Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp ở trẻ em: Cách phát hiện, phòng ngừa và điều trị

Tăng huyết áp ở trẻ em cũng có mức độ nguy hiểm giống như người lớn. Mọi biến chứng như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... đều có thể xảy ra. Lúc này, điều quan trọng là các bé cần được phát hiện bệnh sớm và có cách điều trị, kiểm soát kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-22
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Tăng huyết áp ở trẻ em là gì?Dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp ở trẻ emNguyên nhân, yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tăng huyết ápSự nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp ở trẻ emTiêu chuẩn và phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ emTrẻ em bị tăng huyết áp được điều trị như thế nào?Cách phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cho trẻ nhỏ
Tăng huyết áp ở trẻ em: Cách phát hiện, phòng ngừa và điều trị

Vậy bệnh cao huyết áp ở trẻ em là gì? Triệu chứng cao huyết áp ở trẻ em ra sao? Tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào? Để bảo vệ sức khỏe của con trẻ tốt hơn, bố mẹ hãy cùng Bowtie tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý này trong bài viết sau đây nhé!

Tăng huyết áp ở trẻ em là gì?

Tăng huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp của một người cao hơn bình thường sau khi đã được đo ít nhất 3 lần theo đúng quy trình tại các thời điểm khác nhau. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, huyết áp thường tăng theo tuổi và chiều cao. 

Do đó, thay vì một chỉ số cụ thể, tình trạng cao huyết áp ở trẻ em được xác định khi chỉ số huyết áp trung bình của các bé bằng hoặc lớn hơn mức huyết áp ở bách phân vị thứ 95 theo tuổi, giới tính và chiều cao. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp ở trẻ em

Theo các bác sĩ, tương tự như người lớn, triệu chứng cao huyết áp ở trẻ em thường không rõ ràng. Để biết con bạn có bị tăng huyết áp hay không, cách tốt nhất là bạn nên đo huyết áp cho bé tại nhà bằng máy đo huyết áp. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, các dấu hiệu cho thấy trẻ bị tăng huyết áp sẽ bao gồm:

  • Trẻ thường xuyên bị nhức đầu, choáng váng
  • Buồn nôn, nôn ói nhiều
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Mặt đỏ, thở hổn hển, tim đập nhanh
  • Hồi hộp, đổ nhiều mồ hôi
  • Giảm thị lực mắt
  • Lên cơn co giật bất thường

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tăng huyết áp

Khác với người lớn, bệnh cao huyết áp ở trẻ em thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe hoặc tác dụng phụ của thuốc cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh rõ ràng (phổ biến hơn ở trẻ trên 6 tuổi). 

Có nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ em khác nhau, nhưng thường gặp nhất là các bệnh lý ở thận. Một số bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như dị dạng mạch máu, rối loạn tuyến thượng thận, cường giáp, rối loạn giấc ngủ, bệnh Takayasu… Thêm vào đó, việc sử dụng một số thuốc để điều trị các bệnh lý khác như thuốc thông mũi, thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), thuốc NSAIDs, steroid… cũng có thể làm huyết áp của các bé tăng cao.

Trên thực tế, tình trạng tăng huyết áp có khả năng xảy ra ở bất kỳ bé nào. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây sẽ khiến con bạn dễ mắc bệnh hơn:

  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh huyết áp cao như bố mẹ, ông bà, anh chị em
  • Trẻ thừa cân, béo phì
  • Trẻ chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, gia đình, học tập
  • Trẻ lười vận động và không tập luyện thể thao
  • Ăn quá nhiều muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn

Sự nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em

Cũng giống như người lớn, tăng huyết áp ở trẻ em là bệnh không nên xem nhẹ vì chúng có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm như nhau. Các biến chứng của bệnh thường khá nặng nếu không được điều trị kịp thời. 

Theo đó, con bạn có nguy cơ đối mặt với các vấn đề sức khỏe như tổn thương mạch máu và võng mạc, tim phì đại, ảnh hưởng thần kinh và thận…. Thậm chí, một số bé bị tăng huyết áp nặng, nếu không được chữa trị kịp thời, còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, nghiêm trọng hơn là tử vong.

Bài viết liên quan: 

Sự nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em
Trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu không được điều trị tăng huyết áp kịp thời.

Tiêu chuẩn và phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em

Như đã đề cập, huyết áp của trẻ em sẽ thay đổi theo độ tuổi và chiều cao. Vì vậy, về cơ bản, không có một con số cố định để chẩn đoán tăng huyết áp cho tất cả trẻ em. Thay vào đó, mức huyết áp xác định bệnh sẽ thay đổi tương ứng với mức huyết áp ở các bách phân vị dựa theo tuổi, chiều cao và giới tính của trẻ.

Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em sẽ như sau:

Phân độ tăng huyết áp Huyết áp của trẻ từ 0 – 13 tuổi

Huyết áp của trẻ trên 13 tuổi

Bình thường Huyết áp dưới mức huyết áp ở bách phân vị thứ 90 Huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg
Tiền tăng huyết áp Từ mức huyết áp ở bách phân vị 90 hoặc từ 120/80mmHg (tùy theo giá trị nào thấp hơn) đến nhỏ hơn mức huyết áp ở bách phân vị 95 Huyết áp tâm thu từ 120 – 129mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg
Tăng huyết áp độ 1 Giá trị thấp hơn giữa:

  • Từ mức huyết áp ở bách phân vị 95 đến dưới mức huyết áp ở bách phân vị 95 + 12mmHg 
  • 130/80 – 139/89mmHg
130/80 – 139/89mmHg
Tăng huyết áp độ 2 Giá trị thấp hơn giữa:

  • Từ mức huyết áp ở bách phân vị 95 + 12mmHg trở lên
  • Từ 140/90 mmHg trở lên
≥ 140/90 mmHg

 Theo đó, để chẩn đoán bệnh cao huyết áp ở trẻ em, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và đặt một số câu hỏi để tìm hiểu về tiền sử bệnh của con bạn, tiền sử gia đình, chế độ dinh dưỡng, mức độ vận động hàng ngày… 
  • Đo huyết áp: Bác sĩ tiến hành đo huyết áp cho trẻ. Bé thường được cho nằm nghỉ trong môi trường yên tĩnh, thoải mái trước khi đo và sẽ được đo huyết áp từ 2 – 3 lần để đảm bảo độ chính xác. Nếu không đáp ứng với việc đo huyết áp tại phòng khám, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi huyết áp ngoại trú cho trẻ bằng cách đo huyết áp tại nhà hoặc đeo máy đo huyết áp liên tục cả ngày.

Trong trường hợp bé được chẩn đoán bị tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm khác để tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp cao của con bạn như: 

  • Xét nghiệm máu: Mục đích chính của xét nghiệm này là để kiểm tra chức năng thận, nồng độ chất điện giải, mức cholesterol và chất béo trung tính của bé.
  • Xét nghiệm mẫu nước tiểu: Bác sĩ sẽ phân tích nước tiểu và đánh giá các chỉ số để tìm kiếm vấn đề ở thận.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sẽ giúp các bác sĩ thấy rõ hình ảnh của tim và dòng máu chảy qua tim, từ đó tìm kiếm những bất thường. 
  • Siêu âm thận: Siêu âm thận sẽ giúp bác sĩ quan sát hình ảnh của thận và xác định các vấn đề ở cơ quan này.

Trẻ em bị tăng huyết áp được điều trị như thế nào?

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tăng huyết áp ở trẻ em cụ thể. Theo đó, các phương pháp điều trị tăng huyết áp trẻ em phổ biến là sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.

Thay đổi lối sống

Nếu bé được chẩn đoán bị huyết áp cao nhưng ở mức độ nhẹ hoặc vừa, bác sĩ sẽ đề nghị bố mẹ giúp con thay đổi lối sống, chẳng hạn như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tốt cho tim, tập thể dục nhiều hơn, kiểm soát cân nặng… trước khi kê đơn thuốc.

Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em
Việc thay đổi lối sống luôn được các bác sĩ khuyến khích khi điều trị tăng huyết áp ở trẻ em.

Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp

Nếu việc thay đổi lối sống không giúp ích gì hoặc bé bị tăng huyết áp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc huyết áp để điều trị bệnh. Các nhóm thuốc phổ biến thường được chỉ định là: 

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Nhóm thuốc này giúp thư giãn các mạch máu của bé bằng cách ngăn chặn sự hình thành của một hợp chất có khả năng làm hẹp mạch máu. Điều này giúp máu của trẻ lưu thông dễ dàng hơn, từ đó giảm huyết áp.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Những loại thuốc này giúp ức chế hoạt động của hợp chất tự nhiên gây hẹp mạch máu.
  • Thuốc chẹn canxi: Đây là nhóm thuốc giúp thư giãn các cơ ở mạch máu và có thể làm chậm nhịp tim.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc có tác động lên thận để giúp loại bỏ natri và nước dư thừa, từ đó làm giảm huyết áp.

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp và thông báo cho bố mẹ biết bé cần dùng thuốc trong bao lâu. Ngoài ra, bác sĩ cũng kết hợp điều trị các tình trạng y tế khác mà trẻ mắc phải. Điều này sẽ góp phần làm hạ huyết áp của trẻ. 

Cách phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cho trẻ nhỏ

Trên thực tế, dù có thể được kiểm soát hiệu quả nhưng bệnh cao huyết áp vẫn rất nguy hiểm. Vì vậy, thay vì điều trị lâu dài, tốt nhất bố mẹ nên cố gắng phòng tránh bệnh cho trẻ ngay từ đầu. Dưới đây là một số cách phòng ngừa nguy cơ mắc tăng huyết áp cho trẻ em mà bố mẹ nên áp dụng ngay:

  • Kiểm soát cân nặng của trẻ: Nếu con bạn bị thừa cân, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập để giúp bé giảm cân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân đối: Bạn nên khuyến khích trẻ ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như rau củ quả, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo, protein nạc… Đồng thời, hãy loại bỏ các món ăn chứa nhiều chất béo và đường ra khỏi thực đơn hằng ngày của trẻ.
  • Giảm muối trong chế độ ăn của trẻ: Trẻ con hay người lớn ăn quá mặn cũng đều không tốt cho thận và huyết áp. Theo đó, trẻ em từ 2 – 3 tuổi không nên ăn nhiều hơn 1,2g natri mỗi ngày. Giới hạn của trẻ trên 3 tuổi là 1,5g mỗi ngày.
  • Khuyến khích hoạt động thể chất: Tất cả trẻ em đều nên dành 30 – 60 phút hoạt động thể chất, tập thể dục ở mức vừa phải mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
  • Hạn chế xem TV, điện thoại: Để khuyến khích con bạn hoạt động nhiều hơn, hãy hạn chế thời gian xem TV, chơi máy tính hoặc điện thoại của con. Thay vào đó, bạn nên cùng bé ra ngoài và trải nghiệm các hoạt động ngoài trời.
  • Tạo thói quen cho cả gia đình: Con bạn có thể khó thay đổi lối sống lành mạnh nếu gia đình không ăn uống điều độ hoặc không tập thể dục. Do đó, không chỉ trẻ mà các thành viên khác cũng nên bắt đầu thay đổi lối sống ngay hôm nay.

Hy vọng qua bài viết trên, Bowtie bạn đã hiểu hơn về tăng huyết áp ở trẻ em cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh. Từ đó, bạn hãy cố gắng hỗ trợ con xây dựng lối sống lành mạnh nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và tạo tiền đề giúp bé có một sức khỏe tốt để bay cao, vươn xa và thực hiện mọi ước mơ trong tương lai.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cao huyết áp ở người trẻ: Đừng nghĩ trẻ tuổi sẽ không mắc bệnh Cao huyết áp ở người trẻ: Đừng nghĩ trẻ tuổi sẽ không mắc bệnh
Bệnh tim mạch

Cao huyết áp ở người trẻ: Đừng nghĩ trẻ tuổi sẽ không mắc bệnh

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp 11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp
Bệnh tim mạch

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp

Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK