Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe
Rối loạn nhịp tim (hay tim đập loạn nhịp) có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù nguy hiểm nhưng tình trạng rối loạn nhịp tim ít khi được phát hiện do các triệu chứng thường không rõ ràng.
Vậy tim đập loạn nhịp là bệnh gì, làm thế nào để nhận biết và điều trị hiệu quả? Để tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề này, mời bạn cùng Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập không đều do sự bất thường trong quá trình dẫn truyền các tín hiệu điện ở tim. Bình thường, nhịp tim khi nghỉ ngơi của một người có thể dao động từ 60 – 100 nhịp mỗi phút. Bất thường xảy ra ở nút xoang (SA), nút nhĩ thất (AV), tâm thất hoặc tâm nhĩ sẽ dẫn đến chứng rối loạn nhịp tim với 2 dạng chính là:
Nhịp tim nhanh: Nhịp tim khi nghỉ ngơi > 100 nhịp/phút
Nhịp tim chậm: Nhịp tim khi nghỉ ngơi < 60 nhịp/phút
Ngoài ra, mỗi dạng rối loạn nhịp tim có thể bao gồm nhiều loại khác nhau, cụ thể là:
Rối loạn nhịp tim nhanh
Rung tâm nhĩ: Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, gây ra nhịp nhanh và không đều. Bệnh thường có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất:Nhịp tim của bệnh nhân có thể tăng đột ngột lên đếntrên 100 nhịp/phút khi đang hoạt động thể chất hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
Cuồng nhĩ: Khi bị cuồng nhĩ, tâm nhĩ của bệnh nhân có thể đập với tốc độ lên đến 300 nhịp/phút, đều đặn hoặc không đều. Tình trạng này thường xảy ra ở người bị rung tâm nhĩ và cũng có thể liên quan đến đột quỵ.
Rung tâm thất: Đây là dạng rối loạn nhịp tim hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Tâm thất của bệnh nhân lúc này bị rung lên và không thể co bóp hiệu quả. Người bệnh có thể tử vong nếu nhịp tim không được khôi phục trở lại trong vòng vài phút.
Nhịp nhanh thất: Tình trạng nhịp tim nhanh bắt đầu ở tâm thất khiến tim không được đổ đầy máu, hậu quả là giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. Ở những người mắc bệnh tim, nhịp nhanh thất được xem là tình trạng đặc biệt nghiêm trọng và cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Hội chứng QT kéo dài:Khoảng QT dài hơn bình thường có thể làm tăng nguy cơ xảy ra “xoắn đỉnh” – đây là một dạng đặc biệt của nhịp nhanh thất với khả năng đe dọa tính mạng cao.
Hội chứng Wolff-Parkinson-White: Sự hình thành đường dẫn truyền phụ ở giữa tâm nhĩ và tâm thất sẽ gây ra tình trạng nhịp tim nhanh không đều. Điều này có thể dẫn đến ngất xỉu hoặc đôi khi là ngừng tim.
Rối loạn nhịp tim chậm
Hội chứng nút xoang: Hoạt động bất thường của nút xoang có thể khiến tim đập chậm.
Block tim: Tim đập dưới 60 nhịp/phút do đường dẫn truyền xung điện từ nút xoang đến tâm thất bị tắc nghẽn. Trường hợp nghiêm trọng, các xung điện bị chặn đứng hoàn toàn có thể dẫn đến ngừng tim.
Rối loạn nhịp tim sớm
Nhịp tim sớm là những nhịp phụ xuất hiện xen kẽ với nhịp tim bình thường, xảy ra do co thắt tâm nhĩ hoặc tâm thất sớm. Tình trạng này thường không đáng lo ngại nhưng nếu chúng kéo dài trong nhiều năm thì có thể dẫn đến các rối loạn nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng rối loạn nhịp tim
Các triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim có thể phát triển không rõ ràng và ít biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, trong phần lớn các trường hợp, bệnh chỉ vô tình được phát hiện khi người bệnh tiến hành thăm khám sức khỏe vì những lý do khác. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu mà người bị rối loạn nhịp tim thường nhận thấy là:
Hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, đập loạn xạ, rung trong lồng ngực
Đau tức ngực, nặng ngực, khó thở
Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu
Toát nhiều mồ hôi
Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
Cảm thấy lo lắng và bồn chồn
Giảm huyết áp
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim là gì?
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các nguyên nhân phổ biến là:
Các vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh van tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, bất thường tim bẩm sinh, bệnh tim di truyền
Tuyến giáp hoạt động quá mức (bệnh cường giáp) hoặc kém hoạt động (bệnh suy giáp)
Thay đổi cấu trúc tim do lão hóa hoặc bệnh lý mắc phải
Mất cân bằng điện giải trong máu
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Uống quá nhiều rượu hoặc thức uống chứa caffeine, hút thuốc lá
Lo lắng, căng thẳng kéo dài
Yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn nhịp tim
Cùng với việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhịp tim là gì, bạn cũng nên chú ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, bao gồm:
Tuổi tác cao
Phẫu thuật hoặc tổn thương tim trước đó
Mất cân bằng các chất điện giải như kali, natri, canxi và magiê
Sử dụng một số loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn (thuốc ho, cảm lạnh…)
Nghiện rượu, thuốc lá, caffeine
Lạm dụng ma túy hoặc các chất kích thích bất hợp pháp như amphetamine, cocaine
Thừa cân, béo phì
Thường xuyên căng thẳng hoặc lo lắng
Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Sau khi kiểm tra sức khỏe và đánh giá chung về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm để xác nhận sự hiện diện của bệnh lý rối loạn nhịp tim và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Các kiểm tra, xét nghiệm thường được chỉ định trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim bao gồm:
Điện tâm đồ (ECG)
Siêu âm tim
Chụp X-quang ngực
Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ
Đặt ống thông tim
Thăm dò điện sinh lý tim (EPS)
Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nghiệm pháp gắng sức
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Sử dụng máy Holter (một thiết bị di động nhỏ) để theo dõi hoạt động của tim trong ít nhất 24 giờ
Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim
Việc điều trị có thể không cần thiết nếu tình trạng rối loạn nhịp tim nhẹ và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Với các trường hợp cần điều trị, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của rối loạn nhịp tim mà một số phương pháp có thể được lựa chọn, bao gồm:
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc dưới đây trong điều trị rối loạn nhịp tim:
Thuốc chống loạn nhịp tim
Thuốc kiểm soát nhịp tim
Các thuốc chống đông máu (chống kết tập tiểu cầu) giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ, chẳng hạn như warfarin hoặc aspirin
Thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe gây rối loạn nhịp tim
Liệu pháp xâm lấn
Bên cạnh việc dùng thuốc, rối loạn nhịp tim cũng có thể được điều trị bằng một số thủ thuật và phẫu thuật sau:
Sốc điện: Ở những người bị rối loạn nhịp tim dai dẳng (chẳng hạn như rung tâm nhĩ), bệnh nhân khó có thể đạt được nhịp tim bình thường nếu chỉ điều trị bằng thuốc. Thay vào đó, một xung điện được truyền qua thành ngực đến tim có thể giúp tim “thiết lập lại” nhịp đập bình thường.
Triệt đốt qua ống thông: Với thủ thuật này, bác sĩ đưa một hoặc nhiều ống thông qua các mạch máu để vào tim. Sau đó, điện cực ở đầu ống thông sẽ phát ra năng lượng điện tần số cao để tạo ra những vết sẹo nhỏ trong tim nhằm chặn đứng các tín hiệu dẫn truyền bất thường và đưa nhịp tim trở về mức bình thường.
Cấy ghép máy tạo nhịp tim: Để điều trị nhịp tim chậm do những nguyên nhân không thể điều chỉnh được, một thiết bị nhỏ với khả năng tạo ra các xung điện đều đặn có thể được cấy ghép dưới da để giúp bệnh nhân kiểm soát nhịp tim.
Cấy ghép máy khử rung tim (ICD): Thiết bị ICD chủ yếu được sử dụng để điều trị các trường hợp rối loạn nhịp tim ở tâm thất (nhịp nhanh thất hoặc rung thất) hoặc những người có nhiều nguy cơ bị ngừng tim. Sau khi được cấy ghép vào cơ thể, máy sẽ liên tục theo dõi hoạt động của tim và nhanh chóng điều hòa lại nhịp đập ngay khi phát hiện sự bất thường.
Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hở nhằm khắc phục các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim khi những phương pháp khác không đạt hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh. Dựa theo mục đích cụ thể, các lựa chọn điều trị có thể là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, phẫu thuật sửa chữa van tim, phẫu thuật Maze…
Cách phòng ngừa bệnh rối loạn nhịp tim
Một số cách đơn giản có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim mạch cũng như giảm bớt nguy cơ phát triển rối loạn nhịp tim là:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho tim mạch
Thường xuyên vận động, luyện tập thể chất
Duy trì mức cân nặng lý tưởng, giảm cân trong trường hợp thừa cân hoặc béo phì
Hạn chế hoặc tốt nhất hãy tránh xa thuốc lá, bia rượu, caffeine và các chất kích thích
Kiểm soát hiệu quả tình trạng huyết áp cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ hoặc bất kỳ vấn đề nào có liên quan đến tim mạch
Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng và tức giận
Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc
Câu hỏi thường gặp về rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Dựa vào dạng rối loạn nhịp tim và tình trạng sức khỏe chung của người mắc phải mà bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Chứng rối loạn nhịp tim sẽ vô hại đối với một vài bệnh nhân, trong khi các trường hợp khác có khả năng đối mặt với những biến chứng đe dọa tính mạng.
Theo đó, người bị rối loạn nhịp tim thường có nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn do bệnh làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Không chỉ vậy, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng còn có thể dẫn đến suy tim hoặc thậm chí là ngừng tim (đột tử).
Người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì, kiêng gì?
Thay đổi chế độ ăn uống là một trong những biện pháp có thể giúp người bị rối loạn nhịp tim kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình. Để thực hiện điều đó, người bệnh nên tăng cường tiêu thụ một số loại thực phẩm tốt cho tim mạch bao gồm:
Thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như trứng và thịt động vật (thịt nạc, không da)
Cá chứa nhiều axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá mòi…
Các loại đậu như đậu nành, đậu thận, đậu lăng, đậu xanh, đậu mắt đen và đậu lima
Các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân
Các loại hạt như vừng, hướng dương, bí ngô, hạt lanh, hạt thông,…
Dầu thực vật, chứa nhiều chất béo không bão hòa như dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu cây rum, dầu vừng, dầu hướng dương và dầu đậu nành
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có khả năng làm tăng gánh nặng lên tim như là:
Muối ăn (natri)
Các loại thực phẩm nhiều gia vị như đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, mì ăn liền
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ và da động vật, sữa béo, phô mát
Sản phẩm có nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo ngọt, đồ ăn tráng miệng,…
Rượu bia và thức uống chứa caffeine (nước trà, cà phê)
Như vậy, qua những thông tin mà bài viết chia sẻ, hy vọng bạn đã phần nào hiểu được rối loạn nhịp tim là bệnh gì, cũng như một số phương pháp thường áp dụng trong việc cải thiện nhịp tim. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán càng sớm càng tốt. Điều này có thể giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.