Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Sơ cứu sốt xuất huyết: Nhận diện triệu chứng và xử lý kịp thời

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở nước ta vào mùa mưa. Bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc hiểu rõ cách sơ cứu sốt xuất huyết để xử lý kịp thời khi bản thân hoặc người thân chẳng may mắc bệnh là điều rất quan trọng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-23
Cập nhật ngày 2023-07-23
Nội dung chính
Sơ lược về bệnh sốt xuất huyếtCách sơ cứu và xử lý sốt xuất huyết tại nhàNhững triệu chứng cảnh báo bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay Cách sơ cứu, xử lý khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng
Sơ cứu sốt xuất huyết: Nhận diện triệu chứng và xử lý kịp thời

Vậy sơ cứu và xử lý sốt xuất huyết tại nhà như thế nào? Khi nào cần nhập viện điều trị sốt xuất huyết? Nếu bạn đang có những băn khoăn này, vậy hãy cùng Bowtie dành vài phút xem qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết sau đây nhé!

Sơ lược về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra và muỗi vằn chính là “thủ phạm” truyền virus từ người sang người. Ở Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh rất thường gặp, nhất là vào những tháng mùa mưa bởi đây là thời điểm muỗi vằn sinh sản nhiều.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn với các biểu hiện đa dạng, diễn tiến nhanh từ nhẹ đến nặng và thường xuất hiện đột ngột. Khi bị sốt xuất huyết, bạn sẽ trải qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, nguy hiểm và hồi phục. Trong đó, ở giai đoạn đầu, sốt sẽ là triệu chứng điển hình nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như nhức đầu, đau nhức khắp cơ thể, nôn ói và phát ban. Các triệu chứng thường sẽ cải thiện trong 1 – 2 tuần nhưng cũng có trường hợp chuyển biến thành sốt xuất huyết nặng và cần nhập viện điều trị. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh có 3 cấp độ từ nhẹ đến nặng là:

  • Sốt xuất huyết dengue (DF)
  • Sốt xuất huyết dengue dấu hiệu cảnh báo (DHF)
  • Sốc sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết dengue thể nặng (DSS)

Trong đó, sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo sẽ được phân loại theo mức độ nghiêm trọng. Chẳng hạn, sốt xuất huyết độ I sẽ gồm sốt và các triệu chứng không điển hình. Sốt xuất huyết độ II cũng giống như độ I nhưng có thêm biểu hiện là xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng… Sốt xuất huyết độ III sẽ có các biểu hiện của suy tuần hoàn như mạch nhanh, hạ huyết áp, da lạnh ẩm, lừ đừ…, còn sốt xuất huyết độ IV là tình trạng sốc nặng với huyết áp và mạch không đo được. Theo đó, mức độ III và IV được xác định là sốc sốt xuất huyết.

Đối với các trường hợp nhẹ, bạn có thể được chỉ định điều trị tại nhà. Còn nếu thuộc trường hợp sốt xuất huyết dengue dấu hiệu cảnh báo hoặc sốc sốt xuất huyết, bạn cần nhập viện điều trị. 

Cách sơ cứu và xử lý sốt xuất huyết tại nhà

Đối với các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo, bạn có thể thực hiện các cách sơ cứu sốt xuất huyết và chăm sóc tại nhà. Thông thường, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân chỉ có phản ứng sốt cao chứ chưa có các biểu hiện nghiêm trọng. Lúc này, người nhà có thể áp dụng một số cách xử lý sốt xuất huyết tại nhà như sau:

  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi trong môi trường mát mẻ, thông thoáng
  • Cho người bệnh mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, tránh đắp mền quá dày hoặc mặc quần áo quá nhiều
  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước lọc hoặc oresol (từ 2 lít/ngày), có thể chuẩn bị thêm nước trái cây, sinh tố, các loại trà thảo mộc…
  • Chuẩn bị thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp…
  • Áp dụng một số biện pháp giúp điều trị giảm tiểu cầu tại nhà như uống nước ép lá đu đủ, ăn cà chua hoặc uống nước ép cà chua, uống nước ép nha đam…

Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần tìm mọi cách để hạ sốt cho người bệnh như uống thuốc không kê đơn kết hợp với chườm mát ở các vị trí như trán, nách, bẹn, các nếp gấp trên cơ thể… Bên cạnh đó, bạn cũng nên lau cơ thể cho bệnh nhân sốt xuất huyết bằng nước ấm để hạ nhiệt nhanh. 

Một điều cần lưu ý khi sơ cứu và xử lý sốt xuất huyết là không được dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bạn cũng chỉ nên uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5°C với liều 1 viên 500mg/lần nếu có cân nặng từ 40 – 70kg và 2 viên/lần nếu có cân nặng trên 70kg, mỗi lần uống cần cách nhau 4 – 6 tiếng. 

Những triệu chứng cảnh báo bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay

Sơ cứu sốt xuất huyết: Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm
Nôn ói trên 3 lần/ngày là dấu hiệu của sốt xuất huyết nặng bạn cần đi khám ngay.

Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bạn sẽ cần đặc biệt chú ý theo dõi các triệu chứng của cơ thể, ngay cả  khi cơ thể đã hạ sốt, bởi đây là thời điểm bạn sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm. Bạn cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốc sốt xuất huyết như:

  • Cảm thấy vật vã, lừ đừ, li bì, không dậy nổi
  • Lạnh đầu ngón tay và ngón chân, mạch đập nhanh, huyết áp kẹt (chênh lệch giữa mức huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc hạ huyết áp, không đo được huyết áp) 
  • Dấu hiệu sốc nặng như không thể bắt được mạch, da lạnh và nổi vân tím
  • Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau vùng gan
  • Nôn ói nhiều ≥ 3 lần mỗi giờ hoặc 4 lần trong vòng 6 giờ
  • Tiểu ít, bí tiểu
  • Xuất huyết dưới da với các nốt xuất huyết nằm rải rác, thường ở mặt trước cẳng chân, mặt trong cánh tay, vùng bụng, đùi, sườn hoặc mảng bầm tím
  • Dấu hiệu xuất huyết nội như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, nôn ói ra máu hoặc dịch nôn lẫn máu, có máu lẫn trong phân hoặc phân màu đen, xuất huyết âm đạo hoặc đi tiểu ra máu.

Khi thấy có các biểu hiện kể trên, bạn cần đi bệnh viện ngay lập tức bởi nếu không được điều trị kịp thời, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:

  • Sốc giảm thể tích máu
  • Tràn dịch màng phổi
  • Suy đa tạng như suy gan, suy thận, suy tim…
  • Xuất huyết não, rối loạn tri giác
  • Các biến chứng về mắt như xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính
  • Hôn mê

Những trường hợp nghiêm trọng, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, trong quá trình chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bạn sẽ cần hết sức lưu ý đến các biểu hiện của cơ thể. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì nên đi bệnh viện ngay, tránh chần chừ, chờ đợi.

Cách sơ cứu, xử lý khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Đa phần, các trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết thể nặng sẽ lừ đừ, vật vã nhưng vẫn còn tỉnh táo. Dù vậy, người thân vẫn nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện khám ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường kể trên. Khi đến khám, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện và có hướng xử lý phù hợp tùy theo tình trạng hiện tại của người bệnh. Theo hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế, đối với các trường hợp sốt xuất huyết dengue có triệu chứng cảnh báo, bác sĩ có thể chỉ định các hướng xử lý như:

  • Điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt
  • Tiến hành bù dịch sớm qua đường miệng nếu người bệnh còn khả năng uống được
  • Theo dõi sát sao mạch, huyết áp, triệu chứng của bệnh nhân, lượng dịch đưa vào cơ thể, lượng nước tiểu và chỉ số Hct mỗi 4 – 6 giờ
  • Thực hiện truyền dịch nếu bệnh nhân nôn ói nhiều, không uống được nước bằng miệng và chỉ số Hct cao hoặc có triệu chứng mất nước.

Trường hợp tiến triển thành sốc sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được điều trị cấp cứu bằng cách:

  • Thực hiện truyền dịch với ringer lactate, ringer acetate (khi bệnh nhân bị tổn thương gan nặng hay suy gan cấp) hoặc dung dịch NaCl 0,9% đẳng trương
  • Thở oxy qua gọng mũi với tốc độ 1 – 6 lít/phút
  • Bù dịch nhanh cho cơ thể

Trên đây là cách sơ cứu sốt xuất huyết tại nhà, tại bệnh viện mà bạn có thể tham khảo. Nhìn chung, sốt xuất huyết là bệnh lý tuy quen thuộc nhưng lại rất nguy hiểm. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bên cạnh việc thực hiện các cách sơ cứu sốt xuất huyết kể trên, tốt nhất bạn nên dành thời gian đi khám. Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú thì cần chú ý theo dõi sát sao các triệu chứng, nếu có biểu hiện bất thường thì nên đến bệnh viện ngay.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết
Các bệnh lý khác

Nhiễm trùng đường ruột (Nhiễm trùng đường tiêu hóa) và những điều cần biết

Kiểm tra ngay 8 triệu chứng cúm A ở trẻ em thường gặp, dễ phát hiện Kiểm tra ngay 8 triệu chứng cúm A ở trẻ em thường gặp, dễ phát hiện
Các bệnh lý khác

Kiểm tra ngay 8 triệu chứng cúm A ở trẻ em thường gặp, dễ phát hiện

Triệu chứng gan nhiễm mỡ rất khó nhận biết Triệu chứng gan nhiễm mỡ rất khó nhận biết
Các bệnh lý khác

Triệu chứng gan nhiễm mỡ rất khó nhận biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK