Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì?

Nhiều người thường có thói quen đi truyền dịch nếu cảm thấy mệt trong người, kể cả khi bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không phải trường hợp sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch vì đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu truyền dịch bừa bãi. Vậy người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì?
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-16
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Có nên truyền dịch, truyền nước khi sốt xuất huyết?Người bị sốt xuất huyết được truyền dịch khi nào?Sốt xuất huyết sẽ truyền dịch gì?Phương thức truyền dịch khi bị sốt xuất huyếtTiêu chuẩn ngưng truyền dịchNhững lưu ý trong quá trình truyền dịch cho người bệnh sốt xuất huyết
Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì?

Sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Bệnh đặc trưng với biểu hiện sốt, chảy máu và thoát huyết tương nên có khả năng gây sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, thậm chí là tử vong nếu không được can thiệp điều trị hiệu quả. Nhiều người có quan niệm rằng khi sốt xuất huyết sẽ phải truyền dịch mới nhanh khỏe. Vậy có đúng là người bệnh sốt xuất huyết nào cũng phải truyền dịch, nếu cần thì nên truyền dịch gì và khi nào?

Có nên truyền dịch, truyền nước khi sốt xuất huyết?

Số ca bệnh sốt xuất huyết vào mỗi mùa mưa đều gia tăng đến mức đáng báo động và gây ra nhiều lo lắng cho mọi người. Lợi dụng điều đó mà các quảng cáo truyền dịch tại nhà cho người bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ngày càng nhiều mà không hề kèm theo bất kỳ khuyến cáo, cảnh báo nào. Nhiều người dễ dàng tin theo những thông tin trên mạng và tự ý chẩn đoán tình trạng bệnh, tự điều trị mà không đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, từ đó dẫn đến kết quả thương tâm.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người bệnh sốt xuất huyết tử vong sau khi tự ý truyền dịch. Nguyên nhân là vì việc tự ý truyền dịch làm cho cơ thể giữ nước trong các mô kẽ, gây phù, dẫn đến tình trạng dư nước ở ngoài nhưng thiếu ở trong. Khi đó, người bệnh vừa bị sốc do rối loạn tuần hoàn, vừa suy hô hấp do truyền dịch trước đó. Vì thế, việc tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn là rất nguy hiểm, chưa kể đến các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình truyền dịch.

Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết dengue” và quy định rõ các trường hợp cần truyền dịch cũng như loại dịch truyền, phương thức truyền dịch phù hợp. Đồng thời, người bệnh phải được theo dõi các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở… trong quá trình truyền dịch để kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường. Nếu không truyền dịch đúng, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề nguy hiểm và gây khó khăn trong điều trị.

Người bệnh sốt xuất huyết khi còn tự ăn uống được nên bù dịch bằng đường uống với dung dịch oresol pha đúng theo hướng dẫn sử dụng hoặc các loại nước hoa quả. Nếu bệnh chuyển biến nặng thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ đánh giá và chỉ định truyền dịch nếu cần thiết. Việc truyền dịch gì cho người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ chứ không nên tự ý đi truyền tại các phòng khám.

Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch gì? Có nên truyền dịch không?
Người bệnh sốt xuất huyết cần truyền dịch gì sẽ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý truyền dịch tại nhà.

Người bị sốt xuất huyết được truyền dịch khi nào?

Người bệnh sốt xuất huyết sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch trong trường hợp có ít nhất một biểu hiện sau:

  • Lừ đừ, vật vã
  • Không bổ sung được nước bằng đường uống
  • Nôn kéo dài, dữ dội trên 3 lần/giờ hoặc 4 lần/6 giờ
  • Đau bụng nhiều
  • Xuất hiện các biểu hiện mất nước như khát, môi khô, tiểu ít…
  • Chỉ số hematocrit tăng cao

Thông thường, bệnh nhân sẽ được truyền dịch trong khoảng 24 – 48 giờ. Nhân viên y tế sẽ tiến hành theo dõi lâm sàng thường xuyên trong quá trình truyền dịch. Nếu mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định, chỉ số hematocrit (Hct) giảm, lượng nước tiểu ≥ 0,5 – 1 ml/kg/giờ thì bác sĩ sẽ giảm tốc độ truyền dịch và có thể ngưng truyền dịch sau 24 – 48 tiếng nếu biểu hiện lâm sàng tiếp tục cải thiện.

Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bị sốc (mạch nhanh và nhẹ, khó bắt, huyết áp kẹt hoặc tụt, chỉ số Hct tăng, chi ẩm và lạnh, thời gian làm đầy mao mạch ≥ 3 giây, đau vùng gan, lừ đừ…) thì sẽ được truyền dịch chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết dengue. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ điều trị tình trạng nhiễm toan huyết, chảy máu, hạ đường huyết, hạ canxi nếu xảy ra.

Sốt xuất huyết sẽ truyền dịch gì?

Dịch truyền được dùng cho người bệnh sốt xuất huyết bao gồm:

  • Ringer lactate
  • Ringer acetate (khi gan bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng cấp)
  • Dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%)

Tốc độ truyền dịch thường nhanh trong 1 – 3 giờ đầu, sau đó giảm xuống tùy theo tình trạng người bệnh. Bác sĩ cũng theo dõi lâm sàng, chỉ số Hct trong mỗi 2 – 4 giờ truyền dịch.

Khi điều trị sốc sốt xuất huyết, ngoài các dịch ở trên, bác sĩ còn có thể sử dụng thêm các dịch truyền sau: 

  • Dung dịch cao phân tử như dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch…
  • Dung dịch albumin

Phương thức truyền dịch khi bị sốt xuất huyết

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phương thức truyền dịch để điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo trên đối tượng trẻ em và người lớn như sau:

Đối với trẻ em (dưới 16 tuổi)

  • Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc dung dịch nước muối đẳng trương với tốc độ 6 – 7ml/kg/giờ trong 1 – 3 giờ đầu rồi giảm tốc độ xuống 5ml/kg/giờ trong 2 – 4 giờ tiếp theo. Chú ý theo dõi lâm sàng và chỉ số Hct trong mỗi 2 – 4 giờ.
  • Nếu mạch và huyết áp ổn định, chỉ số Hct giảm, lượng nước tiểu ≥ 0,5 – 1ml/kg/giờ thì bác sĩ sẽ giảm tốc độ truyền dịch xuống còn 3ml/kg/giờ trong 2 – 4 giờ. Nếu biểu hiện lâm sàng tiếp tục cải thiện, bệnh nhân có thể được ngưng truyền dịch sau 24 – 48 giờ.
  • Nếu mạch đập nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt, chỉ số Hct tăng: Bác sĩ sẽ cần xử lý các tình trạng nhiễm toan máu, chảy máu… nếu có và tiếp tục truyền dịch như sau:
    • Khi tổng lượng dịch truyền > 60ml/kg: Bác sĩ đổi sang truyền dịch cao phân tử với tốc độ 10 – 20ml/kg/giờ trong vòng 1 giờ và thực hiện truyền dịch như điều trị sốc sốt xuất huyết sau đó.
    • Khi tổng lượng dịch truyền ≤ 60ml/kg: Bác sĩ tăng tốc độ truyền dịch Ringer lactate, Ringer acetate hoặc dung dịch nước muối đẳng trương lên 10 – 20ml/kg/giờ trong 1 giờ và tiếp tục truyền dịch như khi điều trị sốc sốt xuất huyết.

Đối với người lớn và trẻ em trên 16 tuổi

  • Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc dung dịch nước muối đẳng trương với tốc độ 6ml/kg/giờ trong 1 – 2 giờ đầu rồi giảm tốc độ xuống 3ml/kg/giờ trong 2 – 4 giờ tiếp theo. Trong quá trình này, bác sĩ liên tục theo dõi biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân và chỉ số Hct mỗi 2 – 4 giờ.
  • Nếu mạch và huyết áp ổn định, chỉ số Hct giảm, lượng nước tiểu ≥ 0,5 – 1ml/kg/giờ thì bác sĩ sẽ giảm tốc độ truyền dịch xuống còn 1,5ml/kg/giờ trong 6 – 18 giờ. Nếu biểu hiện lâm sàng tiếp tục được cải thiện, bệnh nhân có thể được ngưng truyền dịch sau 12 – 24 giờ.
  • Nếu người bệnh có dấu hiệu sốc thì bác sĩ sẽ truyền dịch chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết. Ban đầu, người bệnh được truyền dịch cao phân tử với tốc độ 10 – 15ml/kg/giờ. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị toan hóa máu, chảy máu, hạ đường huyết, hạ calci máu thì bác sĩ cũng sẽ tập trung điều trị các tình trạng này.
Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch gì? Phương thức truyền dịch
Nhân viên y tế sẽ tiến hành truyền dịch và thường xuyên theo dõi tình trạng người bệnh sốt xuất huyết theo chỉ định của bác sĩ.

Tiêu chuẩn ngưng truyền dịch

Khi muốn ngưng truyền dịch, người bệnh sốt xuất huyết cần đạt được các tiêu chuẩn sau:

  • Biểu hiện lâm sàng ổn định, tứ chi chi ấm, mạch rõ ràng, huyết áp ổn định, tiểu với số lượng khá
  • Chỉ số Hct đã trở lại ổn định
  • Xuất hiện triệu chứng quá tải hoặc phù phổi

Thời điểm dừng truyền dịch thường là sau 24 giờ khi bệnh nhân hết sốc và có dấu hiệu phục hồi, khoảng sau 6 – 7 ngày. Trong trường hợp sốc sốt xuất huyết, tổng dịch truyền thường khoảng 120 – 150ml/kg và có thể nhiều hơn nếu sốc sốt xuất huyết nặng.

Những lưu ý trong quá trình truyền dịch cho người bệnh sốt xuất huyết

Việc truyền dịch tĩnh mạch cho người bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý một số điểm sau:

  • Nên dừng truyền dịch nếu nhận thấy huyết áp và mạch trở về bình thường, người bệnh tiểu nhiều vì việc bù dịch sau khi hết sốc nhìn chung là không cần thiết.
  • Chú ý tới sự tái hấp thu huyết tương từ ngoài lòng mạch vào trong, đồng thời theo dõi dấu hiệu phù phổi cấp cho bệnh nhân nếu vẫn tiếp tục truyền dịch.
  • Dùng thuốc lợi tiểu (như furosemide) qua đường tĩnh mạch khi có hiện tượng bù dịch quá tải gây suy tim hoặc phù phổi cấp.
  • Trường hợp sau khi hồi phục sốc mà huyết áp kẹt nhưng tay chân ấm, mạch đập chậm và rõ ràng, bệnh nhân tiểu nhiều thì không cần tiếp tục truyền dịch nữa. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ giữ kim tĩnh mạch và tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân tại phòng cấp cứu.
  • Tùy thuộc mỗi bệnh nhân và tình trạng bệnh mà lượng dịch truyền sẽ được điều chỉnh khác nhau.
  • Việc truyền dịch cho người bệnh sốt xuất huyết cần tuân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và được theo dõi thường xuyên. Truyền dịch nhiều quá có thể gây khó thở hoặc diễn tiến sốc, khi đó cần phải thay đổi phương thức điều trị phù hợp.
  • Cuối cùng, người bệnh cần tiếp nhận truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý rút kim truyền sẽ gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm. 

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết người bệnh sốt xuất huyết khi nào mới cần truyền dịch và truyền dịch gì để có hiệu quả. Bạn hãy nhớ rằng, không được tự ý truyền dịch trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả sốt xuất huyết, để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị

Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này! Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này!
Các bệnh lý khác

Chớ bỏ qua 9 dấu hiệu bệnh gan đáng báo động này!

Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK