Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?

Nếu nằm sấp hoặc thở bằng miệng khi ngủ, bạn có thể bị chảy nước bọt ra gối hoặc drap giường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng tiết nước bọt nhiều khi ngủ có thể là biểu hiện của một số bệnh lý mà bạn cần cảnh giác.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-13
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Vì sao bạn bị chảy nước bọt khi ngủ?Bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ có phải dấu hiệu bệnh lý?Cách hạn chế tình trạng chảy nhiều nước bọt khi ngủ
Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?

Trong bài viết hôm nay, Công Ty Bowtie sẽ bật mí cho bạn một số nguyên nhân có thể gây tăng tiết nước bọt khi ngủ cũng như cách hạn chế tình trạng này. Mời bạn cùng tham khảo nhé.

Vì sao bạn bị chảy nước bọt khi ngủ?

Trong một số trường hợp, tình trạng chảy nước bọt ra gối hoặc drap giường khi ngủ là hết sức bình thường. Theo đó, dù ít hơn ban ngày nhưng nước bọt vẫn được tiết ra trong khi bạn ngủ để giữ cho miệng và cổ họng luôn ẩm ướt. 

Tuy nhiên, vì phản xạ nuốt đã bị ức chế, cộng thêm việc cơ mặt có xu hướng giãn ra trong khi ngủ nên lượng nước bọt này không được nuốt xuống hoặc giữ lại trong miệng mà sẽ chảy ra ngoài. Thêm vào đó, một số yếu tố sau còn khiến nước bọt dễ chảy ra ngoài hơn: 

  • Do ngủ ở tư thế nằm sấp hoặc nghiêng: Khi bạn nằm sấp hoặc nằm nghiêng, trọng lực sẽ khiến nước bọt thoát ra khỏi miệng dễ dàng hơn.
  • Do thở bằng miệng: Nước bọt có nhiều khả năng chảy ra khỏi miệng hơn khi bạn há miệng để thở trong quá trình ngủ. Đặc biệt, việc thở bằng miệng nếu kết hợp với tư thế nằm sấp hoặc nghiêng sẽ khiến lượng nước bọt chảy ra ngoài nhiều hơn.

Bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ có phải dấu hiệu bệnh lý?

Dù là một hiện tượng sinh lý tự nhiên nhưng đôi khi, việc chảy nhiều nước bọt ra gối hoặc drap giường khi ngủ lại là dấu hiệu của một số bệnh lý mà bạn cần cảnh giác. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe có thể khiến miệng tiết nhiều nước bọt khi ngủ:  

Dị ứng và nhiễm trùng

Khi bị dị ứng hoặc nhiễm trùng, cơ thể bạn có xu hướng tiết ra nhiều nước bọt hơn để thải bỏ độc tố ra ngoài. Thêm vào đó, các tình trạng dị ứng và nhiễm trùng như cảm lạnh, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm mũi dị ứng… thường gây đau họng, nghẹt mũi, tắc nghẽn đường thở. Những triệu chứng này đôi khi buộc bạn phải thở bằng miệng. Cả hai nguyên nhân trên sẽ góp phần khiến bạn tăng tiết và chảy nhiều nước bọt khi ngủ. 

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, gây ra tình trạng ngưng thở tạm thời trong khi ngủ. Người mắc hội chứng này có xu hướng thở bằng miệng cũng như ngáy, từ đó tạo điều kiện để nước bọt thoát ra ngoài nhiều hơn. 

Ngoài ra, người bị ngưng thở khi ngủ còn có thể gặp phải các vấn đề khác như thường xuyên thức dậy trong đêm, nhức đầu, đau hoặc khô miệng vào buổi sáng, khó tập trung vào ban ngày, thường xuyên ngủ ngày…

Trào ngược dạ dày – thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) xảy ra khi một cơ trong thực quản không hoạt động bình thường, khiến dịch dạ dày có cơ hội trào ngược lên thực quản. Điều này dẫn đến kích ứng và viêm ở thực quản. 

Khi thực quản bị kích thích, cơ thể sẽ tăng sản xuất nước bọt để làm dịu tình trạng này và đẩy chất kích thích ra ngoài. Đặc biệt, bệnh dễ xảy ra khi ngủ do tư thế nằm sẽ khiến dạ dày ngang bằng với thực quản. Vì những lý do này, tăng tiết nước bọt khi ngủ là một dấu hiệu “chỉ điểm” trào ngược dạ dày – thực quản.

Rối loạn thần kinh

Một số rối loạn thần kinh có thể khiến miệng tiết nhiều nước bọt hơn, cả khi thức và khi ngủ. Trong khi đó, một số rối loạn khác gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát cơ mặt và miệng, từ đó khiến chúng không thể hoạt động hiệu quả để giữ nước bọt trong miệng. Ngoài ra, sự suy giảm thần kinh cũng làm gián đoạn tín hiệu của não nhằm báo cho cơ thể đã đến lúc nuốt nước bọt. 

Chứng nghiến răng

Chứng nghiến răng có liên quan đến việc hàm phải di chuyển về phía trước và mở miệng để thở trong quá trình ngủ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng tiết nước bọt nhiều khi ngủ. 

Bài viết liên quan:

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ do nghiến răng
Nghiến răng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn chảy nhiều nước bọt khi ngủ.

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (Bell’s Palsy)

Đây là một bệnh nhiễm trùng do virus, gây nên tình trạng yếu cơ mặt. Bệnh có thể tự khỏi sau vài tháng. Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh, các cơ trên mặt của bệnh nhân sẽ bị yếu hoặc tê liệt, dẫn đến khó giữ và tiết nước bọt quá nhiều.

Hội chứng Guillain-Barre

Hội chứng Guillain-Barre là một bệnh tự miễn. Trong đó, hệ miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh, khiến chúng bị tổn thương và hư hỏng. Khi các dây thần kinh không còn hoạt động bình thường, tình trạng yếu cơ mặt hoặc thậm chí tê liệt có thể xảy ra. Theo đó, tình trạng tiết nước bọt nhiều trước và trong khi ngủ là một biểu hiện của bệnh lý này. 

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc có thể làm tăng tiết nước bọt và khiến bạn chảy nhiều nước dãi khi ngủ, chẳng hạn như thuốc chống loạn thần, thuốc chống co giật, một số kháng sinh… Nếu đang uống thuốc theo đơn và nhận thấy tình trạng bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ, bạn có thể nghi ngờ đó là tác dụng phụ của thuốc. 

Cách hạn chế tình trạng chảy nhiều nước bọt khi ngủ

Nếu đang gặp phải tình trạng chảy nhiều nước bọt khi ngủ, bạn có thể hạn chế chúng bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

Tìm ra nguyên nhân gây chảy nước bọt và điều trị hiệu quả

Như đã đề cập, việc tiết nước bọt nhiều, không kiểm soát có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, từ tư thế ngủ đến bệnh lý. Mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị và hạn chế khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần tìm ra nguyên nhân gây chảy nước bọt cụ thể. Nếu bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ do bệnh lý, bạn cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để điều trị hiệu quả. 

Thay đổi tư thế ngủ

Những người có thói quen nằm sấp hoặc nằm nghiêng và bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng cách chuyển sang tư thế nằm ngửa. Đơn giản là vì tư thế nằm ngửa sẽ giúp nước bọt được giữ trong miệng nhiều hơn. Nếu việc thay đổi tư thế ngủ quá khó khăn, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc sử dụng thêm gối để nâng miệng cao lên khi ngủ. 

Cách hạn chế tiết nước bọt nhiều khi ngủ
Nằm ngửa sẽ hạn chế nước bọt chảy ra khỏi miệng.

Nâng cao đầu khi ngủ

Cho dù bạn nằm nghiêng hay nằm ngửa, việc kê cao đầu có thể giúp giảm thiểu khả năng nước bọt chảy ra ngoài khi ngủ. Tuy nhiên, bạn không nên nâng đầu quá cao vì có thể gây đau vùng vai gáy và lưng. Thay vào đó, bạn nên gối đầu bằng một chiếc gối cao khoảng 7 – 12cm. 

Sử dụng các thiết bị hỗ trợ

Các thiết bị bảo vệ hàm có thể là lựa chọn phù hợp cho bạn nếu bị tiết nước bọt nhiều khi ngủ. Các thiết bị này sẽ giúp giảm tình trạng chảy nước bọt, ngáy và nghiến răng khi ngủ bằng cách giúp môi khép lại và giữ cho răng, lưỡi ở đúng vị trí. 

Trong trường hợp bị chảy nước bọt do chứng ngưng thở khi ngủ, máy áp lực dương liên tục có thể được sử dụng để làm giảm tình trạng này.

Thận trọng khi sử dụng thuốc

Như đã đề cập, một số loại thuốc có thể kích thích cơ thể tăng tiết nước bọt và dẫn đến hiện tượng chảy nước bọt nhiều khi ngủ. Nếu đang dùng thuốc và gặp phải tình trạng này, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi thuốc nếu cần.

Áp dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa

Bên cạnh các cách trị tiết nước bọt nhiều khi ngủ tại nhà kể trên, trong một số trường hợp, bạn cần phải áp dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa hơn để hạn chế tình trạng này. Các phương pháp đó bao gồm: 

  • Tiêm botox: Botox có thể được tiêm vào tuyến nước bọt để điều trị tình trạng chảy nước bọt quá mức. Dù phương pháp này có ít tác dụng phụ nhưng tác dụng của nó thường chỉ kéo dài trong khoảng 3 – 4 tháng. 
  • Thuốc: Các thuốc kháng cholinergic có thể được chỉ định để giảm tình trạng chảy nước bọt quá mức. 
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp chảy quá nhiều nước bọt hoặc các phương pháp điều trị khác không mang lại lợi ích, phẫu thuật cố định vị trí hoặc loại bỏ tuyến nước bọt có thể được thực hiện để điều trị tình trạng này. 
  • Xạ trị: Dù hiếm gặp nhưng phương pháp xạ trị nhắm vào tuyến nước bọt có thể được thực hiện để điều trị tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt khi ngủ.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân gây tiết nước bọt nhiều khi ngủ. Trong một số trường hợp, bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng những cách trị tiết nước bọt nhiều khi ngủ tại nhà. Nếu không cải thiện, bạn có thể cần đến các phương pháp can thiệp y tế chuyên khoa hơn dưới sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

HIV có gây đau họng không? Đau họng do HIV kéo dài bao lâu? HIV có gây đau họng không? Đau họng do HIV kéo dài bao lâu?
Kiến thức sức khỏe

HIV có gây đau họng không? Đau họng do HIV kéo dài bao lâu?

Đau bụng thường xuyên: Yếu tố thời điểm tiết lộ nguyên nhân Đau bụng thường xuyên: Yếu tố thời điểm tiết lộ nguyên nhân
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng thường xuyên: Yếu tố thời điểm tiết lộ nguyên nhân

Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Viên ngậm đau họng và tác dụng làm dịu cơn đau hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK