Ung thư
Ung thư

Điểm danh 8 phương pháp điều trị ung thư phổi mới nhất năm 2023

Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của y học, các phương pháp điều trị ung thư phổi đang ngày càng đa dạng và tân tiến hơn. Đây là tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi - một căn bệnh ác tính có khả năng đe dọa tính mạng cao.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-29
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
1. Phẫu thuật2. Xạ trị3. Hóa trị4. Áp lạnh5. Liệu pháp quang động6. Kỹ thuật cắt bỏ u bằng nhiệt 7. Liệu pháp miễn dịch8. Liệu pháp nhắm trúng đích
Điểm danh 8 phương pháp điều trị ung thư phổi mới nhất năm 2023

Để giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn, bài viết dưới đây đã tổng hợp một số thông tin liên quan tới các phương pháp điều trị ung thư phổi mới nhất tính đến thời điểm 2023. Mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi nhé! 

1. Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật loại bỏ khối u thường là lựa chọn đầu tay ở hầu hết các trường hợp ung thư phổi giai đoạn khu trú (giai đoạn đầu ung thư phổi hay giai đoạn I và II), khi tế bào ung thư vẫn chưa lan rộng ra bên ngoài. Tùy theo vị trí, kích thước và một số đặc điểm cụ thể của khối u được tìm thấy mà phương pháp phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi có thể bao gồm các dạng chính như sau: 

  • Phẫu thuật cắt hình chêm (wedge resection): Là thủ thuật loại bỏ một phân đoạn nhỏ của phổi, nơi có chứa khối u. Phẫu thuật này thường được áp dụng với các tổn thương có kích thước nhỏ và khả năng xâm lấn thấp.
  • Phẫu thuật cắt thùy phổi (lobectomy): Chỉ định cắt bỏ thùy phổi có thể được thực hiện khi khối u khu trú trong một thùy phổi. Lúc này, thùy phổi chứa khối u sẽ được loại bỏ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ phổi (pneumonectomy): Bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ toàn bộ lá phổi nếu như khối u nằm ở vị trí trung tâm, làm ảnh hưởng đến tất cả thùy phổi cùng bên hoặc trong trường hợp khối u đã lan rộng khắp phổi.

Sau khi chẩn đoán và xem xét một số điều kiện cần thiết, các chuyên gia và/hoặc bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u ở phổi bằng một trong hai kỹ thuật phổ biến gồm có phẫu thuật mở ngực qua một vết rạch lớn hoặc phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS). 

Bệnh nhân có thể xuất viện về nhà sau 5 – 10 ngày phẫu thuật, nhưng phải cần nhiều thời gian hơn để sức khỏe được hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp điều trị ung thư phổi khác để tiêu diệt bất kỳ tế bào ác tính nào còn sót lại, giúp người bệnh ngăn ngừa nguy cơ tái phát ung thư.

2. Xạ trị

Xạ trị ung thư phổi chủ yếu là phương pháp xạ trị ngoài, bằng cách tập trung các chùm tia có bức xạ năng lượng cao từ bên ngoài cơ thể hướng đến vị trí xuất hiện khối u để tiêu diệt hoặc thu nhỏ kích thước của chúng. Quá trình xạ trị thường diễn ra trong thời gian ngắn chỉ vài phút, tuy nhiên người bệnh cần lặp lại việc điều trị nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Dựa trên kết quả chẩn đoán của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định xạ trị riêng lẻ (xạ trị triệt căn) hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư phổi khác (thường là kết hợp với hóa trị và gọi là hóa xạ đồng thời). Ở đây, xạ trị triệt căn thường được thực hiện để tiêu diệt tế bào ung thư thay thế cho phương pháp phẫu thuật trong các trường hợp khối u ung thư phổi nhỏ và khu trú nhưng người bệnh không đủ khả năng tiến hành phẫu thuật. 

Mặt khác, thu nhỏ khối u thông qua xạ trị là phương pháp điều trị chuẩn để kiểm soát tình trạng đối với những trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại vùng (giai đoạn IIIA, IIIB). Theo một số phân tích cho thấy, hiệu quả cải thiện khả năng sống sót ở người bệnh có thể được tăng lên khi kết hợp đồng thời với phương pháp hóa trị (liệu pháp hóa xạ trị). 

Ngoài ra, xạ trị ung thư phổi cũng được chỉ định sau phẫu thuật hoặc hóa trị liệu với mục đích làm giảm tỷ lệ phát triển khối u trở lại ở những bệnh nhân có nguy cơ tái phát ung thư cao. Phương pháp này cũng thường được sử dụng như một biện pháp giúp dự phòng ung thư phổi tế bào nhỏ di căn não. Một số trường hợp ung thư phổi tiến triển (giai đoạn di căn) cũng cần xạ trị để làm dịu các triệu chứng liên quan. 

Phương pháp điều trị ung thư phổi bằng xạ trị
Phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư phổi.

3. Hóa trị

Hóa trị là liệu pháp không xâm lấn được áp dụng khá phổ biến, có thể đem đến lợi ích trong hầu hết các giai đoạn của bệnh ung thư phổi. Khác với phẫu thuật hay xạ trị chỉ có hiệu quả tại một khu vực nhất định, phương pháp hóa trị sử dụng các thuốc gây độc tế bào có tác dụng toàn thân để làm giảm kích thước và tiêu diệt khối u đang hiện diện ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. 

Vai trò của phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư phổi sẽ khác nhau ở mỗi giai đoạn bệnh. Chẳng hạn như với ung thư phổi khu trú, liệu pháp hóa trị là một chỉ định tân bổ trợ để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc bổ trợ loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại sau phẫu thuật. Hoặc đôi khi được tiến hành cùng với xạ trị để kiểm soát ung thư cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật.

Trong khi đó, một số trường hợp ung thư phổi tiến triển tại vùng (giai đoạn IIIA) có thể được cân nhắc để thực hiện hóa trị thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật cắt bỏ. Riêng với bệnh nhân có ung thư di căn, hóa trị là một trong những phương pháp điều trị chính để làm chậm sự di căn, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống.

Thông thường, các thuốc hóa trị điều trị ung thư phổi (cisplatin, vinorelbine, docetaxel…) được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo từng đợt bằng đường uống hoặc đường tiêm. Mỗi đợt dùng thuốc thường sẽ kéo dài vài ngày và trung bình người bệnh có thể phải trải qua từ 4 – 6 đợt trong vòng 3 hoặc 6 tháng tùy theo chỉ định.

4. Áp lạnh

Áp lạnh là phương pháp điều trị ung thư phổi dưới tác động của nhiệt độ thấp. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng cho thấy khối u đã bắt đầu chặn đường thở dẫn đến tắc nghẽn nội khí quản, điển hình là triệu chứng ho ra máu hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác ở đường hô hấp. 

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiếp cận khối u bằng một dụng cụ đặc biệt có khả năng truyền đến nhiệt độ rất thấp. Nhiệt độ thấp sẽ gây lạnh tại chỗ và làm teo nhỏ khối u, từ đó giúp khôi phục đường thở cho bệnh nhân. 

5. Liệu pháp quang động

Một liệu pháp khác cũng có hiệu quả trong việc loại bỏ khối u đang làm tắc đường thở cho bệnh nhân ung thư phổi là liệu pháp quang động (PDT). Đây là phương pháp điều trị ung thư phổi nhờ vào cơ chế nhạy cảm ánh sáng của tế bào.

Quá trình thực hiện liệu pháp quang động gồm có 2 giai đoạn. Đầu tiên, người bệnh được tiêm một loại thuốc có tác dụng khiến cho các tế bào trong cơ thể trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng, kể cả tế bào ung thư. Giai đoạn tiếp theo diễn ra sau 1 – 3 ngày, bác sĩ sẽ tiến hành chiếu tia laser trực tiếp vào khối u thông qua kỹ thuật nội soi để tiêu diệt chúng trong khi bệnh nhân đang được gây mê toàn thân.

Liệu pháp quang động đôi khi cũng được chỉ định điều trị ở những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu mà không thực hiện được phẫu thuật vì bất kỳ lý do nào.

Bài viết liên quan:

6. Kỹ thuật cắt bỏ u bằng nhiệt

Sử dụng năng lượng nhiệt từ sóng cao tần (RFA) hoặc vi sóng (MWA) để đốt nóng và tiêu hủy khối u là phương pháp điều trị ung thư phổi có thể được chỉ định đối với các trường hợp sau:

  • Ung thư phổi giai đoạn đầu không thể tiến hành phẫu thuật
  • Khối u phát triển với kích thước lớn gây khó khăn cho việc phẫu thuật
  • Cần thu nhỏ kích thước khối u trước khi bắt đầu hóa trị hoặc xạ trị

Bài viết liên quan: 

7. Liệu pháp miễn dịch

Hệ miễn dịch là một “chiến binh” tuyệt vời của cơ thể trong việc đấu tranh chống lại các yếu tố gây hại. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi đối mặt với bệnh lý ung thư bởi vì hầu hết các tế bào ác tính đều có khả năng tạo ra những protein đặc biệt để “ngụy trang” trước hệ miễn dịch. Không chỉ vậy, theo thời gian, chúng còn làm suy yếu khả năng tấn công của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. 

Vì vậy, liệu pháp điều trị miễn dịch ung thư phổi được tiến hành với mục tiêu chủ yếu là khôi phục sức mạnh cho hệ miễn dịch, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp hệ miễn dịch trong cơ thể dễ dàng nhận biết và tiêu diệt khối u. Cụ thể trong phương pháp này, một số loại thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ miễn dịch (pembrolizumab, nivolumab…) sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân thông qua đường tiêm truyền với thời gian cần thiết cho mỗi liều thuốc là khoảng 30 – 60 phút. 

Phần lớn các trường hợp được chỉ định điều trị miễn dịch là khi tế bào ung thư phổi đã tiến triển tại vùng hoặc có dấu hiệu lan rộng đến các bộ phận khác. Căn cứ vào diễn biến thực tế của bệnh mà liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi có thể được đề nghị lặp lại nhiều lần cách nhau từ 2 – 4 tuần để duy trì hiệu quả hoặc đôi khi có thể kết hợp với hóa trị liệu. 

Phương pháp điều trị ung thư phổi bằng liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch để chống lại ung thư.

8. Liệu pháp nhắm trúng đích

Tương tự như liệu pháp miễn dịch và hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích (hay liệu pháp nhắm mục tiêu) cũng là một phương pháp điều trị ung thư phổi bằng cách sử dụng thuốc có tác dụng phá hủy tế bào ác tính để làm chậm sự lây lan ung thư.

Khác biệt lớn nhất ở đây là các thuốc điều trị nhắm trúng đích ung thư phổi đều được thiết kế để tập trung tấn công vào những yếu điểm cụ thể (protein) trên tế bào ung thư, từ đó nhanh chóng tiêu diệt chúng. Một số loại thuốc nhắm trúng đích thường gặp là cetuximab, gefitinib, erlotinib, afatinib…

Mặc dù có khả năng tìm kiếm và ức chế tế bào ung thư ở khắp cơ thể nhưng liệu pháp nhắm trúng đích thường chỉ được áp dụng để điều trị cho những bệnh nhân có chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn tiến triển hoặc tái phát.

Bên cạnh đó, hầu hết bệnh nhân ung thư phổi sẽ có nhiều nguy cơ đối mặt với các triệu chứng đau và khó chịu liên quan đến sự tiến triển của khối u, cũng như tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư phổi. Vì vậy, chăm sóc giảm nhẹ là biện pháp được khuyến nghị thực hiện để giảm thiểu các vấn đề này, giúp bệnh nhân duy trì trạng thái thoải mái trong và sau khi trải qua các đợt điều trị.

Người thân và gia đình nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia sức khỏe về việc lựa chọn biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân càng sớm càng tốt, ngay khi bệnh ung thư phổi được chẩn đoán. Bởi vì nghiên cứu cho thấy, điều này có thể nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày, đồng thời cải thiện tâm trạng và giúp bệnh nhân sống lâu hơn. 

Trên đây là các phương pháp điều trị ung thư phổi mới nhất đang được áp dụng mà bài viết muốn chia sẻ đến bạn. Như chúng ta đã biết, ung thư phổi là căn bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị sớm và phù hợp. Vì thế, bạn đừng nên chủ quan khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào của bệnh. Bên cạnh đó, hãy tích cực thực hiện theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ nếu chẳng may mắc bệnh nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay
Ung thư

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay

Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết
Ung thư

Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết

Ung thư vú giai đoạn cuối: Làm gì để kéo dài tuổi thọ, bớt đau đớn? Ung thư vú giai đoạn cuối: Làm gì để kéo dài tuổi thọ, bớt đau đớn?
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn cuối: Làm gì để kéo dài tuổi thọ, bớt đau đớn?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK