Ung thư
Ung thư

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Cách "chặn đứng" bệnh ngay từ đầu

Tầm soát ung thư cổ tử cung là biện pháp tốt nhất để thăm dò các nguy cơ, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Lúc này, việc điều trị thường đơn giản và dễ dàng thành công hơn. Từ đó, bệnh nhân sẽ duy trì được tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống và quan trọng hơn hết là có thể tránh được nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-21
Cập nhật ngày 2023-08-21
Nội dung chính
Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?Có nên tầm soát ung thư cổ tử cung không?Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cungTầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách nào?Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung?Khám tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu tốt?Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu tiền?
Tầm soát ung thư cổ tử cung: Cách

Vậy khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách nào? Khi nào cần tầm soát ung thư cổ tử cung? Chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung là bao nhiêu? Hàng loạt câu hỏi liên quan đến chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi nhé!

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là một đoạn ngắn nối liền giữa âm đạo và thân tử cung của nữ giới. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung trở nên bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường nhẹ và có cơ hội chữa khỏi cao nhưng lại rất khó phát hiện, dẫn đến việc các tế bào ung thư tiếp tục tăng sinh theo thời gian. Cuối cùng, chúng có thể xâm lấn đến những vị trí khác trong cơ thể và làm tăng nguy cơ tử vong.

Chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung là tập hợp các phương pháp, xét nghiệm cần thiết để phát hiện những thay đổi bất thường có khả năng là biểu hiện hoặc dẫn đến ung thư cổ tử cung. Qua đó, bác sĩ có thể quyết định phương pháp điều trị sớm và tận gốc giúp người bệnh giảm bớt hầu hết các nguy cơ liên quan đến ung thư cổ tử cung.

Có nên tầm soát ung thư cổ tử cung không?

Kiểm tra, xét nghiệm tầm soát sớm ung thư cổ tử cung là điều nên làm bởi vì mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cũng như duy trì được thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Thực tế cho thấy, chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung được phát động rộng rãi trong nhiều năm qua đã giúp tỷ lệ mắc mới và số ca tử vong do bệnh giảm đi đáng kể. 

Lợi ích này được giải thích từ việc các tế bào bất thường ở cổ tử cung phải mất khoảng 3 – 7 năm trước khi tiến triển thành ung thư. Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ có thể nhận biết sự thay đổi trong giai đoạn này, giúp bác sĩ và bệnh nhân ngăn chặn bệnh ngay từ đầu. Khi đó, các bất thường mức độ nhẹ có thể hồi phục tốt dưới sự theo dõi và điều trị chặt chẽ. Trường hợp nặng hơn, các tổn thương ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm có thể được xem xét loại bỏ triệt để bằng phương pháp phẫu thuật.

Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cung

Một số trường hợp đặc biệt có nhiều nguy cơ mắc bệnh cần phải tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt, bao gồm: 

  • Bệnh nhân đang hoặc đã từng phơi nhiễm với virus gây u nhú ở người (human papilloma virus – HPV)
  • Người suy giảm miễn dịch, bệnh HIV
  • Viêm nhiễm phụ khoa kéo dài hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục
  • Nghiện thuốc lá
  • Lạm dụng thuốc tránh thai lâu ngày
  • Mang thai và sinh con trước tuổi trưởng thành (< 17 tuổi)
  • Phụ nữ có nhiều con
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung
  • Đã mắc ung thư cổ tử cung hoặc một loại ung thư khác trước đây
  • Người có mẹ từng uống thuốc diethylstilbestrol (DES) khi mang thai
  • Gặp phải các triệu chứng bất thường gồm: chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ, rong kinh, đau vùng chậu, dịch tiết âm đạo nhiều và có mùi hôi, rối loạn khả năng tiểu tiện…
Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cung
Hãy tầm soát ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt nếu bạn thường xuyên gặp phải các triệu chứng bất thường.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách nào?

Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung có thể bao gồm nhiều phương pháp thăm khám, kiểm tra và xét nghiệm khác nhau như:

Khám phụ khoa

Khám phụ khoa là bước cơ bản không thể thiếu khi tầm soát ung thư cổ tử cung. Dưới sự hỗ trợ của dụng cụ mở rộng âm đạo (kẹp mỏ vịt), bước thăm khám này có thể giúp bác sĩ nhận biết các tổn thương viêm nhiễm bên trong hoặc bất kỳ sự thay đổi khác thường nào ở cổ tử cung bằng cách quan sát và dùng tay thăm dò.

Trường hợp nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng tăm bông hoặc bàn chải y khoa thu thập mẫu tế bào ở cổ tử cung, sau đó chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để nhận định chính xác vấn đề. 

Nghiệm pháp lugol, acid acetic

Với nghiệm pháp acid acetic (hay VIA) và nghiệm pháp lugol, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch acid acetic 3 – 5% hoặc lugol 5% chấm vào bề mặt cổ tử cung. Tiếp theo, họ sẽ dùng mắt thường quan sát sự chuyển màu trên bề mặt cổ tử cung để phát hiện những vị trí bất thường và nhận định sơ bộ các vấn đề tại đây. Vị trí bất thường sẽ chuyển màu trắng khi chấm acid acetic và màu vàng hoặc nâu nhạt nếu chấm lugol.

Phết tế bào âm đạo – cổ tử cung

Đây là xét nghiệm dùng để xác định tế bào tiền ung thư hoặc tìm kiếm các tế bào phát triển bất thường có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm là tế bào ở cổ tử cung được thu thập trong quá trình khám phụ khoa sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm và tiến hành kiểm tra theo một trong 3 phương pháp sau:

  • Xét nghiệm Pap Smear: Quan sát mẫu dưới kính hiển vi để ghi nhận các đặc điểm bất thường của tế bào (về cấu trúc, hoạt động, biến đổi…).
  • Xét nghiệm Thinprep Pap: Mẫu tế bào được rửa với một chất lỏng định hình trong lọ Thinprep. Sau đó, lọ này được đặt vào hệ thống máy Thinprep để bắt đầu các bước xử lý, phân tích và đọc kết quả hoàn toàn tự động. Xét nghiệm Thinprep Pap giúp khắc phục được tình trạng âm tính giả có thể xảy ra khi thực hiện Pap Smear.
  • Xét nghiệm Cellprep Pap: Tương tự như Thinprep, đây cũng là phương pháp xét nghiệm Pap mà mẫu phết tế bào tử cung được nhúng trong dịch lỏng. Phương pháp này được cải tiến với độ nhạy cao hơn, đồng thời mở rộng sự tìm kiếm giúp xác định được hầu hết các tế bào bất thường, kể cả những tế bào khó phát hiện. 

Xét nghiệm HPV-DNA

Ngoài xét nghiệm Pap, mẫu tế bào cổ tử cung cũng có thể được chuyển đi phân tích DNA với mục đích tìm kiếm sự hiện diện của virus u nhú ở người (HPV) – một trong những nguyên nhân quan trọng của bệnh ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV có thể được chỉ định riêng hoặc kết hợp cùng với xét nghiệm Pap trong tầm soát ung thư cổ tử cung. 

Phương pháp này không khẳng định chính xác phụ nữ có mắc bệnh hay không nhưng sẽ giúp bác sĩ phát hiện sự tồn tại của virus HPV. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định được nguy cơ phát triển bệnh và có biện pháp giúp phòng ngừa bệnh từ sớm.

Soi cổ tử cung

Một loại thiết bị phóng đại hình ảnh trong y khoa có thể được sử dụng để hỗ trợ bác sĩ quan sát hình ảnh cổ tử cung rõ ràng và chi tiết hơn, giúp phát hiện một số tình trạng tổn thương rất nhỏ không thể nhận thấy bằng mắt thường. Soi cổ tử cung có thể được tiến hành đồng thời với nghiệm pháp acetic hoặc nghiệm pháp lugol để khoanh vùng khu vực bị tổn thương.

Soi tử cung là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Soi cổ tử cung là một phần trong quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung.

Khoét chóp cổ tử cung 

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình soi cổ tử cung hoặc thực hiện phết tế bào âm đạo – cổ tử cung, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân phương pháp khoét chóp cổ tử cung. Phương pháp khoét chóp cổ tử cung (hay còn gọi là sinh thiết hình nón hoặc cắt lạnh) là thủ thuật loại bỏ các mô bất thường hoặc bị tổn thương ra khỏi cổ tử cung. 

Các tế bào được loại bỏ có thể được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra chuyên sâu hơn. Khoét chóp thường được chỉ định trong điều trị các tổn thương tiền ung thư hoặc khi cần nghiên cứu sâu về bản chất của các tế bào bất thường đang phát triển ở cổ tử cung (phương pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị). 

Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?

Khám tầm soát ung thư cổ tử cung có đau hay không còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa, tình trạng sức khỏe cũng như khả năng cảm nhận cơn đau của mỗi người. Ngoài ra, loại phương pháp được sử dụng trong quy trình tầm soát cũng là yếu tố quan trọng.

Phần lớn các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung kể trên thường không gây đau, nhưng đôi khi cảm giác khó chịu có thể xuất hiện thoáng qua và nhanh chóng biến mất. Riêng với phương pháp khoét chóp cổ tử cung, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ hoặc toàn thân trước khi bắt đầu để bạn không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện. Mặc dù sau đó, cảm giác đau có thể xuất hiện trở lại khi bạn về nhà, nhưng hầu như không quá nghiêm trọng.

Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Theo khuyến cáo quốc tế, việc khám tầm soát ung thư cổ tử cung trước năm 21 tuổi là không cần thiết. Thay vào đó, phụ nữ nên thường xuyên thực hiện khám tầm soát ung thư cổ tử cung trong giai đoạn từ 21 cho đến 65 tuổi, mục đích để phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. 

Phương pháp xét nghiệm và lịch tầm soát ung thư cổ tử cung phù hợp đối với từng độ tuổi được đề nghị như sau:

  • Giai đoạn 21 – 29 tuổi: Xét nghiệm phết tế bào âm đạo – cổ tử cung định kỳ sau mỗi 3 năm.
  • Giai đoạn 30 – 65 tuổi: Bạn có thể lựa chọn tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách xét nghiệm HPV 5 năm một lần; xét nghiệm PAP 3 năm một lần; hoặc kết hợp cả hai xét nghiệm này 5 năm một lần.

Nếu các kết quả trước đó hoàn toàn bình thường, bạn có thể không cần tiếp tục làm tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi. Ngược lại, nếu có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để tiến hành thăm khám, sàng lọc sớm, kể cả khi trên 65 tuổi.

Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ nên xét nghiệm PAP định kỳ sau mỗi 3 năm để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Khám tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu tốt?

Hiện nay, dịch vụ khám tầm soát ung thư cổ tử cung đang được triển khai tại rất nhiều bệnh viện và cơ sở y tế lớn nhỏ trên cả nước. Vì vậy, nếu có nhu cầu tầm soát ung thư cổ tử cung thì tốt nhất bạn nên tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn những nơi uy tín để đảm bảo tính chính xác của kết quả cũng như an toàn cho bản thân.

Một số bệnh viện lớn ở TP.HCM và Hà Nội có dịch vụ khám tầm soát ung thư cổ tử cung được nhiều người tin cậy đó là: 

Tại TP.HCM gồm có:

  • Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
  • Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Bệnh viện Từ Dũ
  • Bệnh viện Nhân dân 115
  • Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Tại Hà Nội gồm có:

  • Bệnh viện K
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương
  • Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
  • Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu tiền?

Chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung có thể dao động dựa theo danh mục xét nghiệm cũng như địa điểm mà bạn lựa chọn đến thực hiện. Nhìn chung, gói khám tầm soát ung thư cổ tử cung toàn diện với đầy đủ các chỉ định xét nghiệm cần thiết thường có mức giá trung bình khoảng 2 – 3 triệu đồng hoặc có thể cao hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn gói khám tầm soát ung thư cổ tử cung theo danh mục sẵn có tại các bệnh viện hoặc phòng khám uy tín với mức giá hợp lý và tiết kiệm. Để rõ hơn, bạn có thể tham khảo qua bảng giá tầm soát ung thư cổ tử cung của một số bệnh viện dưới đây:

Nơi khám

Bảng giá tham khảo

Bệnh viện K 3.150.000đ (bao gồm các xét nghiệm buồng trứng)
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội 2.556.000đ (kết hợp với khám sức khỏe định kỳ)
Bệnh viện Phụ sản Trung ương 2.000.000 – 3.000.000đ
Bệnh viện Từ Dũ  2.000.000 – 2.500.000đ
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM 2.000.000 – 4.000.000đ
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM 2.200.000đ

Tóm lại, việc thực hiện các chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung là cách duy nhất có thể giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn rất sớm, khi chưa có bất kỳ biểu hiện nào ra bên ngoài. Nhờ đó, các phương pháp điều trị được áp dụng kịp thời và hiệu quả nhất, giúp người bệnh khôi phục tình trạng sức khỏe bình thường. Ngoài ra, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ còn là cơ sở để quyết định biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những người có nguy cơ cao. Vì vậy, mỗi phụ nữ nên chủ động làm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để góp phần bảo vệ bản thân trước khi quá muộn.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn
Ung thư

Tổng hợp phác đồ điều trị ung thư phổi theo từng giai đoạn

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư
Ung thư

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư

Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam
Ung thư

Top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK