Ung thư
Ung thư

Tầm soát phát hiện ung thư phổi sớm bằng cách nào?

Tầm soát ung thư phổi, đặc biệt ở người có nhiều nguy cơ, sẽ giúp bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân đã kéo dài được tuổi thọ và cải thiện cuộc sống nhờ tầm soát bệnh định kỳ.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-02-08
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Tầm soát ung thư phổi là gì?Vì sao nên tầm soát ung thư phổi?Đối tượng được khuyến nghị tầm soát ung thư phổi định kỳTầm soát ung thư phổi gồm những xét nghiệm, kiểm tra gì?Nên đi tầm soát ung thư phổi ở đâu tốt, hiệu quả?Khám tầm soát ung thư phổi giá bao nhiêu tiền?
Tầm soát ung thư phổi

Ở Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Theo Globocan, nước ta có khoảng 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong do căn bệnh này vào năm 2020. Trước những tổn thất nặng nề do bệnh gây ra, việc tầm soát ung thư phổi là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt ở những người có nhiều nguy cơ. 

Để tìm hiểu rõ hơn về việc tầm soát ung thư phổi, mời bạn cùng Website Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Tầm soát ung thư phổi là gì?

Về cơ bản, tầm soát ung thư phổi là quá trình thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra ung thư phổi để tìm kiếm, phát hiện sự hiện diện của các tế bào ung thư phổi từ giai đoạn sớm, ngay cả khi bệnh nhân chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. 

Vì sao nên tầm soát ung thư phổi?

Mục tiêu của tầm soát ung thư phổi là phát hiện bệnh khi còn ở giai đoạn sớm, có khả năng điều trị khỏi cao. Bởi thực tế, ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không biểu hiện thành triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ nên người bệnh khó nhận biết. Đến khi các triệu chứng này rõ ràng hơn thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, giai đoạn di căn ung thư phổi và khó điều trị. 

Theo chuyên gia y tế, việc tầm soát ung thư phổi định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng điều trị thành công, từ đó kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đối tượng được khuyến nghị tầm soát ung thư phổi định kỳ

Một số đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao sau đây sẽ được khuyến nghị tầm soát bệnh định kỳ:

  • Người lớn tuổi, đã hoặc đang hút thuốc: Những người từ 50 tuổi trở lên, đã từng hoặc đang hút thuốc thường được bác sĩ khuyến nghị nên sàng lọc ung thư phổi định kỳ. 
  • Những người đã hút thuốc trong nhiều năm: Bạn nên tầm soát ung thư phổi nếu có tiền sử hút thuốc trên 20 gói – năm. Chỉ số này được tính bằng cách nhân số lượng gói thuốc hút mỗi ngày với số năm hút. Chẳng hạn, một người có tiền sử hút thuốc 20 gói – năm có thể đã hút mỗi ngày 1 gói trong 20 năm, 2 gói mỗi ngày trong 10 năm hoặc nửa gói mỗi ngày trong 40 năm. 
  • Những người từng hút thuốc nhiều nhưng đã bỏ: Những người từng nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài nhưng đã bỏ hút thuốc trên 15 năm vẫn được bác sĩ khuyến nghị nên tầm soát ung thư phổi. 
  • Người có tiền sử ung thư phổi: Người đã được chẩn đoán, điều trị ung thư phổi cách đây hơn 5 năm nên cân nhắc tầm soát ung thư phổi định kỳ để phát hiện tình trạng tái phát hoặc chưa hết mầm bệnh sau khi đã điều trị. 
  • Người có các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh ung thư phổi: Những đối tượng này có thể bao gồm người có tổn thương mạn tính ở phổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, chất bức xạ…
  • Người hút thuốc lá thụ động: Những người thường xuyên hít phải khói thuốc, ở cùng nhà với người hút thuốc cũng nên tiến hành tầm soát ung thư phổi định kỳ.

Tầm soát ung thư phổi gồm những xét nghiệm, kiểm tra gì?

Trên thực tế, quá trình khám tầm soát ung thư phổi có thể bao gồm nhiều kiểm tra, xét nghiệm khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến được sử dụng để sàng lọc căn bệnh này:  

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để xác định nồng độ các chất chỉ điểm ung thư như SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro-GRP, NSE, CA 12-5… trong máu. Các chỉ số này mang ý nghĩa tham chiếu định hướng đến bệnh. 

Phương pháp tầm soát ung thư phổi
Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ xác định nồng độ các chất chỉ điểm ung thư trong máu.

Xét nghiệm tế bào học đờm

Với phương pháp này, người bệnh sẽ ho khạc để lấy mẫu đờm. Sau đó, bác sĩ quan sát mẫu đờm dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào ung thư. Đây là một trong những xét nghiệm đơn giản nhưng bác sĩ cần nghiên cứu thêm về mô phổi để đưa ra chẩn đoán chính xác. 

Chụp X-quang ngực

Chụp X-quang ngực là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và có thể thực hiện ở nhiều cơ sở y tế khác nhau. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện các khối u hoặc tổn thương bất thường ở phổi có kích thước trên 1cm. Tuy nhiên, phim chụp X-quang đôi khi không hiển thị rõ các tổn thương nhỏ ở vùng đỉnh phổi, khu trung tâm rốn phổi, vùng trung thất, sau bóng tim, sau xương sườn. 

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp

Tầm soát ung thư phổi bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp là một trong những tiến bộ vượt bậc của ngành y tế. Nhờ ứng dụng phần mềm vi tính hỗ trợ, các hình ảnh ở phổi sẽ được diễn giải và giúp bác sĩ xác định chính xác có hay không các dấu hiệu ung thư. Ưu điểm của kỹ thuật này là sử dụng liều chụp thấp nên nguy cơ tiếp xúc với bức xạ sẽ giảm rõ rệt so với các phương pháp chụp cắt lớp thông thường. 

Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang

Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang sẽ giúp bác sĩ tìm kiếm các tổn thương ở niêm mạc phế quản. Sau khi nhận thấy tổn thương, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để tìm ra các tế bào ung thư phổi nếu có. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ.

Nội soi phế quản sử dụng nguồn sáng NBI

Bên cạnh việc sử dụng ánh sáng huỳnh quang, bác sĩ còn sử dụng một loại nguồn sáng khác là NBI trong nội soi phế quản. Ánh sáng NBI giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các mao mạch nhỏ và cấu trúc phức tạp khác trên bề mặt niêm mạc. Dựa vào những hình ảnh sắc nét này, bác sĩ có thể xác định được vùng nghi ngờ tổn thương và tiến hành sinh thiết tại chỗ để xem người bệnh có mắc ung thư phổi hay không. 

Nên đi tầm soát ung thư phổi ở đâu tốt, hiệu quả?

Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên tầm soát ung thư phổi ở đâu tốt tại Hà Nội thì hãy thử tham khảo một số địa chỉ sau đây:

  • Bệnh viện Phổi Trung ương: Số 463 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội
  • Bệnh viện K:
    • Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và số 9A – 9B Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 
    • Cơ sở 2: Tựu Liệt, Phường Tam Hiệp, Quận Thanh Trì, Hà Nội
    • Cơ sở 3: Số 30 Cầu Bươu, Phường Tân Triều, Quận Thanh Trì, Hà Nội
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Số 42A Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Quận Đống Đa, Hà Nội

Ngoài ra, bạn có thể tầm soát ung thư phổi ở đâu tại TP. HCM? Dưới đây là một số địa chỉ tầm soát ung thư phổi tại TP. HCM uy tín, chất lượng mà bạn có thể tham khảo:

  • Bệnh viện Ung bướu TP. HCM: 
    • Cơ sở 1: Số 3 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM hoặc số 6 (số 47) Nguyễn Huy Lượng, Phường 14, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
    • Cơ sở 2: Đường 400, Ấp Cây Dầu, Phường Tân Phú, Quận 9, TP. HCM
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
  • Bệnh viện Nhân Dân Gia Định: Số 1 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
  • Bệnh viện Nhân dân 115: Số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: 
    • Cơ sở 1: Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 2: Số 201 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 3: Số 221B Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM

Khám tầm soát ung thư phổi giá bao nhiêu tiền?

Khi được bác sĩ khuyến nghị, nhiều người quan tâm đến mức chi phí tầm soát ung thư phổi là bao nhiêu. Theo đó, mức chi phí này sẽ khác nhau tùy vào từng cơ sở y tế mà người bệnh lựa chọn và phương pháp áp dụng. 

Dưới đây là mức giá tham khảo của các gói tầm soát ung thư phổi tại một số cơ sở y tế:

  • Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM : 2.650.000 đồng
  • Bệnh viện K: 2.500.000 đồng
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: 3.628.000 đồng (không tiêm thuốc cản quang) hoặc 4.377.000 đồng (có tiêm thuốc cản quang)

Có thể thấy, việc tầm soát ung thư phổi là vô cùng cần thiết, đặc biệt với những đối tượng có nhiều nguy cơ. Nếu được bác sĩ khuyến nghị, bạn nên tiến hành tầm soát bệnh định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư phổi và điều trị kịp thời nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3) Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3)
Ung thư

Tổng hợp những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn III (giai đoạn 3)

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển? Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?

Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách phòng tránh bệnh ung thư phổi cực đơn giản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK