Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Suy giãn tĩnh mạch chân (Suy giãn tĩnh mạch chi dưới)

Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng khá phổ biến hiện nay, gây ra không ít vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, nếu không được can thiệp thích hợp, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và làm xuất hiện một số biến chứng đáng kể.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-25
Cập nhật ngày 2023-05-16
Nội dung chính
Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?Phân độ suy giãn tĩnh mạch chi dướiTriệu chứng suy giãn tĩnh mạch chânNguyên nhân giãn tĩnh mạch chânYếu tố làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chânGiãn tĩnh mạch chi dưới có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán giãn tĩnh mạch ở chânPhương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dướiCách phòng ngừa giãn tĩnh mạch chânCâu hỏi thường gặp về suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân (Suy giãn tĩnh mạch chi dưới)

Vậy bệnh giãn tĩnh mạch chân là gì, làm thế nào để khắc phục và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi nội dung bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các vấn đề này nhé!

Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chân (hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới) là bệnh lý xảy ra khi có sự bất thường trong hoạt động đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch do suy các van tĩnh mạch, dẫn đến hiện tượng máu bị tích tụ lại ở chi dưới làm xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng của bệnh.

Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gặp phải ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh thường được ghi nhận ở người trưởng thành với khoảng 70% là phụ nữ.

Phân độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Để lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc hiệu quả đối với bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, điều quan trọng là phải xác định được mức độ tiến triển của bệnh. Hiện nay, bệnh giãn tĩnh mạch chân được phân độ theo CEAP như sau: 

  • Độ 0 (C0): Chưa thấy hoặc chưa sờ được tĩnh mạch giãn
  • Độ 1 (C1): Có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn, đường kính < 3mm
  • Độ 2 (C2): Giãn tĩnh mạch nông (tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé) với đường kính tĩnh mạch > 3mm
  • Độ 3 (C3): Phù chi dưới nhưng chưa có biến đổi trên da
  • Độ 4 (C4): Loạn dưỡng da gây rối loạn sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da…
  • Độ 5 (C5): Loạn dưỡng da và có sẹo của vết loét đã lành
  • Độ 6 (C6): Loạn dưỡng da kèm theo loét tiến triển và không lành

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân

Các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới thường phát triển trong âm thầm và rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Nhìn chung, ở giai đoạn đầu, người bị giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải một số biểu hiện sau:  

  • Phù nhẹ và mỏi chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều
  • Chuột rút hoặc có cảm giác như bị kim châm, kiến bò ở chân vào ban đêm
  • Chân xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti, đặc biệt là ở cổ chân và bàn chân
  • Đau nhức và/hoặc nặng chân, có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi

Khi tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển hơn, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như là:  

  • Phù ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân 
  • Xuất hiện các mảng máu bầm trên da
  • Vùng da ở cẳng chân bị biến đổi màu sắc, thâm sạm (loạn dưỡng da)
  • Tĩnh mạch giãn nhiều, ngoằn ngoèo, bắt đầu phình to và nổi rõ dưới da
  • Các biểu hiện đau mỏi, nặng chân không biến mất dù đã nghỉ ngơi

Nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân

Sự suy giảm chức năng của hệ thống van một chiều trong lòng tĩnh mạch là nguyên nhân chính gây ra bệnh giãn tĩnh mạch ở chân. Bình thường, các van nhỏ này sẽ mở ra khi tĩnh mạch đưa máu về tim, sau đó lập tức đóng chặt để ngăn dòng máu chảy ngược. 

Khi hệ thống van không thể đóng kín do bất thường trong giải phẫu hoặc hư tổn, dòng máu có xu hướng trào ngược trở lại tĩnh mạch khiến thành mạch căng lên và giãn ra. Lúc này, dưới ảnh hưởng của trọng lực, máu bị dồn xuống phần chi dưới và gây ra hàng loạt các triệu chứng của bệnh. Theo thời gian, tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân ngày càng tiến triển sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chân

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, một số trường hợp có khả năng bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cao hơn do sở hữu các yếu tố sau:

  • Giới tính nữ
  • Tuổi tác cao
  • Có người thân trong gia đình bị giãn tĩnh mạch chân
  • Thói quen sinh hoạt ít vận động
  • Làm công việc mang vác nặng hoặc đòi hỏi phải đứng hay ngồi lâu ở một chỗ
  • Phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần
  • Sử dụng các thuốc nội tiết tố hoặc thuốc ngừa thai trong thời gian dài
  • Người béo phì hoặc thừa cân
  • Táo bón kinh niên
  • Chế độ ăn thiếu chất xơ, vitamin
  • Hút thuốc lá
  • Khiếm khuyết van bẩm sinh
  • Viêm tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chân
Phụ nữ có xu hướng bị suy giãn tĩnh mạch chân nhiều hơn nam giới.

Giãn tĩnh mạch chi dưới có nguy hiểm không?

Mặc dù không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh nhưng tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới không được kiểm soát tốt có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Lở loét: Giãn tĩnh mạch chi dưới lâu ngày có thể khiến vùng da ở chân dễ bị tổn thương, gây ra các vết loét không lành và nhiễm trùng.
  • Hình thành cục máu đông: Sự ứ đọng máu có thể gây ra huyết khối làm thuyên tắc các tĩnh mạch sâu. Nếu không phát hiện kịp thời, chúng có thể di chuyển lên phổi làm thuyên tắc động mạch phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
  • Chảy máu: Một số trường hợp có thể chảy máu do các tĩnh mạch ở gần bề mặt da bị giãn nhiều và vỡ ra.

Phương pháp chẩn đoán giãn tĩnh mạch ở chân

Chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường bắt đầu từ việc thăm khám lâm sàng và khai thác các thông tin liên quan đến triệu chứng, bệnh sử cũng như một số yếu tố nguy cơ mắc phải. 

Tiếp đến, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phương pháp siêu âm tĩnh mạch chi dưới trước khi đưa ra chẩn đoán kết luận. Đây là phương pháp giúp bác sĩ quan sát thành mạch, kiểm tra hoạt động của các van tĩnh mạch và xác định vị trí bất thường. Đồng thời qua đó, bác sĩ có thể phát hiện được sự tồn tại của cục máu đông trong trường hợp suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định phương pháp chụp tĩnh mạch có bơm thuốc cản quang.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới

Dựa theo mức độ tiến triển của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mà việc điều trị có thể bao gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp dưới đây:

Điều trị nội khoa

Bên cạnh việc đề nghị người bệnh thay đổi lối sống và các thói quen sinh hoạt cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc làm tăng độ bền thành mạch để cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn đầu. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp thêm phương pháp sử dụng vớ áp lực để ổn định sự lưu thông máu, giảm bớt triệu chứng sưng đau và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm bệnh giãn tĩnh mạch chân, bệnh nhân thường cần phải trải qua một số phương pháp chuyên sâu hơn.

Điều trị ngoại khoa

Phương pháp phẫu thuật trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới gồm có 2 loại là:

  • Phẫu thuật Stripping: Đây là kỹ thuật điều trị xâm lấn, trong đó một dụng cụ chuyên biệt được luồn vào bên trong lòng mạch để loại bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. 
  • Phẫu thuật Muller: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch các đường nhỏ trên da và thông qua đó để xử lý các tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da.

Điều trị tiêm xơ tĩnh mạch

Bằng cách tiêm một loại hóa chất dọc theo tĩnh mạch cần điều trị, phương pháp này khiến thành mạch dính lại với nhau để ngăn cản lượng máu trào ngược. Từ đó, tuần hoàn ở chân được kiểm soát tốt giúp giảm bớt các triệu chứng sưng đau do suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chân
Phương pháp tiêm xơ trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Điều trị bằng laser và sóng cao tần

Hiện nay, phương pháp đốt nội tĩnh mạch bằng laser (EVLT) và sóng cao tần (RFA) đang được áp dụng phổ biến trong bệnh suy giãn tĩnh mạch chân do hiệu quả và hầu như không làm xuất hiện các biến chứng sau điều trị.

Mặc dù phương pháp đốt laser thường sử dụng trong điều trị tĩnh mạch mạng nhện và suy giãn tĩnh mạch nhỏ, trong khi đốt sóng cao tần phù hợp để điều trị suy giãn tĩnh mạch lớn hơn nhưng quá trình thực hiện của cả 2 phương pháp này đều tương tự nhau. 

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ và rạch một đường nhỏ ở vùng cần điều trị, sau đó luồn sợi dây dẫn laser (hoặc ống thông dẫn sóng cao tần) vào trong lòng tĩnh mạch dưới sự hướng dẫn của hình ảnh siêu âm. Năng lượng nhiệt tỏa ra từ laser hoặc sóng cao tần sẽ khiến tĩnh mạch bị giãn nóng lên, xẹp xuống và đóng kín lại mà không gây tổn thương các khu vực xung quanh. Điều này nghĩa là công việc và các hoạt động thường ngày của bạn vẫn được diễn ra bình thường sau khi thực hiện điều trị.

Một lưu ý nhỏ là tùy theo tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân ở mỗi người mà việc điều trị có thể cần lặp lại nhiều lần để đạt được kết quả như mong muốn. 

Cách phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân

Một số biện pháp đơn giản có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là:

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập giúp lưu thông máu
  • Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu
  • Tập thói quen gác chân cao khi ngồi làm việc hoặc nằm nghỉ
  • Giảm muối và bổ sung thêm nhiều chất xơ, vitamin vào chế độ ăn
  • Duy trì cân nặng lý tưởng và giảm cân nếu cần thiết
  • Hạn chế mang giày cao gót hoặc mặc quần áo quá chật

Câu hỏi thường gặp về suy giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Đi bộ là một trong những bài luyện tập được khuyến nghị dành cho người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Duy trì việc đi bộ từ 10 – 30 phút mỗi ngày có thể giúp bệnh được cải thiện đáng kể, bởi vì hoạt động co cơ khi đi bộ sẽ giúp tăng cường lưu thông máu hiệu quả.

Người bị giãn tĩnh mạch chân nên ăn gì?

Chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin có thể góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Một số loại thực phẩm mà bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân nên ăn là:

  • Hạt chia
  • Các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi…)
  • Quả bơ
  • Kiều mạch, ngũ cốc
  • Trái cây họ cam, chanh
  • Rau lá xanh (cải xoăn, cải xanh, cải bó xôi…)

Trên đây là những chia sẻ của Bowtie về tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Hy vọng qua đó, bạn đã phần nào hiểu được bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là gì cũng như biết cách để phòng bệnh cho bản thân và những người xung quanh. Trường hợp nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh van tim: Nhóm bệnh lý tim mạch bạn cần lưu tâm Bệnh van tim: Nhóm bệnh lý tim mạch bạn cần lưu tâm
Bệnh tim mạch

Bệnh van tim: Nhóm bệnh lý tim mạch bạn cần lưu tâm

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim
Bệnh tim mạch

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim

Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp thứ phát: Hệ quả nguy hiểm từ nhiều bệnh lý khác

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK