Tầm soát đột quỵ: Cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả
Tầm soát đột quỵ giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn và nguy cơ tái phát của đột quỵ, từ đó giảm thiểu rủi ro của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị và hỗ trợ phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Vậy tầm soát đột quỵ là gì? Các xét nghiệm tầm soát đột quỵ và khi nào cần phải thực hiện? Mời bạn cùng Công ty Bowtie tìm hiểu chi tiết về tầm soát đột quỵ qua bài viết dưới đây.
Tầm soát đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Tầm soát đột quỵ là quá trình tìm kiếm, phát hiện và chẩn đoán các tổn thương, bệnh lý cũng như các yếu tố nguy cơ có thể gây khởi phát cơn đột quỵ trong tương lai. Các cơn đột quỵ này có thể là cơn đột quỵ mới hoặc đột quỵ tái phát.
Vì sao cần tầm soát đột quỵ?
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, khiến lưu lượng máu cung cấp đến não bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Hệ quả là não không còn được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng để có thể hoạt động và tồn tại. Nếu không được cấp cứu kịp thời, vùng não bị ảnh hưởng có thể “chết” hoàn toàn và không thể khôi phục lại chức năng bình thường như trước.
Đột quỵ không loại trừ bất kỳ một ai. Trên thế giới, mỗi năm có tới 6,7 triệu ca tử vong và 5 triệu người tàn phế hoặc chịu những di chứng nặng nề do đột quỵ gây ra. Chính vì vậy, khám tầm soát đột quỵ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các bất thường có nguy cơ dẫn đến đột quỵ, từ đó có hướng dự phòng kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro mà bệnh mang lại.
Những ai cần tầm soát đột quỵ?
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ dưới đây nên chủ động khám tầm soát đột quỵ định kỳ nhằm chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả:
Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ như bố mẹ, anh chị em ruột.
Người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường,…
Người thừa cân, béo phì, ít vận động.
Những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia,…
Những người đã từng bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
Đã từng bị chấn thương đầu, cổ.
Các phương pháp, xét nghiệm tầm soát nguy cơ đột quỵ
Trước tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu chi tiết về tiền sử bệnh lý và các yếu tố nguy cơ mà người tham gia tầm soát hiện có. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp, xét nghiệm để xác định chẩn đoán và tìm kiếm các yếu tố có thể gây khởi phát đột quỵ.
Các phương pháp, xét nghiệm tầm soát nguy cơ đột quỵ được sử dụng rộng rãi bao gồm:
Đo các chỉ số sinh học của cơ thể: Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành đánh giá chỉ số khối cơ thể BMI, đo huyết áp và nhịp tim để phát hiện những chỉ số bất thường.
Soi đáy mắt: Soi đáy mắt giúp đánh giá tổn thương đáy mắt và kiểm tra các vấn đề về tầm nhìn.
Kiểm tra phản xạ của cơ thể ở tay, chân,…
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu toàn phần và xét nghiệm sinh hóa máu có thể giúp bác sĩ kiểm tra các tình trạng bất thường trong tế bào máu, thiếu máu, rối loạn đông máu, kiểm tra cholesterol toàn phần, chỉ số HDL-cholesterol và LDL-cholesterol, chỉ số men gan, độ lọc cầu thận, lượng đường trong máu,…
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não và mạch máu não: Đây là phương pháp đặc biệt có giá trị cao trong tầm soát đột quỵ não, giúp bác sĩ phát hiện ra các điểm bất thường ở não và mạch máu não ẩn sau xương sọ.
Đo điện tim (ECG): Phương pháp này giúp ghi lại các hoạt động điện của tim, đo và ghi lại nhịp đập của tim để phát hiện các vấn đề có nguy cơ dẫn đến đột quỵ như rối loạn nhịp tim, rung tâm nhĩ, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim…
Chụp X-quang ngực thẳng: Phương pháp này chụp lại hình ảnh của tim, phổi và đường thở để giúp phát hiện các bất thường ở tim và vùng ngực.
Siêu âm ổ bụng: Siêu âm ổ bụng giúp kiểm tra các bất thường của một số cơ quan trong ổ bụng như gan mật, tụy, lách, thận, tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến…
Siêu âm Doppler tim: Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp này nhằm phát hiện một số bất thường ở buồng tim, các bệnh lý van tim bẩm sinh và bệnh lý mạch vành. Siêu âm Doppler tim cũng giúp “chỉ điểm” các cục máu đông trong tim trước khi chúng di chuyển đến não và gây ra các cơn đột quỵ.
Siêu âm Doppler động mạch cảnh: Phương pháp tầm soát đột quỵ này đánh giá mức độ hẹp của động mạch và giúp phát hiện các mảng xơ vữa bám trên thành mạch máu.
Để phòng ngừa bệnh, mỗi chúng ta hãy tự trang bị cho mình các kiến thức về bệnh đột quỵ cũng như đi tầm soát đột quỵ định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, bạn hãy bắt đầu xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, không hút thuốc và tránh xa rượu bia, các chất kích thích,… để giảm nguy cơ bị đột quỵ nhé.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.