Ung thư
Ung thư

Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam

Các bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 ở Việt Nam và trên thế giới, chỉ sau bệnh lý tim mạch. Theo thống kê của GLOBOCAN, trong năm 2020, nước ta có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới ung thư và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-09-07
Cập nhật ngày 2023-07-30
Nội dung chính
Vì sao người Việt Nam bị ung thư ngày càng nhiều?10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam
Các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam

Ung thư là căn bệnh xảy ra khi một số tế bào của cơ thể tăng trưởng và nhân lên ngoài tầm kiểm soát, vượt qua hệ thống miễn dịch và các cơ chế bình thường của cơ thể gây hình thành khối u. Khác với các khối u lành tính, ung thư (khối u ác tính) có khả năng xâm lấn vào các mô khác cũng như di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. 

Trên thực tế, tùy vào cơ quan bị ảnh hưởng mà ung thư sẽ được chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại có đặc điểm, biểu hiện và mức độ nguy hiểm riêng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn một số thông tin cơ bản về 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.

Vì sao người Việt Nam bị ung thư ngày càng nhiều?

Việt Nam thuộc danh sách các nước có tốc độ tăng số ca ung thư nhanh nhất thế giới. Theo đó, chỉ sau 15 năm, số ca mắc mới bệnh đã tăng gấp 2 lần. Cụ thể, vào năm 1990, cả nước ta ước tính có 70.000 ca mắc mới ung thư và con số này đã tăng lên đến 150.000 bệnh nhân mới vào năm 2015. 

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho điều này. Đầu tiên, nhờ sự phát triển của y học kỹ thuật mà tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Tuổi thọ càng tăng đồng nghĩa với việc thời gian phơi nhiễm và tích lũy với các yếu tố nguy cơ ung thư cũng càng dài, hơn thế nữa hệ miễn dịch của cơ thể cũng suy yếu dần theo độ tuổi nên từ đó càng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Nguyên nhân tiếp theo là vì ngày nay, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng nên đã có thêm hiểu biết và quan tâm về bệnh ung thư. Vì vậy, họ cũng bắt đầu đi tầm soát nhiều hơn, từ đó phát hiện ung thư sớm hơn. Không chỉ thế, các phương pháp chẩn đoán bệnh cũng càng được mở rộng, kết hợp với kinh nghiệm của bác sĩ nên giúp việc tìm ra bệnh dễ dàng hơn. 

Cuối cùng, một lý do khác giải thích tại sao người Việt Nam bị ung thư ngày càng nhiều là vì yếu tố nguy cơ gây ung thư ngày càng gia tăng. Người Việt càng ngày càng có nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, tiếp xúc với các tia bức xạ, hóa chất, vi sinh vật gây hại, rối loạn di truyền nội tiết, sự phát triển của một số ngành nghề, khoa học – kỹ thuật…

Tất cả những nguyên nhân này sẽ góp phần khiến tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam

Các bệnh ung thư phổ biến, thường gặp nhất ở Việt Nam gồm:

1. Ung thư gan

Ung thư gan là tình trạng các tế bào của gan phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành khối u ác tính và gây cản trở quá trình hoạt động bình thường của gan. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong nhóm các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới và đứng thứ 5 ở nữ giới.

Trên 80% bệnh nhân mắc ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan B và khoảng 5% bệnh nhân được xác định là do virus viêm gan C. Ở những bệnh nhân đồng mắc cả viêm gan B và C thì nguy cơ phát triển ung thư gan sẽ gia tăng gấp bội. Rượu bia cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Việc sử dụng trên 3 đơn vị đồ uống có cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư gan lên 16% và con số này sẽ tăng lên 22% nếu dùng trên 6 đơn vị mỗi ngày. Nguy cơ trên vẫn tăng ngay cả khi chỉ sử dụng một lượng cồn thấp (25g, tương ứng 2 đơn vị đồ uống có cồn mỗi ngày). Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan khác có thể kể đến như xơ gan, thuốc, độc tố aflatoxin B1 sinh ra từ ngũ cốc bị nấm mốc (do Aspergillus flavus), các bệnh lý của đường mật…

Ung thư gan được chia làm 2 loại chính là:

  • Ung thư gan nguyên phát: Bệnh hình thành từ chính những bất thường trong tế bào gan.
  • Ung thư gan thứ phát: Bệnh phát triển khi tế bào ung thư từ các cơ quan khác như vú, đại tràng… di căn vào gan. 

Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết ung thư gan là sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân, chán ăn, đau tức hạ sườn phải hoặc thượng vị, vàng da, vàng mắt, đi ngoài phân trắng, bụng báng, dấu sao mạch, lòng bàn tay son…

2. Ung thư phổi

Tại Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư thường gặp thứ hai sau ung thư gan. Trong năm 2020, nước ta có 26.262 ca mắc mới ung thư phổi và 23.797 ca tử vong do bệnh. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi phát triển bệnh do các yếu tố ngoại cảnh, bao gồm:

  • Thuốc lá: Theo ước tính, 80 – 90% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo thời gian và số lượng thuốc hút. Một người hút 1 gói thuốc mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần người không hút.
  • Ô nhiễm môi trường: Khói bụi, chất thải động cơ, ô nhiễm không khí… có thể góp phần gây bệnh.
  • Tiếp xúc với amiăng: Người hút thuốc có tiếp xúc amiăng có nguy cơ cao gấp 90 lần người không tiếp xúc.
  • Bụi phóng xạ và radon: Các yếu tố này làm tăng nguy cơ ung thư phổi, người tiếp xúc với mức độ radon cao tại nhà dễ mắc ung thư phổi hơn bình thường.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Di truyền: Một vài đột biến di truyền có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi
  • Một số ca mắc ung thư phổi xuất phát từ các bệnh lý mạn tính về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, u lao phổi cũ…
  • Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) cũng được cho là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Gần 25% trường hợp ung thư phổi ở người không hút thuốc có thể liên quan đến HPV.

Bệnh thường không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu của ung thư phổi như ho khan hoặc ho có đờm, ho ra máu, khó thở, khàn tiếng, đau tức ngực, đau đầu hoặc phù mặt, cổ và tay…

3. Ung thư vú

Tại Việt Nam, ung thư vú đứng đầu trong số các bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong trong năm 2020. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nữ giới bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, đặc biệt nguy cơ này càng tăng nếu có từ 2 người trở lên mắc bệnh ở lứa tuổi trẻ
  • Mang đột biến gen BRCA1, BRCA2
  • Tuổi cao
  • Phụ nữ hành kinh trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi
  • Phụ nữ mang thai muộn hoặc không mang thai và không cho con bú, phụ nữ độc thân
  • Béo phì, chế độ ăn giàu chất béo
  • Sử dụng rượu
  • Có mô vú dày
  • Viêm vú trong khi sinh đẻ và một số bệnh vú lành tính
  • Từng điều trị bệnh bằng xạ trị vùng ngực hoặc tiếp xúc với thuốc diethylstilbestrol (DES)

Ung thư vú thường gặp ở nữ giới nhưng nam giới vẫn có nguy cơ mắc bệnh (chiếm 1% các trường hợp). Theo đó, người bệnh có thể nhận thấy một số bất thường ở vú như:

  • Nổi cục u ở vú hoặc dưới cánh tay
  • Xuất hiện hạch ở nách hoặc ở hố trên xương đòn
  • Núm vú bị tụt, đau hay tiết dịch bất thường
  • Vùng da vú bị ngứa, đỏ, có vảy, bị lõm hay nhăn nheo giống dấu da cam 
  • Vú thay đổi về kích thước, hình dạng hay cảm giác
Dấu hiệu ung thư vú
Các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.

4. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong các bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam có 17.906 ca mắc mới và 14.615 ca tử vong do ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, dẫn đến hình thành khối u. Khối u có thể xâm lấn các mô lân cận và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây tác động xấu tới sức khỏe và thậm chí là tử vong.

Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày là:

  • Yếu tố môi trường và chế độ ăn uống: Bao gồm tiêu thụ nhiều muối, thức ăn có hàm lượng nitrat cao, thức ăn khô, thức ăn hun khói, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thiếu hụt vitamin A và C, thiếu phương tiện bảo quản lạnh thức ăn…
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Vi khuẩn này gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn tới teo niêm mạc, dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư. Nhiễm HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 lần.
  • Di truyền: Theo ước tính, 1 – 15% trường hợp ung thư dạ dày có tính chất gia đình. Một số bệnh lý di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Các bệnh lý tại dạ dày
  • Nhiễm xạ

Tương tự như các bệnh ung thư khác, ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, các dấu hiệu ung thư dạ dày dần trở nên rõ rệt hơn ở giai đoạn muộn, bao gồm:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Khó nuốt
  • Cảm thấy no nhanh khi ăn
  • Đau tức bụng, đặc biệt là vùng trên rốn
  • Ợ chua, khó tiêu, đầy bụng sau khi ăn
  • Nôn muộn sau khi ăn, nôn ra thức ăn cũ
  • Đi ngoài phân đen hoặc phân có máu
  • Buồn nôn, nôn ra máu
  • Sờ thấy u ở bụng

5. Ung thư đại trực tràng

Vì đại tràng và trực tràng có cấu tạo tương đối giống nhau nên ung thư ở hai bộ phận này thường được gộp chung, gọi là ung thư đại trực tràng. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở nước ta. 

Bệnh hình thành khi các tế bào ở đại – trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo thành các khối u ác tính tại đây. Nguy cơ gây ung thư đại trực tràng thường có liên quan đến thói quen ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, nhiều thịt động vật, thực phẩm có chứa benzopyrene, nitrosamin… và ăn ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi. Ngoài ra, thừa cân, béo phì, ít vận động thể chất, hút thuốc, uống rượu bia cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển căn bệnh nguy hiểm này. 

Một số tổn thương tiền ung thư có thể kể đến như viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại trực tràng,… Yếu tố di truyền có vai trò quan trọng trong bệnh sinh của ung thư đại trực tràng, với gen sinh ung thư và các hội chứng di truyền như hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner…

Ung thư đại trực tràng thường làm thay đổi thói quen đi tiêu cũng như tính chất phân của người bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng mà bạn có thể gặp phải:

  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiêu thường xuyên
  • Phân có màu hạt dẻ, đen hoặc có máu đỏ tươi
  • Phân có hình dạng bất thường, hẹp và thuôn, có vết rãnh trên phân
  • Cảm giác không tống xuất phân hoàn toàn
  • Đau bụng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, suy nhược

6. Bệnh bạch cầu (leukemia)

Leukemia hay ung thư máu – là một nhóm các dạng ung thư liên quan đến các tế bào tạo máu. Leukemia bắt nguồn từ những bất thường ở tủy xương, dẫn đến việc sản xuất số lượng lớn các tế bào máu. 

Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân leukemia là thiếu máu, người xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, sốt, viêm loét miệng – họng, viêm phổi, nhiễm trùng da, đổ mồ hôi đêm, đau nhức xương khớp, đau ở dưới sườn trái, da dễ bầm tím, xuất huyết da, sưng hạch bạch huyết, có thể xuất huyết ở các tạng, gan – lách to, phì đại nướu răng, gầy sút, chán ăn, thể trạng suy sụp…

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây leukemia. Tuy nhiên, việc hạn chế các yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất phóng xạ và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh là cách tốt nhất để chủ động phòng tránh căn bệnh này.

7. Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt xếp hạng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nam giới. Đây là bệnh lý ác tính xuất hiện trong tuyến tiền liệt (nằm dưới bàng quang, nơi sản xuất tinh dịch ở nam giới), thường phát triển chậm và ít khi xâm lấn sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khối u có thể lan ra các cơ quan khác như xương, phổi và hạch bạch huyết.

Nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Các yếu tố dinh dưỡng như ăn nhiều thịt, chất béo, hay thói quen uống rượu, hút thuốc không liên quan rõ rệt đến nguy cơ mắc loại ung thư này. 

Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Bí tiểu, tiểu ra máu, tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, dòng nước tiểu yếu
  • Cảm giác tiểu không hết
  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch
  • Phù nề chi dưới, đau xương
  • Rối loạn cương dương

8. Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một trong các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam
Ung thư vòm họng gây đau họng, khàn tiếng, khó thở...

Ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ với tỷ lệ 9 – 10 bệnh nhân/100.000 dân/năm. Cho tới nay, nguyên nhân gây ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Nhiễm virus Epstein – Barr (EBV)
  • Yếu tố di truyền (trong gia đình có người mắc ung thư vòm họng)
  • Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, đặc biệt khi vừa hút thuốc lá vừa uống rượu thì nguy cơ sẽ cộng hưởng
  • Ăn nhiều các loại thực phẩm lên men
  • Một số ngành nghề tiếp xúc với các kim loại nặng, bụi gỗ…

Dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng bao gồm: Đau rát họng, đau hoặc ù tai, khó thở hoặc khó nói, khàn tiếng, đau đầu, chảy máu cam, khó nghe…

9. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp phát triển một cách mất kiểm soát. Ung thư tuyến giáp là bệnh thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết.

Hiện nay, người ta chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gây ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh:

  • Tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó
  • Ảnh hưởng bởi những tai nạn phóng xạ, nổ bom nguyên tử
  • Tiền sử có mắc bệnh u đơn nhân hoặc đa nhân
  • Một số ít trường hợp có tính chất gia đình và di truyền
  • Các ngành nghề tiếp xúc với các tia phóng xạ

Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp là:

  • Khàn tiếng, đau khi nuốt, nuốt vướng
  • Khó thở (khi u xâm lấn vào phế quản)
  • Cảm thấy hoặc sờ thấy khối u ở cổ
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Đau họng hoặc đau cổ

10. Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư xảy ra trong lớp tế bào tạo thành niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Ung thư nội mạc tử cung là một trong số ít các loại ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm do thường gây chảy máu âm đạo bất thường như chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh. Thêm vào đó, bệnh nhân cũng có thể bị đau vùng xương chậu, cảm thấy có khối u ở vùng chậu hoặc bị giảm cân đột ngột không rõ lý do. 

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ:

  • Thừa cân, béo phì
  • Các yếu tố gây ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone trong cơ thể phụ nữ như sử dụng liệu pháp hormone, uống thuốc tránh thai hoặc tamoxifen, mang thai, các khối u ở buồng trứng, mắc hội chứng buồng trứng đa nang…
  • Đặt dụng cụ tử cung để tránh thai
  • Tuổi cao
  • Chế độ ăn uống nhiều chất béo
  • Lười hoạt động thể chất
  • Mắc đái tháo đường type 2
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư nội mạc tử cung hoặc các rối loạn di truyền khác
  • Tiền sử cá nhân mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc tăng sản nội mạc tử cung
  • Từng xạ trị vùng chậu

Trên đây là top 10 các bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam được Bowtie Việt Nam tổng hợp. Có thể thấy, mỗi loại sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận khác nhau trên cơ thể và từ đó gây ra những biểu hiện ung thư khác nhau. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên nhanh chóng đi khám, tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì? Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì?
Ung thư

Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì?

9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang 9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang
Ung thư

9 dấu hiệu sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư
Ung thư

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK