Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi mùa mưa

Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo thống kê từ các địa phương, Việt Nam ghi nhận 52.572 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc tăng khoảng 74% so với cùng kỳ năm 2021.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-11
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh sốt xuất huyết là gì?Dấu hiệu, triệu chứngNguyên nhân gây bệnhBiến chứngPhương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa

Bệnh sốt xuất huyết dengue là gì?

Vậy bệnh sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa sốt xuất huyết thế nào? Cùng Bowtie tìm hiểu các thông tin chi tiết về bệnh sốt xuất huyết trong bài viết sau đây!

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian là muỗi và có khả năng bùng phát thành dịch. 

Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, nhẹ thì gây sốt cao, phát ban, mệt mỏi, nặng thì gây hạ huyết áp đột ngột, chảy máu và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dengue được chia thành 3 giai đoạn chính là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Mỗi giai đoạn sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng lâm sàng khác nhau cần lưu ý, cụ thể:

Giai đoạn sốt

Giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu kể từ khi phát bệnh với các triệu chứng đi kèm như:

  • Sốt cao (39 – 40℃) đột ngột, liên tục.
  • Mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, chóng mặt
  • Da xung huyết
  • Chán ăn, buồn nôn và nôn
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt
  • Xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi

Giai đoạn nguy hiểm

Đây là giai đoạn có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nghiêm trọng và được đánh giá là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Giai đoạn này diễn ra vào khoảng ngày 3 – 7 kể từ khi phát bệnh. Ở giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể vẫn còn sốt và kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng, cụ thể:

  • Đau bụng nhiều, liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan
  • Vật vã, lừ đừ, li bì
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch như tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt. Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến các biểu hiện như vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu ngón tay và ngón chân, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít…
  • Xuất huyết dưới da kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu 
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo (ở phụ nữ) 
  • Đi ngoài phân đen, phân có máu hoặc nôn ra máu tươi

Giai đoạn hồi phục

Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã hết sốt trên 48 giờ liên tục. Lúc này, người bệnh cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn và xuất hiện cảm giác thèm ăn. 

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết

Virus dengue là nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết (sốt xuất huyết dengue). Virus được lây từ người sang người thông qua vật truyền nhiễm chủ yếu là muỗi vằn Aedes aegypti. Loài muỗi Aedes albopictus cũng có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết nhưng ít phổ biến hơn. 

Khi đốt người bị nhiễm virus dengue, virus sẽ theo máu đi vào cơ thể muỗi. Sau đó, muỗi mang virus tiếp tục đốt những người khỏe mạnh, virus sẽ từ muỗi xâm nhập vào máu của người khỏe mạnh và gây bệnh.

Muỗi trưởng thành thường trú ngụ ở các góc tối trong nhà và đẻ trứng, sinh sôi ở các bể chứa nước, vũng nước tù, khu vực nhiều cây cối… đặc biệt phát triển mạnh vào mùa mưa. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần lưu ý giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng, đậy kín bể chứa và dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi sinh sôi và phát triển.

Vật chủ truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết từ người sang người.

Biến chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh có diễn biến phức tạp và có thể để lại nhiều biến chứng khó lường. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện hạ huyết áp đột ngột, nôn nhiều, người mệt lả, li bì… không được cấp cứu và điều trị kịp thời thì rất dễ gặp các biến chứng sốt xuất huyết  sau:

  • Suy tạng như suy tim, suy thận, suy gan
  • Sốc do mất máu
  • Hôn mê
  • Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp)
  • Xuất huyết não
  • Sảy thai, sinh non, thai lưu ở phụ nữ mang thai

Phương pháp chẩn đoán

Một số phương pháp có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết dengue. Tùy theo thời gian bệnh nhân biểu hiện triệu chứng mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chẩn đoán phù hợp. Hiện nay, sốt xuất huyết được chẩn đoán thông qua việc thực hiện một số phương pháp sau:

  • Xét nghiệm nhanh để tìm kháng nguyên NSI 
  • Xét nghiệm ELISA để tìm kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 của bệnh
  • Xét nghiệm PCR, phân lập virus

Phương pháp điều trị

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị theo triệu chứng kết hợp chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc. Đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý quan sát các biểu hiện của giai đoạn nguy hiểm ở khoảng ngày 3 – 7. 

Điều trị triệu chứng:

  • Nếu sốt cao trên 38,5, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, chườm khăn mát lên trán, nách, bẹn và dùng thêm thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng hướng dẫn.
  • Bù nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước oresol, nước trái cây hoặc nước cháo loãng với muối.

Chế độ chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết:

  • Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại, vận động nhiều
  • Hạn chế đồ ăn màu đỏ, nâu, đen để tránh nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa khi đi ngoài
  • Liên tục theo dõi các biểu hiện, triệu chứng và diễn biến của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời

Nếu thấy người bệnh có các biểu hiện như hạ huyết áp đột ngột, nôn nhiều, người mệt lả, li bì thì cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Một số trường hợp như trẻ nhũ nhi, người thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người có nhiều bệnh nền… sẽ được xem xét chỉ định nhập viện để điều trị sốt xuất huyết từ đầu.

Cách phòng ngừa

Để chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y Tế khuyến cáo mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:

  • Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và tiêu diệt lăng quăng trong các bể chứa nước sinh hoạt, đậy kín nắp bể chứa và dụng cụ chứa nước để tránh muỗi sinh sôi.
  • Vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi cây, cỏ quanh khu vực sinh sống, xử lý rác thải đúng nơi quy định để ngăn muỗi đẻ trứng
  • Mắc màn khi ngủ, khử khuẩn, phun diệt muỗi thường xuyên tại gia đình và quanh khu vực sinh sống
  • Nghiêm túc phối hợp với chính quyền địa phương trong các chiến dịch diệt lăng quăng và phun khử khuẩn phòng chống dịch sốt xuất huyết bùng phát
  • Khi nghi ngờ mình hoặc người thân mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát thành dịch. Vì vậy, bạn cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng ngừa bệnh cho bản thân, gia đình và cả xã hội.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tìm hiểu về trĩ - Tìm hiểu về trĩ -
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu về trĩ - "nỗi đau" thầm kín của nhiều người

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường
Các bệnh lý khác

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản) Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK