Ung thư
Ung thư

Khám tầm soát ung thư vú như thế nào để bảo vệ bạn tốt hơn?

Tầm soát ung thư vú định kỳ có thể giúp tìm ra bệnh ở giai đoạn đầu. Lúc này, bệnh nhân có nhiều cơ hội được điều trị thành công hơn và từ đó sống lâu hơn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-09-27
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư vúNhững ai nên tầm soát ung thư vú?Các phương pháp, xét nghiệm tầm soát ung thư vúTầm soát ung thư vú giá bao nhiêu?Khám tầm soát, sàng lọc ung thư vú ở đâu?
Tầm soát ung thư vú

Vậy bạn có băn khoăn chương trình tầm soát ung thư vú giá bao nhiêu và cần thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm ung thư vú như thế nào không? Bowtie sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những thắc mắc này nhé!

Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư vú

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ác tính xuất hiện ở vú, sau đó xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư vú chủ yếu gặp phải ở nữ giới và hiếm khi xảy ra ở nam giới (chỉ chiếm tỷ lệ 1%).

Theo thống kê của Globocan, số ca mắc mới và tử vong do bệnh ung thư vú đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, thống kê cho thấy, nước ta có 21.555 ca được chẩn đoán mới và 9.345 trường hợp tử vong do bệnh chỉ riêng trong năm 2020.

Chương trình tầm soát ung thư vú (hay sàng lọc ung thư vú) bao gồm các xét nghiệm và kiểm tra được thực hiện nhằm phát hiện bệnh khi còn ở giai đoạn sớm, trước khi bệnh nhân biểu hiện triệu chứng. Các khối u được phát hiện sớm thường có kích thước nhỏ và chưa phát triển mạnh, cơ hội để điều trị ung thư vú thành công là rất lớn. Bên cạnh đó, nếu nhận biết sớm, bệnh thường ít có khả năng gây mất mạng hoặc biến chứng cho người bệnh.

Những ai nên tầm soát ung thư vú?

Trước tiên, cần hiểu rằng, việc bác sĩ yêu cầu bạn làm các kiểm tra, xét nghiệm ung thư vú không có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư vú. Bởi vì, các kiểm tra sàng lọc ung thư vú có thể được thực hiện ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng ung thư nào. Trên thực tế, chương trình tầm soát ung thư vú thường dành cho phụ nữ có nguy cơ cao hoặc nguy cơ trung bình dựa trên một số yếu tố liên quan. Cụ thể:

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú suốt đời khoảng 20 – 25% hoặc cao hơn nên sàng lọc ung thư vú định kỳ mỗi năm, bắt đầu từ năm 30 tuổi. Một người được xem là có nguy cơ cao, nếu như: 

  • Có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 (dựa trên kết quả xét nghiệm di truyền)
  • Có người thân cấp độ một (bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con) bị đột biến gen BRCA nhưng bản thân chưa tiến hành xét nghiệm
  • Đã xạ trị vùng ngực trước 30 tuổi
  • Bản thân và/hoặc người thân cấp độ một mắc các hội chứng di truyền

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú trung bình (không thuộc các nhóm đối tượng kể trên) được khuyến nghị tầm soát ung thư vú như sau:

  • Từ 25 – 39 tuổi: Khám vú lâm sàng định kỳ sau 1 – 3 năm.
  • Từ 40 – 44 tuổi: Có thể tầm soát bằng cách chụp X-quang vú (còn gọi là nhũ ảnh) mỗi năm
  • Từ 45 – 54 tuổi: Được khuyến khích chụp nhũ ảnh mỗi năm.
  • Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên: Nên tiếp tục duy trì việc tầm soát nếu có sức khỏe ổn định và có khả năng sống thêm ít nhất 10 năm. Trường hợp khác, đặc biệt là người trên 70 tuổi, có thể cân nhắc chụp X-quang tuyến vú sau mỗi 2 – 3 năm.
Đối tượng cần tầm soát ung thư vú định kỳ
Tùy nguy cơ mà phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư vú theo khuyến nghị.

Các phương pháp, xét nghiệm tầm soát ung thư vú

Quy trình tầm soát, sàng lọc ung thư vú ở mỗi người thường khác nhau, có thể bao gồm một hoặc kết hợp một số phương pháp dưới đây:

Khám lâm sàng

Khám vú lâm sàng là phương pháp kiểm tra vú tổng quát do các bác sĩ, chuyên gia y tế thực hiện. Trong quá trình thăm khám ung thư vú, bác sĩ hoặc y tá sẽ quan sát và dùng tay ấn vào vú, núm vú cũng như những vùng xung quanh vú, bao gồm cả vùng nách dưới cánh tay và hố thượng đòn. Mục đích là để tìm ra khối u, hạch hoặc những thay đổi bất thường ở da vú, núm vú.

Cùng với đó, chuyên gia y tế có thể hỏi bạn một số thông tin liên quan như tuổi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc mãn kinh, ngày bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt, lịch sử mang thai, tiền sử bệnh lý, các thuốc đang sử dụng và các phương pháp điều trị trước đây, những thay đổi mà bạn nhận thấy khi thực hiện cách tự khám ung thư vú tại nhà

Chụp nhũ ảnh

Chụp nhũ ảnh là phương pháp chụp X-quang tuyến vú được dùng rộng rãi trong sàng lọc ung thư vú. Bằng cách cung cấp hình ảnh (2D hoặc 3D) bên trong tuyến vú, chụp X-quang có thể giúp phát hiện các bất thường hoặc khối u quá nhỏ mà bác sĩ và bản thân bệnh nhân không thể cảm nhận được. 

Chụp quang tuyến vú được xem là phương pháp sàng lọc tốt để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, giúp làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên, việc chụp nhũ ảnh có giúp phát hiện được ung thư vú hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Tuổi tác và trọng lượng cơ thể
  • Kích thước khối u và dạng bệnh
  • Nơi khối u hình thành bên trong vú
  • Độ nhạy cảm của các mô vú với nội tiết 
  • Mức độ dày của mô vú
  • Thời điểm chụp nhũ ảnh
  • Chất lượng hình ảnh X-quang
Chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú
Phương pháp chụp nhũ ảnh trong chương trình tầm soát ung thư vú.

Siêu âm

Siêu âm tầm soát ung thư vú sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các thay đổi của vú, đặc biệt là ở những phụ nữ có mô vú dày, khó nhìn thấy vùng bất thường khi chụp nhũ ảnh. Siêu âm có thể cho biết sự khác nhau giữa các khối u chứa dịch lỏng như u nang (rất ít khả năng là ung thư) và các khối u rắn (cần xét nghiệm thêm để chắc chắn có phải ung thư hay không). Siêu âm cũng được sử dụng để hướng dẫn kim sinh thiết.

Chụp MRI

Chụp MRI (hay chụp cộng hưởng từ) sẽ phác họa hình ảnh cụ thể về các khu vực bên trong vú. Sàng lọc ung thư vú bằng phương pháp này có ưu điểm là không sử dụng tia X, không gây nhiễm phóng xạ cho bệnh nhân. 

Điểm khác biệt quan trọng giữa chụp nhũ ảnh và chụp MRI tuyến vú, đó là chụp MRI có khả năng phát hiện các bất thường khác không phải là ung thư. Do đó, chụp MRI không thích hợp để sử dụng ở phụ nữ có nguy cơ trung bình và không có khả năng để thay thế phương pháp chụp nhũ ảnh. 

Thay vào đó, chụp MRI thường được chỉ định kết hợp với chụp nhũ ảnh để sàng lọc các trường hợp có nguy cơ cao hoặc chỉ định bổ sung ở người có mô vú dày đặc.

Sinh thiết mô vú

Sinh thiết là một phương pháp khác được sử dụng trong tầm soát ung thư vú. Trong phương pháp này, kỹ thuật viên thực hiện lấy mẫu mô vú để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Nhiều bất thường sẽ được phát hiện và chẩn đoán xác định nhờ vào kết quả giải phẫu bệnh sau sinh thiết.

Ngoài các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm ung thư vú kể trên, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để có đầy đủ thông tin cho việc chẩn đoán. Các xét nghiệm bổ sung có thể là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu…

Tầm soát ung thư vú giá bao nhiêu?

Chương trình tầm soát ung thư vú giá bao nhiêu thường phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người, cũng như là cơ sở y tế nơi bạn thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm tầm soát ung thư vú. 

Theo đó, chi phí sàng lọc ung thư vú có thể rơi vào khoảng 1.200.000 – 2.500.000 đồng và sẽ chênh lệch khi bạn thực hiện các xét nghiệm riêng lẻ theo yêu cầu thay vì xét nghiệm trọn gói tầm soát ung thư vú. Danh mục xét nghiệm cần thực hiện càng nhiều thì số tiền phải trả càng lớn.

Trong một số dịp đặc biệt, nhiều bệnh viện và quỹ hỗ trợ có tổ chức khám ung thư vú miễn phí (thường gồm khám lâm sàng, siêu âm vú và chụp nhũ ảnh) để nâng cao nhận thức của chị em về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư vú.

Khám tầm soát, sàng lọc ung thư vú ở đâu?

Khi có nhu cầu tầm soát ung thư vú, bạn nên ưu tiên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, chất lượng, tốt nhất nên đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu hoặc các bệnh viện lớn. Vậy nên khám tầm soát ung thư vú ở bệnh viện nào? Khám sàng lọc ung thư vú ở đâu tại Hà Nội và TP. HCM?

Ở Hà Nội, một số địa chỉ tầm soát ung thư vú mà bạn có thể lựa chọn là: 

  • Bệnh viện K
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
  • Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương
  • Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Trong khi đó, ở TP. HCM, bạn có thể sàng lọc ung thư vú tại:

  • Bệnh viện Ung bướu TP. HCM
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
  • Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Bệnh viện Nhân dân 115
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định
  • Bệnh viện Từ Dũ

Nhìn chung, tầm soát ung thư vú có chi phí thực hiện tương đối cao. Tuy nhiên, nếu so sánh điều này với sự tốn kém và mức độ ảnh hưởng của bệnh ung thư vú khi phát hiện muộn thì các kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc ung thư vú vẫn mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, chị em phụ nữ nên bắt đầu tham gia chương trình tầm soát ung thư vú theo hướng dẫn ngay khi đến độ tuổi phù hợp nếu có nhiều nguy cơ nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về ung thư bàng quang Những điều cần biết về ung thư bàng quang
Ung thư

Những điều cần biết về ung thư bàng quang

4 xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan phổ biến nhất hiện nay 4 xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan phổ biến nhất hiện nay
Ung thư

4 xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan phổ biến nhất hiện nay

Ung thư vú - Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất Ung thư vú - Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất
Ung thư

Ung thư vú - Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK