Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp kháng trị: Nguy cơ khó kiểm soát được bệnh

Tăng huyết áp kháng trị là một tình trạng nghiêm trọng bởi huyết áp của bệnh nhân vẫn không được kiểm soát dù đã điều trị tích cực. Điều này khiến người bệnh đối diện với nguy cơ gặp biến chứng cao hơn và buộc phải dùng nhiều thuốc hơn với hy vọng kiểm soát được huyết áp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Tăng huyết áp kháng trị là gì?Người bị tăng huyết áp kháng trị có biểu hiện gì?Vì sao bệnh nhân tăng huyết áp không đáp ứng với thuốc?Các kiểm tra giúp xác định tăng huyết áp kháng trịTăng huyết áp kháng trị được kiểm soát như thế nào?
Tăng huyết áp kháng trị

Vậy tăng huyết áp kháng trị là gì? Tại sao bệnh nhân lại không đáp ứng với thuốc? Có hy vọng điều trị nào cho người bị tăng huyết áp kháng trị hay không? Cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu thêm, bạn nhé!

Tăng huyết áp kháng trị là gì?

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng huyết áp vẫn ở mức cao hoặc không được kiểm soát mặc dù bệnh nhân đã uống thuốc để hạ huyết áp. Thông thường, tình trạng này được xác định khi người bệnh:

  • Đảm bảo dùng đủ liều của một phác đồ điều trị gồm 3 thuốc, trong đó có một loại thuốc lợi tiểu nhưng huyết áp vẫn ở mức cao trên 130/80mmHg
  • Đang phải dùng bốn loại thuốc trở lên để kiểm soát huyết áp

Theo các thống kê mới nhất, trong tổng số bệnh nhân điều trị tăng huyết áp thì có tới 10 – 15% trường hợp xuất hiện tình trạng không đáp ứng. Tỷ lệ này được tính bao gồm cả những trường hợp bị tăng huyết áp giả kháng trị. 

Tăng huyết áp giả kháng trị xảy ra khi việc đo huyết áp bị sai số do quá trình đo không chuẩn xác hoặc do hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể do bệnh nhân sử dụng sai thuốc, sai liều, dùng thêm sản phẩm bổ sung hoặc do thói quen xấu. 

Người bị tăng huyết áp kháng trị có biểu hiện gì?

Trên thực tế, tương tự như tăng huyết áp bình thường, người bị tăng huyết áp kháng trị có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu huyết áp đột ngột tăng rất cao, bệnh nhân có thể trải qua một cơn tăng huyết áp kịch phát với các triệu chứng như:

  • Chóng mặt, đau đầu
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Chảy máu mũi 

Trên thực tế, chóng mặt đôi khi không phải là triệu chứng của huyết áp cao mà là biểu hiện của huyết áp thấp. Tuy nhiên, tình trạng chóng mặt thường xuyên và không rõ nguyên nhân là một cảnh báo nguy hiểm, bạn cần được bác sĩ thăm khám sớm.

Vì sao bệnh nhân tăng huyết áp không đáp ứng với thuốc?

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến bệnh nhân tăng huyết áp không đáp ứng với việc điều trị tích cực. Theo đó, các nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị thường gặp là: 

Vẫn duy trì lối sống không lành mạnh

Dù đảm bảo uống đầy đủ thuốc điều trị tăng huyết áp nhưng nếu bệnh nhân vẫn giữ lối sống không lành mạnh, các thói quen xấu thì huyết áp cũng khó được kiểm soát, từ đó dẫn đến tăng huyết áp kháng trị. Các thói quen xấu có thể bao gồm ăn quá nhiều natri (muối), hút thuốc lá, lười vận động, uống quá nhiều rượu bia…

Sử dụng thuốc, sản phẩm bổ sung hoặc thảo dược khác

Nếu trong quá trình điều trị, bạn có sử dụng thêm nhiều loại thuốc và sản phẩm bổ sung thì việc kiểm soát huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng. Một số thuốc làm tăng nguy cơ cao huyết áp kháng trị thường gặp là thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc thông mũi, thuốc tránh thai… Ngoài ra, nhiều loại thảo dược như nhân sâm, cam thảo… cũng có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị.  

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị khác

Đôi khi, các vấn đề sức khỏe, bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp kháng trị. Những vấn đề thường gặp là cường aldosteron nguyên phát, hẹp động mạch thận, bệnh thận mạn, chứng ngưng thở khi ngủ, khối u tuyến thượng thận, hội chứng Cushing…

Bài viết hữu ích:

Nguyên nhân tăng huyết áp kháng trị
Việc sử dụng một số loại thuốc khác trong quá trình điều trị có thể dẫn đến tăng huyết áp kháng trị.

Các kiểm tra giúp xác định tăng huyết áp kháng trị

Bác sĩ sẽ thông qua quá trình thăm hỏi, đo huyết áp, thực hiện kiểm tra và xét nghiệm để chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị. Các kiểm tra có thể bao gồm:

Tìm hiểu bệnh sử và kiểm tra thể chất

Bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi liên quan đến tình trạng tăng huyết áp cũng như quá trình sử dụng thuốc của bệnh nhân. Các câu hỏi này có thể kể đến như bệnh bắt đầu khi nào và đã diễn ra trong bao lâu, các loại thuốc bệnh nhân đang dùng (bao gồm cả thảo dược), liệu bệnh nhân có dùng thuốc theo đúng chỉ định hay không… 

Ngoài ra, bác sĩ cũng hỏi về tiền sử, bệnh sử của người bệnh và gia đình để xác định các nguyên nhân thứ phát có thể gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát huyết áp. Kèm theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe để tìm kiếm những thay đổi bất thường cảnh báo tình trạng huyết áp không được kiểm soát hiệu quả.

Do huyết áp chính xác

Để xác định tăng huyết áp kháng trị, điều quan trọng là bệnh nhân cần được đo huyết áp một cách chính xác, đúng kỹ thuật. Việc đo huyết áp có thể được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám, tại nhà hoặc theo dõi bằng máy huyết áp tự động 24 giờ. 

Thực hiện các xét nghiệm

Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm ra vấn đề sức khỏe, bệnh lý gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát huyết áp. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm nước tiểu (để tìm protein hoặc albumin), xét nghiệm máu (để xác định nồng độ glucose, chất điện giải, mức độ creatinin trong máu). Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để xác định nồng độ một số hormone trong cơ thể.

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể thực hiện chụp X-quang, siêu âm, chụp CT hoặc các phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác để xác định nguyên nhân khiến người bệnh không đáp ứng với thuốc. Các xét nghiệm này cũng giúp tìm ra một số tổn thương cơ quan do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp kháng trị được kiểm soát như thế nào?

Để kiểm soát huyết áp khi bị tăng huyết áp kháng trị, bác sĩ cần tìm được nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng này. Sau đó, tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng và phác đồ điều trị tăng huyết áp kháng trị phù hợp, bao gồm:

Điều trị các vấn đề sức khỏe, bệnh lý gây ra tăng huyết áp

Nếu nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị là do vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý tiềm ẩn thì bác sĩ sẽ cố gắng điều trị dứt điểm các tình trạng này. Nhờ đó, huyết áp có thể giảm hoặc được kiểm soát tốt hơn bằng thuốc.

Thay đổi lối sống

Như đã đề cập, lối sống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Dù bạn có dùng thuốc đúng chỉ định và đủ liều nhưng nếu không thay đổi lối sống thì cũng khó duy trì huyết áp ở mức mục tiêu. Vì vậy, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn thay đổi lối sống nếu vẫn đang có những thói quen xấu như ăn nhiều muối, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động…

Điều chỉnh thuốc và liều lượng tối ưu

Trong khoảng 40% trường hợp tăng huyết áp kháng trị, thuốc không có tác dụng vì chúng chưa được sử dụng đúng cách. Theo đó, để thuốc phát huy hiệu quả, bệnh nhân cần đảm bảo uống thuốc đúng liều lượng và đúng số lần mỗi ngày. Trong trường hợp bệnh nhân đã dùng thuốc đúng hướng dẫn mà vẫn không kiểm soát được huyết áp, bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi thuốc và liều lượng cho người bệnh.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tăng huyết áp kháng trị. Đây là một tình trạng không thể xem nhẹ. Vì vậy, nếu nhận thấy huyết áp vẫn không được kiểm soát dù đã dùng thuốc, bạn nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ để tìm hướng xử lý ngay trước khi bệnh tiến triển nặng thêm.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp khoa học giúp điều trị hiệu quả Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp khoa học giúp điều trị hiệu quả
Bệnh tim mạch

Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp khoa học giúp điều trị hiệu quả

Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại
Bệnh tim mạch

Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại

Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ
Bệnh tim mạch

Cấp cứu cao huyết áp tại nhà: Những lưu ý cần ghi nhớ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK