Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Trật cổ khi ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách xử lý ngay hiệu quả

Tình trạng trật cổ khi ngủ sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong những cử động đơn giản như quay đầu, xoay cổ. Việc thức dậy với cơn đau ở cổ có thể làm bạn cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động của cả ngày dài. Hiểu được nguyên nhân bị trật cổ, trẹo cổ khi ngủ sẽ giúp bạn có cách khắc phục tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-03
Cập nhật ngày 2023-08-03
Nội dung chính
Ngủ dậy bị trật cổ: Nguyên nhân do đâu?Những cách "xử lý nhanh" tình trạng trật cổ khi ngủ dậyLàm cách nào hạn chế tình trạng bị trật cổ, vẹo cổ khi ngủ?Khi nào tình trạng ngủ dậy bị trật cổ cần được thăm khám chuyên khoa?
Trật cổ khi ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách xử lý ngay hiệu quả

Vậy nguyên nhân bị trẹo cổ khi ngủ là gì? Khi bạn bị trật cổ thì nên làm gì để xử lý và hạn chế? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Bowtie Việt Nam.

Ngủ dậy bị trật cổ: Nguyên nhân do đâu?

Một số trường hợp bị trật cổ, trẹo cổ sau khi ngủ dậy có thể do bạn nằm chưa đúng tư thế hoặc do các nguyên nhân phổ biến dưới đây:

Tư thế ngủ

Tư thế ngủ sai là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị trật cổ khi ngủ, đặc biệt nếu bạn nằm sấp. Đây là tư tế ngủ buộc bạn phải xoay đầu sang một bên trong vòng nhiều giờ. Duy trì tư thế này lâu sẽ làm căng cơ ở cổ và gây ra cảm giác đau cứng cổ khi ngủ dậy. Bên cạnh đó, việc nằm sấp cũng gây áp lực cho cột sống và các cơ ở lưng, từ đó dẫn đến đau lưng. 

Loại gối sử dụng

Việc lựa chọn một chiếc gối phù hợp để gối đầu sẽ giúp tạo cho bạn cảm giác thoải mái khi ngủ, đồng thời hạn chế tình trạng đau mỏi cổ khi thức dậy. Một chiếc gối quá thấp hoặc quá cao sẽ khiến đầu nằm ở những vị trí không thoải mái, từ đó gây căng thẳng cho cổ và có thể dẫn đến trật cổ khi thức dậy. Do đó, bạn nên chọn loại gối mềm, có độ cao vừa phải để hỗ trợ nâng đỡ đầu và cổ tốt hơn, từ đó duy trì tư thế ngủ thoải mái để hạn chế tình trạng trẹo cổ. 

Các chuyển động đột ngột khi ngủ

Chuyển động đột ngột khi đang ngủ cũng là một trong những lý do gây trật cổ thường gặp. Nếu đang nằm ngủ nhưng có việc gì đó khiến bạn ngồi bật dậy hoặc thực hiện các động tác khua chân tay thì có thể gây căng cơ cổ và dẫn đến vẹo cổ. Thậm chí, việc lăn qua lăn lại hoặc trằn trọc không ngủ được cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực lên cổ và dẫn đến những ảnh hưởng tương tự. 

Tư thế đứng, ngồi và hoạt động trong ngày

Nguyên nhân khiến bạn bị trật cổ khi ngủ đôi khi còn do ảnh hưởng bởi các tư thế xấu lúc đứng, ngồi và hoạt động trong ngày. Theo đó, nếu bạn đi bộ hoặc ngồi lâu trong tư thế gù lưng thì không chỉ ảnh hưởng đến cột sống mà còn gây tổn thương cổ, từ đó có thể khiến bạn bị đau cổ, trẹo cổ khi ngủ.

Căng thẳng tinh thần

Áp lực trong công việc, cuộc sống có thể khiến bạn bị stress và căng thẳng thần kinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần mà còn có thể tác động đến cả sức khỏe thể chất. Một trong những ảnh hưởng này chính là gây căng thẳng ở vùng cổ, dễ khiến bạn ngủ dậy bị đau cổ hoặc thậm chí trật cổ. Không những vậy, tình trạng căng thẳng thần kinh cũng làm chậm quá trình phục hồi sau những cơn đau cổ.

Căng thẳng tinh thần là nguyên nhân gây trật cổ khi ngủ
Đôi khi, tình trạng căng thẳng, stress cũng khiến cơ thể mệt mỏi và là nguyên nhân gây trẹo cổ khi ngủ dậy.

Chấn thương trước đó

Một số chấn thương, chẳng hạn như chấn thương do giật cổ hoặc chấn thương thể thao, có thể tác động đến các cơ ở cổ. Đôi lúc, ảnh hưởng của các chấn thương này không xuất hiện ngay mà phải mất đến vài ngày bạn mới cảm nhận được. Một số người sau khi bị chấn thương cho biết, lúc đi ngủ họ vẫn bình thường nhưng sáng hôm sau thức dậy lại bị đau, căng cứng và trật cổ. 

Các bệnh lý và nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số bệnh lý và nguyên nhân khác cũng có khả năng gây trật cổ khi ngủ và khiến bạn thức dậy với cảm giác đau mỏi cổ, thường gặp là:

  • Thoái hóa các đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm ở cổ
  • Xảy ra hiện tượng chèn ép các dây thần kinh ở vùng cổ do nhiều nguyên nhân, phổ biến là thoát vị đĩa đệm và gai xương ở cổ
  • Đau cơ xơ hóa
  • Duy trì một tư thế quá lâu
  • Thiếu nước, mất nước

Bài viết hữu ích:

Những cách "xử lý nhanh" tình trạng trật cổ khi ngủ dậy

Vào một buổi sáng khi thức dậy, nếu bạn bị trật cổ, đau mỏi cổ thì có thể thử ngay một số cách đơn giản sau để “xử lý nhanh” tình trạng này: 

1. Massage vùng cổ

Bạn có thể dùng tay massage vùng cổ nhẹ nhàng để giúp giảm căng thẳng và tình trạng cứng khớp ở khu vực này. Bạn dùng ngón tay cái ấn nhẹ nhàng vào các điểm trên cổ và giữ áp lực ấy trong khoảng 60 giây để “giải phóng” các cơ. Sau đó, bạn bỏ tay ra để cổ được thư giãn một chút rồi tiếp tục ấn cho đến khi cảm giác đau mỏi cổ biến mất. Bạn có thể massage cổ cùng với các loại tinh dầu như sả, tràm trà, hoa oải hương… để tăng cường hiệu quả và mang đến cảm giác thư giãn nhiều hơn.

2. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng là một phương pháp giúp giảm đau cứng cổ hiệu quả. Hơi ấm sẽ lan tỏa khắp vùng cổ và giúp các cơ, mạch máu cũng như rễ thần kinh ở khu vực này được thư giãn, từ đó sẽ giảm tình trạng trật cổ, đau cứng cổ. Không chỉ chườm nóng, chườm lạnh cũng có thể mang đến những tác dụng tương tự.

Theo đó, khi chườm nóng hoặc chườm lạnh, bạn lưu ý chỉ nên chườm khoảng 10 – 15 phút. Đặc biệt, bạn nên đặt một chiếc khăn mỏng lên da trước khi đặt túi chườm vào để tránh gây tổn thương cho da.

3. Thực hiện các bài tập cổ

Tình trạng trật cổ, đau cổ khi thức dậy có thể được cải thiện với một số động tác, bài tập kéo giãn cổ đơn giản. Theo đó, bạn hãy đứng thẳng hoặc ngồi với hai tay áp sát người, giữ cổ và lưng thẳng rồi từ từ quay đầu sang trái cho đến khi cảm thấy hơi căng ở vùng cổ. Giữ nguyên tư thế này trong 10 – 20 giây rồi từ từ quay đầu sang bên phải và thực hiện tương tự, lặp lại 3 hoặc 4 lần cho mỗi bên. 

Động tác này sẽ giúp cổ của bạn di chuyển theo một góc 180 độ để làm giảm căng thẳng ở các cơ vùng cổ, đồng thời cải thiện lưu lượng máu đến khu vực này nhằm giảm nhanh tình trạng đau cứng cổ, trật cổ khi ngủ dậy.

Những cách
Thực hiện bài tập cổ sẽ giúp cơn đau cổ và tình trạng trật cổ giảm dần.

4. Uống thuốc giảm đau

Nếu bị trật cổ khi ngủ và cảm thấy các cơn đau không thuyên giảm mặc dù đã thực hiện massage và tập các bài tập giãn cơ kể trên thì bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol. Các loại thuốc này sẽ giúp giảm cảm giác đau, mỏi cổ khi ngủ dậy. Tuy nhiên, trước khi dùng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nhé.

Làm cách nào hạn chế tình trạng bị trật cổ, vẹo cổ khi ngủ?

Chọn gối phù hợp, thay đổi tư thế ngủ, thường xuyên tập thể dục… là những cách giúp bạn hạn chế tình trạng bị trật cổ, vẹo cổ khi ngủ, cụ thể như sau: 

1. Thay đổi tư thế ngủ

Thay vì nằm sấp, tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ sẽ tốt và có lợi cho cổ hơn. Khi nằm ngửa, bạn nên gối đầu bằng một chiếc gối mềm và có độ cao vừa phải để hỗ trợ đầu, cổ và thắt lưng tốt hơn. Nếu thích nằm nghiêng thì bạn hãy sử dụng thêm gối ôm để giữ cho cổ và cột sống thẳng hàng. 

2. Chọn gối và đệm phù hợp

Bạn nên lựa chọn gối và đệm phù hợp để giúp mang lại cảm giác thoải mái nhất khi ngủ. Theo đó, với gối, bạn hãy chọn những chiếc gối mềm, có độ cao vừa phải và được thiết kế giúp nâng đỡ đầu và cổ tốt.

Không chỉ gối, đệm cũng đóng vai trò quan trọng giúp bạn có được giấc ngủ ngon và hạn chế tình trạng trật cổ khi ngủ dậy. Những chiếc đệm quá mềm sẽ khiến cơ thể bị “nhấn chìm” bên trong còn những chiếc đệm quá cứng cũng không tốt cho cổ và cột sống. Do đó, bạn nên ưu tiên lựa chọn một chiếc đệm có độ cứng vừa phải để giúp hỗ trợ tốt hơn cho cổ và lưng. 

3. Duy trì tư thế đúng vào ban ngày

Mỗi ngày, bạn nên cố gắng duy trì tư thế tốt khi đứng, đi, ngồi hoặc làm việc. Bạn không nên khom lưng và gập cổ quá xa về phía trước. Bạn cũng không nên cúi đầu để sử dụng điện thoại quá lâu hoặc cúi khom người làm một việc gì đó trong thời gian dài. Thay vào đó, bạn nên giữ lưng và cổ thẳng, đồng thời linh hoạt thay đổi nhiều tư thế khác nhau. 

4. Tập thể dục thường xuyên

Bạn nên luyện tập thể dục đều đặn bởi các hoạt động thể chất có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, bao gồm cả những cơ ở cổ. Tập thể dục thường xuyên cũng giúp cải thiện tư thế và giảm căng thẳng, những nguyên nhân có khả năng gây cứng cơ, trật cổ khi ngủ.

5. Giải tỏa căng thẳng

Yoga, thái cực quyền, thiền và các kỹ thuật thở, chánh niệm có thể làm giảm căng thẳng và hạn chế đáng kể tình trạng ngủ dậy bị trật cổ, trẹo cổ. Việc thực hiện các hoạt động bản thân yêu thích như nghe nhạc, nấu ăn, trò chuyện với bạn bè… cũng giúp bạn thư giãn tinh thần vô cùng hiệu quả. Trong nhiều trường hợp căng thẳng nghiêm trọng hoặc trầm cảm, bạn có thể tìm đến sự tư vấn của chuyên gia tâm lý.

Giải tỏa căng thẳng giúp ngăn ngừa tình trạng trật cổ khi ngủ
Giải tỏa căng thẳng, thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ là một cách giúp hạn chế tình trạng trật cổ khi ngủ dậy.

Khi nào tình trạng ngủ dậy bị trật cổ cần được thăm khám chuyên khoa?

Trong đa số các trường hợp, tình trạng trật cổ, đau mỏi cổ khi thức dậy sẽ “biến mất” sau khi bạn massage hoặc thực hiện các động tác giãn cơ ở cổ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau cứng cổ không thuyên giảm sau khi tiến hành các phương pháp chăm sóc tại nhà kể trên hoặc cơn đau trở nên tồi tệ hơn, bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ, nhất là nếu nhận thấy thêm các triệu chứng sau đây:

  • Cứng cổ hoặc không thể vận động cổ được
  • Sốt, đau đầu dữ dội
  • Đau nặng ngực và khó thở, hụt hơi
  • Xuất hiện một khối u ở cổ
  • Hạch ở cổ sưng to, đau
  • Đổ nhiều mồ hôi, buồn nôn
  • Khi ăn, bạn cảm thấy khó nuốt
  • Bị tê hoặc ngứa ran ở tay, chân 
  • Cơn đau lan xuống các bộ phận khác như vai, cánh tay…
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc tiết niệu như đau bụng, khó tiêu hoặc khó tiểu

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết được nguyên nhân cũng như cách xử lý hiệu quả tình trạng trật cổ khi ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài và kèm theo các triệu chứng như sốt cao, đau ngực, khó thở, có khối u ở cổ…, bạn cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP
Kiến thức sức khỏe

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP

Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn
Kiến thức sức khỏe

Ức gà rán bao nhiêu calo? Cách giúp ức gà rán lành mạnh, ít béo hơn

Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy
Kiến thức sức khỏe

Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK