹt mũi là ho gà. Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện của ho gà tương tự như cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu bị ho gà, trẻ có thể ho kéo dài khoảng vài tuần hoặc vài tháng.
Cụ thể, ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ biểu hiện các triệu chứng như chảy mũi hoặc nghẹt mũi, sốt nhẹ, thỉnh thoảng ho nhẹ hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là ngưng thở và tím tái (đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ). Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 1 – 2 tuần và dường như không khác gì cảm lạnh thông thường. Do đó, bác sĩ thường không nghi ngờ hoặc chẩn đoán trẻ bị ho gà cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện.
Sau giai đoạn này, trẻ bắt đầu ho rũ rượi, dữ dội và không kiểm soát được. Những cơn ho thường kéo dài từ 1 – 6 tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến 10 tuần. Cơn ho của trẻ sẽ có các đặc điểm như:
Ở giai đoạn phục hồi, trẻ có thể ho ít hơn, nhẹ hơn và giảm dần. Tuy nhiên, các cơn ho có khả năng quay trở lại khi trẻ bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Khi thấy trẻ nhỏ có biểu hiện ho và nghẹt mũi, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để giúp trẻ bớt khó chịu và hỗ trợ các triệu chứng nhanh cải thiện:
Sữa và nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy ở mũi và làm dịu cảm giác khó chịu ở cổ họng, từ đó cải thiện tình trạng ho và nghẹt mũi của trẻ nhỏ. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị nghẹt mũi và ho, bố mẹ nên tăng số cữ bú trong ngày cho bé. Còn với các bé lớn, bố mẹ hãy nhắc nhở bé uống đủ nước mỗi ngày nhé.
Bài viết liên quan:
Không khí khô có thể khiến bé ho nhiều hơn, đồng thời kích thích mũi sản xuất nhiều chất nhầy làm tăng tình trạng nghẹt mũi. Để khắc phục tình trạng trên, bố mẹ hãy sử dụng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng của bé. Điều này sẽ giúp tăng độ ẩm của không khí, giúp bé bớt ho và nghẹt mũi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vệ sinh máy sạch sẽ, thay nước thường xuyên để tránh vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Đối với các bé nhỏ, nếu sử dụng nước muối nhỏ mũi, bạn hãy nhỏ hai giọt vào mỗi lỗ mũi của bé để làm loãng chất nhầy bên trong. Sau đó, bạn sử dụng bóng hút mũi để rút nước muối và chất nhầy ra ngoài. Bố mẹ có thể thực hiện việc vệ sinh mũi cho bé vào khoảng 15 phút trước giờ đi ngủ. Điều này sẽ giúp bé dễ thở hơn khi bú và khi ngủ.
Còn với các bé lớn, bạn có thể nhỏ mũi và khuyến khích bé “xì mũi” ra ngoài. Ngoài ra, để vệ sinh họng, bạn hãy dạy bé cách súc họng bằng nước muối.
Bạn có thể cho một ít nước nóng ra chậu, sau đó đóng hết cửa lại và để bé xông hơi khoảng 10 – 15 phút. Điều này sẽ giúp bé bớt ho, nghẹt mũi và thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng phương pháp này với các bé quá nhỏ. Ngoài ra, việc tắm cho bé bằng nước ấm cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự đấy.
Đối với các bé trên 1 tuổi, bạn có thể cho trẻ dùng 1 muỗng cà phê mật ong pha với nước ấm mỗi ngày để tăng cường miễn dịch, giúp làm dịu cổ họng, giảm ho, nghẹt mũi và nhiều triệu chứng khác. Tuy nhiên, nếu bé dưới 1 tuổi thì bạn không áp dụng cách này vì có thể khiến bé bị ngộ độc.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi thường đồng nghĩa với việc trẻ đang bị ốm và không khỏe. Vì vậy, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn nhằm lấy lại sức khỏe, thúc đẩy quá trình hồi phục.
Khi con ngủ, bạn có thể kê gối để giúp bé nâng cao đầu. Điều này sẽ hạn chế việc dịch nhầy chảy ngược về phía sau mũi và họng, từ đó giảm nghẹt mũi và ho.
Khói thuốc là một tác nhân có thể gây viêm mũi ở trẻ em. Ngoài ra, khói thuốc cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nghẹt mũi và ho. Vì vậy, bố mẹ không nên hút thuốc trong nhà và giữ trẻ tránh xa khói thuốc.
Việc này sẽ giúp trẻ hạn chế nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, nấm mốc… từ môi trường xung quanh. Bạn nên chú ý vệ sinh nhà cửa, đồng thời giặt chăn, drap, gối, đồ chơi của bé thường xuyên.
Trên đây là một số cách có thể giúp bố mẹ giảm nhẹ tình trạng ho và nghẹt mũi ở trẻ em. Trong quá trình chăm sóc, bố mẹ không nên tự ý cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ uống thuốc ho hoặc bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ. Bởi thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Dù trẻ nhỏ ho, nghẹt mũi là tình trạng rất thường gặp nhưng bố mẹ cũng cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây thì bố mẹ nên sắp xếp thời gian đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, từ có cách điều trị ho và nghẹt mũi cho bé phù hợp:
Ngoài ra, trong một số trường hợp sau, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức:
Trên đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ nhỏ ho, nghẹt mũi mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Trẻ nhỏ bị nghẹt mũi và ho là vấn đề rất phổ biến. Khi thấy con có các biểu hiện này, bố mẹ cần chú ý theo dõi và có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để giảm triệu chứng và giúp bé dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bé không thuyên giảm và ngày một nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.