Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác

Tăng huyết áp thứ phát là hệ quả nguy hiểm của nhiều bệnh lý. Một số thuốc cũng gây nên tình trạng này. Tăng huyết áp thứ phát đã khiến nhiều bệnh nhân phải đối mặt với biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Tăng huyết áp thứ phát là gì?Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phátTăng huyết áp thứ phát có biểu hiện như thế nào?Biến chứng của tăng huyết áp thứ phátCách chẩn đoán, xác định nguyên nhân tăng huyết áp thứ phátCác phương pháp giúp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp thứ phátCần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp thứ phát?
Tăng huyết áp thứ phát

Vậy tăng huyết áp thứ phát là gì? Các nguyên nhân nào gây tăng huyết áp thứ phát? Làm sao để điều trị bệnh? Đừng ngần ngại cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie cập nhật thêm một số thông tin về tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé.

Tăng huyết áp thứ phát là gì?

Tăng huyết áp thứ phát xảy ra khi trị số huyết áp tăng cao bất thường mà nguyên nhân chính là do các vấn đề sức khỏe, bệnh lý hoặc một số thuốc gây ra. Theo đó, khác với tăng huyết áp nguyên phát, nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát rất rõ ràng. Một người bị tăng huyết áp thứ phát khi trị số huyết áp tâm thu đạt 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương đạt 90mmHg trở lên sau nhiều lần đo đúng quy trình. 

Theo các bác sĩ chuyên môn, tình trạng tăng huyết áp thứ phát thường hiếm gặp và chỉ chiếm 5 – 10% tổng số ca bệnh. Tuy nhiên, không phải vì tỷ lệ thấp mà tình trạng này không “đáng sợ”. Tăng huyết áp thứ phát thậm chí còn nguy hiểm hơn do phát triển cùng lúc với tình trạng sức khỏe, bệnh lý ban đầu. Do đó, bạn không nên chủ quan.

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát

Như đã đề cập, các nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp thứ phát thường là bệnh lý, vấn đề sức khỏe hoặc một số loại thuốc. Cụ thể như sau:

Bệnh thận

Các chấn thương thận hoặc tình trạng động mạch thận quá hẹp sẽ khiến việc cung cấp máu cho cơ quan này giảm sút, từ đó kích thích cơ thể bài tiết nhiều hormone renin. Hormone này lại tiếp tục làm tăng sản xuất angiotensin II, một loại protein có thể làm tăng huyết áp. 

Một số bệnh thận cụ thể có khả năng gây tăng huyết áp thứ phát là bệnh thận đái tháo đường (biến chứng đái tháo đường trên thận), bệnh cầu thận, hẹp động mạch thận…

Bệnh tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận có khả năng sản xuất và điều hòa nhiều hormone quan trọng. Khi các tuyến này gặp vấn đề, hormone trong cơ thể sẽ bị mất cân bằng và gây ra một số hội chứng như: 

  • Hội chứng Cushing: Tuyến thượng thận sản xuất ra quá nhiều hormone cortisol, một chất có ảnh hưởng đến quá trình điều hòa huyết áp.
  • Hội chứng Conn: Với hội chứng này, cơ thể tạo ra nhiều aldosterone. Đây là loại hormone khiến thận tăng giữ natri và nước, đồng thời tăng thải kali, từ đó làm tăng huyết áp.
  • U tủy thượng thận (pheochromocytoma): Đây là một khối u hình thành ở tuyến thượng thận. Chúng khiến tuyến thượng thận sản xuất quá mức epinephrine và norepinephrine, gây ảnh hưởng đến huyết áp.

Cường tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp có vai trò sản xuất ra các loại hormone giúp điều hòa nồng độ canxi trong cơ thể. Việc hormone tuyến cận giáp được sản xuất quá nhiều sẽ làm tăng lượng canxi trong máu và cũng khiến huyết áp thay đổi. 

Các vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp hoạt động bất thường cũng có thể khiến huyết áp tăng lên. Theo đó, bệnh nhân cường giáp hoặc suy giáp có nhiều nguy cơ bị tăng huyết áp. 

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát khác

Một số lý do sau đây cũng có thể gây tăng huyết áp thứ phát:

  • Co thắt động mạch chủ: Tình trạng này liên quan đến việc động mạch chủ bị thu hẹp (có thể do bẩm sinh) và tim buộc phải làm việc nhiều hơn để đưa máu qua được chỗ hẹp. Điều này sẽ làm tăng huyết áp, nhất là ở cánh tay.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Hơi thở của người mắc hội chứng này thường bị gián đoạn, từ đó gây thiếu oxy. Việc không nhận đủ oxy sẽ làm tổn thương lớp lót trong thành mạch máu và khiến việc kiểm soát huyết áp trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, hội chứng này cũng kích thích hoạt động của hệ thần kinh và làm giải phóng một số chất có thể gây tăng huyết áp.
  • Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa càng nhiều thì lượng máu cần cung cấp cho cơ thể càng lớn, từ đó làm tăng lưu lượng máu và gây thêm áp lực lên thành mạch.
  • Mang thai: Ít người biết rằng, quá trình mang thai có thể gây tăng huyết áp hoặc làm tình trạng huyết áp cao sẵn có tồi tệ hơn.
  • Thuốc: Tăng huyết áp thứ phát có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc tránh thai chứa hormone, thuốc NSAIDs, thuốc giảm cân, thuốc chống trầm cảm…

Tăng huyết áp thứ phát có biểu hiện như thế nào?

Nhìn chung, trong đa số các trường hợp, bệnh nhân ít có biểu hiện mà chỉ nhận ra bệnh khi đo thấy trị số huyết áp trên 140/90mmHg. Người bệnh đôi khi gặp phải các dấu hiệu mơ hồ như đau đầu, tim đập nhanh, tức ngực, mệt mỏi, suy nhược, khó thở, chóng mặt, lâng lâng, giảm thị lực…

Thay vì các triệu chứng của tăng huyết áp thứ phát, người bệnh thường dễ nhận thấy các dấu hiệu của bệnh lý, vấn đề sức khỏe gây ra tình trạng tăng huyết áp hơn, chẳng hạn như:

  • U tủy thượng thận: Biểu hiện ban đầu là đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, đau đầu hoặc lo lắng.
  • Hội chứng Cushing: Các triệu chứng thường thấy là tăng cân, suy nhược, mọc lông trên cơ thể bất thường, xuất hiện các đường sọc màu tím trên da bụng hoặc phụ nữ sẽ bị mất kinh nguyệt.
  • Bệnh tuyến giáp: Cơ thể có biểu hiện suy nhược, thay đổi cân nặng, không dung nạp nhiệt độ. 
  • Hội chứng Conn: Cả người mệt mỏi và suy nhược.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Chứng bệnh này cũng khiến cơ thể mệt mỏi hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày, đồng thời ngáy to và ngưng thở trong khi ngủ vào ban đêm. 

Bài viết liên quan:

Triệu chứng tăng huyết áp thứ phát
Tim đập nhanh, tức ngực là biểu hiện thường gặp của tăng huyết áp thứ phát.

Biến chứng của tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát có thể làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe và bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng này. Thêm vào đó, nếu không điều trị, tình trạng huyết áp tăng cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác nguy hiểm hơn như:

  • Tổn thương động mạch: Khi chịu quá nhiều áp lực, động mạch có thể trở nên dày hóa và xơ cứng, từ đó tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
  • Phình mạch máu: Huyết áp tăng có thể làm mạch máu yếu đi và giãn ra, gây hình thành các túi phình. Túi phình bị vỡ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
  • Suy tim: Sau một thời gian phải chống lại áp suất cao trong động mạch, cơ tim sẽ trở nên dày lên và khó bơm máu hơn, điều này có thể dẫn đến suy tim.
  • Suy yếu và thu hẹp các mạch máu trong thận: Việc này có thể làm suy giảm chức năng của thận.
  • Các mạch máu ở mắt dày lên, bị thu hẹp hoặc rách: Những tổn thương trong mạch máu ở mắt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của bệnh nhân, đôi khi dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. 
  • Hội chứng chuyển hóa: Người bị cao huyết áp có nhiều khả năng phát triển các vấn đề chuyển hóa hoặc biến chứng của chúng, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh tim hoặc đột quỵ.
  • Mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức: Cao huyết áp không được kiểm soát cũng có thể tác động đến khả năng nhận thức, ghi nhớ và học tập.

Cách chẩn đoán, xác định nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

Để xác nhận tăng huyết áp thứ phát, các bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp bằng một máy đo chuyên dụng. Theo đó, bác sĩ thực hiện đo huyết áp cho bệnh nhân 6 – 9 lần trong nhiều lượt thăm khám riêng biệt. Mỗi lượt 2 – 3 lần, cách nhau ít nhất vài phút. Ngoài ra, bác sĩ đôi khi đề nghị bệnh nhân đo huyết áp tại nhà hoặc theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động 24h. 

Bên cạnh đó, các xét nghiệm khác cũng được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân gây cao huyết áp:

  • Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ sẽ kiểm tra được nồng độ một số chất như kali, natri, creatinin, cholesterol, triglyceride… trong máu. 
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra các vấn đề sức khỏe có khả năng khiến huyết áp tăng cao.
  • Siêu âm thận: Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh siêu âm và tìm ra những bất thường ở thận có liên quan đến tăng huyết áp thứ phát.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đây là một xét nghiệm không xâm lấn có thể giúp bác sĩ xác định xem tim của bệnh nhân có đang gặp vấn đề hay không.  
Chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát
Điện tâm đồ có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

Các phương pháp giúp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp thứ phát

Việc đầu tiên cần tập trung khi điều trị tăng huyết áp thứ phát là “xử lý” các nguyên nhân gây bệnh bằng nhiều phương pháp như sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Sau khi các tình trạng này được chữa khỏi, huyết áp có khả năng giảm xuống.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được yêu cầu thay đổi lối sống kết hợp với việc dùng thuốc giảm huyết áp. Việc thay đổi lối sống bao gồm ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia và thuốc lá, giảm căng thẳng và đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Trong khi đó, các thuốc được dùng để hạ huyết áp là: 

  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc sẽ kích thích thận loại bỏ natri và nước. Nhóm thuốc này thường là thuốc đầu tay được sử dụng.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này giúp giảm tải công việc cho tim và làm giãn các mạch máu.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Nhờ khả năng ức chế quá trình sản xuất angiotensin, thuốc ACE sẽ giúp thư giãn các mạch máu.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Thay vì tác động vào quá trình hình thành angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II lại ức chế hoạt động của protein này.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc có khả năng làm chậm nhịp tim và giãn mạch. 
  • Thuốc ức chế renin trực tiếp: Những loại thuốc này giúp ức chế hoạt động của renin, từ đó sẽ thư giãn và mở rộng các động mạch.

Cần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp thứ phát?

Phòng ngừa tăng huyết áp thứ phát là thông điệp được nhiều tổ chức y tế trong và ngoài nước khuyến nghị. Theo đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh, mỗi chúng ta nên chủ động thay đổi lối sống để giữ cho tim luôn khỏe mạnh và huyết áp ổn định. 

  • Ăn uống khoa học: Bạn hãy thử áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp. Theo đó, bạn nên ưu tiên ăn rau củ quả, ngũ cốc và thực phẩm từ sữa ít chất béo. Đồng thời, hãy bổ sung nhiều kali trong thực phẩm để giúp ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo toàn phần như thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh… 
  • Giảm muối trong khẩu phần ăn: Bạn nên tập ăn nhạt, không nên ăn quá mặn và hạn chế tiêu thụ quá 1.500mg natri mỗi ngày
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn thừa cân thì việc giảm dù chỉ 1 – 2kg cũng hạn chế được đáng kể nguy cơ tăng huyết áp.
  • Tăng cường vận động: Cân nặng và huyết áp có thể được kiểm soát hiệu quả nếu bạn chăm chỉ vận động thể chất. Hằng ngày, bạn hãy cố gắng dành khoảng 30 phút để tập luyện nhé.
  • Hạn chế rượu bia: Bạn hãy cố gắng hạn chế rượu bia hết mức có thể, nếu được thì không nên uống.  
  • Không hút thuốc: Thuốc lá gây nhiều ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Do đó, bạn không nên hút thuốc. 
  • Giảm căng thẳng: Stress, căng thẳng cũng là nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp. Nếu bị căng thẳng quá mức, bạn nên tập các bài tập thư giãn hoặc hít thở sâu. Một giấc ngủ ngon cũng giúp ích rất nhiều đấy.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được các thông tin về tình trạng tăng huyết áp thứ phát cũng như hiểu mức độ nguy hiểm của bệnh để từ đó tự đưa ra những phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Đừng để bị bệnh rồi mới tìm cách chữa trị, bạn nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp 11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp
Bệnh tim mạch

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp

Phương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp hiệu quả, an toàn Phương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp hiệu quả, an toàn
Bệnh tim mạch

Phương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp hiệu quả, an toàn

Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá
Bệnh tim mạch

Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK